Lời vàng của thầy tôi
PHẦN MỘT _ CHƯƠNG III
__________________________________________________ ______________________________________


1.3 CÔ ĐỘC ĐỊA NGỤC (Phạn: Pratyeka)


Các Cô Độc Địa Ngục hiện hữu ở nhiều tầng khác nhau và những nỗi khổ phải kinh qua ở mỗi nơi cũng biến đổi rất nhiều. Chúng sinh có thể bị nghiền nát giữa các tảng đá, hoặc bị giam cầm trong một hòn đá, bị cóng lạnh giữa băng tuyết, bị nấu chín trong nước sôi hay thiêu đốt trong lửa đỏ. Có những chúng sinh cảm thấy rằng khi có người đang đốn cây, thì mình là cái cây đang bị chặt cành. Một số đau khổ bởi thấy thân thể họ là những dụng cụ bị liên tục sử dụng như cối giã, chổi, xoong chảo, cánh cửa, kèo cột, đinh đầu lớn và dây thừng ...

Minh chứng về các Cô Độc Địa Ngục có thể kể đến các câu chuyện về con cá mà Ngài Lingje Repa nhìn thấy trong Hồ Yamdrok và con ếch mà thành tựu giả Tangtong Gyalpo tìm thấy bên trong một hòn đá.

Yutso Ngonmo, Hồ Lam Ngọc xuất hiện trong lúc thánh nữ Yeshe Tsogyal đang thiền định ở Yamdrok, khi một miếng vàng ròng do một người tu theo đạo Bonpo ném xuống đã biến thành hồ nước. Nó là một trong bốn cái hồ nổi tiếng ở Tây Tạng, và dài đến nỗi từ đầu hồ tại Lung Kangchen tới cuối hồ ở Zemaguru phải đi bộ mất vài ngày. Một ngày nọ, khi đại thành tựu giả Lingje Repa đang quan sát cái hồ này thì Ngài bắt đầu bật khóc và than rằng: “Con vật đáng thương! Chớ lạm dụng những vật cúng dường! Chớ lạm dụng những vật cúng dường!”49

Khi những người đang ở cùng với Ngài xin Ngài giải thích, Ngài nói “Thần thức của một Lạt Ma lạm dụng của cúng dường đã bị tái sinh trong một điạ ngục Cô Độc trong cái hồ này, và đang phải hứng chịu cực kỳ đau khổ.”

Những người này muốn được nhìn thấy, và vì thế mà vị thành tựu giả đã làm khô cạn nước hồ trong chốc lát một cách kỳ diệu, phơi bày một con cá khổng lồ, lớn tới nỗi chiếm trọn bề rộng và bề dài của cái hồ. Nó đang quằn quại trong đau đớn vì toàn thân bị phủ kín bởi những sinh vật nhỏ đang ăn sống nó. Những thị giả của Ngài Lingje Repa hỏi Ngài người có nghiệp xấu như vậy là ai, và Ngài trả lời đó là Tsangla Tanakchen, một lạt ma của phái Hắc Mã (Ngựa Đen) ở tỉnh Tsang. Ông là một Lạt Ma mà lời nói, ngôn từ có mãnh lực to lớn và có thể đem đến nhiều sự gia hộ.50 Chỉ một cái nhìn của ông là đủ để chữa lành cho một người bị tinh linh quấy nhiễu. Vì lý do này ông rất được kính trọng trong bốn tỉnh của U và Tsang. Nhưng khi ông thực hiện pháp chuyển di tâm thức trong những buổi tang lễ, mỗi lần phát ra tiếng “P’et” là ông đòi phải được trả công bằng một số lượng lớn gồm ngựa và trâu bò của người chết.