KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
Quyển 463
__________________________________________________ ______________________________________


Lại nữa, Thiện Hiện! Giả sử tất cả hữu tình đầy khắp ba ngàn đại thiên thế giới đều hành Bồ-đề hướng, lượng phước mà các Đại Bồ-tát này đạt được so với phước của một vị Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác có được thì không bằng một phần trăm, một phần ngàn, như vậy cho đến không bằng một phần trăm ngàn, trăm ức muôn ức.

Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ-tát mới phát tâm quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề tư duy những gì?

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Đại Bồ-tát này thường tư duy về trí nhất thiết trí.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Trí nhất thiết trí lấy gì làm tánh? Lấy gì làm sở duyên? Lấy gì làm tăng thượng? Lấy gì làm hành tướng? Lấy gì làm tướng?

Phật bảo Thiện Hiện:

- Trí nhất thiết trí lấy vô tánh làm tánh, bởi vì nó không tướng, không nhân, không chỗ cảnh giác, không sinh, không hiện. Còn vấn đề ông hỏi trí nhất thiết trí lấy gì làm sở duyên, lấy gì làm tăng thượng, lấy gì làm hành tướng, lấy gì làm tướng ấy, này Thiện Hiện! Trí nhất thiết trí lấy vô tánh làm sở duyên, lấy chánh niệm làm tăng thượng, lấy tịch tịnh làm hành tướng, lấy pháp giới làm tướng.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Chỉ có trí nhất thiết trí lấy vô tánh làm tánh, hay sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng lấy vô tánh làm tánh. Nhãn xứ cho đến ý xứ cũng lấy vô tánh làm tánh. Sắc xứ cho đến pháp xứ cũng lấy vô tánh làm tánh. Nhãn giới cho đến ý giới cũng lấy vô tánh làm tánh. Sắc giới cho đến pháp giới cũng lấy vô tánh làm tánh. Nhãn thức giới cho đến ý thức giới cũng lấy vô tánh làm tánh. Nhãn xúc cho đến ý xúc cũng lấy vô tánh làm tánh. Các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra cho đến các thọ do ý xúc làm duyên sanh ra cũng vô tánh làm tánh. Địa giới cho đến thức giới cũng lấy vô tánh làm tánh. Nhân duyên cho đến tăng thượng duyên cũng lấy vô tánh làm tánh. Vô minh cho đến lão tử cũng lấy vô tánh làm tánh. Bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa cũng lấy vô tánh làm tánh. Pháp nội Không cho đến pháp vô tính tự tính Không cũng lấy vô tánh làm tánh. ...