DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 30/49 ĐầuĐầu ... 20282930313240 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 291 tới 300 của 487
  1. #291
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Lời vàng của thầy tôi
    PHẦN HAI _ CHƯƠNG II : KHƠI DẬY BỒ ĐỀ TÂM
    __________________________________________________ ______________________________________


    Và Ngài Rigdzin Jigme Lingpa nói:

    Bố thí siêu việt được tìm thấy ở sự hài lòng,
    Tinh túy của bố thí là hoàn toàn buông bỏ.
    Giới luật là không làm phật lòng Tam Bảo.165
    Nhẫn nhục tốt nhất là chánh niệm và tỉnh giác không bao giờ vơi cạn.
    Tinh tấn rất cần thiết để duy trì tất cả các pháp toàn thiện siêu việt khác.
    Thiền định là để kinh nghiệm rằng tất cả mọi hình tướng mà ta bám chấp vào đều chính là các vị Bổn Tôn.166
    Trí tuệ là tự giải thoát khỏi đắm nhiễm và bám chấp.
    Trong đó không có việc suy nghĩ và người nghĩ tưởng.
    Đây không phải là tầm thường.
    Đây là thoát khỏi những xác tín chết cứng.167
    Đây là siêu vượt đau khổ.
    Đây là an bình tối thượng.
    Không nên tiết lộ điều này cho mọi người –
    Hãy thành kín giữ gìn trong tâm của chính bạn.


    Để đúc kết toàn bộ con đường bao la của giáo lý Bồ Tát, bao gồm sáu pháp toàn thiện siêu việt (lục độ ba la mật), thì toàn bộ con đường này có thể được trình bày một cách cô đọng là “tánh Không mà cốt tuỷ đích thực chính là lòng từ bi.” Ngài Saraha có nói trong các Doha (Đạo ca) của Ngài:

    Không có lòng từ bi, thì cái thấy của tánh Không
    Sẽ không bao giờ dẫn bạn tới được con đường siêu phàm.
    Nhưng chỉ thiền định duy nhất về lòng từ bi, bạn sẽ vẫn kẹt trong luân hồi sinh tử.
    Vậy thì làm sao có thể giải thoát được?
    Người có đủ cả hai điều này (lòng từ bi và tánh Không)
    Sẽ không ở trong sinh tử mà cũng chẳng trụ ở Niết bàn.


    Không trụ trong luân hồi lẫn Niết bàn là “Niết Bàn vô-trụ” của Phật Quả viên mãn. Như Đức Long Thọ đã nói:

    Tinh tuý đích thật của tánh Không là lòng từ bi
    Chỉ dành cho những người cầu tìm giác ngộ.


    Om Mani Padme Hum !

  2. #292
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Lời vàng của thầy tôi
    PHẦN HAI _ CHƯƠNG II : KHƠI DẬY BỒ ĐỀ TÂM
    __________________________________________________ ______________________________________


    Có lần, Drom Tonpa hỏi Ngài Atisa trong tất cả các giáo lý, cái nào là tuyệt hảo nhất.

    “Trong tất cả các giáo lý, giáo lý tuyệt hảo nhất là tánh Không mà lòng từ bi lại chính là cốt tuỷ của tánh Không ấy” vị Thầy trả lời. “Nó giống như một loại thuốc cực mạnh, một loại thuốc trị bá bệnh, một loại thuốc có thể chữa lành mọi bệnh tật trên thế gian. Và cũng giống như loại thuốc chữa bá bệnh đó, việc nhận ra chân lý của tánh Không, bản tánh của thực tại, là phương thuốc cho tất cả những cảm xúc ô nhiễm tiêu cực khác nhau.”

    Drom Tonpa tiếp tục: “Như vậy thì tại sao rất nhiều người tuyên bố rằng mình đã chứng ngộ tánh Không nhưng họ vẫn không bớt được tham luyến và sân hận?”

    “Đó là bởi sự chứng ngộ của họ chỉ là ngôn từ” Ngài Atisa trả lời: “Nếu họ thực sự nắm được chân nghĩa của tánh Không, thì tư tưởng, ngôn ngữ và hành vi của họ phải mềm mại như bước đi trên thảm len hay như súp tsampa được trộn bơ. Đạo sư Aryadeva nói rằng ngay cả việc tự hỏi mọi sự có rỗng rang hay không cũng sẽ làm luân hồi tan rã.168 Do đó, thực sự chứng ngộ tánh Không là phương thuốc tối hảo trị bá bệnh bao gồm mọi yếu tố của con đường tu.”

    “Làm sao tất cả mọi yếu tố của con đường tu lại có thể được bao gồm trong sự chứng ngộ tánh Không?”
    Drom Tonpa hỏi.

    “Tất cả mọi yếu tố của con đường tu đều được chứa đựng trong sáu pháp toàn thiện siêu việt (lục độ Ba la mật). Vì vậy nếu ông thực sự chứng ngộ tánh Không, ông sẽ tự giải thoát khỏi những tham luyến. Khi ông không cảm thấy khao khát, bám chấp hay ham muốn bất kỳ điều gì, dù bên trong hay bên ngoài, ông sẽ luôn có bố thí siêu việt. Giải thoát khỏi bám chấp và tham luyến, ông không còn bị ô nhiễm bởi những việc làm bất thiện nên ông luôn có trì giới siêu việt. Không có bất cứ khái niệm về “tôi” và “của tôi,” ông không còn sân hận, vì thế ông luôn có nhẫn nhục siêu việt. Nhờ chứng ngộ tánh Không, tâm ông thực sự hoan hỷ nên ông luôn có tinh tấn siêu việt. Thoát khỏi những phóng dật xao lãng xuất phát từ việc bám chấp cho rằng mọi vật là thường hằng bền vững, nên ông luôn có thiền định siêu việt. Khi ông không khái niệm hóa bất kỳ việc gì trong các phạm vi chủ thể, đối tượng và hành động, ông luôn có trí tuệ bát nhã siêu việt.”

    “Có phải những người đã chứng ngộ chân lý đều thành Phật chỉ nhờ thấy được tánh Không và nhờ thiền định hay không?”
    Drom Tonpa hỏi.

    “Trong tất cả những gì chúng ta thấy biết chẳng hạn như hình tướng và âm thanh, thì không gì không xuất hiện từ tâm. Nhận ra rằng tâm là sự tỉnh giác bất khả phân với tánh Không, đây chính là cái Thấy (kiến). Luôn luôn trì giữ nhận thức này trong tâm và không bao giờ xao lãng cái thấy ấy chính là thiền. Thực hành hai tích tập (vun bồi phước huệ) không khác chi thực hành một việc huyễn hóa trong trạng thái của cái thấy, đó là hành. Nếu ông có một kinh nghiệm sống động về việc thực hành này, kinh nghiệm đó sẽ tương tục trong các giấc mộng của ông. Nếu kinh nghiệm đó đi vào trạng thái mộng, kinh nghiệm đó sẽ đến vào lúc chết. Nếu kinh nghiệm đó hiện diện trong trạng thái trung ấm, ông có thể chắc chắn rằng ông sẽ đạt được thành tựu tột bực nhất.”

    Om Mani Padme Hum !

  3. #293
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Lời vàng của thầy tôi
    PHẦN HAI _ CHƯƠNG II : KHƠI DẬY BỒ ĐỀ TÂM
    __________________________________________________ ______________________________________


    Như thế tám mươi bốn ngàn cánh cửa dẫn tới Giáo Pháp mà Đấng Chiến Thắng đã giảng dạy là tất cả những phương tiện thiện xảo để phát khởi Bồ Đề Tâm – là tánh Không mà cốt tủy đích thật của tánh Không chính là lòng bi mẫn.

    Không có Bồ Đề Tâm, giáo lý về cái thấy và thiền định dù có vẻ uyên thâm tới đâu chăng nữa cũng sẽ không lợi ích chút nào để đạt được Phật Quả viên mãn. Những pháp tu của Kim Cương Thừa như giai đoạn phát triển, giai đoạn thành tựu v.v., được thực hành trong phạm vi của Bồ Đề Tâm, sẽ dẫn đến Phật Quả viên mãn chỉ trong một đời. Nhưng nếu không có Bồ Đề Tâm thì chúng chẳng khác với những pháp môn của các tirthika. Những người tirthika cũng có nhiều thực hành liên quan tới thiền định về các Bổn Tôn, tụng niệm các thần chú và tu tập sử dụng các kinh mạch và năng lực; họ cũng hành xử phù hợp với luật nhân quả. Nhưng chỉ vì họ không quy y và khơi dậy Bồ Đề Tâm nên họ không thể giải thoát khỏi các cõi luân hồi. Đó là lý do tại sao Ngài Geshe Kharak Gomchung nói:

    Chẳng ích lợi gì khi thọ mọi giới nguyện, từ giới nguyện quy y cho tới những mật nguyện của Kim Cương thừa, trừ phi bạn chuyển tâm ra khỏi những sự việc của thế gian.
    Chẳng ích lợi gì khi cứ liên tục thuyết giảng Giáo Pháp cho người khác, trừ phi bạn an định được tánh ngã mạn (tự phụ) của riêng mình.
    Chẳng ích lợi gì để thăng tiến trong tu tập nếu cuối cùng bạn từ bỏ những giới luật quy y.
    Chẳng ích lợi gì khi thực hành cả ngày lẫn đêm trừ phi bạn kết hợp công phu tu tập với tâm Bồ Đề.


    Trước tiên, nếu bạn không tạo được một nền tảng đúng đắn để có thể quy y và nuôi dưỡng Bồ Đề Tâm, thì cho dù bạn có tỏ ra học tập, quán chiếu và thiền định mãnh liệt tới đâu chăng nữa, điều đó cũng sẽ hoàn toàn không ích lợi gì hơn việc xây lâu đài chín tầng trên mặt hồ đóng băng vào mùa đông và việc vẽ tranh bích họa trên tường thạch cao. Rốt cuộc sẽù chẳng có chút ý nghĩa nào.

    Đừng bao giờ xem thường các pháp thực hành quy y và Bồ Đề Tâm, cho rằng những điều này thấp bé hay chỉ để dành cho những người sơ cơ. Hãy hoàn thành pháp quy y và Bồ Đề Tâm thật đầy đủ, trong khuôn khổ của các pháp môn chuẩn bị, trong các pháp môn thực hành chính yếu cũng như trong phần kết thúc, vì quy y và Bồ Đề Tâm là hai pháp tu thích hợp với bất kỳ con đường nào [mà bạn lựa chọn để tu tập]. Điều hết sức quan trọng cho tất cả mọi người, dù xấu hay tốt, cao hay thấp, là tập trung các nỗ lực chân thành nhất vào những pháp tu này.

    Trong trường hợp đặc biệt của những Lạt Ma và tăng sĩ, là những người nhận của cúng dường từ các thí chủ, nhận tài vật nhân danh người chết, hay là những người cử hành các buổi lễ dẫn dắt người chết, điều tuyệt đối mà họ không thể thiếu là Bồ Đề Tâm chân thật. Không có Bồ Đề Tâm thì chẳng có nghi lễ và pháp tịnh hóa nào của họ đem lại được lợi ích nhỏ bé nhất cho người sống hay người chết. Đối với những người khác, họ có thể xuất hiện để cứu giúp, nhưng tận sâu thẳm bên trong thì sự giúp đỡ này luôn bị pha trộn với những động cơ ích kỷ. Đối với chính họ, họ sẽ bị ô nhiễm bởi việc thọ nhận những vật cúng dường đó, và sẽ gây ra vô số lỗi lầm có thể dẫn họ tới những cõi thấp trong đời kế tiếp.

    Om Mani Padme Hum !

  4. #294
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Lời vàng của thầy tôi
    PHẦN HAI _ CHƯƠNG II : KHƠI DẬY BỒ ĐỀ TÂM
    __________________________________________________ ______________________________________


    Ngay cả người nào đó có thể bay như chim, di chuyển dưới mặt đất như chuột, đi qua núi đá không bị ngăn trở, để lại những dấu tay và chân trên đá, người nào đó có khả năng thấu thị không giới hạn và có thể thực hiện đủ mọi loại huyền thuật – nếu một người như vậy mà không có Bồ Đề Tâm, thì họ chỉ có thể là một tirthika hay đã bị một vài quỷ ma đầy năng lực nào đó ám nhập. Thoạt tiên, họ có thể lôi cuốn một số người ngây thơ bị cảm kích và đem cúng dường. Nhưng về lâu dài thì họ chỉ đem lại sự hủy hoại cho chính họ và những người khác. Trái lại, một người có Bồ Đề Tâm thật sự, thì cho dù không có bất kỳ phẩm tánh nào khác, họ cũng sẽ làm lợi ích cho bất kỳ ai đến tiếp xúc với họ.

    Bạn không biết được ở nơi đâu có thể có một vị Bồ Tát. Người ta nói nhiều Bồ Tát sử dụng những phương tiện thiện xảo, thậm chí được tìm thấy trong số những kẻ sát sinh thú vật và gái điếm. Thật khó có thể nói người nào đó có Bồ Đề Tâm hay không. Đức Phật có nói:

    Ngoài bản thân ta và những người giống ta, không ai có thể phán xét người khác.

    Vì thế, hãy coi bất kỳ ai khơi dậy được Bồ Đề Tâm trong bạn là một vị Phật đích thực, hoặc một Bổn Tôn, một vị Thầy, một thiện tri thức hay bất kỳ vị nào khác.

    Bất cứ khi nào bạn cảm thấy mình đã đạt được một vài phẩm tánh nào đó chẳng hạn như những dấu hiệu tiến bộ trên con đường tu, bất kỳ chúng có thể là gì – chứng ngộ trạng thái bản nhiên, thần nhãn, thiền định, hoặc có được các linh kiến của Bổn Tôn v.v. – bạn có thể tin chắc rằng những dấu hiệu này thực sự là những phẩm tánh đích thực nếu lòng từ và bi của Bồ Đề Tâm liên tục tăng trưởng thật vững chắc như là kết quả của kinh nghiệm tu tập kia. Tuy nhiên, tương tự như vậy, nếu kết quả của những kinh nghiệm như trên chỉ làm suy giảm lòng từ và bi của Bồ Đề Tâm, thì bạn có thể tin chắc rằng những gì có vẻ giống như là một dấu hiệu của sự thành công trên con đường tu thực ra chỉ là một chướng ngại của ma quỷ, hoặc một chỉ dấu cho thấy bạn đang đi lạc đường.

    Đặc biệt hơn nữa, khi bạn chứng ngộ được trạng thái chân như đích thực thì bạn không thể nào không phát khởi một tín tâm phi thường và một nhận biết thanh tịnh về những bậc toàn thiện hơn bản thân bạn. Song song với kinh nghiệm chứng ngộ đó, bạn cũng sẽ phát khởi lòng từ và bi phi thường đối với những người kém toàn thiện hơn mình.

    Ngài Dagpo Rinpoche vô song có lần hỏi Ngài Jetsun Mila: “Khi nào con có thể dẫn dắt người khác?”

    Ngài Jetsun trả lời: “Một ngày nào đó, con sẽ có một thị kiến phi thường trong sáng về chân tánh của tâm con, nó hoàn toàn khác với thị kiến mà con hiện có, và thoát khỏi mọi ngờ vực. Vào lúc đó, trong một tâm trạng hoàn toàn khác thường, con sẽ nhận ra được ta, người cha già của con, như một vị Phật thật sự và chắc chắn con sẽ cảm thấy một cách rất tự nhiên lòng từ và bi đối với tất cả chúng sinh. Đó là lúc con nên bắt đầu giảng dạy.”

    Om Mani Padme Hum !

  5. #295
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Lời vàng của thầy tôi
    PHẦN HAI _ CHƯƠNG II : KHƠI DẬY BỒ ĐỀ TÂM
    __________________________________________________ ______________________________________


    Vì thế, hãy học tập, quán chiếu và thiền định về Giáo Pháp, trên nền tảng vững chắc của lòng từ và bi của Bồ Đề Tâm, không tách riêng cái này với cái khác. Trước tiên nếu không loại bỏ những nghi ngờ qua việc học tập, bạn sẽ không bao giờ có thể thực hành pháp. Có câu nói rằng:

    Thiền định mà không học tập
    Giống như leo núi mà không có đôi tay.


    Loại bỏ những nghi ngờ qua việc học tập không có nghĩa bạn phải thông suốt vô số những vấn đề rộng lớn. Trong thời buổi suy đồi này, sẽ không thể làm được điều đó trong một đời người ngắn ngủi. Điều quan trọng là bất kỳ giáo lý nào mà bạn sắp đưa vào công phu thực hành thì bạn nên biết chính xác phải làm những gì để thực hành pháp tu đó từ đầu tới cuối mà không phạm lỗi lầm. Nếu có bất kỳ do dự nào thì bạn nên loại bỏ ngay lòng ngờ vực này bằng cách quán chiếu về các giáo lý đó.

    Khi Ngài Atisa ở Nyethang, Nachung Tonpa xứ Shan, Kyung Tonpa, và Lhangsang Tonpa xin Ngài dạy cho họ về những hệ thống luận lý khác nhau.

    Ngài Atisa trả lời: “Những người ngoại đạo phi-Phật-Giáo và bản thân những Phật Tử có nhiều hệ thống giáo lý, nhưng chúng hoàn toàn chỉ là những chuỗi tư tưởng lan man. Không cần tới hằng hà sa số tư tưởng đó: cuộc đời quá ngắn ngủi không thể thấu biết hết những điều này được. Giờ đây là lúc cắt giảm những điều này cho tới tận cốt lõi của chúng.”

    “Làm thế nào để cắt giảm cho tới cốt tủy của chúng?”

    “Bằng cách tu tập Bồ Đề Tâm với lòng từ và bi đối với tất cả chúng sinh đầy khắp không gian. Bằng cách thực hiện những nỗ lực tích cực trong việc tích tụ hai bồ công đức vì lợi ích của tất cả chúng sinh. Bằng cách hồi hướng tất cả suối nguồn của những điều tốt lành của đời vị lai -- những điều tốt lành này đã được tạo ra [để hồi hướng] cho giác ngộ viên mãn của mỗi chúng sinh và cho tất cả chúng sinh. Và, cuối cùng, bằng cách nhận ra rằng tất cả những điều này đều rỗng rang tự bản chất, giống như những giấc mộng hay những trò huyễn hóa.”

    Nếu bạn không biết làm cách nào để cắt giảm bất kỳ pháp môn nào cho tới phần tinh tuý, thì sẽ chẳng có số lượng thông tin, kiến thức và sự hiểu biết thông tuệ nào có thể đem lại lợi ích gì cho bạn.

    Khi Ngài Atisa đến Tây Tạng, Ngài được mời tới thăm đại dịch giả Rinchen Zangpo. Ngài hỏi vị dịch giả về những giáo lý mà ông biết, liệt kê một danh sách dài, tuần tự từng cái một. Hoá ra không giáo lý nào Rinchen Zangpo không biết. Ngài Atisa đặc biệt hài lòng.

    “Tuyệt vời!”
    Ngài nói. “Sự kiện đã có một bậc uyên thâm như ông sống ở Tây Tạng có nghĩa là cuộc thăm viếng của tôi hoàn toàn không cần thiết. Vậy làm cách nào ông kết hợp tất cả những giáo lý này khi ông ngồi xuống thực hành?”

    Om Mani Padme Hum !

  6. #296
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Lời vàng của thầy tôi
    PHẦN HAI _ CHƯƠNG II : KHƠI DẬY BỒ ĐỀ TÂM
    __________________________________________________ ______________________________________


    “Tôi thực hành từng thứ như được giảng trong bản văn” Rinchen Zangpo nói.

    “Lão dịch giả vô dụng!” Ngài Atisa kêu lên trong thất vọng: “Như vậy rốt cuộc việc ta tới Tây Tạng là cần thiết”!

    “Nhưng thay vào đó tôi nên làm gì?” vị dịch giả hỏi.

    “Ông phải tìm ra điểm cốt lõi chung cho tất cả các giáo lý và thực hành theo cách đó” Ngài Atisa bảo với ông ta.

    Rất cần thiết phải tìm ra điểm trọng yếu của các pháp thực hành là những phương pháp được đặt trên nền tảng của những giáo huấn tinh tuý của vị Thầy. Một khi bạn thấu suốt được điểm trọng yếu, bạn phải đưa điều ấy vào thực hành, nếu không sẽ hoàn toàn vô ích. Ngài Jetsun Mila nói:

    Người đói bụng sẽ không thỏa mãn bằng cách nghe nói về thực phẩm; điều mà họ cần là ăn. Tương tự như thế, chỉ hiểu biết suông về Pháp thì không có gì ích lợi; Pháp phải được thực hành.

    Mục đích của tất cả các pháp tu là khi chính việc tu tập trở thành cách đối trị cho những cảm xúc ô nhiễm tiêu cực và tâm chấp ngã. Ngài Jetsun Mila lại nói:

    Người ta nói rằng bạn có thể khẳng định một người nào đó có phải là vừa mới ăn hay không bằng cách nhìn coi mặt họ đỏ như thế nào. Tương tự như thế, bạn có thể cả quyết người nào đó có hiểu và thực hành Giáo Pháp đúng đắn hay không bằng cách xem Pháp có là một phương thuốc chữa lành những cảm xúc tiêu cực và chấp ngã của họ hay không.

    Potowa hỏi Geshe Tonpa đâu là ranh giới giữa Pháp và phi-Pháp. Vị geshe trả lời:

    Nếu chống lại những cảm xúc tiêu cực thì đó là Pháp.
    Nếu không, đó là phi- Pháp.
    Nếu không thích hợp với những phương cách của thế gian thì đó là Pháp.
    Nếu thích hợp, đó là phi-Pháp.
    Nếu phù hợp với kinh điển và những giáo huấn của bạn thì đó là Pháp.
    Nếu không phù hợp, đó là phi-Pháp.
    Nếu để lại dấu ấn tích cực thì đó là Pháp.
    Nếu để lại dấu ấn tiêu cực, đó là phi-Pháp.

    Đạo Sư Chegom nói:

    Tin vào nhân quả của mọi hành động là chánh kiến dành cho những người có căn cơ bình thường.

    Nhận ra mọi hiện tượng bên ngoài và bên trong là sự hợp nhất của cả sắc lẫn tánh Không, và của giác tánh và tánh Không, là chánh kiến dành cho những người có căn cơ cao hơn.

    Nhận ra rằng cái thấy, người có cái thấy và chính sự trực nhận cái thấy đều bất khả phân169 , đó là chánh kiến dành cho những người có căn cơ cao nhất.

    Giữ tâm hoàn toàn tập trung trên đối tượng là thiền định đúng đắn dành cho những người có căn cơ bình thường.

    Trụ tâm trên bốn sự hợp nhất 170 là thiền định đúng đắn dành cho những người có căn cơ cao hơn.

    Một trạng thái vô niệm trong đó không có đối tượng của thiền định, không có người thiền định và không có kinh nghiệm thiền định là thiền định đúng đắn dành cho những người có căn cơ cao nhất.

    Thận trọng về những kết quả của các hành động của mình như người ta cẩn thận bảo vệ con mắt mình là hành vi đúng đắn dành cho những người có căn cơ bình thường.

    Hành động trong khi kinh nghiệm được tất cả giống như giấc mơ và ảo ảnh là hành vi đúng đắn dành cho những người có căn cơ cao hơn.

    Hoàn toàn không hành động (không tạo tác)171 là hành vi đúng đắn dành cho những người có căn cơ cao nhất.

    Không ngừng giảm thiểu tâm chấp ngã, giảm thiểu các cảm xúc và niệm tưởng tiêu cực là dấu hiệu của “hơi ấm” dành cho tất cả hành giả, dù họ có căn cơ bình thường, trung bình hay cao nhất.


    Om Mani Padme Hum !

  7. #297
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Lời vàng của thầy tôi
    PHẦN HAI _ CHƯƠNG II : KHƠI DẬY BỒ ĐỀ TÂM
    __________________________________________________ ______________________________________


    Những lời tương tự như trên được tìm thấy trong Con Đường Trân Quý Siêu Việt của Ngài Dagpo vô song. Vì thế, khi học Giáo Pháp, bạn nên biết cách rút ra được tinh túy của Giáo Pháp. Ngài Longchenpa vĩ đại có nói:

    Kiến thức thì vô tận như sao trên trời;
    Tất cả những vấn đề có thể học được thì vô cùng tận.
    Tốt hơn nên lập tức nắm lấy tinh tuý tối hậu của cái học–
    Thành trì bất biến của Pháp Thân.


    Sau đó, khi bạn quán chiếu về Pháp, bạn nên thoát khỏi mọi nghi ngờ. Ngài Padampa Sangye nói:

    Hãy tìm kiếm những giáo huấn của vị Thầy giống như chim ưng mẹ săn mồi. Hãy lắng nghe các giáo lý như một con nai đang nghe nhạc; Hãy thiền định về giáo lý như một người ngu thưởng thức món ăn; Hãy suy niệm về giáo lý như một người du mục phương Bắc xén lông cừu; Hãy đạt được kết quả của giáo lý, giống như mặt trời nhô khỏi vầng mây.

    Việc lắng nghe Pháp, quán chiếu và thiền định về Pháp phải được thực hành chặt chẽ với nhau. Ngài Dagpo vô song nói:

    Hoà nhập sự học tập, quán chiếu và thiền định về Pháp là điểm trọng yếu không thể sai lầm.

    Kết quả của việc học tập, quán chiếu và thiền định phải là sự phát triển vững chắc và chân thật của lòng từ và bi của Bồ Đề Tâm, cũng như phải là sự giảm thiểu vững chắc và chân thật của tâm chấp ngã và những cảm xúc ô nhiễm tiêu cực khác.

    Giáo huấn này, về việc làm thế nào khơi dậy Bồ Đề Tâm, là tinh túy của tất cả các Giáo Pháp và là yếu tố cốt tủy của tất cả những con đường tu. Đây là giáo lý tối hậu, có được giáo lý này thì dứt khoát tự thân một mình giáo lý ấy thôi đã là đầy đủ, còn nếu thiếu giáo lý ấy thì chắc chắn sẽ khiến cho tất cả mọi pháp tu đều thành vô dụng. Không nên hài lòng với việc chỉ lắng nghe và hiểu biết về giáo lý ấy. Tận trong đáy lòng của bạn, hãy đưa giáo lý ấy vào thực hành!

    Con quả quyết là đang khơi dậy Bồ Đề Tâm, nhưng Bồ Đề Tâm trong con vẫn chưa phát khởi. Con đã tu tập trên con đường của sáu pháp toàn thiện siêu việt, nhưng vẫn còn ích kỷ. Xin từ bi gia hộ cho con và những kẻ có tâm lượng nhỏ hẹp như con, Để chúng con có thể rèn luyện được Bồ Đề Tâm cao cả.

    Om Mani Padme Hum !

  8. #298
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Lời vàng của thầy tôi
    PHẦN HAI _ CHƯƠNG III : TỊNH HÓA TẤT CẢ CHƯỚNG NGẠI
    __________________________________________________ ______________________________________


    CHƯƠNG 3

    TRÌ TỤNG VÀ THIỀN QUÁN VỀ BỔN SƯ NHƯ ĐỨC KIM CANG TÁT ĐỎA (Vajrasattva)

    ĐỂ TỊNH HÓA TẤT CẢ CHƯỚNG NGẠI
    172


    Đã vượt khỏi hai chướng ngại ô nhiễm,*
    Ngài vẫn giả như đang tịnh hóa chúng.
    Chắc chắn đã đạt tới Đạo Quả cuối cùng của con đường cao cả,
    Ngài vẫn tự nhận là đang học hỏi.
    Đã vượt khỏi hai cực đoan đắm nhiễm Sinh Tử và Niết bàn,
    Ngài vẫn hoạt hiện trong vòng quay luân hồi.
    Bậc Thầy Vô Song, con xin đảnh lễ dưới chân Ngài.


    Hãy lắng nghe chương này với thái độ tương tự như ở các chương trước.

    I. LÀM THẾ NÀO TỊNH HOÁ CHƯỚNG NGẠI NƯƠNG VÀO PHÁP SÁM HỐI ?

    Ác hạnh, chướng nghiệp và tập khí** là các chướng ngại chính yếu ngăn trở sự hiển lộ của tất cả những kinh nghiệm và chứng ngộ phi thường trên con đường đạo thâm sâu. Giống như mặt gương phải lau sạch mới soi rõ, chướng nghiệp phải được diệt trừ thì chứng ngộ mới có thể xuất hiện, giống như sự phản chiếu trên tấm gương Tạng Thức.***Để đạt được mục đích này thì Đức Phật đã dạy vô vàn phương pháp tịnh hóa, nhưng phương pháp tốt nhất vẫn là pháp trì tụng và thiền quán vị Bổn Sư của mình như là đức Kim Cang Tát Đỏa (Vajrasattva)173 .

    * Những chướng ngại của các cảm xúc tiêu cực và các chướng ngại thuộc ý niệm (phiền não chướng và sở tri chướng). “Những chướng ngại” có nghĩa là những yếu tố trùm lấp và ngăn che Phật tánh của ta (xem Thuật ngữ).
    ** Các tập khí được tạo nên bởi những hành động quen thuộc trong quá khứ.
    *** Phạn. Alaya [A Lại Da Thức]. Thức tiềm ẩn, trong đó những dấu vết của nghiệp được tàng trữ. Xem thuật ngữ.


    Không có ác hạnh nào mà không thể tịnh hóa được nhờ vào sám hối. Các bậc Thầy vĩ đại xưa kia đã khẳng định rằng:

    Không có gì là tốt đẹp trong các ác hạnh – trừ việc ác hạnh có thể được tịnh hóa nhờ vào pháp sám hối.

    Trong tất cả các ác hạnh – dù là các vi phạm bên ngoài liên quan đến các giới Biệt Giải Thóat - Ba La Đề Mộc Xoa (Pratimoksa), hay các vi phạm bên trong của Bồ Đề Tâm, hoặc những vi phạm bí mật của các thệ nguyện của Mật thừa (tantric samayas) – thì không có ác hạnh nào dù trầm trọng tới đâu mà không thể tịnh hóa được nương vào pháp sám hối.

    Om Mani Padme Hum !

  9. #299
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Lời vàng của thầy tôi
    PHẦN HAI _ CHƯƠNG III : TỊNH HÓA TẤT CẢ CHƯỚNG NGẠI
    __________________________________________________ ______________________________________


    Trong Kinh điển, Đức Phật đã kể lại vài câu chuyện để minh chứng cho điều này. Ví dụ, có câu chuyện về người Bà la môn Atapa, được gọi là Angulimala, “Xâu Chuỗi Ngón Tay.” Angulimala giết chết chín trăm chín mươi chín người,174 nhưng về sau đã tự thanh tẩy được những ác hạnh đó nhờ pháp sám hối, và đã đạt được quả vị A La Hán ngay chính trong đời đó. Ngoài ra còn có câu chuyện của Vua A Xà Thế (Ajatasatru); Ngài giết hại cha mình, nhưng về sau đã chuộc lại tội lỗi của mình bằng pháp sám hối và đã đạt được giải thoát. Trước khi được giải thoát, nhà vua chỉ phải kinh qua những đau khổ của địa ngục trong thời gian dài bằng một trái banh nẩy lên một lần mà thôi. Đấng hộ pháp Long Thọ (Nagarjuna) đã nói rằng:

    Những kẻ đã hành động buông thả
    Nhưng về sau trở nên nghiêm cẩn và chú tâm
    Thì tươi đẹp như vầng trăng sáng nhô lên từ những đám mây,
    Như Nanda, Angulimala, Darsaka và Sankara.
    175

    Tuy nhiên, nghiệp chướng chỉ được tịnh hóa nếu ta chân thành sám hối một cách đúng đắn, sử dụng bốn lực tịnh hoá nghiệp (tứ lực tịnh nghiệp) làm pháp đối trị. Quá trình tịnh hóa sẽ không bao giờ thực hiện được nếu ta để mắt và miệng xao lãng vào việc khác, hoặc nếu ta chỉ đọc to những từ như “Con thú nhận.. Con sám hối...” trong khi tâm thì bận theo đuổi những niệm tưởng khác. Còn khi sám hối, nếu nghĩ rằng: “Trong tương lai, cho dù mình có làm điều quấy quá cũng không sao vì sau đó mình có thể sám hối được hết,” thì suy nghĩ đó sẽ làm cho nghiệp chướng không thể thanh tịnh hóa được, cho dù có phát lồ sám hối đi chăng nữa.

    Ngài Jetsun Mila đã nói rằng:

    Con có thể nghi ngờ rằng sám hối không thể thực sự tịnh hoá các ác hạnh,
    Nhưng nếu tâm thức của con trở nên thuần thiện, thì con đã được tịnh hoá rồi.


    Điều tuyệt đối căn bản của bất cứ pháp sám hối nào là cần phải dựa trên tất cả bốn ‘lực’ tịnh hoá nghiệp như là phương pháp đối trị.

    Om Mani Padme Hum !

  10. #300
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Lời vàng của thầy tôi
    PHẦN HAI _ CHƯƠNG III : TỊNH HÓA TẤT CẢ CHƯỚNG NGẠI
    __________________________________________________ ______________________________________


    II. TỨ LỰC TỊNH HOÁ NGHIỆP(Bốn Lực Tịnh Hoá Nghiệp)

    Tứ lực tịnh hoá nghiệp bao gồm: 1) lực hỗ trợ (nương vào quy y và phát tâm Bồ Đề), 2) lực ân hận đã hành ác hạnh, 3) lực quyết chí chuyển tâm và 4) lực quyết chí hành thiện hạnh. Tứ lực tịnh hoá nghiệp này là các phương pháp đối trị.

    1. Lực Hỗ Trợ


    Trong trường hợp này, lực hỗ trợ có được là nhờ ta phát tâm quy y Đức Kim Cang Tát Đỏa (Vajrasattva) và phát Bồ Đề Tâm cùng với việc thực hành các hạnh Bồ Tát. Trong các trường hợp khác, sức mạnh hỗ trợ có thể đến từ đối tượng đặc biệt mà ta phát lộ sám hối với. Ví dụ như khi ta trì tụng bài sám hối trong Tam Tụ Kinh (Đại Thừa Sám Hối Tam Tụ Kinh), sức mạnh hỗ trợ đến từ Ba Mươi Lăm vị Phật. Lực gia hộ đó cũng có thể đến từ một vị Thầy, hoặc một biểu tượng cho thân, khẩu và ý của chư Phật – nói tóm lại, có thể là bất kỳ ai hay đối tượng nào mà trước sự hiện diện các vị ấy hay các biểu tượng ấy, ta phát lồ sám hối.176

    Trước khi thực hiện bất kỳ sự sám hối nào, việc phát khởi Bồ Đề Tâm và thực hành các hạnh Bồ Tát là việc không thể thiếu được. Đức Phật đã dạy rằng khi sám hối các ác hạnh và các giới đã phạm mà không phát khởi tâm Bồ Đề, thì cho dù có áp dụng bốn lực tịnh hoá nghiệp, nghiệp chướng chỉ có thể giảm thiểu, nhưng không thể được tịnh hóa hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu tâm Bồ Đề được khởi phát một cách chân thành, thì tự bản thân việc ấy sẽ tịnh hóa được tất cả các ác nghiệp trong quá khứ, cho dù nghiệp tội có nặng đến đâu.177 Trong Nhập Bồ Tát Hạnh, ngài Santideva nói về Bồ Đề Tâm như sau:

    Họ đi qua hiểm nguy như được anh hùng che chở,
    Ngay cả những kẻ bị trọng tội khủng khiếp đè trĩu
    Sẽ lập tức được giải thoát nhờ có Bồ Đề Tâm.
    Như thế ai không đặt niềm tin nơi đó ?
    Như các cơn bão lửa cuối thời đại,
    Bồ Đề Tâm sẽ hoàn toàn thiêu hủy trọng tội.


    Om Mani Padme Hum !

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •