Lời vàng của thầy tôiPHẬT GIÁO TÂY TẠNG__________________________________________________ ______________________________________
Khi còn tại thế, Đức Phật đã thành lập một cộng đồng các tăng và ni, và các vị ấy đã đóng vai trò nòng cốt trong việc hộ trì và tiếp nối giáo pháp. Tuy nhiên, điều này không loại trừ các cư sĩ nam và nữ là những đệ tử nghiêm cẩn trên con đường tu. Cộng đồng các cư sĩ này được phản ảnh ở Tây Tạng là nơi mà từ thế kỷ thứ tám trở về sau, cộng đồng các hành giả bao gồm hai giáo đoàn hỗ trợ lẫn nhau: một mặt, là một cộng đồng tu sĩ rất đông đảo, và một mặt khác là một truyền thống vững mạnh gồm các hành giả cư sĩ, là các hành giả du già hay các gia chủ, nhiều vị trong số đó có vẻ như sống một cuộc đời bình thường trong khi theo đuổi một con đường tâm linh thâm diệu và cuối cùng đã đạt được giác ngộ viên mãn.* Theo truyền thống Nyingmapa, việc thọ giới xuất gia được coi là một phương tiện hỗ trợ rất lợi ích cho công phu hành trì, nhưng đó không có nghĩa là phương cách duy nhất để tiến bộ trong thiền định. Điều này đã khích lệ cho những người ao ước muốn đưa giáo lý vào thực hành nhưng không thể tự đặt mình trong một nếp sống tu viện.
*‘Cộng đồng những người độc thân khoác y đỏ’ và ‘cộng đồng những người áo trắng với bện tóc dài’.
Trước đây Albert Einstein đã lưu ý rằng Phật Giáo là truyền thống ông cảm thấy đáp ứng được những tiêu chuẩn mà ông cho là cần thiết cho một con đường tâm linh thích hợp với thế kỷ hai mươi. Ngày nay các vật lý gia hiện đại đang đưa ra những kết luận đến gần với giáo lý mà Đức Phật đã giảng dạy hai ngàn năm trăm năm trước. Trong khi những hấp lực của chủ trương duy vật có một ảnh hưởng bất lợi cho đời sống tâm linh cổ truyền ở khắp Châu Á, thì có một số đông những người Tây phương, càng lúc càng gia tăng, đang tỏ ra quan tâm đến những triển vọng tốt lành mà việc nghiên cứu và thực hành theo Phật Giáo có thể đem lại cho họ.
Khi sự tương tục của những dòng truyền thừa Phật Giáo bị đe doạ bởi các biến động chính trị ở Tây Tạng trong những năm bắt đầu từ 1950 trở đi, nhiều vị Lạt Ma với đầy đủ phẩm hạnh - là những vị không chỉ thọ nhận những dòng truyền dạy đúng đắn từ các vị Thầy của mình, mà đã hoàn toàn thấu triệt và chứng ngộ các giáo lý qua công phu nghiên cứu và thiền định, các vị ấy đã mưu cầu việc bảo tồn những giáo lý này bằng cách đưa những giáo lý ấy sang Ấn Độ. Vào cùng thời điểm đó, một số du khách Tây phương tới Ấn Độ bắt đầu tỏ vẻ quan tâm tới các Lạt Ma và tới di sản tâm linh của các Ngài. Do bởi Đức Liên Hoa Sanh (Guru Rinpoche) đã có nói, trong các giáo lý Đạo Phật, Kim Cương Thừa sẽ chứng tỏ (cho thấy tiềm năng) đặc biệt mãnh liệt và hữu hiệu cho những người sống trong một thời đại mà những cảm xúc ô nhiễm lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết, nên nhiều vị Thầy đã cảm thấy việc đưa những giáo lý này sang Tây phương là một việc làm vô cùng thích hợp. Kim Cương Thừa đặc biệt mềm mỏng uyển chuyển và thích ứng được với những loại tình cảnh mà con người thời đại tự đâm đầu vào, và giờ đây giáo lý ấy đang được giảng dạy cho đủ loại người trên khắp thế giới mà vẫn không đánh mất đi hình thức cổ truyền.