KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐAQuyển 460__________________________________________________ ______________________________________
Sau khi nghĩ như vậy Đại Bồ-tát này bố thí tất cả các vật ở trong lẫn ngoài cho các hữu tình. Sau khi đã bố thí, vị ấy lại nghĩ: Đối với bên trong lẫn bên ngoài ta đều không có bố thí gì cả. Vì sao? Các vật ở trong ngoài này đều không có tự tánh, không thể chấp bố thí, chẳng có gì thuộc của ta. Do quán sát như vậy, Đại Bồ-tát này tu hành bố thí Ba-la-mật-đa sớm được viên mãn và mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Vì muốn giải thoát các hữu tình ra khỏi biển khổ sanh tử, Đại Bồ-tát này trọn không phạm giới. Vì sao? Đại Bồ-tát này thường nghĩ: Vì muốn giải thoát tất cả hữu tình ra khỏi nỗi khổ sanh tử cầu đạt đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, ta quyết định không nên giết hại các sanh mạng cho đến tà kiến, cũng quyết định không nên cầu cảnh dục vi diệu, cầu sự giàu có vui vẻ của cõi trời, cầu làm Đế Thích, Ma vương, Phạm vương, cũng quyết định không nên cầu làm Thanh văn, Độc giác, chỉ tự giải thoát.
Nhờ quán sát như vậy, nên Đại Bồ-tát này tu hành tịnh giới Ba-la-mật-đa mau được viên mãn và mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Vì muốn cứu các hữu tình thoát khỏi nỗi khổ sanh tử, Đại Bồ-tát này không bao giờ phát tâm sân hận. Giả sử thường bị hủy báng lăng nhục, quở mắng chua cay, đau đớn thấu tim, tủy, vị ấy cũng không bao giờ phát sanh một niệm sân hận. giả sử thường bị các vật như dao, gậy, ngói, đá, đất cục v.v… đánh đập thân thể, cắt chặt đâm chém, mổ xẻ các bộ phận, vị ấy cũng không phát sanh một tâm niệm ác. Vì sao? Đại Bồ-tát này quán tất cả âm thanh như tiếng vang, sắc như chùm bọt nước, không nên vọng khởi sân hận đối với chúng, làm hư hoại các phẩm chất tốt. Nhờ quan sát như vậy, Đại Bồ-tát này tu hành an nhẫn Ba-la-mật-đa sớm được viên mãn và mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Vì muốn giải thoát nỗi khổ sanh tử cho các hữu tình, Đại Bồ-tát này siêng năng cầu tất cả các pháp lành thù thắng. Trong thời gian từ lúc mới phát tâm cho đến khi đạt quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, vị ấy thường không biếng nhác. Vì sao? Đại Bồ-tát này thường suy nghĩ: Nếu ta giải đãi thì không thể cứu vớt tất cả hữu tình giúp họ vĩnh viễn lìa khỏi nỗi khổ lớn sanh tử, cũng không thể đạt được trí nhất thiết trí. Do quan sát như vậy, Đại Bồ-tát này tu hành tinh tấn Ba-la-mật-đa sớm được viên mãn và mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Vì muốn cứu các hữu tình thoát khỏi khổ sanh tử, Đại Bồ-tát này tu các định thù thắng, cho đến khi đạt được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề vị ấy không bao giờ phát sanh tâm rối loạn tương ưng với tham, sân, si. Vì sao? Đại Bồ-tát này thường nghĩ: Nếu ta phát sanh tâm rối loạn tương ưng với tham, sân, si v.v... thì không thể thành tựu việc lợi lạc người khác, cũng không thể chứng Phật quả mà ta mong cầu. Do quan sát như vậy, Đại Bồ-tát này tu hành tịnh lự Ba-la-mật-đa sớm được viên mãn và mau chứng quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.