KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐAQuyển 411__________________________________________________ ______________________________________
Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:
- Những pháp nào gọi là pháp bất cộng?
Phật bảo Thiện Hiện:
- Đó là bốn niệm trụ cho đến mười tám pháp Phật bất cộng.
Này Thiện Hiện! Những pháp này gọi là pháp bất cộng, vì không đồng với phàm phu.
Này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát khi tu hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa đối với tự tướng các pháp là không như vậy không nên chấp trước, vì tất cả pháp không phân biệt.
Này Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát khi tu hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa vì lấy không hai làm phương tiện nên hiểu biết đúng tất cả pháp, vì tất cả pháp đều không động.
Này Thiện Hiện! Đối với tất cả pháp không hai, không động là ý nghĩa danh từ Bồ-tát, không phân biệt, không chấp trước là ý nghĩa danh từ Bồ-tát. Do đó không có nghĩa là nghĩa của Bồ-tát.
Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Do đâu Bồ-tát còn được gọi là Ma-ha-tát?
Phật bảo Thiện Hiện:
- Do Bồ-tát này là bậc thượng thủ trong chúng hữu tình lớn nên còn được gọi là Ma-ha-tát.
Thiện Hiện thưa:
- Những vị nào gọi là chúng hữu tình lớn mà Bồ-tát là bậc thượng thủ ở trong đó?
Phật bảo Thiện Hiện:
- Đó là trụ chủng tánh thứ tám, Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, Độc giác và từ mới phát tâm cho đến Đại Bồ-tát địa vị Bất thối chuyển. Như vậy, đều gọi là chúng hữu tình lớn, Bồ-tát là bậc thượng thủ trong chúng hữu tình lớn này nên còn được gọi là Ma-ha-tát.
Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:
- Như vậy, do đâu Bồ-tát có thể là bậc thượng thủ trong chúng hữu tình lớn?
Phật bảo Thiện Hiện:
- Do Bồ-tát này đã phát tâm kiên cố dụ như Kim cương, quyết định không thối chuyển. Vì vậy có thể làm bậc thượng thủ ở trong chúng hữu tình lớn.