DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 29/49 ĐầuĐầu ... 19272829303139 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 281 tới 290 của 487
  1. #281
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Lời vàng của thầy tôi
    PHẦN HAI _ CHƯƠNG II : KHƠI DẬY BỒ ĐỀ TÂM
    __________________________________________________ ______________________________________


    2.3.3 Nhẫn nại đối mặt chân lý sâu xa với tâm vô uý

    Bạn nên cố gắng thọ nhận các giáo lý về trạng thái như nhiên của tánh Không sâu xa, hay đặc biệt hơn, giáo lý trọng yếu của Đại Viên Mãn Như Nhiên siêu việt mọi hoạt động và mọi nỗ lực, hay giáo lý Mười Hai Tiếng Cười Kim Cương siêu việt về nhân quả của các thiện hạnh và ác hạnh, hoặc giáo lý Tám Bài Kệ Vĩ Đại Tuyệt Vời... Hãy cố gắng lãnh hội chân nghĩa của những giáo lý này mà không phát sinh tà kiến.

    Có tà kiến hay chỉ trích những giáo lý này là điều được gọi là “ác hạnh xoay lưng lại với Giáo Pháp.” Làm như vậy, ta có thể bị đọa xuống đáy sâu của Địa ngục trong vô lượng kiếp. Như một bản văn sám hối có ghi:

    Con luôn sám hối vì đã phạm một hành vi thậm chí còn nguy hại hơn cả năm hành vi bị quả báo tức thời: đó là việc từ bỏ Giáo Pháp.

    Một ngày nọ, hai vị Tăng Ấn Độ có mười hai phẩm tính của công phu tu tập chân chính tự đến trình diện trước Ngài Atisa. Khi Atisa giảng cho họ rằng bản ngã là không có sự hiện hữu nội tại [không có tự tánh], họ đều hài lòng.

    Nhưng khi Ngài giảng rằng các hiện tượng cũng không có hiện hữu nội tại 156 [không có tự tánh] thì họ kêu lên: “Thật kinh khủng! Đừng nói những điều như thế!” và khi Ngài đọc Tâm Kinh, họ bịt chặt tai lại.

    Ngài Atisa buồn bã nói với họ: “Trừ phi các ông tự tu tập bằng lòng Từ và Bi của Bồ đề Tâm và sau đó phát triển niềm xác tín về giáo lý sâu xa này, còn không thì chỉ với những giới nguyện thanh tịnh của các ông sẽ chẳng dẫn các ông tới đâu.”157

    Vào thời của Đức Phật, có nhiều vị Tăng vô cùng kiêu mạn, khi nghe Ngài giảng về tánh Không sâu xa đã ói máu ra mà chết, và bị đọa vào các Địa ngục. Một số những chuyện khác đã kể lại những việc xảy ra tương tự.

    Điều quan trọng là phải có một mối quan tâm chân thành và tôn kính nơi Giáo lý sâu xa và nơi những bậc Thầy giảng dạy những giáo lý này. Cho dù những giới hạn của tâm thức bạn khiến bạn dửng dưng, nhưng tối thiểu bạn cũng đừng bao giờ phê bình những giáo lý đó.

    Om Mani Padme Hum !

  2. #282
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Lời vàng của thầy tôi
    PHẦN HAI _ CHƯƠNG II : KHƠI DẬY BỒ ĐỀ TÂM
    __________________________________________________ ______________________________________


    2.4 TINH TẤN SIÊU VIỆT (Tinh tấn ba-la-mật)

    Có ba loại tinh tấn: tinh tấn như áo giáp, tinh tấn trong hành động và tinh tấn không thể ngưng nghỉ.158

    2.4.1 Tinh tấn như áo giáp

    Khi bạn nghe những câu chuyện về cuộc đời của những bậc Thầy vĩ đại, về chư Phật và Bồ Tát, về những công hạnh các Ngài đã làm và những nỗi gian nan mà các Ngài đã trải qua vì Giáo Pháp, bạn đừng để bị thối chí. Đừng bao giờ nghĩ rằng các Ngài có thể thành tựu được tất cả những gì các Ngài làm chỉ vì các Ngài là những vị Phật và Bồ Tát, và bạn sẽ chẳng bao giờ làm được như vậy. Thay vào đó, hãy nhớ rằng, chỉ bằng cách hành động theo phương thức này mà tất cả các Ngài đã thành tựu như thế. Vì bạn là đệ tử của các Ngài, cho dù bạn không thể làm điều gì tốt hơn những gì các Ngài đã làm, bạn cũng không có lựa chọn nào khác ngoài việc đi theo dấu chân của các Ngài.

