Lời vàng của thầy tôiPHẬT GIÁO TÂY TẠNG__________________________________________________ ______________________________________
Tuy nhiên khối lượng giáo lý khổng lồ được tìm thấy trong Phật Giáo Tây Tạng có thể được tóm tắt trong Tứ Diệu Đế là giáo lý được Đức Phật thuyết giảng không lâu sau khi giác ngộ. Chân lý thứ nhất (Khổ Đế) chỉ ra rằng thế giới hữu vi của chúng ta (trạng thái hiện hữu dựa vào điều kiện nhân duyên) không bao giờ có thể đưa chúng ta thoát khỏi trạng thái đau khổ, không bao giờ thực sự đem lại sự mãn nguyện. Bất kỳ hạnh phúc nào ta có chỉ là nhất thời và vào một thời điểm thích hợp nào đó sẽ đưa tới đau khổ. Lý do của Khổ Đế, như đã được giảng dạy trong chân lý thứ hai (Tập Đế), là bất kỳ hành động nào ta có thể làm, nói, hoặc suy nghĩ cũng đều đem đến một kết quả mà ta sẽ phải kinh qua trong đời này hoặc trong một đời tương lai. Quả thật, tái sinh là kết quả của những hành vi của ta, và ta được tái sinh trong những điều kiện như thế nào thì những điều kiện này cũng đều lệ thuộc trực tiếp vào những hành vi mà ta đã từng làm trong những đời trước, và đặc biệt là lệ thuộc trực tiếp vào những động cơ tác ý và thái độ tương ứng. Điều này (nguyên lý nhân quả) giải thích lý do tại sao một số người lại nghèo khổ suốt đời mặc dù họ hết sức nỗ lực để trở nên giàu có, trong khi những người khác có đủ mọi thứ họ mong muốn mặc dù chẳng phải làm gì. Chân lý thứ hai tiếp tục chỉ cho ta thấy rằng động lực phía sau các hành vi của chúng ta chính thực là những cảm xúc tiêu cực, chẳng hạn như thù ghét, tham luyến, kiêu ngạo, ganh tị và, đặc biệt là vô minh, gốc rễ của tất cả mọi thứ khác. Vô minh không chỉ có nghĩa là thiếu trí tuệ trong cách chúng ta hành xử như thế nào, mà còn là sự vô minh căn bản nằm đằng sau cung cách chúng ta nhận thức về toàn thể thế giới hiện hữu này, và sự vô minh ấy thường xuyên bị mắc kẹt trong tư tưởng bám chấp vào một ý niệm bản ngã của riêng ta, và vào ý niệm của một cái ngã của thế giới bên ngoài, như thể bản thân ta và thế giới ấy bền vững có thật và bất biến trường tồn. Bởi vì những hành vi của chúng ta không bao giờ chấm dứt, nên việc ta phải tái sinh liên tục trong thế giới hữu vi này cũng chẳng thể nào chấm dứt được. Chỉ khi nào ta ngừng hành động do vô minh lôi kéo thì vòng quay này mới có thể đứt đoạn, giống như chân lý thứ ba (Diệt Đế) đã chỉ cho ta thấy, và giảng dạy về sự chấm dứt đau khổ và giải thoát khỏi thế giới hữu vi (giải thoát khỏi trạng thái hiện hữu dựa vào điều kiện nhân duyên).
Chân lý thứ tư (Đạo Đế) giảng dạy cách thức (hay con đường) giúp ta thành tựu việc chấm dứt khổ đau và giải thoát khỏi thế giới hữu vi do nhân duyên kết hợp. Điều này thật sự có nghĩa là, một mặt bao gồm công phu tích lũy các thiện hạnh, chẳng hạn như tôn kính và cúng dường Phật, Pháp (giáo lý của Ngài), và Tăng đoàn (cộng đồng các hành giả), thực hành hạnh bố thí, v.v., và một mặt khác, bao gồm công phu thực hành thiền (thiền chỉ và thiền quán), là những gì có thể trực tiếp tẩy trừ gốc rễ vô minh, nguyên nhân của đau khổ. Một hành giả đi theo con đường này với ý hướng chỉ giải thoát cho bản thân mình có thể đạt được mức độ chứng ngộ thâm sâu và trở thành một bậc A La Hán (bậc chiến thắng những cảm xúc tiêu cực). Nhưng đây không phải là giác ngộ viên mãn (hay toàn giác). Chỉ có những bậc hành giả với tâm nguyện tốt lành muốn tất cả chúng sinh đều đạt được giác ngộ tối thượng, những bậc ấy mới có thể đạt được Phật Quả. Những hành giả đi theo con đường Đại Thừa dựa trên lòng bi mẫn như thế được biết đến như là các vị Bồ Tát. Hơn nữa, nếu vị Bồ Tát ấy còn hành trì các giáo pháp thâm diệu và thiện xảo của Kim Cương Thừa thì vị ấy có thể đạt được giác ngộ viên mãn trong một thời gian rất ngắn.