DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 2/11 ĐầuĐầu 1234 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 11 tới 20 của 109
  1. #11
    Avatar của Ngọc Quế
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    422
    Thanks
    518
    Thanked 1.880 Times in 296 Posts
    PHÁP HOA HUYỀN NGHĨA
    PHẨM TỰA THỨ NHẤT
    __________________________________________________ ______________________________________


    Thêm vào việc nói Kinh Vô-Lượng-nghĩa và nhập định Vô-lượng-nghĩa, Phật còn phóng quang để cho chúng-sanh sáng mắt thấy ba cõi tuy khác, nhưng đều chung ở trong một nguồn ánh sáng tượng trưng ở đây bằng luồng hào-quang từ giữa đôi mày phóng ra. Nguồn Ánh-sáng ấy là Thể, là Tâm. Do đây mà có câu: “Nhất thế do tâm tạo”.

    Cho chúng-sanh thấy để dễ tin lời Phật sắp nói. Đoạn chót bài trùng-tuyên của Văn-Thù có câu: “Kim Phật phóng quang-minh, trợ phát thực tướng nghĩa”[1] là nghĩa đó.

    Thực-tướng là chân-cảnh, mà chân-cảnh là Chân-lý tuyệt đối vậy.

    Lấy cái biết của thế-nhân mà muốn biết cảnh này, không sao biết được (phi tâm-thức khả tri). Mà không phải người Trí cũng không hiểu được (phi Trí bất nhập).

    Vậy muốn học Kinh Diệu-Pháp phải “triệt lục căn tứ đại chướng ngại”[2]. Còn 8 vương-tử phải theo cha xuất gia, nghĩa là kiến Tánh chưa đủ, phải sửa 8 thức theo Tánh mới được: Tánh quy, Thức quy.

    Phẩm đầu lấy tên là Phẩm Tự mà E. Burnouf dịch là: Le sujet (đề tài).

    Vậy đề tài của Kinh Diệu-Pháp như thế nào?

    Đề tài ấy là: Chỉ Thật-tướng Chân-cảnh (montrer le monde de la Réalité) và cảnh đó là cảnh của Chân Tâm vậy.




    [1] Nay Phật phóng hào-quang sáng, là để giúp sự khai phát nghĩa của Thực-tướng.
    [2] Phải xô ngã những chướng ngại do 6 căn của thân”tứ đại” dựng lên.



    NAM MÔ BẤT ĐỘNG QUANG MINH

  2. The Following User Says Thank You to Ngọc Quế For This Useful Post:

    trangsoiduong (03-31-2017)

  3. #12
    Avatar của Ngọc Quế
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    422
    Thanks
    518
    Thanked 1.880 Times in 296 Posts
    PHÁP HOA HUYỀN NGHĨA
    PHẨM PHƯƠNG TIỆN THỨ HAI
    __________________________________________________ ______________________________________


    PHẨM THỨ HAI

    PHƯƠNG TIỆN (L'habileté des moyens)


    Lúc bấy giờ đức Thế-Tôn xuất định và nói với Xá-lợi-Phất: “Trí huệ” (Sagesse, Science) của các đức Phật rất sâu, vô lượng, khó hiểu, khó vào, dầu là hàng Thanh-văn, Bích-chi-Phật cũng vậy. Tại sao thế?

    “Vì trí-huệ ấy là kết-quả của sự gần-gũi trăm nghìn muôn ức Phật, của sự trọn tu vô lượng đạo-pháp Phật (discipline de Bouddha), của sự dõng-mãnh, tinh-tấn, của sự hiểu biết trọn vẹn các pháp (lois) rất sâu. Vì sâu khó như thế cho nên các đức Phật phải dùng lời nói khó hiểu mà nói và dùng vô số phương-tiện dìu dắt chúng-sanh làm cho xa lìa lòng chấp. Nhưng thôi, không nói thêm nữa làm gì, vì chỉ có Phật cùng Phật mới có thể thấu tột chân-tướng của các pháp”


    Các hàng Thanh-văn, La-hán và tứ-chúng đều lấy làm lạ, không biết tại sao hôm ấy Phật lại ân cần nói đến cái khó của Pháp và ca ngợi những phương-tiện như thế. Đến như vấn-đề Giải-thoát thì nhờ Phật dạy từ trước tới đó, tất cả đều được Giải-thoát và chứng Niết-bàn, cớ sao nay Phật còn đề-cập đến nữa?

    Xá-lợi-Phất biết tứ-chúng có chỗ nghi trong lòng, và chính ông cũng chưa rõ lời Phật nói. Ông liền xin Phật giải thích.

    Phật từ chối bảo: “Thôi thôi! Chẳng nên nói nữa, vì nếu nói ra thì tất cả Trời, Người đều kinh sợ”.

    Xá-lợi-Phất lại tha thiết cầu xin hai lần nữa. Đến lượt thứ ba, Phật mới nhận lời: “Ông đã ba phen thưa thỉnh, tôi không thể không nói. Vậy hãy lóng nghe và suy nghĩ cho khéo”.

    Phật vừa dứt lời là trong Pháp-hội, 5.000 tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di đứng dậy lễ Phật rồi lui, vì họ tưởng rằng đã chứng đạo rồi, không cần nghe.

    Thế-Tôn yên lặng không ngăn cản và bảo Xá-lợi-Phất: “Thế là trong chúng ta đây còn rặt hột chắc (giống tốt, hột to). Họ đi như thế là hay. Vậy ông nên khéo nghe lời tôi nói.



    NAM MÔ BẤT ĐỘNG QUANG MINH

  4. The Following User Says Thank You to Ngọc Quế For This Useful Post:

    nguoi ao lam (04-02-2017)

  5. #13
    Avatar của Ngọc Quế
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    422
    Thanks
    518
    Thanked 1.880 Times in 296 Posts
    PHÁP HOA HUYỀN NGHĨA
    PHẨM PHƯƠNG TIỆN THỨ HAI
    __________________________________________________ ______________________________________


    “Pháp mầu, các đức Phật khi đúng thời mới nói, như hoa linh thoại, đến thời-tiết mới trỗ một lần”.

    “Pháp ấy không phải lấy óc suy lường, phân biệt mà hiểu được, vì vậy phải dùng vô số phương-tiện như nhân-duyên, lời-lẽ, thí-dụ mà diễn nói”.

    “ Các đức Phật ra đời chỉ vì một duyên cớ là:

    -Khai mở tri-kiến của Phật.

    -Chỉ cho chúng-sinh thấy.

    -Khiến chúng-sinh nhận rõ.

    -Làm cho chúng-sinh thực chứng vào tri-kiến ấy, tức là thành Phật.


    “ Vậy chỉ có một cỗ xe (thặng thường đọc là thừa), cỗ xe chở đến chỗ thành Phật; không có cỗ xe nào khác, cũng không có hai ba cỗ khác nhau. Ba đời chư Phật (quá-khứ, hiện-tại, vị-lai) đều dạy như vậy và chúng-sinh nghe hiểu đều thành Phật. Nhưng vì gặp đời ô-trược (kiếp trược, chúng-sinh trược, kiến trược, mệnh trược, phiền-não trược) cho nên Phật phải quyền nói ba “cỗ xe” (ba Thừa).

    “ Lý “nhất thừa” tuy dành cho hàng Bồ-tát, nhưng nếu La-hán và Duyên-giác mà không cố hiểu thì chẳng phải đệ-tử Phật. Tưởng mình đã chứng Niết-bàn mà không tin pháp “Nhất thừa” là Tăng-thượng-mạn, là chưa thực chứng La-hán”.