    Nếu vô cùng gian khó và kiên trì lại là điều cần thiết với các Ngài như vậy, thì làm sao những điều như thế lại có thể không khẩn thiết với chúng ta, trong khi chúng ta không có được công phu tu tập liên tục từ vô thuỷ như các Ngài và hiện nay lại còn đang bị đè nặng bởi những ác nghiệp từ quá khứ?

    Chúng ta có tất cả những điều kiện tự do và thuận lợi của kiếp hiện tại làm người. Chúng ta đã gặp được những vị Thầy tâm linh chân chính và đang thọ nhận những giáo huấn sâu xa. Giờ đây khi có được cơ hội này để thực hành chân pháp một cách đúng đắn, chúng ta phải hứa nguyện tự đáy lòng mình để thực hiện được như thế, và sẵn sàng chấp nhận những gian khổ, gánh vác những gánh nặng, và sẵn sàng hy sinh tính mạng mà không chút quan tâm đến máu thịt của chính mình. Điều đó được gọi là tinh tấn như áo giáp.*
    * “Cốt tuỷ của tinh tấn là hoan hỷ trong khi làm các thiện hạnh.”NT


    2.4.2 Tinh tấn trong hành động

    Mỗi lúc có ý định học tập và thực hành Giáo Pháp, có thể bạn sẽ cứ trì hưỡn việc đó tới ngày mai hay ngày mốt, ngày này qua ngày khác suốt cả đời bạn. Bạn không thể lãng phí cả một đời người chỉ toàn với những dự tính thực hành. Ngài Druk Pema Karpo nói:

    Kiếp người giống như ở trong chuồng thú của kẻ đồ tể:
    Cái chết đến gần trong từng giây phút.
    Nếu bạn cứ chậm rãi trì hưỡn hôm nay chờ qua ngày mai,
    Thì coi chừng niềm ân hận và nước mắt sẽ đến với bạn bên tử sàng!


    Không nên chờ đợi một lúc nào khác để thực hành. Hãy làm điều gì đó để tu tập ngay lập tức, giống như một người nhát gan nhìn thấy con rắn trong vạt áo mình, hay một vũ nữ có mái tóc bị bén lửa. Hãy hoàn toàn từ bỏ những hoạt động thế gian và tự hiến dâng cho việc thực hành Pháp ngay bây giờ. Nếu không, bạn sẽ không bao giờ tìm ra thời gian – hoạt động thế tục này sẽ tiếp theo sau bằng một hoạt động thế tục khác, sẽ bất tận, giống như những gợn sóng trên mặt nước. Chúng sẽ chỉ dừng lại khi bạn quyết định dứt khoát dập tắt chúng. Như Đấng Toàn Giác Longchenpa nói:

    Những mối bận tâm thế gian không bao giờ chấm dứt cho tới khi ta chết. Nhưng chúng chấm dứt khi ta buông bỏ chúng – bản chất của chúng là như vậy.

    Và:

    Những hoạt động của chúng ta giống như trò chơi con nít. Chúng tiếp diễn chừng nào ta còn tiếp tục, chúng chấm dứt ngay khi ta ngừng chơi.

    Một khi bạn cảm thấy muốn thực hành Giáo Pháp, đừng để sự lười biếng và trì hưỡn làm chủ bạn dù chỉ trong khoảnh khắc. Hãy thực hành tu tập ngay lập tức, luôn thôi thúc với những quán chiếu suy niệm về lẽ vô thường. Điều đó gọi là tinh tấn trong hành động.

    Om Mani Padme Hum !

  3. #283
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Lời vàng của thầy tôi
    PHẦN HAI _ CHƯƠNG II : KHƠI DẬY BỒ ĐỀ TÂM
    __________________________________________________ ______________________________________


    2.4.3 Tinh tấn không ngưng nghỉ

    Không nên cảm thấy thỏa mãn khi chỉ mới thực hiện một khóa nhập thất nhỏ bé, hay thực hành được một vài pháp tu hay đạt được một vài thành tựu, tụng đọc được một ít bài cầu nguyện hay làm được một, hai việc tốt. Ngày nào mà bạn còn sống, hãy hứa nguyện thực hành pháp, và quyết định duy trì những nỗ lực của bạn với tất cả sức mạnh bền bỉ của một dòng sông lớn cho tới khi bạn đạt được Phật Quả viên mãn.

    Những bậc siêu phàm trong quá khứ đã nói rằng ta phải thực hành giống như trâu yak đói đang ăn cỏ. Khi một con trâu yak giựt mạnh một bụi cỏ thì mắt nó đã bị gắn dính vào bụi kế tiếp. Cũng thế, trước khi bạn chấm dứt tu tập một Pháp nào, hãy tự nhủ rằng ngay sau khi bạn kết thúc tu tập pháp môn ấy, bạn sẽ bắt đầu một pháp môn mới.

    Mỗi ngày hãy cố gắng miên mật tu tập càng lúc càng mãnh liệt; trong mọi lúc, không bao giờ để thân, khẩu và ý bạn rơi vào sự lười nhác hay xa lìa Pháp dù chỉ trong chốc lát. Ngài Rigdzin Jigme Lingpa nói:

    Khi càng tới gần cái chết mà càng thực hành Pháp một cách kiên định thì đó là dấu hiệu của một hành giả không bị nhiễm sương giá.*

    * Sương giá, là thứ phá hoại vụ thu hoạch cây trái của ta, tượng trưng cho những chướng ngại ngăn cản chúng ta không đạt được mục đích.


    Ngày nay, có những người nổi tiếng là đại thiền giả hay Lạt Ma xuất sắc, thường được nghe người ta nói: “Giờ đây Ngài không còn cần lễ lạy, tụng đọc những bài cầu nguyện, tích tập công đức và trí tuệ, hay cần tịnh hoá những chướng ngại và những thứ tương tự.”

    Chẳng bao lâu, bản thân họ bắt đầu tin vào điều đó, và tự coi mình là người rất quan trọng, không còn cần tới việc tu tập này nữa. Nhưng, như Ngài Dagpo Rinpoche vô song nói:

    Nghĩ rằng mình không cần những điều như vậy chứng tỏ rằng họ lại cần chúng hơn bao giờ hết.

    Om Mani Padme Hum !

  4. #284
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Lời vàng của thầy tôi
    PHẦN HAI _ CHƯƠNG II : KHƠI DẬY BỒ ĐỀ TÂM
    __________________________________________________ ______________________________________


    Mỗi ngày, Đại Sư Ấn Độ Dipamkara** đều bắt tay vào việc nhào nặn các tsa-tsa. Chẳng mấy chốc tay Ngài dính đầy đất sét.

    ** Một danh hiệu khác của Ngài Atisa.

    Những đệ tử của Ngài nói: “Người ta đang bàn tán vì một bậc thầy vĩ đại như Ngài mà tay lại dính bùn. Hơn nữa, bản thân Ngài đang mệt mỏi. Sao không để cho chúng con làm việc đó cho Ngài?”

    Ngài Dipamkara nói: “Các ông nói gì? Các ông cũng sắp bắt đầu ăn dùm tôi phải không?”

    Cho tới khi bạn đạt được Phật Quả viên mãn, bạn vẫn còn có những khuynh hướng và hành vi huân tập trong quá khứ cần loại bỏ, và vẫn còn cần đạt được càng lúc càng nhiều hơn những phẩm tính tâm linh. Vì thế không nên rơi vào biếng nhác và tu tập một cách lơ là. Hãy tinh tấn thực hành Giáo Pháp từ đáy lòng bạn, đừng bao giờ có cảm tưởng là mình đã thực hành đầy đủ rồi.

    Nói chung, việc bạn có đạt được Phật quả hay không chỉ tùy thuộc vào hạnh tinh tấn của bạn. Vì thế, hãy sử dụng mọi nỗ lực để hành trì ba loại tinh tấn. Một người với trí thông minh ngoại hạng nhưng chỉ có một chút tinh tấn sẽ chỉ là một hành giả hạng thấp. Nhưng một người ít thông minh mà lại tinh tấn phi thường thì sẽ trở thành một hành giả Thượng thừa. Không có chút tinh tấn nào thì mọi phẩm hạnh sẽ trở thành vô dụng. Đấng Toàn Giác Jigme Lingpa nói:

    Không có sự thông minh hay năng lực,
    Chẳng có của cải hay sức mạnh nào có thể giúp được
    một người không chút tinh tấn –
    Anh ta giống như một người chèo thuyền mà thuyền của anh
    có đủ mọi thứ, trừ mái chèo.


    Hãy luôn luôn điều độ trong việc ăn uống. Hãy ngủ nghỉ quân bình. Hãy miên mật, bền bỉ và liên tục. Hãy dụng tâm bạn như một dây cung tốt, không chùng quá mà cũng không căng quá. Nó sẽ giúp bạn thực hành tu tập thường xuyên.

    Om Mani Padme Hum !

  5. #285
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Lời vàng của thầy tôi
    PHẦN HAI _ CHƯƠNG II : KHƠI DẬY BỒ ĐỀ TÂM
    __________________________________________________ ______________________________________


    2.5 THIỀN ĐỊNH SIÊU VIỆT (Định ba-la-mật)

    Không thể phát triển thiền định nếu trước tiên không từ bỏ những kích động, từ bỏ những mối bận tâm làm ta sao lãng, và không sống ở nơi cô tịch. Vì thế vào lúc ban đầu, điều quan trọng là phải từ bỏ những xao lãng.

    2.5.1 Từ bỏ những phóng dật

    Bất cứ những gì tụ rồi cũng sẽ tán. Cha mẹ, anh em, vợ chồng, bạn bè và những mối liên hệ khác, thậm chí cả thịt, xương của thân thể mà ta đã nhận lúc sinh ra – tất cả sẽ đều đi tới chỗ ly tán. Hãy thấu suốt sự vô ích của việc bám luyến vào những người thân yêu và bằng hữu phù du, và hãy luôn luôn an trú trong cô tịch. Ngài Repa Shiwa O nói:

    Phật Quả chỉ hiện diện trong chúng ta chứ không ở đâu khác. Mặc dù bằng hữu tâm linh hỗ trợ cho việc tu tập của chúng ta, Nhưng nếu có hơn ba hay bốn người họp lại thì họ sẽ đem tới tham luyến và sân hận. Vì vậy tôi sẽ chỉ ở một mình.

    Mong muốn cái này cái nọ là điều gây ra mọi phiền não cho chúng ta. Chúng ta không bao giờ hài lòng với những gì mình có, và càng giàu có thì chúng ta lại càng tham lam hơn. Như tục ngữ có nói: “Đang giàu có nghĩa là đang nghèo túng” Hoặc: “Giống như những người giàu, càng có nhiều thì càng cần nhiều”“Đánh mất kẻ thù, là đánh mất chính tài sản của bạn” Bạn càng sở hữu nhiều nguồn lợi, tiền bạc và tài sản, thì bạn càng phải đối mặt với những nguy hiểm do kẻ thù, kẻ trộm và v.v.. gây ra. Bạn có thể tiêu phí cả cuộc đời bạn để thâu hoạch, bảo vệ và gia tăng tài sản của mình. Điều này chỉ dẫn tới đau khổ và những ác hạnh. Ngài Long Thọ (Nagarjuna) siêu phàm đã nói:

    Tích lũy, bảo vệ và phát triển của cải sẽ khiến bạn kiệt sức;
    Hãy hiểu rằng giàu có chỉ đem lại hư hoại và sự hủy diệt không cùng.


    Cho dù một người sở hữu tất cả những của cải và tài sản trong thế gian, thì điều đó cũng chẳng làm thay đổi được sự thực là họ chỉ cần thực phẩm và y phục đủ dùng cho một người. Không chú ý tới những hành vi sai trái hay đau khổ, không biết tới mọi lời phẩm bình, họ bỏ phí cuộc đời hiện tại và ném bỏ những đời tương lai cho gió cuốn đi; đối với của cải vật chất tầm thường nhất, họ coi thường bất kỳ cảm giác xấu hổ, coi thường sự thẳng thắn trung thực, bỏ qua tất cả mọi tư tưởng khôn ngoan, thận trọng, bỏ qua mọi tôn kính Giáo Pháp hay mật nguyện của họ. Sử dụng tất cả thời gian có được, họ chạy theo thực phẩm, lợi nhuận và địa vị xã hội, giống như những Tinh linh lang thang săn tìm các bánh cúng (torma); họ lãng phí toàn bộ cuộc đời họ mà chưa từng kinh nghiệm ngay cả một ngày giải thoát, an lành hay hạnh phúc. Cuối cùng, khi đã chất đống tất cả tài sản đó, họ có thể phải trả một giá rất đắt cho nó bằng cả cuộc đời họ và bị đâm hay bị bắn chết chỉ vì tiền bạc của họ. Rồi thì những gì họ đã một đời tích lũy lại bị kẻ thù và người khác tiêu xài. Tất cả là một sự lãng phí. Nhưng hàng đống những ác hạnh cao như Núi Tu Di mà họ tích luỹ để làm giàu thì vẫn còn dành riêng cho họ, và sẽ khiến cho họ phải lang thang trong đáy sâu của những cõi thấp, không bao giờ được tự do. Vì thế trong khi bạn vẫn còn cơ hội, hãy sử dụng một ít sở hữu mà bạn có thể có trong đời này để cung cấp cho những đời tương lai. Hãy bằng lòng với một lượng thực phẩm đạm bạc và quần áo đủ để tránh gió.

    Om Mani Padme Hum !

  6. #286
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Lời vàng của thầy tôi
    PHẦN HAI _ CHƯƠNG II : KHƠI DẬY BỒ ĐỀ TÂM
    __________________________________________________ ______________________________________


    Những người mà tham vọng của họ bị giới hạn vào cuộc đời hiện tại, trong kinh văn gọi là “những người bạn ấu trĩ”. Họ không hề biết ơn đối với bất kỳ sự giúp đỡ nào mà bạn có thể dàn trải ra cho họ, và ngược lại còn có thể làm hại bạn. Bất kỳ những gì bạn làm cho họ đều không bao giờ đúng. Họ rất khó hài lòng. Nếu bạn có nhiều hơn họ, họ ganh tị; nếu bạn có ít hơn, họ khinh khi. Càng gần họ lâu thì những ác hạnh của bạn càng gia tăng và thiện hạnh suy yếu dần. Hãy từ bỏ những người bạn như vậy và hãy tránh họ thật xa.

    Những nghề nghiệp như thương mại, nông nghiệp, kỹ nghệ và nghiên cứu thu hút bạn vào nhiều hoạt động, và cung cấp những nguồn xao lãng vô tận. Những theo đuổi tầm thường này làm bạn bận rộn thường xuyên vì những mục tiêu vụn vặt. Dù bạn có nỗ lực tới đâu chăng nữa, chẳng cái nào trong số đó có chút ý nghĩa nào. Trong tiến trình chiến thắng đối thủ và biệt đãi bạn bè, sẽ không bao giờ có được chấm dứt.

    Hãy từ bỏ tất cả những hoạt động và những xao lãng vô cùng tận này, giống như nhổ nước bọt vào bãi rác. Hãy rời bỏ quê nhà của bạn và hướng về những vùng đất xa lạ. Hãy sống ở chân những vách đá với bạn đồng hành duy nhất là những thú hoang. Hãy an định thân và tâm bạn trong một trạng thái thư thản.159 Hãy chấm dứt tất cả mọi quan tâm tới thực phẩm, quần áo hay bất kỳ những gì người ta nói đến. Hãy trải cuộc đời của bạn ở chốn hoang vắng nơi không có một bóng người. Ngài Jetsun Milarepa nói:

    Trong động đá ở nơi hoang dã
    Nỗi buồn của con không sao khuây khoả.
    Hỡi bậc Thầy của con, vị Phật trong ba thời,
    Con mong tưởng Ngài không phút nào ngơi nghỉ.


    Nếu bạn làm như Ngài đã làm, bạn sẽ nhận ra rằng, như tục ngữ nói: “Ở những nơi bạn cảm thấy cô độc, thiền định sẽ phát sinh.” Ở những nơi đó, ảo tưởng về luân hồi sẽ tan vỡ, quyết tâm tự giải thoát khỏi luân hồi, lòng tín tâm, tri giác thuần tịnh, thiền định và thể nhập, tất cả những phẩm tánh tốt đẹp của con đường đạo sẽ xuất hiện một cách tự nhiên. Hãy làm bất cứ những gì bạn có thể làm để sống một cuộc đời như vậy.

    Trong những khu rừng hẻo lánh, là những nơi mà chư Phật và Bồ Tát trong quá khứ đã tìm thấy sự an bình, không điều gì làm bạn bận rộn, không có những xao lãng, không có việc mua bán, không có những cánh đồng để làm việc, không có đám bạn bè ấu trĩ. Chim muông và hươu nai hoang dã dễ dàng kết bạn, nước suối và lá cây cung cấp thực phẩm khổ hạnh ngon lành. Giác tánh sẽ trở nên sáng tỏ một cách tự nhiên và thiền định tự động phát triển. Không kẻ thù, không bạn hữu, bạn có thể giải thoát khỏi những sợi dây xích của tham luyến và sân hận. Những nơi như vậy có đủ mọi thuận lợi. Trong Nguyệt Đăng Tam Muội Kinh và những Kinh khác, Đức Phật nói rằng chỉ đơn thuần có ước muốn tới những chốn hoang vắng và đi bảy bước hướng về những nơi đó thì đáng giá hơn cả việc cúng dường tất cả mười phương chư Phật trong nhiều kiếp nhiều như cát sông Hằng. Và còn giá trị hơn nữa nếu bạn thực sự sống ở những nơi như vậy. Cũng có câu nói rằng:

    Ở nơi hoàn toàn hẻo lánh, ẩn sâu trong những rặng núi,
    Mọi việc người ta làm đều tốt lành.


    Thậm chí không cần chút nỗ lực tinh tấn nào để thực hành, ở những nơi như vậy, ảo tưởng về sinh tử luân hồi sẽ tan vỡ, quyết tâm giải thoát khỏi luân hồi, lòng từ, bi và tất cả những phẩm tánh tuyệt hảo khác của đường tu sẽ phát sinh một cách tự nhiên. Kết quả là toàn bộ cách sống của bạn trở nên lành mạnh. Lòng tham luyến, sân hận và tất cả những cảm xúc tiêu cực ở những nơi chốn sinh hoạt rộn ràng mà bạn đã cố gắng kiểm soát nhưng không có kết quả thì nay tự chúng sẽ suy giảm đi, chỉ vì giờ đây bạn đang sống trong cô tịch. Bạn sẽ dễ dàng phát triển tất cả những đức tánh của đường tu.

    Những vấn đề này là những chuẩn bị sơ khởi cho thiền định, và là sự quan trọng sống còn, không thể bỏ qua.

    Om Mani Padme Hum !

  7. #287
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Lời vàng của thầy tôi
    PHẦN HAI _ CHƯƠNG II : KHƠI DẬY BỒ ĐỀ TÂM
    __________________________________________________ ______________________________________


    2.5.2 Thiền định thực sự

    Thiền định có ba loại: thiền định do những người bình thường thực hành, thiền định có nhận thức phân biệt rõ ràng (clearly discerning concentration), và thiền định siêu việt của các Đấng Như Lai.

    Thiền định do những người bình thường thực hành. Khi bạn chấp vào những kinh nghiệm hỷ lạc, trong sáng và vô niệm trong thiền định và cố tình tìm kiếm chúng, hoặc công phu thực hành của bạn bị bóp méo bởi lòng ham thích bất kỳ một kinh nghiệm nào, thì điều đó được gọi là thiền định được thực hành bởi những người bình thường.160

    Thiền định có nhận thức phân biệt rõ ràng. Khi bạn thoát khỏi bất kỳ dính mắc nào về kinh nghiệm thiền định và không còn bị quyến rũ bởi thiền định nữa, nhưng vẫn bám lấy tánh Không như cách đối trị, điều đó được gọi là thiền định có nhận thức phân biệt rõ ràng.

    Thiền định siêu việt của các Đấng Như Lai. Khi bạn không còn bất cứ khái niệm nào về tánh Không như một cách đối trị nữa, mà an trụ trong một trạng thái thiền định phi khái niệm về chân tánh như thị, điều đó được gọi là thiền định siêu việt của các Đấng Như Lai.

    Bất cứ khi nào bạn thực hành thiền định, điều quan trọng là ngồi trong “tư thế bảy điểm của Tỳ Lô Giá Na (Vairocana)” 161 với đôi mắt ngó ra xa trong một cách thức thích hợp. Có câu nói rằng:

    Khi thân thẳng, các kinh mạch đều thẳng;
    Khi kinh mạch thẳng, các năng lực đều thẳng;
    Khi các năng lực thẳng thì tâm thức thẳng.
    162

    Không nên nằm hay dựa vào bất cứ cái gì, mà hãy ngồi thẳng, tâm trí thoát khỏi bất kỳ niệm tưởng nào, và nghỉ ngơi thư thản trong trạng thái không bám chấp vào bất kỳ điều gì. Đó là cốt tủy của thiền định siêu việt.

    Om Mani Padme Hum !

  8. #288
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Lời vàng của thầy tôi
    PHẦN HAI _ CHƯƠNG II : KHƠI DẬY BỒ ĐỀ TÂM
    __________________________________________________ ______________________________________


    2.6 TRÍ TUỆ SIÊU VIỆT (Tuệ ba-la-mật)

    Trí tuệ siêu việt có ba phương diện: trí tuệ hình thành nhờ lắng nghe, trí tuệ hình thành nhờ quán chiếu, và trí tuệ hình thành nhờ thiền định.

    2.6.1 Trí tuệ nhờ lắng nghe Điều này có nghĩa là lắng nghe tất cả những ngôn từ và ý nghĩa của Pháp do một vị Thầy tâm linh nói ra, và hiểu được ý nghĩa của những ngôn từ đó khi chúng được nói ra.

    2.6.2 Trí tuệ nhờ quán chiếu

    Điều này có nghĩa là không chỉ lắng nghe những gì vị Thầy giảng dạy và hiểu được những lời dạy mà rồi sau đó phải xem xét lại trong tâm bạn và củng cố ý nghĩa của những lời dạy này qua công phu quán chiếu, khảo sát và phân tích, cũng như đặt câu hỏi về những điều bạn không thấu suốt. Nếu bạn tin rằng bạn hiểu biết hay thấu suốt một vài vấn đề đặc biệt nào đó thì điều này hoàn toàn không đủ. Bạn phải tuyệt đối đoan chắc rằng khi tới lúc để bạn tu tập ở nơi cô tịch, bạn sẽ có thể tự lo liệu cho mình mà không cần tham khảo bất kỳ người nào để hiểu rõ về một số vấn đề trong tu tập.

    2.6.3 Trí tuệ nhờ thiền định

    Nhờ thiền định, khi bạn trực nhận được kinh nghiệm của những gì trước đây bạn hiểu được bằng trí thông minh thì trạng thái chứng ngộ tâm thức bản nhiên sẽ phát triển một cách tự nhiên không chút sai lạc. Lòng xác quyết sẽ nảy sinh ra từ sâu thẳm bên trong bạn. Giải thoát khỏi những nghi ngờ và lưỡng lự đầy giới hạn, bạn thấy được chân tánh của trạng thái bản nhiên.

    Trước tiên, khi đã diệt trừ mọi nghi ngờ qua lắng nghe và quán chiếu, bạn sẽ có những kinh nghiệm trực nhận qua thiền định, và thấy tất cả vạn pháp và tất cả mọi hình tướng chỉ là rỗng không huyễn ảo, chẳng có bất kỳ thực chất nào. Chẳng hạn như trong tám tỉ dụ về ảo giác:

    Như trong một giấc mơ, tất cả những đối tượng bên ngoài đến từ cảm nhận của năm giác quan đều không hiện hữu; chúng xuất hiện từ sự mê lầm.

    Như trong một màn biểu diễn ảo thuật, mọi thứ được « làm cho xảy ra » (giả hợp) nhưng tựu chung những màn ảo thuật này chỉ xuất hiện do sự kết hợp tạm thời của hoàn cảnh và các nhân duyên tương khởi.

    Như trong một cái nhìn sai lạc, sự vật xuất hiện ở đó, nhưng lại không có gì.
    Như trong một ảo ảnh, sự vật xuất hiện nhưng không có thực.
    Như trong một tiếng vang, sự vật có thể được nhận biết nhưng không có gì ở đó, dù bên ngoài hay trong.
    Như trong một thành phố của các Gandharvas (thần hương ấm sống nhờ mùi hương), chẳng có nhà cũng không có người ở.
    Như trong một phản chiếu, một vật xuất hiện, nhưng tự nó không thực có.
    Như trong một thành phố được tạo bởi ma thuật, có đủ mọi thứ hình tướng nhưng chúng thực sự không có ở đó.

    Om Mani Padme Hum !

  9. #289
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Lời vàng của thầy tôi
    PHẦN HAI _ CHƯƠNG II : KHƠI DẬY BỒ ĐỀ TÂM
    __________________________________________________ ______________________________________


    Nếu bạn nhìn tất cả mọi đối tượng nhận thức của bạn theo cách này, bạn sẽ hiểu được rằng tất cả những gì xuất hiện đều là hư ảo vì bản tánh đích thực của chúng (là tánh Không). Khi bạn nhìn vào chân tánh của cái « chủ thể » đã nhận ra đựơc những đối tượng này – tức là nhìn vào chính tâm của bạn – thì những đối tượng xuất hiện trong tâm của bạn sẽ không ngừng xuất hiện, nhưng những « khái niệm» cho rằng những đối tượng này thực sự hiện hữu, những khái niệm đó sẽ lắng xuống. Hãy để tâm an trụ trong cái nhận biết về chân tánh, rỗng rang nhưng sáng tỏ như bầu trời, đó chính là trí tuệ siêu việt.

    Để giải thích thật chi tiết sáu pháp toàn thiện siêu việt (sáu Ba la mật), mỗi một pháp toàn thiện được chia làm ba, tổng cộng là mười tám phần. Tự phạm trù bố thí vật chất có ba phần, cả thảy là hai mươi phần. Nếu chúng ta thêm vào phương tiện siêu việt, thành hai mươi mốt phần; năng lực siêu việt, thành hai mươi hai; ước nguyện siêu việt, thành hai mươi ba và trí tuệ nguyên sơ siêu việt, thành hai mươi bốn.163

    Đi sâu vào từng chi tiết, mỗi một pháp toàn thiện siêu việt (Ba la mật) được chia làm sáu, làm thành ba mươi sáu phần. Chúng ta có thể thấy được điều này xảy ra như thế nào bằng cách khảo sát về phần bố thí Pháp (Pháp thí) thuộc bố thí ba la mật.

    Khi vị Thầy giảng dạy, Giáo Pháp được giảng dạy và những đệ tử được truyền dạy giáo lý này tập hợp lại cùng một lúc, thì việc giảng dạy giáo lý là bố thí siêu việt. Việc vị Thầy giảng dạy không tìm kiếm lợi lộc hoặc thanh danh trong việc giảng Pháp, và không làm ô nhiễm điều Ngài đang dạy bằng cách tự thổi phồng mình lên (do bực bội với địa vị của những người khác), hay bằng bất kỳ cảm xúc tiêu cực nào khác, thì đây chính là trì giới siêu việt. Việc vị Thầy lập đi lập lại ý nghĩa của một lời giảng và không quan tâm tới những khó khăn và mệt nhọc chính là nhẫn nhục siêu việt. Việc vị Thầy giảng dạy đúng giờ đã định, không lười biếng giải đãi hay trì hưỡn chính là tinh tấn siêu việt. Việc vị Thầy thuyết giảng chủ đề đang giảng mà không cho phép tâm xao lãng xa rời ngôn từ và ý nghĩa của chủ đề, không tạo ra bất kỳ sai sót nào và không thêm thắt hay bỏ sót bất kỳ điều gì, đó là thiền định siêu việt. Trong khi giảng dạy, vị Thầy an trụ, thấm đẫm trí tuệ, thoát khỏi tất cả mọi khái niệm về chủ thể, đối tượng, và hành động, đây chính là trí tuệ siêu việt. Vì thế tất cả các Ba la mật hay các pháp toàn thiện siêu việt đều hiện diện đầy đủ.

    Bây giờ hãy nhìn vào việc bố thí vật chất – ví dụ bố thí thực phẩm hay thức uống cho một hành khất. Khi vật cho, người cho và người nhận tất cả cùng hội hợp lại và hành động bố thí xảy ra, đó chính là bố thí. Việc đem cho thức ăn hay đồ uống của chính bạn, chứ không cho thực phẩm dở hay hư thối chính là trì giới. Việc không bao giờ nổi giận ngay cả khi bị hỏi xin liên tục, đó là nhẫn nhục. Việc sẵn sàng bố thí, không bao giờ nghĩ tưởng tới sự mệt nhọc hay khó khăn ra sao, là tinh tấn. Việc không để bản thân bạn bị xao lãng bởi những niệm tưởng khác, đó là thiền định. Việc biết được ba yếu tố chủ thể, đối tượng và hành động không có thực tánh là trí tuệ. Một lần nữa ở đây cũng bao gồm sáu hoàn thiện siêu việt. Những phân chia tương tự cũng được định rõ cho giới luật, nhẫn nhục, và v.v..

    Om Mani Padme Hum !

  10. #290
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Lời vàng của thầy tôi
    PHẦN HAI _ CHƯƠNG II : KHƠI DẬY BỒ ĐỀ TÂM
    __________________________________________________ ______________________________________


    Khi tóm tắt tinh tuý của những pháp toàn thiện siêu việt, Ngài Jetsun Milarepa nói:

    Hoàn toàn từ bỏ niềm tin chấp «có»
    Không có bố thí nào hơn được điều này.
    Hoàn toàn từ bỏ mọi thủ đoạn và xảo trá,
    Không giới luật nào hơn được điều này.
    Hoàn toàn vượt lên mọi sợ hãi về chân nghĩa,
    Không có nhẫn nhục nào hơn được điều này.
    Hoàn toàn an trú không tách biệt với thực hành,
    Không có tinh tấn nào hơn được điều này.
    Hoàn toàn an trụ trong dòng chảy tự nhiên,
    Không thiền định nào hơn được điều này.
    Hoàn toàn chứng ngộ trạng thái bản nhiên,
    Không trí tuệ nào hơn được điều này.
    Hoàn toàn thực hành Giáo Pháp trong mọi việc làm,
    Không phương tiện nào hơn được điều này.
    Hoàn toàn chiến thắng bốn quỷ ma,
    Không có sức mạnh nào hơn được điều này.
    Hoàn toàn thành tựu mục đích (vun bồi hai bồ phước huệ),
    Không có nguyện ước nào cao xa hơn điều này.
    Nhận biết nguồn gốc thật sự của những cảm xúc ô nhiễm,
    Không có trí tuệ nguyên sơ nào hơn được điều này.


    Có lần khi Khu, Ngok, và Drom* hỏi Ngài Atisa điều nào là tốt nhất trong tất cả các yếu tố của đường tu, Ngài trả lời:
    * Ba đệ tử chính của Ngài Atisa (xem Thuật ngữ).

    Học giả lỗi lạc nhất là người trực hiểu rằng chẳng có gì thực sự hiện hữu.
    Tu sĩ xuất sắc nhất là người đã điều phục được tâm mình.
    Phẩm tánh tốt nhất là lòng khát khao vĩ đại làm lợi lạc cho người khác.
    Giáo huấn tuyệt diệu nhất là luôn quán sát tâm.
    Phương thuốc hay nhất là hiểu rằng không sự vật nào có tự tánh.
    Cách sống lý tưởng nhất là cách sống không hợp với phương cách thế gian.
    Thành tựu tốt đẹp nhất là những cảm xúc tiêu cực từ từ giảm thiểu.
    Dấu hiệu tốt lành nhất của công phu tu tập là những ham muốn từ từ giảm thiểu.
    Bố thí tốt nhất là không vướng mắc.
    Trì giới tốt nhất là làm an bình tâm thức.
    Nhẫn nhục tốt nhất là giữ một vị trí khiêm tốn.
    Tinh tấn tốt nhất là từ bỏ mọi hoạt động.
    Thiền định hoàn hảo nhất là tâm không biến đổi.164
    Trí tuệ tuyệt vời nhất là hoàn toàn không coi bất kỳ điều gì thực sự hiện hữu.


    Om Mani Padme Hum !

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •