Lời vàng của thầy tôiPHẦN MỘT _ CHƯƠNG I__________________________________________________ ______________________________________
Ngoài ra, như Đấng Vĩ đại xứ Oddiyana đã có chỉ rõ, riêng truyền thống Mật Thừa hay Kim Cang Thừa cũng chỉ được truyền dạy một cách hiếm hoi:
Từ lâu xa về trước, ngay trong kiếp đầu tiên là Diêu Kiếp (Kalpa of the Complete Array), giáo lý Mật Thừa được Đức Phật có danh hiệu là Nhất Lai Vương Phật (Once-Come Buddha) truyền bá, và trở nên hết sức lừng lẫy. Giáo lý của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mà hiện nay chúng ta đang có cũng bao gồm Mật Thưà. Trong thời gian mười triệu kiếp, trong Tinh Tú Kiếp, Đức Phật Văn Thù (Mansjushri) sẽ xuất hiện, như ta đang xuất hiện, để khai phá giáo lý Mật Thừa trên một phạm vi cực kỳ rộng lớn. Đây là bởi vì chúng sinh trong ba kiếp này là những người thích hợp để lãnh hội Mật Thừa, và lý do mà giáo lý Mật Thừa không xuất hiện vào những thời điểm khác là bởi chúng sinh ở những thời đó không có khả năng hành trì những giáo lý này.28
Trong Hiền Kiếp này, vào thời hiện tại khi thọ mạng của con người là một trăm năm, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni toàn hảo đã xuất hiện trên thế gian, vì thế đấy là một kiếp chói sáng.
Giả sử một vị Phật đã xuất hiện, nhưng Ngài vẫn còn trụ trong thiền định và chưa giảng dạy Giáo Pháp. Chừng nào mà ánh sáng Giáo Pháp của Ngài chưa hiển hiện thì sự xuất hiện của Ngài không tác động gì tới chúng ta. Điều đó cũng giống như thể Ngài chưa từng xuất hiện.
Khi đạt được Phật Quả Chánh Đẳng Chánh Giác trên Toà Kim Cương, Bậc Thầy của chúng ta đã thốt lên rằng:
Ta đã tìm ra một Giáo Pháp giống như cam lồ,
Thâm sâu, an bình, đơn giản, dễ hiểu, rạng rỡ.
Nếu ta giảng về Giáo Pháp ấy, sẽ chẳng ai hiểu nổi,
Vì thế ta sẽ ở đây, tịch lặng trong rừng.
Do đó, Ngài đã không giảng dạy trong bảy tuần cho tới khi Phạm Thiên (Brahma) và Đế Thích (Indra) khẩn cầu Ngài chuyển Pháp Luân. Hơn nữa, nếu những ai nắm giữ giáo lý chân chính mà không giảng dạy, thì Giáo Pháp ấy sẽ khó đem lại được bất kỳ lợi ích thực sự nào cho chúng sinh. Ví dụ Ngài Smrtijnana vĩ đại xứ Ấn Độ đã đến Tây Tạng vì mẹ Ngài tái sinh ra ở đây trong một Cô Độc Điạ Ngục. Người thông dịch của Ngài đã chết trong cuộc hành trình, và Ngài đã lang thang khắp tỉnh Kham mà không thể nói được một tiếng Tây Tạng nào; sau đó Ngài trở thành một người chăn cừu rồi chết ở đó mà không đem lại được lợi ích cho bất kỳ ai. Sau này khi Ngài Jowo Atisha đến Tây Tạng và biết được điều gì đã xảy ra, Ngài than khóc: “Đáng buồn thay! Dân Tây Tạng quí vị kém phước quá! Không đâu ở Ấn Độ, dù Đông hay Tây mà có được một học giả uyên thâm hơn Ngài Smrtijnana,” và chắp hai bàn tay lại, Ngài Atisha khóc.