    Thế-Tôn nhắc lại những đắn đo khi Ngài muốn đem trí-huệ tuyệt luân của Ngài ra dạy đời, lúc Ngài mới đắc đạo dưới gốc Bồ-đề, suốt 21 ngày, Ngài suy nghĩ: Tri-kiến, trí-huệ của Ngài bậc nhất, còn chúng-sinh thì bị tham vui, mê muội làm mù, làm thế nào hiểu được. Chư Thiên thấy vậy, cung kính lễ bái, ai cầu Thế-Tôn “Chuyển pháp luân”.

    Thế-Tôn bèn suy nghĩ tiếp: Nếu đem “Phật-thừa” (Chân lý Tuyêt đối) ra nói thì làm sao chúng sinh tin được, và như thế là làm cho chúng-sinh rơi vào ba nẻo Ác, chìm mãi trong biển khổ. Nhớ lại lối phương-tiện hoá-độ của chư Phật trong quá khứ, Thế-Tôn bèn phân biệt giáo pháp thành ba Thừa để cho hạng trí kém, không dám tự tin sẽ thành Phật, đều được độ.

    Nhưng Phật ra đời là để chỉ bày chân-lý cứu-cánh chứ chẳng phải để dùng những pháp phương-tiện mãi. Nay xét đã đến lúc, nên Thế-Tôn quyết định đem Phật-thừa ra dạy.

    Tuy nhiên đừng tưởng những việc làm tầm thường như tu lục độ, cúng dường xá-lợi, tạo tháp, tô tượng, niệm Phật, nghe Pháp là sai với nẽo Giải-thoát. Đó là những bước tiến trên “Đường Phật”.



    NAM MÔ BẤT ĐỘNG QUANG MINH

  6. The Following User Says Thank You to Ngọc Quế For This Useful Post:

    nguoi ao lam (04-02-2017)

  7. #14
    Avatar của Ngọc Quế
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    422
    Thanks
    518
    Thanked 1.880 Times in 296 Posts
    PHÁP HOA HUYỀN NGHĨA
    PHẨM PHƯƠNG TIỆN THỨ HAI
    __________________________________________________ ______________________________________


    Huyền nghĩa:

    Sự giác-ngộ của Phật là Vô-thượng, trí-huệ của Phật là vô lượng, vô biên, cái thấy biết của Phật là Tuyệt đối.

    Cái thấy biết đó là gì ?

    Là “Tất cả là một, tất cả chúng-sinh đều từ Phổ-Quang Minh Trí (nguồn ánh-sáng bao trùm vũ-trụ vô biên cũng vừa là trí-huệ sáng ngời: Lumière omniprésente- Intelligence éclairante) mà ra, tất cả sẽ trở về với Ánh-sáng Trí-huệ ấy, tức là thành Phật”

    Nhưng sự thật một trăm phần trăm đó, khó hiểu, khó nhận. Nói ra chỉ làm cho chúng-sinh kinh khủng, không tin, như thế là làm cho chúng-sinh càng sa đoạ vào nẻo ác, chìm sâu trong biển khổ.

    Nhưng không nói không được, vì lý do xuất thế của chư Phật là phát-minh sự thật ấy cho chúng-sinh biết đường mà quay đầu đổi hướng.

    Chúng-sinh khó thấy biết như Phật chỉ vì chúng-sinh sống vào một kiếp ô-trược truỵ-lạc (kiếp trược), vì chúng-sinh bị bụi đời làm hoen-ố cái căn-bản lành sạch của mình (chúng-sinh trược), vì cái thấy của chúng-sinh bị vọng hoặc quá nhiều (kiến trược), vì đời sống của chúng-sinh quá thiên về dục-lạc thành đen tối (mệnh trược), vì chúng-sinh quá nhiều phiền-não (phiền-não trược).

    Bệnh đã nặng như thế, Phật không thể cho chúng-sinh uống phương thần dược quá mạnh bằng cách nói sự thật, mà phải dùng phương-tiện, nghĩa là lấy thuyết nhân duyên, lấy lời nói, dùng thí-dụ mà khiến chúng-sinh lần lần xa lìa lòng chấp (attachements) để khi thời cơ đến, đem Chân-lý Tuyệt đối ra nói.

    Đại cương pháp phương-tiện ở điểm vì chúng-sinh sợ khổ mà cảnh thế-gian lại là cảnh khổ, cho nên Phật mới đưa ra một cảnh ngược lại là Niết-bàn an vui. Đó là một sự quyền biến, tạm bợ để dẫn dắt chúng-sinh từ thấp lên cao, từ dễ tới khó.

    Đến như chia có cấp bậc như Thanh-văn, Duyên-giác, Bồ-tát, ấy cũng tạm mà dạy vậy thôi. Không có ba thứ xe chở chúng-sinh đến mút con đường Đạo, mà chỉ có một chiếc xe (Nhất thặng hay Nhất thừa). Chiếc xe ấy là chiếc xe Phật.

    Những chiếc xe tạm gọi là Thanh-văn, Duyên-giác, Bồ-tát, thật ra là chiếc xe Phật vừa nói. Bất quá đó là những giai đoạn của một con đường dài nhất.

    Có những việc xem tầm thường như tu Lục độ, sửa tâm cho mềm dẻo, cúng dường Xá-lợi, tô tượng, tạo tháp, niệm Phật, nghe Pháp. Nhưng đó cũng là “Phật thừa”, vì đó là những bước hướng về Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác.

    Vậy nên tin, nên mừng: tất cả sẽ thành Phật đạo.

    Đem Phật thừa ra dạy là chỉ cái gốc Cứu-cánh, chỗ đến cho tất cả chúng sinh thấy trước "Bờ Giác" như thế nào !



    NAM MÔ BẤT ĐỘNG QUANG MINH

  8. The Following User Says Thank You to Ngọc Quế For This Useful Post:

    nguoi ao lam (04-02-2017)

  9. #15
    Avatar của Ngọc Quế
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    422
    Thanks
    518
    Thanked 1.880 Times in 296 Posts
    PHÁP HOA HUYỀN NGHĨA
    PHẨM THÍ DỤ (La Parabole) THỨ BA
    __________________________________________________ ______________________________________


    PHẨM THỨ BA

    THÍ DỤ (La Parabole)


    Lúc bấy giờ, Xá-lợi-Phất hớn hở vui mừng, liền đứng dậy cung kính bạch Phật: “Hôm nay con được nghe mấy lời Phật dạy, thật là việc chưa từng có. Bao nhiêu nghi ngờ của con đã dứt sạch. Trước kia con thường tự hỏi: Phật cũng ở trong Pháp-tánh như mình, cớ sao Phật được là Phật còn mình lại không? Vậy ra mình đã mất cái khả-năng thành Phật của mình rồi sao? Nay nghe Phật dạy, con mới hiểu rằng Phật đã tuỳ nghi mà dạy bảo.

    - Vì xưa con thấy sai, hiểu lầm (tà kiến), nên Phật để trừ tà-kiến ấy, phải tạm đem cảnh Niết-bàn ra mà dụ dẫn con (phương-tiện).

    - Kế đó, tà-kiến trừ được, con không còn tham Niết-bàn và đạt đến cái lý “Không” chân thật, con tự cho là đã “diệt độ” rồi.

    - Nay con mới hiểu rằng như thế cũng chưa diệt độ hoàn toàn. Thật diệt độ là khi nào đạt đến chỗ thành Phật, đủ 32 tướng tốt và làm Thầy của Trời, Người.


    Xá-lợi-Phất nói tiếp: “Lúc mới nghe Phật nói con sẽ thành Phật, con thật nghi ngờ và tự hỏi Ma giả Phật để não loạn lòng con. Nhưng sau nhờ thí-dụ của Phật, con mới hết nghi, và tin quả quyết rằng con sẽ thành Phật”.

    Phật bèn nói với Xá-lợi-Phất: “Tôi xưa kia đã từng giáo hoá ông, đã từng dìu dắt ông trên đường thành Phật, nhưng ông lại quên mà tưởng là được diệt độ trong khi chưa tới đích. Tuy nhiên, tôi nói trước cho ông biết, trong vị-lai vô lượng số kiếp, ông sẽ thành Phật hiệu là Hoa-Quang Như-Lai, nước tên Ly-Cấu, kiếp tên Đại-Bảo Trang-Nghiêm”.

    Thính chúng thấy Phật “thọ ký” cho Xá-lợi-Phất lấy làm vui mừng hớn hở.



    NAM MÔ BẤT ĐỘNG QUANG MINH

  10. The Following User Says Thank You to Ngọc Quế For This Useful Post:

    nguoi ao lam (04-02-2017)

  11. #16
    Avatar của Ngọc Quế
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    422
    Thanks
    518
    Thanked 1.880 Times in 296 Posts
    PHÁP HOA HUYỀN NGHĨA
    PHẨM THÍ DỤ (La Parabole) THỨ BA
    __________________________________________________ ______________________________________


    Xá-lợi-Phất bèn thưa: “Trước kia Phật dạy hễ lìa sanh, già, bệnh, chết là đến Niết-bàn. Các hàng Thanh-văn hiện diện đã nghe và làm theo, ai cũng tưởng là đã được Niết-bàn rồi. Nay Phật lại đưa ra một giáo-pháp mới chưa ai từng nghe, là Niết-bàn ấy chưa phải rốt-ráo, mà rốt-ráo là phải thành Phật, con sợ hàng Thanh-văn còn chỗ nghi ngờ. Cúi xin Thế-Tôn giải thích”.

    Phật đáp: “Trước đây, tôi há chẳng nói rằng tất cả các giáo-pháp đã dạy đều là phương-tiện đưa đến Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác sao? Nhưng thôi, để cho bậc trí hiểu được, tôi có cái thí-dụ này:

    “Có một ông nhà giàu to, tuổi đã già suy. Nhà cửa ông rộng lớn, sức chứa nhiều người, trong số có các con của ông, nhưng phải cái nguy là nhà ấy mục nát, rắn rít rất nhiều thêm nỗi đang bị lửa cháy mà cửa ra thì chỉ có một cái, lại bé hẹp.

    Ông lão đứng ngoài, lo sợ cho các con, muốn xông vào cứu chúng, nhưng nhớ đến cửa nhỏ, sợ các con giãy giụa mà không đem ra được hết. Trong lúc ấy, dầu nguy hại trước mắt, các con của ông cứ nô đùa, không biết sợ sệt gì hết và cũng không muốn ra vì không biết lửa là gì, chết thiêu là gì.

    Ông bèn lập kế. Ông hô to: “Các con ơi! Ba có những đồ chơi đẹp lắm đây nè, nào là xe dê, xe hưu, xe bò, chiếc nào cũng trang sức lộng lẫy. Đứa nào ra đây cha cho!”.

    Các con nghe, ùn-ùn kéo nhau chạy ra khỏi nhà cháy rồi bu lại đòi đồ chơi. Ông nhà giàu bèn ban cho các con đồng một thứ xe lớn, tốt đẹp vô cùng. Vì sao không cho ba thứ xe lớn, nhỏ, tốt đẹp khác nhau, mà lại cho ròng một thứ tuyệt đẹp? Vì ông lão giàu có, kho tàng đầy ngập.


    Đến đây, Đức Phật hỏi Xá-lợi-Phất: “Ông trưởng giả đã hứa cho ba thứ xe, nay lại cho có một thứ, mà là thứ lớn và tốt nhất, vậy ông có nói dối không?

    Xá-lợi-Phất bạch: “Dạ không. Dầu cho thứ xe nhỏ nhất, xấu nhất, ông cũng không nói dối, hà huống cho thứ lớn và tốt. Vì sao? Vì việc hứa cho xe chỉ là một phương-thế, phương-tiện cứu các con ông ra khỏi nhà cháy”.



    NAM MÔ BẤT ĐỘNG QUANG MINH

  12. The Following User Says Thank You to Ngọc Quế For This Useful Post:

    nguoi ao lam (04-02-2017)

  13. #17
    Avatar của Ngọc Quế
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    422
    Thanks
    518
    Thanked 1.880 Times in 296 Posts
    PHÁP HOA HUYỀN NGHĨA
    PHẨM THÍ DỤ (La Parabole) THỨ BA
    __________________________________________________ ______________________________________


    Phật khen: “Đúng đấy! Như-Lai là cha của tất cả thế gian. Tuy đã ra khỏi thế-gian, vẫn vì sự lợi-ích của tất cả mà trở vào nhà lửa ba cõi cũ mục này để độ chúng-sanh ra khỏi nạn sanh, già, bệnh, chết, lo buồn, khổ não, ngu si, tối tăm, ba độc (tham, giận, mê-muôi). Sống trong cảnh khổ nhà cháy như thế mà chúng-sanh cứ vui chơi, hỷ hạ, chẳng hay đang bị lửa đốt, chẳng biết sợ sệt, không nhàm không chán, không cầu ra khỏi.

    “Như-Lai mới nghĩ phương cứu-độ. Đem trí-huệ, thần-thông ra giảng nói ư? Không thể được, chúng-sanh đang bị thiêu đốt, làm gì nghe hiểu. Vậy phải dùng một phương-thế nào đó, miễn cứu chúng ra khỏi là được. Do đây mà có việc quyền lập phép tu sửa. Một là Thanh-văn-thừa (xe dê), hai là Duyên-giác-thừa (xe hưu), ba là Bồ-tát-thừa (xe bò), tuỳ căn-cơ trí-huệ của mỗi hạng chúng-sanh.

    “Như ông nhà giàu cho đồng đều các con mỗi đứa một cỗ xe to khi chúng ra khỏi nhà lửa, Như-Lai cũng thế, khi chúng-sanh đã ra khỏi sự khổ-não, bất luận là do xe Thanh-văn, Duyên-giác, Bồ-tát, bèn cho cái vui, cái lợi-ích to lớn hơn xưa: Thiền-định, Giải-thoát…là những cỗ xe đưa đến Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác. Và cũng như ông trưởng giả kia, Phật không phạm tội nói dối.

    “Nhưng coi chừng! Đừng đem Kinh này, sự thật này mà nói với những hạng người vô trí là hạng:

    Kiêu-mạn,

    Lười biếng,

    Ngã chấp.

    Họ sẽ không tin, phỉ báng lời Phật để rồi sẽ chịu những quả báo ghê rợn. Nên chỉ nói cho hạng người lợi căn, trí-huệ sáng-láng, học rộng, nhớ dai, lòng mong cầu giải-thoát (Phật-đạo), lìa xa phàm-phu, bạn ác, thích thanh tịnh, tu hành…



    NAM MÔ BẤT ĐỘNG QUANG MINH

  14. The Following User Says Thank You to Ngọc Quế For This Useful Post:

    nguoi ao lam (04-02-2017)

  15. #18
    Avatar của Ngọc Quế
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    422
    Thanks
    518
    Thanked 1.880 Times in 296 Posts
    PHÁP HOA HUYỀN NGHĨA
    PHẨM THÍ DỤ (La Parabole) THỨ BA
    __________________________________________________ ______________________________________


    Huyền nghĩa:

    Ở phẩm này, Kinh dùng một thí-dụ để giải tại sao chỉ có một con đường Phật-đạo, mà trước kia Phật dạy tới ba. Hay để nói theo Kinh, chỉ có một cỗ xe chớ không phải ba.

    Trong thí-dụ nhà lửa (nhà bị cháy):

    - Ông nhà giàu chỉ Phật, những đứa con chỉ chúng-sanh.

    - Lửa cháy, mục nát, rắn rít, chỉ cảnh khổ của chúng-sanh là sanh, già, bệnh,

    chết, sầu não, mê-muội;

    - Ba xe chỉ ba thừa hay ba bậc tu hành: Thanh-văn, Duyên-giác, Bồ-tát. Hai bậc trước tu vì mình cho nên ví với xe dê, xe hưu, là những xe nhỏ, sức chở một người mà thôi (tự độ). Bậc Bồ-tát vì người quên mình, cho nên ví với xe bò--chớ không phải xe trâu—là thứ xe lớn, sức chở nhiều người (độ tha)

    Trước kia, sở dĩ Phật quyền chia giáo-pháp của Ngài ra ba bậc, ấy vì chúng sanh mê sống trong cảnh của thể xác và tâm tình, tức của ba giới (dục, sắc và vô- sắc-giới), Phật không thể đem cái Chân-lý tuyệt vời là cái thấy biết (tri-kiến) của Phật ra dạy ngay được. dầu có dạy đi nữa , cũng không ai hiểu, bởi cái thấy biết của Phật là cái thấy biết của bậc đã ra khỏi ba giới. Do đây, phải dạy tu tập lần hồi, tuỳ khả-năng của từng hạng người, để ai cũng được an ẩn (paix intérieure) và khoái lạc (sérenité) là điều-kiện cốt yếu, nhiên hậu mới đem sự-thật cuối cùng ra dạy.



    NAM MÔ BẤT ĐỘNG QUANG MINH

  16. The Following User Says Thank You to Ngọc Quế For This Useful Post:

    nguoi ao lam (04-02-2017)

  17. #19
    Avatar của Ngọc Quế
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    422
    Thanks
    518
    Thanked 1.880 Times in 296 Posts
    PHÁP HOA HUYỀN NGHĨA
    PHẨM THÍ DỤ (La Parabole) THỨ BA
    __________________________________________________ ______________________________________


    Những con của trưởng giả ra khỏi nhà lửa, chỉ chúng-sanh nhờ sự dụ dẫn của ba thừa, ra khỏi ba giới, được an ẩn và khoái lạc, tạm gọi là Niết-bàn.

    Ông cha cho các con một thứ xe vừa to, vừa tốt, đó là giáo-pháp Tối Thượng Thừa, là giáo-pháp năng sanh cái lạc tịnh diệu hạng nhất, là mức cuối cùng của con đường tiến hoá tâm linh từ phàm đến Thánh, từ chúng-sanh đến Phật, nghĩa là từ ô-trược đến thanh-tịnh hoàn-toàn, từ trói trăng mất cả tự-do đến giải-thoát tự-tại hoàn-toàn, từ đau khổ đến an lạc, từ sanh tử đến bất sanh bất diệt.

    Nhà to mà chỉ có một cửa ra, chỉ Tam giới rộng lớn, muốn ra khỏi chỉ có một con đường, chỉ có một cửa Phật đạo.

    Ở trên đã nói ông nhà giàu chỉ cho Phật, mà Phật là Tâm. Vậy câu: “ông trưởng-lão giàu có, kho tàng đầy ngập” có nghĩa là Tâm đầy đủ mọi công-đức (Đức-tạng), mọi Giáo pháp (Pháp-tạng). Mà Tâm thì ai cũng có và không sai biệt. Vậy ai cũng có sẵn nơi mình mọi khả năng, mọi điều-kiện để đạt đến cái kết-quả cuối cùng là Phật-quả. Điều cần yếu là mỗi người phải tự biết mình có cái kho tàng quý báu vô song đó và phải biết khai thác, diệu dụng. Đó là mục đích của Chư Phật.

    Tuy chia có ba xe, tất cả đều là xe mà công-dụng là đưa người từ một địa-điểm này sang một địa-điểm khác. Giáo pháp của Phật tuy chia có ba bậc, vẫn đồng một công-dụng là đưa chúng-sanh ra khỏi nhà lửa, hướng về cái đích duy nhất là Giác-ngộ, Giải-thoát hoàn-toàn, cho nên hứa cho ba thứ xe, rốt cuộc lại cho có một _ Chân Lý Tuyệt đối !.



    NAM MÔ BẤT ĐỘNG QUANG MINH

  18. The Following User Says Thank You to Ngọc Quế For This Useful Post:

    nguoi ao lam (04-02-2017)

  19. #20
    Avatar của Ngọc Quế
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    422
    Thanks
    518
    Thanked 1.880 Times in 296 Posts
    PHÁP HOA HUYỀN NGHĨA
    PHẨM TÍN GIẢI (Les inclinations)THỨ TƯ .
    __________________________________________________ ______________________________________


    PHẨM THỨ TƯ

    TÍN GIẢI (Les inclinations)


    Tu-Bồ-Đề, Ca-Chiên-Diên, Đại Ca-Diếp, Mục-Kiền-Liên, vui sướng thấy Phật thọ ký cho Xá-Lợi-Phất, bèn phát tâm tin tưởng mình cũng được đến quả Phật, là một lợi ích hiện tiền vô giá, không cầu mà tự đặng.

    Để chứng tỏ sự tin tưởng và thông hiểu của mình, các Bồ-tát này bèn giải thích lời Phật dạy bằng một câu truyện thí dụ như sau:

    Có một người, lúc bé thơ, đã bỏ cha đi hoang. Sau mấy mươi năm trôi giạt, tuổi lớn thêm nghèo đến phải đi ăn xin, từ nơi này sang nơi khác. Tình cờ chàng ta trở về xứ sở mà không hay.

    Trong lúc ấy, ông cha tìm con khắp nơi mà không gặp. Ông là nhà giàu lớn, tiền của đầy kho, tôi trai tớ gái chật nhà. Ông chẳng những là một nhà giàu trong xứ mà còn có của cải tận các nước khác.

    Không tỏ với ai việc cha con biệt ly, ông thường suy nghĩ: “Ta nay giàu có như thế này mà con không có, một mai chết rồi, ai đâu là người giao phó, của cải ắt phải tan mất. Phải chi ta gặp con để giao cho nó thì dầu có chết cũng an lòng!”.

    Một hôm, đứa con lạc loài lại tình cờ đến trước nhà ông. Đứng ngoài cổng ngó vào, nó thấy phú ông sang trọng, uy nghi, đang ngồi trên ghế cao, xung quanh có người hầu hạ, trong nhà thì ngọc ngà châu báu không biết bao nhiêu. Chàng ta đâm hốt hoảng, thầm bảo là đã lạc bước đến chỗ vua chúa. Nghĩ xong, chàng sợ bị bắt, bỏ chạy đi tìm một xóm nghèo, hợp với tình cảnh của chàng, để kiếm việc làm độ nhật.

    Nhưng phú-ông đã thấy và nhận biết chàng là con của ông. Hai gia-nhân liền được ông sai rượt bắt chàng lại. Bị bắt, chàng ta sợ quá, van xin mà không được thả, chàng ngã xuống đất chết ngất.

    Ông cha thấy vậy ra lệnh: “Thôi ta không cần người ấy đâu. Hãy lấy nước rưới lên mặt cho nó tỉnh, rồi cho nó đi”



    NAM MÔ BẤT ĐỘNG QUANG MINH

  20. The Following User Says Thank You to Ngọc Quế For This Useful Post:

    Mây trắng (04-04-2017)

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Chủ đề tương tự

  1. Trả lời: 0
    Bài cuối: 10-03-2015, 12:23 PM
  2. Cảm nghĩ về Phóng Sanh, tốt xấu lẫn lộn không rõ ràng...
    Gửi bởi Trí Từ trong mục Những bài tự viết - Tập viết
    Trả lời: 0
    Bài cuối: 10-01-2015, 10:55 AM
  3. Những Lời Khuyên Tâm Huyết - Đức Đạt Lai Lạt Ma 14
    Gửi bởi choconxauxi trong mục MẬT TÔNG
    Trả lời: 6
    Bài cuối: 08-21-2015, 09:08 PM

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •