BỒ TÁT HẠNH (Bodhicaryàvatàra)Chương 6 Nhẫn nhục__________________________________________________ ______________________________________
13) Ngoại đạo và chúng sinh ở Carnatic sẵn sàng tự thiêu, rọc xé thân mình mà không hy vọng có ngày giải thoát. Trong khi ta đây, vì mục đích giải thoát, há lại hèn nhát sao?
14) Không có gì khó làm cả, nếu biết luyện tập. Như thế, hãy bắt đầu làm quen với sự cực khổ tầm thường, sau này ta sẽ nhẫn chịu được những cực khổ dữ dội hơn.
15) Ruồi, muỗi, đói, khát, nhức, ngứa v.v... Tại sao lại xem thường, bảo chúng là vô ích?
16) Nếu không nhẫn chịu được nóng, lạnh, mưa, gió, nhọc, mệt, hành hung, đấm đá thì làm sao có thể nhẫn chịu được những khổ cực khác?!
17-18) Có những người lính khi bị đổ máu, họ lại càng can đảm; lại cũng có người chỉ nhìn thấy máu của kẻ khác cũng đủ té xỉu. Cái đó tùy thuộc ở tâm vững mạnh hay yếu đuối. Bồ Tát phải vượt lên làm chủ, chống lại đau khổ.
19) Đau khổ không thể lay động sự bình tĩnh của Bồ Tát. Bởi vì không có sự chiến thắng nào mà không có đau khổ, nhất là chiến thắng ái dục.
20) Thắng được kẻ thù bằng cách chiến đấu hiên ngang thì đáng được xem là chiến tướng anh hùng; còn kẻ chiến thắng bằng thủ đoạn chỉ là người "giết thây chết" mà thôi.
21) Đau khổ nhiều khi cũng đem lại lợi ích: nó dẹp trừ kiêu mạn, khai mở lòng thương người, ghê sợ tội lỗi và tăng trưởng đức tin nơi chư Phật.
22) Ta không thể nào nổi sân với lục phủ, ngũ tạng, dù biết chúng là nguyên nhân của bịnh tật. Như thế sao ta lại nổi sân đối với người khác? Vì họ cũng bị nhân duyên chi phối.
23) Dù không ai ưa thích nó, nhưng bịnh tật một khi hội đủ nhân duyên thì tự phát sinh. Cũng vậy, vì bị vô minh, tà kiến che lấp nên khi gặp ngoại cảnh nghịch ý thì con người nổi sân lên.
24) Khi nổi sân, con người đâu có nghĩ trước rằng: "Bây giờ ta phải nổi sân!". Và cơn giận, tự nó cũng đâu có nghĩ rằng: "Bây giờ ta phải xuất hiện".
25) Như vậy, tất cả lỗi lầm cùng hành động xấu ác đều do nhân và duyên hòa hợp sanh khởi. Không có cái gì có thể phát sinh tự nó được.
26) Khi "nhân" và "duyên" phối hợp với nhau, chúng không cố ý tạo ra một cái gì cả. Và "quả" cũng vậy, nó không bao giờ nghĩ là nó được tạo ra bởi cái gì cả.
27) Cái thường được gán gọi là bản chất đầu tiên hoặc cái được tưởng tượng dưới nhãn hiệu "Ta", không bao giờ tự phát sinh sau khi suy nghĩ: "Ta sinh".
28) Vì trước khi được sinh ra. Nó không có (hiện hữu) và như thế làm sao có thể "muốn" sinh ra được? Nếu nó thường có (vĩnh cửu), nó sẽ không bao giờ tách rời khỏi đối tượng của nó và như vậy việc giải thoát không thể có được.