Lời vàng của thầy tôi
PHẬT GIÁO TÂY TẠNG
__________________________________________________ ______________________________________


Sự đa dạng của những người tìm tới Đức Phật để thọ nhận giáo pháp và thực hành con đường của Ngài đòi hỏi một cách thức giảng dạy cũng đa dạng y như thế, và những giáo huấn Ngài giảng dạy cũng dị biệt, tương ứng với trình độ hiểu biết và căn cơ của những cá nhân hay nhóm người dị biệt này. Như vậy, những giáo lý mà Đức Phật đã giảng dạy trong cuộc đời của Ngài có thể được phân chia một cách tổng quát thành ba loại – (1) những giáo lý cuối cùng được tập hợp trong Kinh điển Pali và trở thành nền tảng cho Trường Phái Theravāda (Nguyên Thủy), nhấn mạnh vào giới luật và đạo đức; (2) giáo lý Mahāyāna, hay Đại Thừa, chú trọng vào lòng bi mẫn và quan hoài tới người khác; và (3) giáo lý của Kim Cương Thừa hay Mật Thừa, sử dụng vô số phương pháp thiện xảo khác nhau để dẫn tới kinh nghiệm chứng ngộ sâu xa trong một thời gian tương đối ngắn. Giáo lý Kim Cương Thừa được chính Đức Phật truyền dạy chỉ trong một phạm vi giới hạn, nhưng Ngài đã tiên đoán rằng giáo pháp ấy sẽ được những bậc giác ngộ khác xuất hiện sau Ngài truyền bá trong thế giới. Đây là lý do tại sao Kim Cương Thừa chính là một giáo lý của Đạo Phật không khác gì hai trường phái kia, mặc dù Kim Cương Thừa không được giảng dạy rộng rãi trong thời Đức Phật còn tại thế.

Sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, những dị biệt giữa các giáo lý khác nhau mà Ngài đã giảng dạy càng trở nên rõ rệt hơn khi những trường phái và truyền thống dị biệt hình thành. Chẳng hạn như truyền thống Theravada hiện nay đã khởi đầu với một nhóm đệ tử của Đức Phật, sau này được phân ra thành mười tám trường phái. Tương tự như vậy, Đại Thừa được đa dạng hóa thành một số truyền thống, mỗi truyền thống có những dị biệt triết học vi tế đặc thù. Kim Cương Thừa cũng thế, trong đó có vô số những pháp môn thực hành khác nhau; nhiều pháp môn trong số đó đã chỉ được truyền dạy lại cho một người đệ tử duy nhất.

Trong những thế kỷ tiếp theo sau đó, các truyền thống dị biệt này dần dần được truyền bá khắp xứ Ấn Độ và tiếp tục truyền xa hơn nữa, cho tới khi Phật Giáo đã trải rộng tầm ảnh hưởng đến Trung Á, Đông Á và Nam Á, thậm chí đến tận Nam Dương (Indonesia). Một vài truyền thống đã hoàn toàn bị thất truyền, trong khi có những truyền thống khác lại hợp nhất dưới một hình thức mới mẻ hơn của Phật Giáo. Vào thế kỷ mười ba, sự xuất hiện của Hồi Giáo và những biến động chính trị trong xã hội Ấn Độ đã cuốn dạt Phật Pháp ra khỏi xứ sở đã sản sinh ra Đạo Phật, và chính giáo lý này lại được bảo tồn ở những quốc gia khác – Theravāda ở Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan và Cam Bốt, Đại Thừa ở Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Dương, và Kim Cương Thừa chủ yếu là ở Tây Tạng. Tây Tạng đã may mắn bội phần. Tây Tạng không chỉ là một trong số ít quốc gia trong đó Kim Cương Thừa tiếp tục được hành trì mà Tây Tạng cũng là quốc gia duy nhất trong đó toàn bộ các loại giáo lý từ cả ba truyền thống của Đạo Phật đã được truyền dạy và bảo tồn.