PHÁP HOA HUYỀN NGHĨA PHẨM ĐỀ-BÀ-ĐẠT-ĐA THỨ 12.
__________________________________________________ ______________________________________
Huyền nghĩa:
Đứng về mặt mạch kinh mà bàn, đáng lẽ phẩm “Đề-Bà-Đạt-Đa” này nằm chung trong phẩm “Hiện Bảo-Tháp” mới phải, vì câu chuyện Phật Đa-Bảo chưa dứt.
Ai có đọc lịch-sử đức Phật Thích-Ca, đều biết Đề-Bà-Đạt-Đa là một người ganh tị và ác độc, mấy phen mong làm hại Phật mà không được. Thế mà xưa kia là thiện-tri-thức (bạn lành) của Phật và trong vị lai lại sẽ thành Phật hiệu là Thiên-Vương, nước hiệu là Thiện-Đạo.
Ai ở đời mà không có kẻ thù? Nhưng đừng xem đó là kẻ thù mà là bạn lành, vì có kẻ chọc cho chúng ta nóng giận, chúng ta mới có dịp học đức nhẫn-nhục. Do đây Phật đưa ra câu chuyện vị Tiên, nói Kinh Diệu-Pháp trong thời quá-khứ và vị tiên ấy là Đề-Bà-Đạt-Đa.
Lại nữa, không ai ác hoài, ác riết rồi cũng có lúc thành thiện. Bởi cớ Kinh nói Đề-Bà-Đạt-Đa sẽ thành Phật lấy hiệu là Thiện-Vương, mà Vua cõi Trời lẽ cố nhiên phải là người thiện tột bậc. Nước của Phật có tên là Thiện-Đạo. Ý Kinh muốn nói tâm của người ác (nước) đã hướng theo con đường thiện.
Người ác trở thành thiện là một gương thức tỉnh cho biết bao chúng-sanh khác. Vì ý này nên Kinh nói Phật Thiên-Vương, trong lúc hiện tiền cũng như sau khi nhập Niết-bàn, độ rất nhiều người.
Thí-dụ trên hơi khó hiểu, khó tin, cho nên Phật dạy: “Trong vị lai, ai nghe phẩm này mà tin chắc, không nghi ngờ, thời không đoạ vào ba đường ác và được sanh sang các nước Phật”. Ví sao? Nghe phẩm này mà tin, là tin con người có thể cải ác tùng thiện, là tin tự mình có khả-năng hoán cải đời mình. Có tin là có làm, có làm cho nên hết ác (ra khỏi ba đường ác). Hết ác thời phải thành thiện, thành trong sạch (sanh về các nước Phật). Lại còn nghe được Kinh Diệu-Pháp, là còn có cơ nghe nói đến Chân-lý.
-------------
Ông Mai Thọ Truyền giảng giải như vầy là còn lùng quấn trong Thiện và Ác (Nhân Thiên Thừa). Dụng độ của Phẩm Đề Bà Đạt Đa này là nói : Đề Bà Đạt Đa hay tất cả chúng sanh _ dầu Thiện dầu Ác _ đều BÌNH ĐẲNG trong cơn Đại Mộng này. Tất cả chỉ như nhân vật hoạt hình, tất cả đều không thật, đã là nhân vật ảo như nhau; Sa môn Cồ Đàm đóng vai Phật được thì Đề Bà Đạt Đa cũng có thể đóng vai Phật, nàng Long nữ 8 tuổi cũng có thể đóng vai Phật. Chỉ là chuyện trong Mơ, chuyện trong phim thôi, chẳng có gì quan trọng lắm.
Khi chúng ta nhìn "hoa đốm" thấy nó "thăng" (bay lên) hay nó "giáng" (hạ xuống) cũng chẳng có gì quan trọng cả. Không phải hoa đốm bay lên là Hay, bay xuống là Dở đâu ! Cả hai trường hợp đều đồng giá trị ảo giác như nhau cả.
Ngọc Quế.