KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
Quyển 462
__________________________________________________ ______________________________________


Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Vì sao có hai gọi là có sở đắc? Và vì sao không hai gọi là không sở đắc?

Phật bảo Thiện Hiện:

- Nhãn căn, sắc trần là hai cho đến ý căn, pháp trần là hai. Hữu sắc, vô sắc là hai. Hữu kiến, vô kiến là hai. Hữu đối, vô đối là hai. Hữu lậu, vô lậu là hai. Hữu vi, vô vi là hai. Thế gian, xuất thế gian là hai. Sanh tử, Niết-bàn là hai. Pháp phàm phu, phàm phu là hai. Pháp Dự lưu, Dự lưu là hai, cho đến Độc giác Bồ-đề, Độc giác là hai. Hạnh Đại Bồ-tát, và Đại Bồ-tát là hai. Quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của Phật và Phật là hai. Tất cả các pháp có hý luận như vậy đều là hai. Các pháp có hai đều có sở đắc.

Thiện Hiện! Chẳng phải nhãn, chẳng phải sắc là không hai, cho đến chẳng ý, chẳng pháp là không hai. Như vậy cho đến chẳng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của Phật, và chẳng Phật là không hai. Tất cả các pháp lìa hý luận như vậy đều gọi là không hai. Các pháp không hai đều không sở đắc.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch:

- Bạch Thế Tôn! Vì có sở đắc nên không sở đắc, hay vì không sở đắc nên không sở đắc?

Phật bảo Thiện Hiện:

- Chẳng phải vì có sở đắc nên không sở đắc, cũng chẳng phải vì không sở đắc nên không sở đắc. Nhưng có sở đắc không sở đắc đều có tánh bình đẳng gọi là vô sở đắc. Như vậy Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát cần phải siêng tu học đối với tánh bình đẳng có sở đắc, không sở đắc. Thiện Hiện! Lúc các Đại Bồ-tát học như vậy thì gọi là học Bát-nhã ba-la-mật-đa không sở đắc.

Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Lúc hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, nếu Đại Bồ-tát không vướng mắc có sở đắc, không vướng mắc không sở đắc thì làm sao Đại Bồ-tát này có thể tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, đi từ địa này đến địa khác lần lần được viên mãn? Nếu không đi từ địa này đến địa khác lần lần được viên mãn thì làm sao có thể đạt được trí nhất thiết trí?

Phật bảo Thiện Hiện:

- Lúc thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, các Đại Bồ-tát chẳng trụ nơi có sở đắc để thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thì có thể từ địa này đến địa khác lần lần được viên mãn và đạt được trí nhất thiết trí, chẳng trụ nơi vô sở đắc để có thể hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa thì đi từ địa này đến địa khác lần lần được viên mãn và đạt được trí nhất thiết trí. Vì sao? Thiện Hiện! Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa vô sở đắc, trí nhất thiết trí cũng vô sở đắc, người hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa cũng vô sở đắc, vô sở đắc này cũng vô sở đắc. Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát nên thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như vậy.