KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐAQuyển 456__________________________________________________ ______________________________________
LXIV. PHẨM KIÊN CỐ CHẲNG KIÊN CỐ 01
Khi ấy, Xá-lợi Tử hỏi Thiện Hiện:
- Các vị Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa là thực hành pháp kiên cố hay thực hành pháp chẳng kiên cố.
Thiện Hiện đáp:
- Các vị Đại Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa là thực hành pháp chẳng kiên cố, không thực hành pháp kiên cố. Vì sao? Xá-lợi Tử! Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa cho đến bố thí Ba-la-mật-đa chẳng phải là pháp bền chắc, pháp nội Không cho đến pháp vô tính tự tính Không chẳng phải là pháp bền chắc, chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì chẳng phải là pháp bền chắc, Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo chẳng phải là pháp bền chắc, bốn niệm trụ cho đến tám chi thánh đạo chẳng phải là pháp bền chắc, bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc chẳng phải là pháp bền chắc, tám giải thoát cho đến mười biến xứ chẳng phải là pháp bền chắc, pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện chẳng phải là pháp bền chắc, Cực hỷ địa cho đến Pháp vân địa chẳng phải là pháp bền chắc, tất cả pháp môn Đà-la-ni, pháp môn Tam-ma-địa chẳng phải là pháp bền chắc, năm loại mắt, sáu phép thần thông chẳng phải là pháp bền chắc, mười lực Như Lai cho đến mười tám pháp Phật bất cộng chẳng phải là pháp bền chắc, pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả chẳng phải là pháp bền chắc, trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng chẳng phải là pháp bền chắc, tất cả các hạnh của Đại Bồ-tát chẳng phải là pháp bền chắc, quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề của chư Phật chẳng phải là pháp bền chắc, trí nhất thiết trí cũng chẳng phải là pháp bền chắc. Vì sao? Vì lúc thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa Đại Bồ-tát không thấy có sự chẳng bền nào có thể nắm bắt huống gì thấy có sự bền chắc có thể nắm bắt.
Như vậy cho đến lúc thực hành trí nhất thiết trí, đối với trí nhất thiết trí sự chẳng bền không thể nắm bắt họ còn không thấy, huống gì là thấy có sự bền chắc có thể nắm bắt.
Khi ấy, vô lượng chư Thiên ở cõi dục giới và sắc giới đều nghĩ: Các thiện nam tử, thiện nữ nhơn thuộc Bồ-tát thừa có thể phát tâm quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề thực hành theo nghĩa lý mà Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa đã nói, không chứng đắc pháp tánh bình đẳng của thực tế, không dừng lại ở địa vị Thanh văn, Độc giác, vì vậy các thiện nam tử, thiện nữ nhơn này thật là hiếm có, làm được việc khó làm, đáng được lễ lạy.
Khi ấy, biết ý nghĩ của chư thiên, Thiện Hiện liền bảo họ:
- Thiện nam tử, thiện nữ nhơn này không chứng đắc pháp tánh bình đẳng của thực tế, không dừng lại ở địa vị Thanh văn, Độc giác thì chẳng phải rất hiếm có, cũng chưa phải là khó làm. Đại Bồ-tát nào biết tất cả các pháp và các hữu tình đều bất khả đắc nhưng vẫn phát tâm quả vị Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, mặc áp giáp tinh tấn, nguyện độ vô lượng, vô biên hữu tình giúp họ nhập vào cảnh giới Vô dư bát Niết-bàn thì Đại Bồ-tát này mới thật hiếm có, có thể làm việc khó làm.