DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 23/49 ĐầuĐầu ... 13212223242533 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 221 tới 230 của 487
  1. #221
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Lời vàng của thầy tôi
    PHẦN HAI _ CHƯƠNG I : Quy Y
    __________________________________________________ ______________________________________


    Hãy học hỏi để có niềm tin và tri kiến thanh tịnh bằng cách nhận thức được rằng tất cả mọi việc đã xuất hiện đều là do Tam Bảo làm cho hiển lộ. Khi bạn lên đường đi tới một nơi nào đó, dù để làm việc hay vì một vài lý do nào khác, hãy kính lễ Phật, Pháp và Tăng ở hướng đó. Hãy trì tụng lời nguyện quy y liên tục hàng ngày, hoặc bạn dùng bài nguyện Tâm-Yếu đã trích dẫn ở trên, hoặc tụng đọc bài nguyện dưới đây có tên là Tứ Quy Y, thông dụng cho tất cả các Thừa:

    Con quy y Đạo Sư,
    Con quy y Phật.
    Con quy y Pháp.
    Con quy y Tăng.


    Hãy khuyên bảo người khác quy y và khuyến khích họ thực hành pháp môn quy y. Hãy giao phó bản thân bạn và những người khác cho Tam Bảo trong cả đời này lẫn những đời sau, và hãy thực hành pháp môn quy y [tụng lời nguyện quy y và quán tưởng ruộng công đức quy y] một cách siêng năng.

    Khi bạn đi ngủ, hãy quán tưởng những Bổn Tôn của ruộng công đức, như đã mô tả ở trên, nhưng đặt tất cả những vị ấy trong tim bạn, và rơi vào giấc ngủ trong khi dồn hết tâm thức tập trung vào các Ngài. Nếu không thể làm như vậy, hãy nghĩ tưởng đến Thầy của bạn và đến Tam Bảo như đang thực sự hiện diện bên gối của bạn, tràn đầy lòng từ bi với bạn. Sau đó đi vào giấc ngủ với niềm tin và tri giác thanh tịnh không đánh mất niệm tưởng về Tam Bảo.

    Khi bạn ăn hay uống, hãy quán tưởng Tam Bảo trong cổ họng và cúng dường các Ngài mọi thứ mà bạn ăn hay uống. Nếu bạn không làm được điều đó, hãy cúng dường các Ngài ngụm nước hay miếng ăn đầu tiên, và nghĩ: “Con cúng dường những món này lên Tam Bảo.”

    Khi bạn có quần áo mới, trước khi mặc vào lần đầu tiên, hãy nâng chúng lên và thầm cúng dường chúng cho Tam Bảo. Sau đó hãy mặc vào với niệm tưởng rằng Tam Bảo đã ban chúng cho bạn.

    Bất cứ khi nào bạn thấy điều gì đem lại cho bạn sự hoan hỷ hay lòng khao khát, hãy thầm cúng dường điều ấy lên Tam Bảo trân quý: những khu vườn đáng yêu đầy hoa, những giòng suối trong trẻo, những ngôi nhà xinh đẹp, những vườn cây tươi mát, những tài sản và của cải vô tận, những người đàn ông và phụ nữ ăn mặc đẹp đẽ.

    Khi rót nước, hãy tung vài giọt vào không trung và nói: “Con cúng dường nước này cho Tam Bảo” trước khi rót nước vào bình chứa.

    Tất cả những hoàn cảnh tốt đẹp và đáng ao ước trong đời này – mọi tiện nghi, hạnh phúc, sự mến mộ, thuận lợi hay bất cứ điều gì bạn có được– cũng đều phát xuất từ lòng từ bi của Tam Bảo. Với lòng quy ngưỡng và tri kiến thanh tịnh, hãy nghĩ rằng: “Con cúng dường tất cả những điều này cho các Ngài”. Hãy cúng dường lên các Ngài bất kỳ nguồn công đức nào mà bạn tạo được – lễ lạy, cúng dường, thiền định về Bổn Tôn, tụng niệm các câu minh chú (mantra), v.v... - và hãy hồi hướng tất cả những nguồn công đức này vì lợi ích của tất cả chúng sinh. Hãy thường xuyên cúng dường Tam Bảo khi bạn có thể làm được, vào ngày mồng một, ngày rằm và sáu thời trong ngày (ba thời vào ban ngày, ba thời vào ban đêm).* Luôn tuân theo những thời điểm đặc biệt này để cúng dường Tam Bảo.

    * dus drug, sáu thời: ba thời ban ngày và ba thời ban đêm.

    Om Mani Padme Hum !

  2. #222
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Lời vàng của thầy tôi
    PHẦN HAI _ CHƯƠNG I : Quy Y
    __________________________________________________ ______________________________________


    Bất kỳ điều gì xảy tới, dù xấu hay tốt, đừng bao giờ quên quy y Tam Bảo. Hãy tu tập bản thân cho đến khi ngay cả cảm giác sợ hãi trong một cơn ác mộng cũng không làm bạn quên quy y, bởi điều đó có nghĩa là bạn cũng sẽ nhớ để quy y như thế trong thân trung ấm. Tóm lại, hãy đặt toàn bộ niềm tin của bạn nơi Tam Bảo và không bao giờ từ bỏ việc quy y cho dù phải trả giá bằng cả cuộc đời bạn.

    Xưa kia, ở Ấn Độ, có một hành giả cư sĩ Phật Giáo bị một số người Ngoại đạo (tirthika) bắt giam, họ nói với ông: “Nếu ngươi từ bỏ quy y Tam Bảo, chúng ta sẽ không giết. Nếu không, chúng ta sẽ giết chết ngươi.”

    Ông ta trả lời: “Tôi chỉ có thể từ bỏ quy y bằng miệng, tôi không bao giờ có thể làm điều đó bằng tâm.” Vì thế họ giết ông.

    Chúng ta nên thực sự giống như vị cư sĩ đó. Một khi ta từ bỏ quy y Tam Bảo, thì dù những pháp tu mà chúng ta thực hành có sâu xa tới đâu chăng nữa, ta có thể không còn là một phần tử của cộng đồng Phật giáo nữa. Có câu nói rằng:

    Chính việc quy y Tam Bảo cho ta thấy sự khác biệt giữa một Phật tử và một người không phải là Phật tử.

    Có nhiều kẻ Ngoại đạo tránh làm những hành vi ác hại, thiền định về các Bổn Tôn, thực hành nương vào những kinh mạch và năng lực, và đạt được những thành tựu thông thường. Nhưng bởi không biết quy y Tam Bảo, họ không ở trên con đường đi tới giải thoát và sẽ không thoát khỏi Luân hồi.

    Không có duy nhất một điều nào trong tất cả những giáo lý Kinh điển và Mật điển mà Ngài Jowo Atisa không biết hay chưa từng đọc. Nhưng Ngài cho rằng trong tất cả những giáo lý đó, quy y Tam Bảo có tầm quan trọng bậc nhất khiến Ngài đã lấy đó làm một chủ đề để dạy đệ tử – tới nỗi người ta đặt biệt danh cho Ngài là “Học Giả Quy Y.”

    Vậy, từ giây phút bạn đi vào con đường giải thoát và trở thành một Phật tử, hãy thực hành quy y cùng với các giới luật của việc quy y, và đừng bao giờ từ bỏ giới luật cho dù mạng sống của bạn đang bị lâm nguy. Như trong một Kinh điển có ghi:

    Những người quy y Phật
    Là những đệ tử cư sĩ chân chính;
    Họ không nên tìm kiếm quy y
    Nơi bất kỳ Thần Thánh nào khác.
    Những người quy y Thánh Pháp
    Không nên có các tư tưởng ác hại.
    Những người quy y Tăng Đoàn cao quý
    Không nên kết giao với những kẻ Ngoại đạo.


    Om Mani Padme Hum !

  3. #223
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Lời vàng của thầy tôi
    PHẦN HAI _ CHƯƠNG I : Quy Y
    __________________________________________________ ______________________________________


    Ngày nay, một số người khẳng định mình là đệ tử của Tam Bảo nhưng lại không có sự tôn kính tối thiểu đối với những đại diện của Tam Bảo. Họ coi những tranh tượng tượng trưng cho Đức Phật hay những pho sách chứa đựng những lời dạy của Ngài là những món hàng bình thường có thể được mang ra rao bán hay cầm cố. Điều này gọi là “sinh sống bằng cách bắt giữ Tam Bảo để đòi tiền chuộc” và là một lỗi lầm hết sức nghiêm trọng. Chỉ ra chỗ khiếm khuyết của một bức vẽ hay tượng của một vị Phật hoặc chỉ trích bức tranh hay bức tượng Phật, thì trừ khi bạn ước định được sự cân xứng để sửa chữa bức tượng hay bức tranh đó, còn bằng không thì đó cũng là một lỗi lầm nghiêm trọng và nên tránh. Đặt Kinh sách trực tiếp trên sàn nhà, bước qua chúng, thấm nước bọt vào ngón tay để lật trang sách và những cư xử thiếu tôn kính khác cũng đều là những lỗi lầm nghiêm trọng. Chính Đức Phật đã nói:

    Sau khi năm trăm năm chấm dứt
    Ta sẽ hiện diện trong Kinh điển.
    Hãy xem Kinh điển chính là Ta
    Và tỏ lòng tôn kính.


    Một câu châm ngôn để dùng mỗi ngày nói rằng chúng ta không nên đặt những hình ảnh lên trên Kinh điển. Thay vì tượng trưng cho thân hay ý của Đức Phật thì Kinh điển tượng trưng cho ngữ của Ngài, dạy chúng ta điều gì nên làm và điều gì không nên làm và cũng bảo đảm tính liên tục của Giáo lý của Ngài. Do đó, Kinh điển không khác với bản thân Đức Phật, và thiêng liêng một cách đặc biệt.

    Ngoài ra, phần lớn mọi người nghĩ rằng chuông và chày là những đồ vật bình thường. Họ không hiểu rõ rằng chúng là những bảo vật tượng trưng cho Tam Bảo. Chày tượng trưng cho tâm Phật, cho năm trí huệ. Chuông mang hình ảnh của một khuôn mặt, theo ngoại Mật điển thì đó là Đức Tỳ Lô Giá Na (Vairochana), và theo quan điểm của các Mật điển thượng thừa thì đó là Đức Vajradhatvishvari. Nói khác đi, chuông mang hình ảnh của thân Phật. Những chữ chạm khắc trên chuông là tám chủng tự của tám vị phối ngẫu, và bản thân của chuông tượng trưng cho ngữ của Phật, âm thanh của Giáo Pháp. Như vậy, chuông và chày đồng thời đáp ứng mọi tiêu chuẩn đại diện cho thân, khẩu và ý của Đức Phật. Đặc biệt hơn, đây là hai đối tượng bao gồm tất cả các Mạn đà la của Kim Cương Mật Thừa, và vì thế được coi là những đối tượng Mật nguyện phi thường. Như vậy, nếu bạn thiếu tôn kính với những pháp bảo này thì đó là một lỗi lầm nghiêm trọng. Hãy luôn luôn tôn kính các pháp bảo.

    Om Mani Padme Hum !

  4. #224
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Lời vàng của thầy tôi
    PHẦN HAI _ CHƯƠNG I : Quy Y
    __________________________________________________ ______________________________________


    2. Lợi Ích Của Quy Y

    Quy y là nền tảng của mọi công phu tu tập. Chỉ bằng việc quy y là bạn đã gieo trồng hạt giống của giải thoát trong bản thân bạn. Bạn tự rời xa mọi ác hạnh đã tích lũy, và ngày càng phát triển những thiện hạnh. Quy y là nơi nương tựa cho mọi giới nguyện, là suối nguồn của mọi phẩm tánh tốt đẹp. Cuối cùng, quy y sẽ dẫn bạn đến Phật Quả. Và trong suốt thời gian từ nay cho đến ngày đạt được Phật Quả, quy y sẽ bảo đảm cho bạn là bạn sẽ nhận được sự che chở của những vị Trời từ tâm và thực hiện được mọi điều bạn mong ước; bạn sẽ không xa rời tư tưởng của Tam Bảo; bạn sẽ nhớ đến các Ngài từ đời này sang đời khác và tìm được hạnh phúc và an lành trong đời này và trong những kiếp tái sinh tương lai. Lợi ích của quy y được coi là vô lượng.

    Trong Bảy Mươi Đoản Kệ Quy Y có nói:

    Thật ra, ai cũng có thể thọ giới nguyện,
    Ngoại trừ những người không quy y.


    Quy y là nền tảng cần thiết cho tất cả các giới nguyện Biệt Giải Thoát (Pratimoksa), những giới nguyện của một hành giả Cư sĩ, một Sa di, một Tu sĩ v.v... Trước khi phát triển Bồ Đề Tâm, nhận quán đảnh của Kim Cương Thừa hay Mật Thừa, và nhận quán đảnh của tất cả những pháp hành trì khác, quy y là yếu tố cần thiết để nhận giới nguyện đầy đủ và xác thực. Nếu trước tiên không thọ giới quy y thì không có cách nào để bắt đầu ngay cả việc hành trì pháp tịnh hóa và chuyển hoá hằng ngày. Quy y sẽ hỗ trợ cho tất cả những giới nguyện và mọi đức tánh tốt lành.

    Việc quy y với một lòng tin, thấu hiểu một cách sâu sắc về những phẩm tánh cao quý của Tam Bảo, sẽ đem lại lợi ích không còn phải nghi ngờ gì nữa. Nhưng thậm chí chỉ đơn giản nghe được danh từ “Phật,” hoặc tạo được bất kỳ mối liên kết nào, dù có thể rất mỏng manh, với bất kỳ đại diện nào của thân, khẩu và ý của Đức Phật, là có thể gieo trồng hạt giống của Giải thoát, và cuối cùng sẽ dẫn đến trạng thái siêu vượt đau khổ. Trong Tạng Luật (Vinaya) có một câu chuyện kể về một con chó săn đuổi một con heo quanh một bảo tháp. Nhờ kinh nghiệm “nhiễu quanh” này, hạt giống Giác ngộ đã được gieo trồng trong cả hai con vật.

    Theo một câu chuyện khác, có ba người đạt được Phật Quả chỉ nhờ một bức tượng tsa tsa bằng đất sét. Một hôm có một người thấy tượng tsa tsa nhỏ bằng đất sét nằm trên mặt đất ngay bên lề đường.

    Ông ta nói: “Nếu để tượng nằm đó, trời mưa sẽ làm hỏng nó; tốt hơn ta nên làm điều gì cho nó.” Vì vậy, trước khi đi, ông ta lấy một miếng đế giày da cũ có ai bỏ gần đó che tượng lại.

    Một người khác tự nghĩ khi đi qua chỗ đó: “Thật sai lầm khi dùng một đế giày cũ che tượng tsa tsa kia”, và vì thế ông ta bỏ cái đế đi.

    Nhờ vào quả lành của ý hướng thiện lành của họ mà cả người dùng đế giày che tượng tsa tsa lẫn người bỏ cái đế ra đều được thừa hưởng những vương quốc trong các đời sau.

    Với tâm ý thanh tịnh,
    Người che đầu tượng Phật bằng một đế giày
    Và người sau đó lại lấy đế đi
    Cả hai đều thừa hưởng một vương quốc.


    Om Mani Padme Hum !

  5. #225
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Lời vàng của thầy tôi
    PHẦN HAI _ CHƯƠNG I : Quy Y
    __________________________________________________ ______________________________________


    Ba người – người đầu tiên đã nặn bức tượng tsa tsa, người thứ hai che tượng lại bằng một cái đế giày, và người cuối cùng lấy đế giày ra – tất cả đều đạt được hạnh phúc ở những cõi cao, được thừa hưởng vương quốc như một lợi lạc nhất thời, và cùng lúc đã tiến tới Phật Quả bằng cách gieo trồng trong tâm thức chính mình chủng tử của sự giải thoát tối hậu.

    Nhờ quy y mà bạn đã tự tách mình khỏi mọi hành động bất thiện. Quy y Tam Bảo với tín tâm chân thành và mãnh liệt sẽ làm suy giảm và cạn kiệt ngay cả những hành động xấu ác mà bạn đã tích tập trong quá khứ. Và từ lúc đó trở đi, những năng lực gia hộ tràn đầy bi mẫn của Tam Bảo sẽ đáp trả lại tất cả những niệm tưởng thiện lành của bạn, tới nỗi bạn sẽ chẳng còn làm bất kỳ điều tổn hại nào nữa.

    Một ví dụ khác là Vua A Xà Thế (Ajatasatru), người đã giết cha mình nhưng về sau quy y Tam Bảo. Ông đã chịu đựng những thống khổ của Địa ngục trong một tuần lễ và sau đó được Giải thoát.

    Và Đề Bà Đạt Đa (Devadatta), người đã phạm ba tội ác dẫn tới quả báo tức thời, thậm chí đã phải chịu đựng lửa Địa ngục ngay khi còn sống. Nhưng vào lúc đó ông có niềm tin vào giáo lý của Đức Phật và gào lên: “Tôi quyết định quy y Đức Phật từ tận trong xương tủy của tôi!” Đức Phật đã giảng rằng nhờ những lời này mà Devadatta sẽ trở thành một vị Phật Độc Giác có danh hiệu là Dũng Khí Phật. Như thế, giờ đây nhờ thiện tâm của một vị Thầy hay Thiện tri thức, bạn đã nhận được Giáo Pháp đích thực và phát khởi một chút ý nguyện mỏng manh muốn làm điều tốt lành và ngưng làm điều sai trái. Nếu bạn nỗ lực thực hành quy y Tam Bảo, tâm thức bạn sẽ nhận được nhiều sự gia trì và bạn sẽ phát triển mọi phẩm hạnh tốt lành của con đường đạo, chẳng hạn như bạn sẽ phát triển được niềm tin, có được tri giác thanh tịnh, không còn mang đầy ảo tưởng về sinh tử luân hồi và sẽ quyết định tìm giải thoát, hoặc sẽ phát triển được niềm tin vào luật nhân quả, v.v... Trái lại, cho dù giờ đây sự chán ghét luân hồi hay quyết tâm đạt được Giải thoát của bạn có mãnh liệt tới đâu chăng nữa, nhưng nếu bạn không hết lòng quy y Thầy của bạn và quy y Tam Bảo, hay không cầu nguyện các Ngài, thì bạn sẽ bị sắc tướng bên ngoài quyến rũ. Bạn sẽ trở thành cuồng tín và những niệm tưởng lọc lừa sẽ mau chóng xuất hiện tới nỗi việc này dễ dàng biến thành ác hạnh, ngay cả trong khi bạn đang làm điều tốt. Vì thế, thật vô cùng cần thiết để bạn phải hiểu rằng không có gì tốt đẹp hơn việc quy y để cắt đứt sự vận hành của những việc bất thiện trong tương lai.

    Bây giờ nói đến một vấn đề quan trọng khác. Có câu nói rằng:

    Ma quỷ đặc biệt thù ghét những người kiên trì trong tu tập.

    Và:

    Càng tu tập mãnh liệt thì ma quỷ càng mạnh mẽ.

    Chúng ta đang ở trong một thời đại suy đồi, những người thiền định về ý nghĩa sâu xa và những người tràn đầy năng lực thiện hạnh, chính họ lại dễ bị những cám dỗ của đời sống thế tục đánh lừa. Họ bị gia đình và bạn bè cản trở. Họ đau khổ bởi những nghịch cảnh như bệnh tật và bị nhiễu loạn bởi những mầm mống tiêu cực. Tâm thức họ bị tràn ngập bởi thất niệm và luôn đắn đo, do dự. Dưới nhiều hình thức phóng tâm như thế, những chướng ngại cho việc thực hành Giáo Pháp xuất hiện và tiêu hủy tất cả công đức của họ. Nhưng, để đối trị với những nguy hiểm này, nếu bạn thực sự nỗ lực chân thành quy y Tam Bảo thì tất cả những gì gây trở ngại cho việc tu tập của bạn sẽ được chuyển hoá thành ra những hoàn cảnh thuận lợi, và công đức của bạn sẽ tăng trưởng liên tục.

    Om Mani Padme Hum !

  6. #226
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Lời vàng của thầy tôi
    PHẦN HAI _ CHƯƠNG I : Quy Y
    __________________________________________________ ______________________________________


    Ngày nay, khi những gia chủ loan báo rằng họ đang tự bảo vệ bản thân và gia đình họ khỏi bị bệnh tật trong năm, họ đã mời thỉnh một số Lạt Ma và đệ tử của các vị này – trong khi không một ai trong số các Lạt Ma đó đã từng nhận lãnh quán đảnh cần thiết hay từng nhận khẩu truyền, cũng không thực hành những tụng niệm căn bản. Các gia chủ thỉnh mời các vị này khai mở Mạn đà la của một vài Bổn Tôn phẫn nộ.126 Không kinh qua giai đoạn phát triển (generation stage) và giai đoạn toàn thiện (completion stage), họ trợn tròn đôi mắt như những chiếc đĩa nhỏ và thả mình vào một cơn giận dữ điên cuồng nhắm vào một hình nhân bằng bột nhào.* Họ luôn thực hiện những lễ “cúng dường đỏ” gồm máu và thịt, và họ lên tiếng kêu gào “Đem chúng tới! Giết chúng! Liệu hồn đấy! Đánh chúng!” để khơi dậy trong lòng bất cứ ai nghe thấy những lời này những cảm xúc khích động dữ dội. Điều Ngài Milarepa nói dưới đây cho ta có một cái nhìn rõ ràng hơn về những nghi lễ như thế :

    * Hiểu một cách đúng đắn thì một hình nhân như thế tượng trưng cho khái niệm sai lạc rằng bản ngã thực sự hiện hữu. Ở đây nghi thức linh thiêng đang được sử dụng trong một cách thế hời hợt bề ngoài, đối nghịch với ý hướng của pháp môn hành trì.


    Cầu thỉnh những Bổn Tôn Trí tuệ để bảo vệ chúng sinh thế tục chẳng khác nào lôi một vị vua từ ngai vàng xuống và bắt quét nhà.

    Ngài Padampa Sangye nói:

    Họ làm một Mạn đà la Mật Chú trong một chuồng dê
    trong làng và tuyên bố đó là một hình thức giải độc!


    Những pháp thực hành thuộc loại này làm nhiễm độc Mật Thừa và biến Mật Thừa thành pháp tu hành của những người theo đạo Bưn (Bon). Những người thực hiện những pháp tu “giải thoát” phải vượt lên mọi tư lợi. Chỉ có những người như thế, hành động trên một phạm vi rộng lớn vì lợi ích của chúng sinh và vì giáo pháp, mới có thể có đủ phẩm tính để giải thoát những địch thủ và những người gây chướng ngại là những kẻ đang phạm mười ác hạnh. Nhưng khi một pháp tu như thế được thực hiện với tâm sân hận thông thường, với đầu óc phe phái, thì pháp hành trì ấy không những sẽ không có năng lực để giải thoát các chúng sinh liên hệ, mà còn gây ra việc phải bị đọa xuống Địa ngục cho người hành trì pháp ấy.

    Đối với những người không thành tựu những giai đoạn phát triển (generation stage) và giai đoạn toàn thiện (completion stage) và những người không tuân theo các mật nguyện, việc thực hiện những nghi lễ “cúng dường đỏ” gồm máu và thịt không đem lại kinh nghiệm chứng ngộ nào từ các Bổn Tôn trí tuệ lẫn những Hộ Pháp. Thay vào đó, những vị Trời và Ma quỷ ác độc sẽ tụ hội lại để cùng hưởng thụ những vật thực cúng dường và bánh cúng (torma). Dường như họ có thể mang lại một số lợi ích tức thời, nhưng kết quả sau cùng sẽ là vô số những hậu quả không ai mong muốn.

    Sự che chở gia hộ tốt nhất là bạn hãy đặt niềm tin nơi Tam Bảo. Hãy thỉnh cầu những vị Thầy và những Tăng sĩ là những người đã an định và kiểm soát được tâm thức của mình để xin các Ngài tụng một trăm ngàn lần bài nguyện quy y. Bạn sẽ nhận được lực gia hộ từ Tam Bảo; sẽ không có điều gì bất như ý xảy ra cho bạn trong đời này và mọi ước muốn của bạn sẽ được thực hiện một cách tự nhiên. Những Thiện Thần sẽ bảo vệ bạn, và thậm chí tất cả những ai có thể làm hại bạn – Ma quỷ và những kẻ gây chướng ngại – sẽ không tới gần bạn được.

    Om Mani Padme Hum !

  7. #227
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Lời vàng của thầy tôi
    PHẦN HAI _ CHƯƠNG I : Quy Y
    __________________________________________________ ______________________________________


    Có lần, một số người bắt được một tên trộm và đánh cho hắn một trận, mỗi lần đánh một gậy là họ niệm một câu trong bài nguyện quy y:

    “Tôi quy y Phật,” chát! “Tôi quy y Pháp,” chát! ..v..v...

    Sau khi đã khắc sâu những lời này vào tâm thức tên trộm, họ thả hắn đi. Tên trộm ngủ đêm dưới một cây cầu, tâm thức hắn tràn đầy lời lẽ của bài nguyện quy y, cùng với ký ức về trận đòn đau đớn mà hắn đã nhận. Trong khi hắn nằm ở đó thì một nhóm quỷ ma kéo tới gần cây cầu. Nhưng sau đó chúng la lên: “Ở đây có người quy y Tam Bảo!” và tất cả bỏ chạy, la hét inh ỏi.

    Để diệt trừ những ác hạnh của cuộc đời này thì không có cách nào tốt hơn việc quy y Tam Bảo tận đáy lòng bạn. Và trong những đời tương lai, quy y Tam Bảo sẽ đem tới cho bạn Giải thoát và Giác ngộ. Thậm chí khó có thể hình dung được tất cả những lợi ích của việc quy y.

    Kinh Vô Nhiễm có nói:

    Nếu tất cả công đức của quy y có hình tướng,
    Thì toàn thể không gian sẽ hoàn toàn tràn ngập,
    Không đủ sức dung chứa.


    Và trong Bát Nhã Tập Kệ có nói:

    Nếu công đức của quy y có hình tướng,
    Thì cả ba cõi cũng không thể chứa được.
    Làm sao đo lường nước bốn biển
    Chỉ bằng một chiếc muỗng nhỏ?


    Thêm nữa, như Đại Nhật Tâm Kinh có nói:

    Người coi Đức Phật là nơi nương tựa
    Mười triệu ma quỷ cũng không thể hãm hại;
    Dù họ vi phạm giới nguyện hay đau khổ trong tâm,
    Chắc chắn họ sẽ siêu vượt tái sinh.


    Do đó, hãy nhiệt thành, tận tụy hành trì pháp môn quy y, đây là nền tảng của tất cả những pháp tu của Giáo Pháp, bởi lẽ lợi ích của quy y thì thật vô biên vô tận.

    Con đã thực hiện ba bước quy y nhưng ít lòng tin chân thành,
    Con đã thực hành ba bước hướng dẫn nhưng để cho giới nguyện lơi lỏng.
    Xin từ bi gia hộ cho con và những kẻ bạc nhược như con
    Khiến niềm tin của chúng con kiên cố và bất thối chuyển.


    Om Mani Padme Hum !

  8. #228
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Lời vàng của thầy tôi
    PHẦN HAI _ CHƯƠNG II : KHƠI DẬY BỒ ĐỀ TÂM
    __________________________________________________ ______________________________________


    CHƯƠNG 2

    KHƠI DẬY BỒ ĐỀ TÂM, GỐC RỄ CỦA ĐẠI THỪA


    Nhờ trí tuệ vĩ đại, Ngài đã chứng ngộ Niết bàn.
    Nhờ lòng đại Bi, Ngài sẵn lòng ôm trọn Sinh tử.
    Nhờ phương tiện thiện xảo, Ngài trực ngộ Sinh tử - Niết bàn vốn không hai
    Bậc Thầy Vô Song, con đảnh lễ dưới chân Ngài.


    Chương này gồm có ba phần: rèn luyện tâm thức nương nơi Tứ Vô Lượng; khơi dậy Bồ Đề Tâm (bodhicitta) -- tức tâm thức hướng tới Giác Ngộ siêu việt; và tu tập theo giới luật của Bồ Đề Tâm trên hai phương diện phát nguyện và thực hành.

    I. RÈN LUYỆN TÂM NƯƠNG NƠI TỨ VÔ LƯỢNG

    Bốn phẩm hạnh vô lượng là lòng từ, bi, hỷ, và xả vô lượng. Lòng từ thường được đề cập đến trước tiên. Nhưng khi ta tuần tự thực hành bốn hạnh này như một phương cách rèn luyện tâm thức, thì chúng ta nên bắt đầu bằng việc phát triển tâm xả trước nhất. Nếu không làm như vậy thì bất kỳ lòng từ, bi và hỉ nào mà chúng ta phát triển được cũng sẽ có khuynh hướng thiên lệch và không hoàn toàn thanh tịnh. Do đó, trong trường hợp này, chúng ta bắt đầu bằng thiền định về phẩm tính của tâm xả.

    1. Thiền Định Về Tâm Xả

    Xả _ tiếng Tây Tạng là tang nyom _ có nghĩa là từ bỏ (tang) sự thù ghét kẻ thù và sự bám luyến bằng hữu, và giữ một thái độ bình thản (nyom) đối với tất cả chúng sinh, thoát khỏi tâm trạng dính mắc với những người thân cận và lòng ác cảm với những người không thân thiết.

    Như hoàn cảnh hiện nay, chúng ta rất gắn bó với những người mà ta nghĩ là thành viên của tập thể của riêng ta – cha, mẹ, những người thân thuộc, v.v... - trong khi chúng ta thù ghét thậm tệ kẻ thù của ta và những người liên kết với kẻ thù của ta. Đây là một lỗi lầm, và điều này xuất phát từ việc thiếu truy xét.

    Trong những đời trước, những người mà giờ đây chúng ta coi như kẻ thù chắc chắn đã từng thân thiết với ta, luôn yêu thương, kề cận, chăm sóc chúng ta với thiện ý, và hiến tặng cho ta mọi sự giúp đỡ và nâng đỡ ta không cách gì có thể tưởng tượng nổi. Trái lại, nhiều người mà giờ đây ta gọi là bạn bè chắc chắn đã từng chống lại ta và làm hại ta. Như chúng ta thấy trong chương viết về vô thường, điều này được minh họa bởi những lời của Ngài Katyayana siêu phàm:

    Hắn ăn thịt cha, đánh đuổi mẹ,
    Hắn nâng niu trong lòng kẻ thù mà hắn đã giết;
    Người vợ đang gặm xương chồng.
    Ta bật cười khi chứng kiến màn sinh tử hiển bày!


    Một ví dụ khác là câu chuyện của Công Chúa Pema Sel, con gái của vị Pháp Vương Trisong Detsen. Khi cô chết vào tuổi mười bảy, cha cô tới hỏi Đạo Sư Liên Hoa Sanh (Guru Rinpoche) làm sao một việc như vậy có thể xảy ra ?.

    “Tôi nghĩ con gái tôi phải là người có những hành vi thanh tịnh trong quá khứ,” nhà vua nói. “Nó đã sinh ra làm con gái của Vua Trisong Detsen. Nó đã gặp tất cả các Ngài, là những dịch giả và học giả chẳng khác nào những vị Phật đích thực. Như vậy làm sao cuộc đời của nó lại ngắn ngủi như thế?”

    “Hoàn toàn không phải do những hành vi thanh tịnh trong quá khứ mà công chúa sinh làm con Ngài”
    Đạo Sư trả lời. “Xưa kia, Ta _ Liên Hoa Sanh _ cùng Ngài _ Pháp Vương vĩ đại _ và Đại Bồ Tát Tu viện trưởng bị sinh ra làm ba đứa trẻ thuộc giai cấp hạ tiện. Chúng ta đang xây dựng Đại Bảo Tháp Jarung Khashor. Lúc đó Công chúa là một côn trùng chích vào cổ Ngài. Ngài lấy tay gạt đi và ngẫu nhiên giết chết nó. Vì món nợ Ngài vay trong kiếp đó, con côn trùng đã tái sinh làm con gái của Ngài”.129

    Om Mani Padme Hum !

  9. #229
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Lời vàng của thầy tôi
    PHẦN HAI _ CHƯƠNG II : KHƠI DẬY BỒ ĐỀ TÂM
    __________________________________________________ ______________________________________


    Pháp Vương Trisong Detsen là người được xem là Hóa Thân của Bồ Tát Văn Thù mà con gái của Ngài lại có thể sinh làm con Ngài theo con đường tái sinh như vậy, do nghiệp chín muồi trổ quả từ một hành vi tạo tác trong quá khứ – như vậy thì ta còn có thể nói gì hơn về trường hợp của những chúng sinh khác?

    Hiện nay, ta có một mối liên hệ hết sức thân thiết với cha mẹ và con cái chúng ta. Ta cảm thấy hết sức thương yêu họ và có những ước nguyện lạ thường đối với họ. Khi họ đau khổ, hay bất kỳ điều gì không vừa ý xảy ra với họ thì chúng ta bối rối lo âu còn hơn là khi điều đó xảy ra với cá nhân ta. Tất cả những điều này chỉ là sự đền trả cho điều ác mà chúng ta đã gây ra cho nhau trong những đời quá khứ.

    Trong tất cả những người mà giờ đây chúng ta coi là kẻ thù, không ai chưa từng là cha hay mẹ trong một chuỗi dài những đời trước của ta. Ngay cả giờ đây, việc ta coi họ như những người chống lại ta không nhất thiết có nghĩa là họ thực sự làm điều ác đối với ta. Đối với một số người, chúng ta coi họ là những đối thủ, nhưng từ phía họ, họ lại hoàn toàn không nhìn thấy chúng ta theo cách đó. Một số khác có thể cảm thấy rằng họ là kẻ thù của ta nhưng hoàn toàn không có khả năng làm hại ta. Cũng có những người vào một lúc nào đó có vẻ như đang gây tổn hại cho ta, nhưng trong một thời gian dài, lại có những điều họ làm có thể đem lại cho ta một nhận thức và cảm kích sâu sắc nào đó trong đời này, hoặc khiến ta chuyển tâm, hướng tâm về Pháp, và vì thế đem lại cho ta nhiều lợi lạc và hạnh phúc. Còn những người khác, nếu ta có thể khéo léo thích nghi với tánh khí của họ và khuyến dụ họ với lời lẽ dịu dàng cho tới khi chúng ta đạt được một vài thỏa thuận nào đó, thì ta có thể dễ dàng chuyển hoá họ thành bạn của ta.

    Mặt khác, có những người mà chúng ta thường xem là thân thiết nhất với mình, chẳng hạn như con cái ta. Nhưng đã có những đứa con từng lừa gạt hay thậm chí giết cả cha mẹ chúng. Đôi khi con cái đứng về phe những người đang có tranh chấp với cha mẹ, hợp lực với họ để gây xung đột cho chính gia đình mình và cướp đoạt tài sản của cha mẹ. Ngay cả khi chúng ta sống thuận thảo với những người thân thiết với ta, những phiền muộn và rắc rối của họ cũng đem đến những ảnh hưởng không tốt đẹp đối với chúng ta, thậm chí còn ảnh hưởng ta mạnh mẽ hơn là những khó khăn của chính mình. Để giúp đỡ bạn bè, con cái và những người thân khác của ta, chúng ta tích lũy đầy rẫy những hành động bất thiện là những hành động sẽ đọa ta vào các tầng Địa ngục trong đời sau. Khi ta thực sự muốn thực hành Pháp một cách đúng đắn thì họ lôi kéo chúng ta lại. Khi không thể thoát khỏi nỗi lo lắng về cha mẹ, con cái, và gia đình, chúng ta trì hưỡn việc tu tập, thực hành Pháp, và vì thế không bao giờ tìm ra được thời gian để thực hành công phu tu tập này. Tóm lại, những người như vậy có thể làm hại ta thậm chí còn hơn cả những kẻ thù.

    Hơn nữa, không có gì bảo đảm là những người chúng ta coi là đối thủ hôm nay lại không phải là con cái chúng ta trong những đời sau, hay bạn bè hiện tại sẽ không tái sinh làm kẻ thù của chúng ta trong kiếp tới, v.v... Chỉ vì trong một thoáng, ta chấp nhận rằng nhận thức của chúng ta về “kẻ thù” và “bạn bè” là thật có, nên ta tích tập nhiều hành động bất thiện qua lòng tham luyến và sân hận. Tại sao ta lại ôm chặt gánh nặng này để chúng lôi kéo ta, đọa ta xuống những cõi giới thấp?

    Om Mani Padme Hum !

  10. #230
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Lời vàng của thầy tôi
    PHẦN HAI _ CHƯƠNG II : KHƠI DẬY BỒ ĐỀ TÂM
    __________________________________________________ ______________________________________


    Vì thế, hãy đi đến một quyết định mãnh liệt và hãy ý thức rằng tất cả chúng sinh bao la vô tận là cha mẹ và con cái của chính bạn. Như thế, hãy rèn luyện tâm ta giống như những bậc vĩ đại trong quá khứ đã làm, như ta đã có thể đọc thấy trong tiểu sử cuộc đời của các Ngài -- hãy coi tất cả bằng hữu và kẻ thù đều tương tự như nhau.

    Trước hết, đối với tất cả những người mà bạn hoàn toàn không ưa thích – những người khơi dậy lòng sân hận và thù ghét trong bạn – hãy rèn luyện tâm thức bạn bằng nhiều phương tiện khác nhau để lòng sân hận và thù ghét mà bạn cảm thấy đối với họ không còn xuất hiện. Hãy nghĩ về họ như thể bạn nghĩ về một người nào đó một cách chung chung, không làm điều tốt cho bạn mà cũng chẳng làm hại bạn. Sau đó hãy quán chiếu rằng vô số chúng sinh mà bạn cảm thấy chung chung về họ, từ vô thủy đã từng là cha, mẹ bạn một lúc nào đó trong những đời quá khứ. Hãy thiền định về đề mục này, rèn luyện bản thân cho tới khi bạn cảm thấy thương yêu họ, tương tự như bạn yêu thương cha mẹ hiện thời của bạn. Cuối cùng, hãy thiền định cho tới khi bạn cảm thấy có đuợc lòng từ bi vô phân biệt đối với tất cả chúng sinh – dù bạn coi họ là bạn bè, kẻ thù hay không thù không bạn – nhưng đây chính là bạn đang phát triển lòng bi mẫn đối với cha mẹ nhiều đời kiếp của chính bạn.

    Bây giờ, nếu bạn chỉ đơn thuần nghĩ đến mọi người, thù và bạn đều như nhau, trong lòng không có mảy may một cảm xúc đặc biệt nào, không cảm thấy từ bi, cũng không cảm thấy thù ghét hay cảm thấy bất cứ gì khác -- nếu chỉ đơn thuần nghĩ như vậy thì tâm xả đó vẫn không thể nào thay thế được cho tâm xả vô lượng [mà chúng ta muốn phát khởi]. Loại tâm xả chung chung đó là thứ tâm xả không có chánh niệm, không gây ra điều ác nhưng cũng không đem lại lợi lạc. Hình ảnh được dùng để miêu tả một tâm xả chân chính vô lượng vô tận là hình ảnh một bữa tiệc do một hiền nhân vĩ đại chiêu đãi. Khi những đại hiền giả ngày xưa cúng dường những bữa tiệc, các Ngài sẽ mời tất cả mọi người, dù cao hay thấp, mạnh hay yếu, tốt hay xấu, đặc biệt hay bình thường, mà không có bất kỳ phân biệt nào. Tương tự như thế, thái độ của ta đối với tất cả chúng sinh khắp hư không phải là một cảm thức bao la của lòng từ bi, dung chứa tất cả một cách bình đẳng. Hãy rèn luyện tâm thức bạn cho tới khi bạn đạt tới một trạng thái của tâm xả vô lượng y như thế.

    Om Mani Padme Hum !

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •