DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 14/49 ĐầuĐầu ... 4121314151624 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 131 tới 140 của 487
  1. #131
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Lời vàng của thầy tôi
    PHẦN MỘT _ CHƯƠNG III
    __________________________________________________ ______________________________________


    Càng quán chiếu về những điều này và những đoạn tương tự khác, ta sẽ càng nhận ra rằng cho dù sinh ra ở đâu; từ đỉnh cao của sự sống xuống tới Địa ngục sâu thẳm nhất, tất cả đều không có ngay cả một giây phút hạnh phúc thực sự. Mọi sự đều vô nghĩa. Hãy suy ngẫm về luân hồi sinh tử và những đau khổ của sinh tử cho đến khi không còn tham muốn gì về cõi luân hồi này nữa, giống như người đau gan được mời ăn một món thức ăn có nhiều mỡ béo vậy.

    Đừng nên hài lòng với việc chỉ đơn thuần nghe nói về những đau khổ này và có được những hiểu biết theo tri kiến. Hãy thấu hiểu những điều đó qua dòng tâm thức và kinh nghiệm những đau khổ ấy với toàn bộ trí tưởng tượng cho tới khi nào ta có thể thực sự có niềm tin vào những điều đó. Khi có được sự xác quyết này thì việc tránh không phạm ác hạnh và việc phải tích lũy thiện hạnh sẽ đến với ta một cách tự nhiên không cần ép buộc.

    Nanda, người anh em họ với Đức Phật, rất luyến ái người vợ và không muốn từ bỏ thế gian. Mặc dù Đức Phật, bằng phương tiện thiện xảo, đã thuyết phục ông hãy bước chân trên con đường Đạo Pháp và trở thành một Tăng sĩ, ông ta đã không tuân theo giới luật. Ông sắp bỏ trốn thì Đức Phật dùng thần lực đem ông lên một đỉnh núi tuyết và cho ông ta thấy một con khỉ cái một mắt.

    Đức Phật hỏi Nanda: “Ông thấy Pundarika vợ của ông và con khỉ này ai đẹp hơn?”

    Nanda trả lời: “Vợ con, nàng đẹp hơn gấp trăm, gấp ngàn lần!”

    “Được rồi,” Đức Phật trả lời. “Bây giờ chúng ta hãy lên cõi Trời.”

    Khi đến nơi, Đức Phật ngồi xuống và bảo Nanda đi một vòng xem xét. Mỗi vị Trời sống trong cung điện riêng, chung quanh có nhiều Thiên nữ trẻ, và hưởng thụ những khoái lạc, hạnh phúc và sự dư dật không thể nghĩ bàn. Tuy nhiên, có một cung điện có nhiều Thiên nữ nhưng không có vị Trời nào. Nanda hỏi tại sao, và được trả lời: “Trong cõi người, có một người đàn ông tên Nanda, là người anh em họ của Đức Phật, đang tuân giữ giới luật tu viện. Hành động này sẽ dẫn ông ta tái sinh vào cõi Thiên, và khi đó cung điện này sẽ là của ông ta.”

    Nanda vui mừng khôn xiết. Khi trở lại với Đức Phật, Phật hỏi, “Ông có thấy cõi Trời chưa?”

    “Tất nhiên là con thấy rồi!”

    “Tốt. Ông thấy vợ ông hay những Thiên nữ trẻ ai đẹp hơn?”

    “Những người con gái của các chư Thiên đẹp hơn nhiều,” Nanda trả lời; “Quả thực, sắc đẹp của họ vượt xa sắc đẹp của Pundarika cũng như sắc đẹp của Pundarika vượt xa con khỉ một mắt mà chúng ta thấy trước đó.”

    Khi trở về thế gian, Nanda giữ gìn giới luật tu viện thật hoàn hảo.

    Om Mani Padme Hum !

  2. #132
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Lời vàng của thầy tôi
    PHẦN MỘT _ CHƯƠNG III
    __________________________________________________ ______________________________________


    Sau đó Đức Phật nói với những tu sĩ: “Nanda đã từ bỏ cuộc sống thế gian để được sinh vào những cõi Trời,” Ngài nói, “Nhưng tất cả các ông trở thành tu sĩ để vượt thoát đau khổ. Các ông và ông ta không cùng một con đường. Đừng nói chuyện với ông ta nữa. Không nên thân mật với ông ta. Thậm chí không nên ngồi cùng chỗ với ông ta!”

    Tất cả tu sĩ vâng lời, và Nanda rất bối rối. Ông nghĩ: “Ananda là em trai ta; tối thiểu nó vẫn còn chút tình cảm với ta.” Nhưng khi ông ta đi gặp em, Ananda đứng dậy và bỏ đi. Nanda hỏi tại sao, và Ananda thuật lại những điều Đức Phật đã nói. Nanda rất đau khổ.

    Cuối cùng Đức Phật đến với ông và nói, “Nanda, ông có muốn đi thăm các Địa ngục không?” Nanda đồng ý, và Đức Phật đưa cả hai xuống đó bằng Thần lực. “Hãy đi và quan sát chung quanh,” Ngài nói.

    Vì vậy, Nanda bắt đầu thám hiểm, tìm thăm tất cả cảnh giới của Địa ngục, cho tới khi ở một nơi kia, ông bắt gặp một vạc trống không, trong đó có một ngọn lửa cháy kêu tanh tách và rất đông thuộc hạ của Diêm Vương đang vây quanh. Ông hỏi họ tại sao trong cái vạc không có ai.

    “Có một người em họ trẻ tuổi của Đức Phật tên là Nanda,” họ trả lời, “anh ta đang thực hành giới luật tu viện với ý định được tái sinh làm một vị Trời. Sau khi hưởng thụ hạnh phúc của cõi Trời, khi công đức của anh ta cạn kiệt, anh ta sẽ tái sinh vào đây.”

    Nanda hoảng sợ. Khi trở về ông ta suy nghĩ kỹ về các sự việc. Trong tương lai được sinh vào cõi Trời và sau đó kết thúc ở các cõi Địa ngục thì chẳng có ý nghĩa gì hết, vì thế ông nuôi dưỡng một quyết tâm chân thực để tìm cách giải thoát khỏi luân hồi. Khi đã được nhìn tận mắt các cõi Địa ngục, ông không bao giờ làm bất kỳ điều gì vi phạm giới luật dù nhỏ nhặt nhất, và Đức Phật tán thán ông là đệ tử tuyệt hảo nhất trong việc thu thúc các căn.*

    * Thu thúc các căn có nghĩa là không cho phép mình bị cám dỗ bởi những đối tượng của các giác quan.

    Chúng ta không cần phải đi quá xa để tận mắt thấy các cảnh Địa ngục. Một hình ảnh đơn giản cũng đủ làm chúng ta kinh sợ và củng cố ý muốn được giải thoát của mình. Chính vì lý do này mà Đức Phật yêu cầu bánh xe năm nhánh tượng trưng cho vòng luân hồi được vẽ tại cửa thiền đường* của Tăng đoàn.

    * Hình vẽ này thường được thấy ở cổng vào của các ngôi chùa Tây Tạng.

    Như Đức Long Thọ đã nói:

    Nếu chỉ nhìn những hình ảnh của các Địa ngục, tai nghe những điều mô tả,
    Hoặc đọc và suy nghĩ về Địa ngục đã khiến bạn kinh sợ như vậy,
    Thì bạn sẽ làm gì khi trải nghiệm ở đó ?
    Toàn bộ nghiệp quả sẽ trổ ra từ những hành vi của bạn mà không sao ngăn cản được.


    Vì thế, hãy quán chiếu về những loại đau khổ khác nhau trong luân hồi. Từ tận đáy lòng, hãy vất bỏ mọi mục đích tầm thường của cuộc đời này. Trừ phi hoàn toàn từ bỏ những hoạt động thế gian, bất kỳ Giáo Pháp nào mà bạn nói là đang thực hành sẽ không thể dẫn đến thành tựu.

    Om Mani Padme Hum !

  3. #133
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Lời vàng của thầy tôi
    PHẦN MỘT _ CHƯƠNG III
    __________________________________________________ ______________________________________


    Khi Ngài Atisa sắp viên tịch, một hành giả Du già đến hỏi Ngài: “Sau khi Ngài viên tịch, con có nên thiền định không?”

    “Cho dù ông thiền định, nó có sẽ thực sự là Giáo Pháp không?” Ngài Atisa hỏi ông ta.

    “Vậy thì, con có nên giảng dạy hay không?”

    Vị đạo sư trả lời như trước.

    “Vậy, con nên làm gì?”

    “Tất cả những gì ông nên làm là hoàn toàn nương tựa vào Tonpa và chí tâm từ bỏ [sự tham luyến vào] cuộc đời này,” Ngài Atisa trả lời.

    Một câu truyện khác kể về một vị sư đang đi nhiễu quanh Tu Viện Radreng thì gặp Geshe Tonpa. Vị Geshe nói: “Tu sĩ đáng kính, đi nhiễu là một việc tốt, nhưng việc thực hành Giáo Pháp đích thực không tốt hơn hay sao?”

    Vị tăng tự nghĩ: “Có lẽ việc đọc kinh điển Đại Thừa thì cần thiết hơn là đi nhiễu.” Vì thế ông ta đọc kinh điển trên ban công nhìn ra sân giảng ngoài trời.

    Sau một lát, Ngài Geshe Tonpa nói với ông ta: “Đọc giáo lý cũng là một việc tốt, nhưng thực hành Giáo Pháp đích thực lại không tốt hơn hay sao?”

    Một lần nữa, nhà sư suy nghĩ kỹ về điều đó: “ Điều này hẳn có nghĩa là thực hành thiền định thì tốt hơn đọc kinh điển.” Do đó ông ta hưỡn việc đọc Kinh và bắt đầu dùng thời giờ để ngồi trên giường với đôi mắt nhắm hờ.

    Một lần nữa, Ngài Tonpa nói với ông ta: “Thiền định là một việc tốt, nhưng thực hành Giáo Pháp đích thực không tốt hơn hay sao?”

    Bị bí lối, nhà sư kêu lên: “Ngài Geshe tôn kính, vậy con nên làm gì để thực hành Giáo Pháp?”

    “Tu sĩ đáng kính,” Ngài Geshe trả lời, “hãy [phát tâm] từ bỏ đời này! Hãy [phát tâm] từ bỏ đời này!”

    Chính tất cả những hoạt động tầm thường và những ràng buộc hạn chế trong những lo toan của cuộc đời này, bây giờ và mãi mãi về sau, sẽ luôn ngăn trở không cho chúng ta thoát được khỏi những cảnh giới đau khổ của luân hồi. Ngoài vị Chân sư thì không ai có thể thực sự chỉ dạy cho ta phải làm gì, để chặt đứt sợi dây neo cột chặt chúng ta vào cuộc đời này, để chúng ta đạt được Giác ngộ trong những kiếp sống tương lai. Hãy bỏ lại đằng sau tất cả những mối bận tâm của cuộc đời này – thân quyến và bạn bè, bằng hữu và những người thân yêu, thực phẩm, của cải và tài sản– giống như nhổ nước bọt vậy.*

    * Điều muốn nói ở đây (được nói rõ trong những chương khác) không phải là một sự chối bỏ trách nhiệm của ta đối với cha mẹ, con cái v.v... nhưng là sự chuyển hoá tâm tham luyến và chuyển hoá định kiến giới hạn đặt nền tảng trên “cái tôi” thành một lòng từ ái chân thực trải rộng đồng đều cho mọi chúng sinh.

    Om Mani Padme Hum !

  4. #134
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Lời vàng của thầy tôi
    PHẦN MỘT _ CHƯƠNG III
    __________________________________________________ ______________________________________


    Ngài Padampa Sangye có nói:

    Vật chất giống như mây mù; đừng bao giờ nghĩ rằng chúng có thể trường tồn. Được mến mộ ưa chuộng giống như tiếng vang; chớ đeo đuổi sự kính trọng, hãy tìm theo tánh thật của nó.
    Quần áo đẹp giống như những màu sắc trong một cầu vồng; hãy ăn mặc đơn giản và chuyên tâm thực hành.
    Thân thể này là một cái bao chứa máu; mủ và dịch chất; đừng yêu quý nó. Ngay cả những bữa ăn ngon lành cũng biến thành chất phẩn; đừng quá coi trọng miếng ăn. Hiện tượng xuất hiện như kẻ thù; hãy sống trong ẩn thất hay núi non. Ảo tưởng nhận thức như cây gai xé rách tâm thức; hãy xem ảo tưởng thảy có cùng một tánh (tánh không).**

    ** Đứng về mặt tuyệt đối thì mọi tri giác đều có cùng một bản tánh, đó là tánh Không.

    Mọi tham dục và mong cầu đều phát xuất từ chính bản thân; hãy hướng về chân tánh của tâm.
    Viên ngọc quý báu nhất ở ngay trong ta; đừng mong mỏi thực phẩm và của cải.
    Nói nhiều chỉ đem lại tranh cãi; hãy hành động như thể bị câm.
    Tâm có năng lực tự nhiên; 67 đừng chạy theo tiếng gọi của bao tử.
    Sự gia hộ xuất hiện từ tâm; hãy thỉnh nguyện Lạt ma và bổn tôn của mình.
    Nếu ở một nơi nào quá lâu rồi cũng sẽ thấy ngay cả Đức Phật cũng có lỗi, vậy chớ ở lâu bất kỳ nơi đâu.
    Hãy hành động khiêm tốn; hãy từ bỏ tính kiêu căng.
    Cuộc đời không kéo dài lâu; hãy thực hành ngay, đừng chậm trễ.
    Bạn giống như một lữ khách trong cuộc đời này; đừng xây một toà lâu đài ở nơi bạn chỉ lưu lại một lát.
    Chẳng hành động nào đem lại ích lợi; hãy đặt thành tựu nơi công phu hành trì.
    Chẳng thể nào biết được khi nào thân bạn trở thành mồi cho dòi bọ hay hoàn toàn biến mất; chớ bị phân tâm bởi những hiện tượng của cuộc đời này.
    Bạn bè và thân quyến giống như những con chim nhỏ trên cành; đừng vướng mắc với họ.
    Lòng tín tâm vững chắc giống như một nền tảng hoàn hảo; đừng quăng bỏ lòng tin ấy vào đống rác cảm xúc bất thiện.
    Thân người như viên ngọc như ý quý giá, chớ trao nó cho kẻ thù – sự thù hận.
    Mật nguyện (samaya) thì giống như tháp canh; 68 đừng làm ô nhiễm với những lỗi lầm.
    Trong lúc vị Đạo Sư Kim Cương vẫn còn (hiện diện) ở giữa các bạn; đừng để Giáo Pháp bị cuốn trôi vào sự biếng lười.

    Om Mani Padme Hum !

  5. #135
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Lời vàng của thầy tôi
    PHẦN MỘT _ CHƯƠNG III
    __________________________________________________ ______________________________________


    Để thực sự tu tập và kinh nghiệm được Phật Pháp, điều thiết yếu là ta phải nhận ra rằng mọi sự trong luân hồi đều là vô nghĩa. Cách duy nhất để phát triển được nhận thức đó là phải thiền quán về những nỗi thống khổ và tai họa của luân hồi. Hãy quán chiếu cho đến khi đạt được sự hiểu biết và niềm tin tưởng sâu xa rằng toàn bộ cõi luân hồi ngập tràn đau khổ.

    Khi công phu thiền quán đã thật sự bén rễ trong ta, ta sẽ có dấu hiệu như Geshe Langri Thangpa. Một ngày nọ, một trong những vị thị giả thân cận nói với Ngài: “Người ta gọi Ngài là Langri Thangpa Mặt Sầu Não” (Langri Thangpa Tang-diện).

    “Làm sao mặt ta có thể tươi sáng và vui vẻ khi ta nghĩ về tất cả các nỗi khổ trong tam giới của luân hồi được?” vị Geshe trả lời.

    Người ta nói rằng Ngài Langri Thangpa chỉ từng cười có một lần. Ngài thấy một con chuột đang cố di chuyển một viên ngọc lam trên mạn đà la của Ngài. Nhưng một mình nó không thể nhấc nổi viên ngọc, nên nó gọi: “Tsik! tsik!” và con chuột khác chạy đến. Một con đẩy viên ngọc trong khi con kia kéo. Điều đó khiến Ngài Langri Thangpa mỉm cười.

    Công phu thiền quán về những nỗi đau khổ của luân hồi là nền tảng và là sự hỗ trợ giúp cho tất cả những phẩm tính tốt đẹp trên con đường tu tập Đạo Pháp. Công phu thiền quán này sẽ xoay chuyển tâm ta hướng về Pháp. Sẽ cho ta niềm tin vào luật nhân quả trong tất cả những việc ta làm. Sẽ khiến ta quay lưng lại với những mục đích của cuộc đời này. Và sẽ khiến ta cảm nhận lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh.

    Chính Đức Phật, trong ba lần chuyển Pháp luân, đã bắt đầu bằng những lời dạy: “Hỡi chư Tỷ kheo, cuộc đời này là đau khổ.” Điều đó cho thấy việc ta nhận thức ra được những đau khổ trong cõi luân hồi này thật sự quan trọng đến ngần nào.

    Vì vậy, hãy hành trì tu tập cho tới khi có được hoàn toàn niềm tin tưởng và sự xác quyết rằng luân hồi là đau khổ.

    Nhìn thấy luân hồi là đau khổ, nhưng con vẫn khao khát vòng sinh tử.
    Sợ hãi vực thẳm của cõi thấp, nhưng con tiếp tục làm điều sai trái.
    Xin hãy từ bi gia hộ cho con và những kẻ lạc lối như con
    Để chúng con có thể thật lòng từ bỏ những đa đoan của cuộc đời này.



    Gampopa (1079 – 1153)
    Cũng được gọi là Dagpo Rinpoche.
    Là một trong những vị trưởng tử của Milarepa
    và cũng là vị Đạo Sư quan trọng của dòng truyền thừa Kagyu.


    Om Mani Padme Hum !

  6. #136
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Lời vàng của thầy tôi
    PHẦN MỘT _ CHƯƠNG IV
    __________________________________________________ ______________________________________


    CHƯƠNG BỐN

    NGHIỆP:* LUẬT NHÂN QUẢ


    Ngài từ bỏ việc xấu, làm việc thiện, như giáo lý về nhân quả.
    Công hạnh của Ngài noi theo tiến trình của các Thừa. 69
    Nhờ cái Thấy viên mãn, Ngài thoát khỏi mọi bám chấp.
    Bậc Thầy Vô Song, con đảnh lễ dưới chân Ngài.


    Chương này cần phải được giảng giải và học hỏi [với thái độ] tương tự như đối với những chương khác. Chủ đề trong chương này sẽ được giải thích dưới ba đề mục: hành động tiêu cực (ác hạnh) là những gì nên từ bỏ, hành động tích cực (thiện hạnh) là những điều nên tuân theo; và tính chất hoàn toàn quyết định của các hành động tạo nghiệp.

    *Từ Phạn ngữ karma (T.T. las), bây giờ thường được sử dụng trong Anh ngữ để ám chỉ kết quả của những hành động trong quá khứ, nhưng karma thực ra chỉ đơn thuần có nghĩa là “những hành động.” Tuy nhiên, người Tây Tạng cũng sử dụng thành ngữ las trong ngôn ngữ thông thường để ám chỉ toàn thể tiến trình , hay nguyên lý, của nhân và quả, rgyu’bras, và đây là chủ đề của chương này.

    I. NHỮNG ÁC HẠNH PHẢI TỪ BỎ

    Điều khiến cho chúng ta phải tái sinh trong những cõi cao hay bị đọa trong cõi thấp của vòng luân hồi chính là những hành vi thiện hay ác mà bản thân chúng ta đã tích lũy. Chính vòng luân hồi được tạo ra bởi các hành vi này, và bao gồm tất cả những kết quả của các hành vi ấy – chứ không có bất cứ điều gì khác đưa dẫn chúng ta vào những cảnh giới cao hay thấp. Đây cũng chẳng phải chỉ là sự ngẫu nhiên. Vì thế, vào mọi lúc, chúng ta nên luôn luôn quán sát hậu quả của các hành động tích cực và tiêu cực, cố tránh tất cả những điều xấu và làm những điều tốt.

    Om Mani Padme Hum !

  7. #137
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Lời vàng của thầy tôi
    PHẦN MỘT _ CHƯƠNG IV
    __________________________________________________ ______________________________________


    1. Mười hành vi bất thiện nên tránh (Thập ác)

    Ba hành vi trong số mười hành vi bất thiện là những hành vi thuộc về thân: sát sinh, lấy những gì không được cho, và tà dâm (quan hệ tình dục bất chánh); bốn hành vi thuộc về khẩu: nói dối, gieo mối bất hòa, nói lời cay nghiệt, và nói chuyện phiếm vô ích; ba hành vi thuộc về ý: tham muốn, muốn làm tổn hại người khác, và quan điểm sai lạc (tà kiến).

    1.1 SÁT SINH

    Sát sinh có nghĩa là cố ý làm bất cứ điều gì để kết thúc sinh mạng của một chúng sinh khác, dù là người, súc vật hoặc bất kỳ sinh linh nào khác.

    Người lính giết kẻ địch trong chiến trận là một ví dụ của việc sát sinh vì thù hận (sân). Việc giết một con thú hoang để ăn thịt hay lấy da của chúng làm y phục là sát sinh bởi lòng tham. Giết mà không biết hậu quả là đúng hay sai – hay như những kẻ ngoại đạo (tirthika) tin rằng đó là một việc đức hạnh – là sát sinh bởi sự vô minh (si).

    Có ba trường hợp sát sinh được gọi là những hành vi có quả báo tức thời (hiện báo), vì những hành vi này dẫn đến sự tái sinh ngay lập tức trong Địa Ngục Vô Gián mà không kinh qua trạng thái Trung ấm, đó là: giết cha, giết mẹ, và giết một vị A La Hán.70

    Một số người trong chúng ta nghĩ rằng chỉ phạm tội sát sinh khi có hành vi giết hại cụ thể bằng chính đôi bàn tay của mình; và rất có thể là chúng ta tưởng tượng là chúng ta vô tội vì chưa hề bao giờ phạm tội sát sinh. Nhưng ngay từ đầu thì không một ai trong chúng ta, dù cao hay thấp, mạnh mẽ hay yếu đuối lại chưa từng phạm lỗi đạp chết vô số côn trùng dưới chân khi dạo bước.

    Đặc biệt hơn, những Lạt Ma và tu sĩ khi tới nhà thăm các tín chủ, được dâng cúng máu và thịt của thú vật bị giết và được nấu thành thức ăn; mùi vị của thịt hấp dẫn họ tới nỗi họ ngấu nghiến món ăn với sự khoái trá mà không có chút xíu ân hận hay thương xót nào đối với những con vật bị giết. Trong những trường hợp như vậy, hậu quả ác nghiệp của người sát sinh sẽ ập xuống cho cả chủ lẫn khách không hề có sự khác biệt.

    Om Mani Padme Hum !

  8. #138
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Lời vàng của thầy tôi
    PHẦN MỘT _ CHƯƠNG IV
    __________________________________________________ ______________________________________


    Khi những nhân vật quan trọng và viên chức chính quyền đi du hành, dù họ đi tới đâu thì cũng có vô số súc vật bị giết để dùng vào việc tổ chức những buổi tiệc trà và tiệc chiêu đãi của họ. Những người giàu có theo thói quen sát hại vô số súc vật. Trong số tất cả các gia súc của họ, ngoại trừ một vài con vật già nua ở đây đó, thì họ không để bất cứ con vật nào chết tự nhiên mà đều giết thịt từng con một khi các con vật ấy lớn dần. Hơn nữa, trong mùa hè, chính những con trâu bò và những con cừu này, khi chúng ăn cỏ thì chúng lại giết hại vô số côn trùng, ruồi, kiến và thậm chí cả cá con và ếch nhái; trong khi chúng đang nuốt cỏ, chúng nghiền nát những con côn trùng này dưới bộ móng của chúng, hay làm những con côn trùng bị ngập lún trong phân. Hậu quả của ác nghiệp của tất cả các hành động này sẽ xảy tới với chủ nhân cũng như cho các con vật. Nếu đem so sánh với ngựa, trâu bò và những loại gia súc khác thì con cừu là một nguồn đặc biệt gây nhiều tổn hại. Khi chúng ăn cỏ, chúng nuốt tất cả các sinh vật bé nhỏ – ếch, rắn, chim con, v.v... Khi bị xén lông vào mùa hè, hàng trăm ngàn sinh vật sống trên mỗi bộ lông cừu đều bị giết chết. Lúc sinh đẻ vào mùa đông, không tới phân nửa cừu con được giữ lại, còn bao nhiêu đều bị giết thịt khi vừa sinh ra. Cừu mẹ được dùng để lấy sữa và sinh sản cho tới khi chúng quá già và suy kiệt; lúc đó chúng bị giết để lấy thịt và da. Và không một con cừu đực nào, dù có bị thiến hay không, tới lúc trưởng thành mà không bị giết ngay lập tức. Nếu cừu có rận thì hàng triệu chấy rận trên mỗi con cừu sẽ bị chết đồng loạt. Bất cứ ai sở hữu một bầy cừu một trăm con hay nhiều hơn nữa, bảo đảm sẽ tái sinh ít nhất một lần trong Địa ngục.

    Trong mỗi một đám cưới, vô số cừu bị giết khi của hồi môn được gởi đi, lúc tiễn cô dâu về nhà chồng, và khi cô dâu được cha mẹ chồng đón nhận. Sau đó mỗi khi cô dâu trẻ về thăm gia đình, chắc chắn những súc vật khác sẽ bị đem giết. Nếu bạn bè và thân quyến mời cô ra và phục vụ cô bất cứ thứ gì trừ món thịt, thì cô sẽ làm ra vẻ lúng túng ăn không ngon miệng và ăn với vẻ khinh khỉnh như thể cô đã quên cách nhai.71 Nhưng nếu giết một con cừu mập mạp và đặt phần thịt vú và bộ lòng trước mặt cô, thì cô sẽ ngồi xuống thật trịnh trọng như một con tiểu quỷ mặt đỏ, lôi con dao nhỏ ra, rồi cô nuốt chửng cả miếng thịt kèm theo những cái chắp môi. Ngày hôm sau cô lên đường, và trở về nhà buông phịch một xác thú đầy máu me xuống đất, y như thể một tên thợ săn - nhưng còn tệ hơn thế nữa, mỗi khi cô đi đâu ra ngoài, chắc chắn chẳng khi nào cô về tay không.

    Trẻ con cũng vậy, chúng gây ra vô số cái chết cho súc vật trong lúc chơi đùa, dù chúng có biết điều đó hay không. Chẳng hạn trong mùa hè, chúng giết chết nhiều con côn trùng chỉ bằng cách dùng một cành liễu hay một cái roi da đập xuống mặt đất khi chúng đi bộ dọc theo con đường. Như vậy nên trong thực tế, tất cả loài người chúng ta dùng toàn bộ thời gian của mình để sát sinh, chẳng khác nào loài yêu quái. Thực thế – hãy xem bằng cách nào chúng ta giết chết trâu bò của mình để thưởng thức thịt và máu của chúng trong khi chúng đã dành toàn bộ cuộc đời để phục vụ và nuôi dưỡng chúng ta bằng sữa của chúng, như thể chúng là mẹ của chúng ta – chúng ta còn tệ hơn bất kỳ thứ yêu tinh nào.

    Hành vi cướp đi mạng sống được hoàn tất khi bao gồm đầy đủ bốn yếu tố của một ác hạnh. Hãy lấy ví dụ về một người thợ săn giết một con dã thú. Trước hết, ông ta thấy một con nai thực sự, hay một con hươu xạ, hoặc bất kể con vật nào, và nhận thấy rõ rằng đây chính là con vật, không chút nghi ngờ: việc nhận biết đó là một sinh vật chính là căn bản cho sự hành động. Kế đó, ước muốn giết con thú phát khởi: ý tưởng giết con thú là động cơ để thực hiện hành vi giết hại. Sau đó ông ta bắn vào điểm nhược của con vật bằng một khẩu súng, bằng cung tên hay bất kỳ vũ khí nào khác: hành động giết hại của thân là việc thực hiện hành vi ấy. Ngay sau đó, chức năng sinh tồn của con vật ngừng dứt, sự nối kết giữa thân và tâm của nó bị tách lìa: đó là sự hoàn tất cuối cùng của hành động sát sinh.

    Om Mani Padme Hum !

  9. #139
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Lời vàng của thầy tôi
    PHẦN MỘT _ CHƯƠNG IV
    __________________________________________________ ______________________________________


    Còn một ví dụ khác: theo yêu cầu của gia chủ, người đồ tể giết một con cừu được nuôi để lấy thịt. Trước tiên, chủ nhà bảo người hầu hay người hàng thịt giết một con cừu. Điều căn bản là ông ta biết rằng có một sinh vật có liên quan đến ác hạnh này – đó là một con cừu. Động lực (ý định) hay ý tưởng giết con vật, sẽ hiện diện ngay khi ông ta quyết định con cừu này hay con cừu kia sẽ bị giết. Việc thực hiện hành động sát sinh thực sự xảy ra khi người đồ tể sắp sửa giết con cừu, vật nó ngã ngửa, cột bốn chân nó lại với nhau bằng những sợi dây da và buộc một sợi thừng quanh mõm cho tới khi nó chết ngạt. Con vật ngừng thở trong sự đau đớn dữ dội của sự dãy chết, đôi mắt trợn trừng của nó ngả màu hơi xanh, kéo mây và trào lệ. Xác nó bị kéo ra khỏi nhà và giai đoạn cuối cùng, sự chấm dứt đời sống của nó, đưa tới sự hoàn tất ác hạnh. Không để phí chút thời gian nào, con vật bị lột da bằng một con dao, da thịt nó vẫn còn đang rung động vì “năng lực toả-khắp”* chưa đủ thời gian để lìa khỏi xác; như thể con vật vẫn còn sống. Ngay lập tức, nó được nướng trên một ngọn lửa và nấu trên bếp lò, rồi được mang ra ăn. Khi bạn nghĩ về nó, về những con vật như vậy bị ăn thịt, trong thực tế nó đang bị ăn tươi nuốt sống, và loài người chúng ta thì không khác gì những con thú săn mồi.

    *Một trong năm năng lực vi tế (rlung), hay “gió” trong thân thể (xem thuật ngữ).

    Giả sử hôm nay bạn có ý định giết một con vật, hoặc bạn nói rằng sẽ giết, nhưng không thực sự làm điều đó. Như thế là đã có căn bản, có sự hiểu biết rằng đó là một chúng sinh, và có ý định hay ý tưởng giết hại con vật. Do đó, hai trong số các yếu tố của ác hạnh đã có mặt đầy đủ, và mặc dù sự tác hại ít nặng nề hơn so với việc bạn hoàn thành hành việc sát sinh trong thực tế, nhưng giống như sự phản chiếu trong một tấm gương, dấu vết của một hành động tiêu cực (ác hạnh) vẫn tồn tại.

    Một số người tưởng rằng chỉ có những ai sử dụng thân thể để thực hiện việc sát sinh mới tạo ra hậu quả của ác nghiệp, còn người chỉ ra lệnh thì không - hay nếu có tạo thì cũng chỉ tạo một ít hậu quả mà thôi. Nhưng bạn nên biết rằng nghiệp quả xảy đến với tất cả những người có liên quan đến hành vi xấu ác đều đồng đều như nhau, ngay cả với những người chỉ cảm thấy vui thích về điều đó – đừng nói chi tới người thực sự ra lệnh cho việc sát sinh được thực hiện. Mỗi người nhận toàn bộ nghiệp quả của việc giết hại một con vật. Không làm gì có việc một hành động sát sinh lại có thể được chia ra cho nhiều người.

    Om Mani Padme Hum !

  10. #140
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Lời vàng của thầy tôi
    PHẦN MỘT _ CHƯƠNG IV
    __________________________________________________ ______________________________________


    1.2. LẤY NHỮNG GÌ KHÔNG ĐƯỢC CHO

    Việc lấy những gì không được cho gồm có ba loại: lấy bằng bạo lực, lấy bằng cách ăn trộm lén lút và lấy bằng thủ đoạn gian trá.

    Lấy bằng bạo lực. Cũng gọi là lấy bằng sự áp chế, có nghĩa là cưỡng chiếm của cải hay tài sản của người khác; và người làm công việc cưỡng chiếm này là một cá nhân có quyền lực chẳng hạn như một ông vua, là một người không có chủ quyền hợp pháp đối với những tài sản kia. Điều này cũng bao gồm sự cưỡng đoạt bởi một số đông người, ví dụ như là một quân đội.

    Lấy bằng trộm cắp. Điều này có nghĩa lấy mất của cải vật chất một cách bí mật, giống như một kẻ trộm ban đêm không bị chủ nhân bắt gặp.

    Lấy bằng thủ đoạn gian trá. Nghĩa là lấy tài sản của người khác, ví dụ như trong giao dịch mua bán, bằng cách nói dối người khác, hoặc dùng cân và những dụng cụ đo lường sai lạc hoặc dùng các thủ đoạn lừa bịp khác.

    Ngày nay, chúng ta nghĩ rằng trong lãnh vực kinh doanh và những phạm vi khác, việc lừa lọc hay dùng thủ đoạn để lấy đi những thứ gì đó của người khác thì không có gì là sai trái miễn là chúng ta không công khai trộm cắp. Nhưng trong thực tế, bất kỳ lợi nhuận nào chúng ta có thể tạo ra bằng cách lừa gạt người khác thì đều không khác với sự ăn cắp công khai.

    Đặc biệt là ngày nay, các vị lạt ma và tu sĩ thấy rằng không có tổn hại hay sai lầm nào trong việc làm kinh doanh; quả thực họ tiêu phí toàn bộ cuộc đời vào công việc đó, và cảm thấy hơi tự hào về sự thành thạo của họ. Tuy nhiên, không có gì làm suy yếu tâm lực của một lạt ma hay tu sĩ hơn là việc làm kinh doanh. Bị choáng ngợp trong công việc giao dịch, ông ta ít cảm thấy có khuynh hướng theo đuổi việc nghiên cứu hay tu tập để tịnh hóa những che chướng của mình – và dù sao chăng nữa thì cũng chẳng còn sót lại chút thời giờ nào để dành cho công việc tu tập như vậy. Tất cả thời giờ, từ lúc thức cho đến khi đi ngủ, đều bị hao phí mải mê với những trương mục kế toán. Bất cứ ý niệm nào về lòng quy ngưỡng, tâm chán ghét luân hồi, hay lòng bi mẫn thì những ý niệm đó cũng đều bị tiệt trừ và sự mê lầm thường xuyên chế ngự ông ta.

    Om Mani Padme Hum !

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •