BỒ TÁT HẠNH (Bodhicaryàvatàra)
Chương 9 Trí huệ
__________________________________________________ ______________________________________


138) Hơn nữa, theo các anh thì người thấy được chân lý (là quả) đã hiện hữu sẵn trong một người thường (là nhân), như vậy sao những người thường không thấy được hàng vải trong bông vải? - Thật ra người thấy chân lý đã có sẵn nơi nhân, nhưng khi còn ở trạng thái nhân (tức người thường) thì mọi sự thấy biết đều lầm lẫn. - Nếu vậy thì những sự vật mà người ta thường nhìn thấy như: hàng vải, đồ ăn, người thấy chân lý, v.v... đều không thực, vì chúng chỉ là sự ảnh hiện của cái tâm lầm lẫn.

139) - Nếu theo các anh (Trung Quán), tất cả phương tiện dẫn đến trí huệ đều vô hiệu vì nó cho ra những khái niệm sai lầm thì Tánh Không các pháp cũng là một lập luận vô hiệu.

140) Nếu không giả dụ một sự thực có thì không thể suy ra sự không thực có. Do đó, nếu Tánh Có không thực thì Tánh Không cũng không thực. Tuy nhiên quán chiếu về Tánh Không vẫn có hiệu lực vì nó là phương thuốc đối trị bịnh chấp (các pháp thực) có.

141) Khi một người chiêm bao thấy con mình bị chết, ý nghĩ cho con thực chết tuy sai lầm nhưng phá trừ được ý nghĩ cho con còn sống.

142-143) Tóm lại qua sự phân tách trên, không có vật nào hiện hữu không nhân, cũng không có nhân độc nhất ban đầu nào được tìm thấy. Các pháp không sanh từ một vật khác, không tồn tại, không tiêu diệt. Những cái mà kẻ ngu bám víu cho là thực có, có khác gì ảo ảnh, huyễn thuật?

144) Đến từ đâu? Đi về đâu, những vật đuợc tạo ra bởi huyễn thuật, bởi nhân duyên? Đó là điều cần phải tìm kiếm.

145) Đủ duyên thì hiện (như có), thiếu duyên thì mất. Nó do nhân duyên giả hợp, như bóng trong gương, làm sao thực có (tự tánh) độc lập được?

146-147) Một vật nếu thực có thì cần gì đến nhân? Nếu nó không thực có thì cũng cần gì đến nhân? Dù một trăm triệu nhân hợp lại cũng không thay đổi được hư vô. Vật hư vô nào biến thành có được?

148) Có cái gì tách rời được trạng thái không-vật để trở thành vật được? Vật và không-vật không thể hiện hữu cùng một lúc. Vật chỉ xuất hiện khi không-vật mất đi, nhưng không-vật làm sao mất đi được khi vật chưa sinh ra?

149) Cũng vậy, chúng sinh (vật) không thể đến hay đi về hư vô (không-vật). Vì một vật thực có không thể có hai tánh.

150-151) Cho nên không có chấm dứt cũng không có hiện hữu. Pháp giới không sinh cũng không diệt. Chúng sinh tuy xuất hiện nhưng không có thật, như chiêm bao. Khi quán chiếu phân tích thì chẳng thấy, như cây chuối. Trong Tánh Không (thực có của chúng sinh), không có sự khác biệt nào giữa người đã vào Niết Bàn và người chưa vào Niết Bàn.