DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 24/49 ĐầuĐầu ... 14222324252634 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 231 tới 240 của 487
  1. #231
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Lời vàng của thầy tôi
    PHẦN HAI _ CHƯƠNG II : KHƠI DẬY BỒ ĐỀ TÂM
    __________________________________________________ ______________________________________


    2. Thiền Định Về Tâm Từ

    Qua công phu thiền định về tâm xả vô lượng đã được mô tả như trên, bạn hãy quan tâm tới tất cả chúng sinh trong tam giới với lòng Từ rộng lớn tương tự. Lòng Từ ái mà bạn cảm thấy đối với tất cả chúng sinh phải giống như lòng Từ của những bậc cha mẹ chăm sóc con cái mình. Cha mẹ không để ý tới sự vô ơn bạc nghiã của con cái, họ gánh chịu mọi gian khổ, hoàn toàn hiến dâng mọi tư tưởng, lời nói, và hành động chỉ để những đứa con của họ được hạnh phúc, sung túc và thoải mái. Cũng thế, trong đời này và tất cả những đời sau của bạn, hãy hiến dâng mọi việc bạn làm, lời nói, hay suy nghĩ của bạn cho sự an lành và hạnh phúc của tất cả chúng sinh.

    Tất cả những chúng sinh đó đều cố gắng để đạt được hạnh phúc và an nhàn. Tất cả đều muốn được sống hạnh phúc và nhàn nhã; không một ai trong số đó muốn hứng chịu bất hạnh hay đau khổ. Tuy nhiên, họ không hiểu được rằng nguyên nhân của hạnh phúc là những thiện hạnh, thay vào đó họ đắm mình trong mười hành vi bất thiện. Do đó, ước muốn sâu xa nhất (được hạnh phúc) và hành động của họ lại mâu thuẫn nhau: trong nỗ lực tìm kiếm hạnh phúc, họ chỉ mang lại đau khổ cho chính mình.

    Hãy liên tục thiền định về tư tưởng này “thật tuyệt diệu biết bao nếu mỗi người trong những chúng sinh đó có thể thọ hưởng tất cả nìềm hạnh phúc và an nhàn mà họ mong muốn.” Hãy thiền định về điều đó cho tới khi lòng mong cầu cho người khác được hạnh phúc cũng mãnh liệt giống như bạn đang mong muốn cho bản thân bạn được hạnh phúc.

    Kinh điển nói về “những hành vi nhân từ của thân, những hành vi nhân từ của khẩu, những hành vi nhân từ của ý.” Điều này có nghĩa là tất cả những gì bạn nói ra bằng miệng, làm bằng tay, thay vì nói và làm những điều tổn hại người khác, thì hãy chỉ nói và làm những điều thẳng thắn và tốt lành. Như trong Nhập Bồ Tát Hạnh có nói:

    Bất cứ khi nào bạn nhìn người khác,
    Hãy nhìn họ với tấm lòng yêu thương rộng mở.


    Om Mani Padme Hum !

  2. #232
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Lời vàng của thầy tôi
    PHẦN HAI _ CHƯƠNG II : KHƠI DẬY BỒ ĐỀ TÂM
    __________________________________________________ ______________________________________


    Ngay cả khi bạn chỉ nhìn một ai khác, hãy nhìn họ với nét tươi cười, vui vẻ, thay vì nhìn họ bằng một cái nhìn chòng chọc đầy gây hấn hay biểu lộ sự thù ghét. Có nhiều câu chuyện nói về điều này, giống như câu chuyện về một nhà cai trị đầy uy quyền nhìn mọi người với cái nhìn phẫn nộ. Chuyện kể rằng người đó bị tái sinh làm một Ngạ quỷ sống nhờ thức ăn thừa dưới bếp lò của một căn nhà, và sau đó, cũng vì đã nhìn một Thánh nhân theo lối đó, ông ta bị đọa vào Địa ngục.

    Bất cứ hành động nào bạn làm bằng thân, hãy gắng làm một cách dịu dàng và vui vẻ, cố gắng không làm hại người khác mà là để giúp đỡ họ. Lời nói của bạn không nên biểu lộ những thái độ như khinh miệt, chỉ trích hay ghen tị. Hãy làm sao để mỗi lời bạn nói đều vui vẻ và chân thật. Đối với thái độ của tâm, khi bạn giúp đỡ người khác, chớ mong chờ bất kỳ sự đền đáp tốt đẹp nào. Đừng làm một kẻ đạo đức giả và cố làm cho người khác coi bạn như một vị Bồ Tát bằng những lời nói và hành động tử tế của bạn. Tận đáy lòng bạn, hãy hoàn toàn mong ước hạnh phúc cho người khác và chỉ quan tâm tới những gì lợi lạc nhất cho họ. Hãy lập đi lập lại những lời cầu nguyện này: “Trải dài suốt tất cả các kiếp, nguyện xin cho tôi không làm tổn hại dù chỉ một sợi tóc trên đầu người khác, và nguyện xin cho tôi luôn luôn giúp đỡ mỗi người trong tất cả mọi người.”

    Điều đặc biệt quan trọng là tránh làm cho những người dưới quyền của bạn đau khổ bằng cách đánh đập, ép buộc họ làm việc cực nhọc, v.v… Điều này áp dụng cho người giúp việc cũng như cho những thú vật của bạn, xuống tới con chó giữ nhà khiêm tốn nhất. Luôn luôn, trong mọi hoàn cảnh, bạn hãy tử tế với họ trong tư tưởng, lời nói và hành động. Bị tái sinh như một người hầu, hay một con chó giữ nhà, bị mọi người coi thường và khinh rẻ, là nghiệp trổ quả do những hành vi đã tạo trong quá khứ. Đó là quả hỗ tương của việc xem thường và khinh rẻ người khác khi bạn có một địa vị quyền uy trong một đời quá khứ. Nếu bây giờ vì giàu có và quyền thế mà bạn xem thường người khác, bạn sẽ phải trả món nợ này trong vài kiếp tới bằng cách phải tái sinh làm những người hầu của họ. Vì thế, hãy đặc biệt tử tế với những người đang ở vị trí thấp hơn bạn.

    Bất kỳ những gì bạn có thể làm bằng thân, khẩu hay ý để giúp đỡ mọi người, đặc biệt là cha mẹ của bạn, hay những người bị bệnh kinh niên, sẽ đem lại những lợi ích không thể nghĩ bàn. Ngài Jowo Atisa nói:

    Tử tế đối với những người từ phương xa tới, những người bị bệnh lâu năm, hay cha mẹ trong tuổi già, tương đương với việc thiền định về tánh Không mà tinh tuý của tánh Không ấy chính là lòng từ bi.

    Om Mani Padme Hum !

  3. #233
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Lời vàng của thầy tôi
    PHẦN HAI _ CHƯƠNG II : KHƠI DẬY BỒ ĐỀ TÂM
    __________________________________________________ ______________________________________


    Cha mẹ chúng ta đã tỏ cho ta thấy tình yêu thương và tâm từ ái bao la tới nỗi nếu chúng ta làm cho cha mẹ mình phải đau khổ lúc về già thì đây là một ác hạnh. Bản thân Đức Phật, để đền đáp lòng tốt của thân mẫu, Ngài đã đi tới tầng Trời thứ Ba Mươi Ba để giảng Pháp cho bà. Có câu nói rằng cho dù chúng ta hầu hạ cha mẹ bằng cách đưa họ đi khắp thế giới trên đôi vai của mình, thì việc ấy vẫn không đền đáp được lòng tốt của cha mẹ. Tuy nhiên, chúng ta có thể đền đáp lòng tốt này bằng việc hướng dẫn cha mẹ đến với giáo lý của Đức Phật. Vì thế, hãy luôn luôn phụng sự cha mẹ bằng tư tưởng, lời nói, và hành động, và cố gắng tìm cách đưa cha mẹ mình đến với Giáo Pháp.

    Đạo Sư Vĩ Đại xứ Oddiyana đã nói:

    Không nên làm cho người già buồn khổ; hãy chăm sóc họ với lòng quan tâm và tôn kính.

    Trong bất cứ những gì bạn nói và làm, hãy tỏ ra tử tế với tất cả những người lớn tuổi hơn bạn. Hãy quan tâm tới họ và làm bất kỳ những gì bạn có thể làm được khiến cho họ vui lòng.

    Ngày nay, hầu hết mọi người đều nói rằng không có cách nào sống trong cõi luân hồi mà không làm tổn hại người khác. Nhưng điều này không đúng.

    Ngày xưa, ở Khotan, hai vị sa-di đang thiền định về Đức Văn Thù (Manjushri) siêu phàm.

    Một hôm, Ngài hiện ra với họ và nói: “Giữa ta và các ngươi không có duyên nghiệp với nhau. Vị Bổn Tôn mà các ngươi có liên hệ trong những đời quá khứ là Đức Quán Tự Tại vĩ đại. Hiện Ngài được tìm thấy ở Tây Tạng, là vị vua đang cai trị xứ này.* Các ngươi nên tới đó gặp Ngài.”

    * Nhà vua có danh hiệu là Songtsen Gampo, vị vua Phật tử đầu tiên của Tây Tạng, Ngài được coi là một hoá thân của Đức Quán Tự Tại.

    Om Mani Padme Hum !

  4. #234
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Lời vàng của thầy tôi
    PHẦN HAI _ CHƯƠNG II : KHƠI DẬY BỒ ĐỀ TÂM
    __________________________________________________ ______________________________________


    Khi hai vị sa-di tới Tây Tạng và đi vào vòng thành Lhasa, họ thấy rất đông người bị hành hình hay bị giam giữ. Họ hỏi điều gì đang xảy ra.

    “Đó là những người bị vua ra lệnh trừng phạt” họ được cho biết như vậy.

    “Vị vua này chắc chắn không phải là Đức Quán Tự Tại” họ tự nhủ, và sợ cũng bị trừng phạt như vậy nên họ quyết định bỏ đi.

    Vị vua biết họ bỏ đi nên phái một sứ giả đi theo mời họ tới gặp Ngài.

    “Đừng sợ” Ngài bảo họ. “Tây Tạng là một vùng đất hoang dã, khó thuần phục. Vì lý do đó ta đã phải tạo ra ảo ảnh những tội nhân bị hành hình, bị chặt tay chân, và v.v. Nhưng trong thực tế, ta chưa từng làm tổn hại ai cho dù chỉ một sợi tóc.”

    Vị vua đó là người cai trị toàn xứ Tây Tạng, Xứ Tuyết, và đã khiến các vị vua khắp bốn phương phải phục tùng Ngài. Ngài đánh bại những đội quân xâm lược và giữ yên ổn khắp biên cương. Mặc dù Ngài buộc lòng phải chiến thắng quân thù và bảo vệ thần dân của mình trên một phạm vi rộng lớn như vậy nhưng Ngài hoàn toàn tự chế ngự được để không làm tổn hại một sợi tóc trên đầu người. Vì thế, làm sao chúng ta không thể không làm như vậy để tránh việc gây tai hại cho người khác khi ta đang chăm sóc nơi trú ẩn bé xíu của ta, là những thứ mà nếu so sánh thì không lớn hơn những tổ côn trùng?

    "Gieo gió thì gặt bão" việc làm hại người khác chỉ tạo nên đau khổ vô tận cho đời này và những đời kế tiếp. Chẳng có điều tốt lành nào có thể phát sinh từ ác hạnh, ngay cả trong những việc lặt vặt của đời này. Chưa từng có ai trở nên giàu có nhờ giết chóc, trộm cướp và những điều tương tự. Cuối cùng họ phải gánh chịu quả báo và thất thoát toàn bộ tiền bạc và của cải trong khi thực hiện ác hạnh.

    Hình ảnh được đưa ra để minh họa cho lòng từ ái bao la là một con chim mẹ săn sóc những đứa con. Nó bắt đầu bằng việc làm một cái tổ mềm mại, ấm cúng. Chim mẹ che chở và ủ cho thật ấm những con chim con bằng đôi cánh của nó. Nó luôn dịu dàng và che chở chim con cho tới khi chúng có thể chắp cánh bay xa. Giống như con chim mẹ đó, hãy học cách tử tế trong tư tưởng, lời nói, và hành động với tất cả chúng sinh trong ba cõi.

    Om Mani Padme Hum !

  5. #235
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Lời vàng của thầy tôi
    PHẦN HAI _ CHƯƠNG II : KHƠI DẬY BỒ ĐỀ TÂM
    __________________________________________________ ______________________________________


    3. Thiền Định Về Tâm Bi

    Thiền định về tâm Bi là hình dung chúng sinh bị hành hạ bởi nỗi đau khổ khủng khiếp và mong muốn họ được giải thoát khỏi những đau khổ đó. Có câu nói rằng:

    Hãy nghĩ về một người nào đó bị đau khổ dữ dội, như một người bị ném vào ngục tối sâu thẳm chờ đợi cuộc hành hình, hay một con vật sắp bị làm thịt đang đứng trước kẻ đồ tể. Hãy cảm nhận lòng từ ái đối với chúng sinh đó như thể họ là mẹ hay con của chính bạn.

    Hãy hình dung một tù nhân bị nhà cầm quyền kết án tử hình và đang bị dẫn tới nơi hành quyết, hoặc một con cừu bị người đồ tể bắt trói lại.

    Khi bạn nghĩ tới một tù nhân bị kết án, thì hãy hình dung con người đau khổ đó là chính bạn thay vì là một người nào khác. Hãy tự hỏi mình sẽ làm gì trong tình huống đó. Làm thế nào bây giờ? Không biết chạy nơi đâu. Không nơi ẩn trốn. Không chốn nương tựa và không ai che chở bạn. Bạn không có phương tiện để đào thoát. Bạn không thể bay xa. Bạn không có sức mạnh, không có quân đội để bảo vệ. Ngay chính lúc đó, mọi tri giác về cuộc đời này sắp bị cắt đứt. Bạn sẽ phải bỏ lại ngay cả thân thể của chính mình mà bạn đã từng bảo vệ, chăm chút từng chút một, và phải bắt đầu lên đường đi đến cuộc đời kế tiếp. Đau đớn làm sao! Hãy rèn luyện tâm thức bằng cách nhận lãnh vào mình nỗi đau khổ của tù nhân bị kết án đó.

    Và khi bạn nghĩ tới một con cừu bị dẫn đi giết thịt, đừng nghĩ nó chỉ là một con cừu. Thay vào đó, hãy cảm thấy một cách chân thành rằng đó chính là người mẹ già của mình sắp bị giết, và hãy tự hỏi phải làm gì trong tình huống đó. Giờ đây bạn định làm gì khi họ sắp giết người mẹ già của bạn, mặc dù bà chẳng làm điều gì tổn hại đến ai? Hãy kinh nghiệm từ tận đáy lòng bạn nỗi khổ mà mẹ bạn phải trải qua. Khi tâm bạn nóng lòng muốn làm một điều gì ngay lập tức để người mẹ già của bạn không bị giết chết tại chỗ, hãy quán chiếu dù sinh loài đang đau khổ này không thực sự là cha hay mẹ bạn trong đời này, nhưng chắc chắn họ đã từng là cha hay mẹ bạn trong một thời điểm nào đó trong những đời quá khứ và đã từng nuôi dưỡng bạn với thiện tâm lớn lao giống hệt như cha mẹ trong đời này của bạn đã làm. Vì thế không có gì khác biệt giữa cha mẹ đời này với cha mẹ của vô lượng kiếp. Thương thay cho cha mẹ khốn khổ của bạn đang chịu đau khổ quá nhiều! Giá như họ có thể lập tức thoát khỏi nỗi khổ của họ, không chút trì hưỡn – ngay giây phút này! Với những niệm tưởng này trong lòng, hãy thiền định với lòng Bi mẫn không thể chịu đựng nổi đến nỗi đôi mắt bạn trở nên đẫm lệ.

    Om Mani Padme Hum !

  6. #236
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Lời vàng của thầy tôi
    PHẦN HAI _ CHƯƠNG II : KHƠI DẬY BỒ ĐỀ TÂM
    __________________________________________________ ______________________________________


    Khi lòng Bi của bạn được đánh thức, hãy thấu hiểu rằng tất cả những đau khổ này là hậu quả của các ác hạnh đã phạm trong quá khứ. Tất cả những chúng sinh khốn khổ giờ đây đang đắm mình trong những ác hạnh cũng sẽ phải chịu đau khổ không cách nào tránh khỏi. Để cho điều này hiện rõ trong tâm, hãy thiền định với lòng Bi về tất cả những chúng sinh đang tạo nhân đau khổ cho bản thân họ bằng việc sát sinh và bằng những hành vi bất thiện khác.

    Sau đó hãy quán sát sự đau khổ của tất cả những chúng sinh bị tái sinh trong các cõi Địa ngục, giữa những Ngạ quỷ và những cõi giới đau khổ khác. Hãy đồng nhất với họ như thể họ là cha mẹ bạn, hay là chính bạn, và thiền quán về lòng Bi với một năng lực vĩ đại.

    Cuối cùng, hãy quán chiếu sâu xa về tất cả chúng sinh trong tam giới. Bất kể ở đâu có không gian là ở đó có chúng sinh. Nơi nào có chúng sinh là nơi đó có ác hạnh và có quả khổ. Những chúng sinh đáng thương chỉ toàn dính mắc trong tất cả những ác hạnh và đau khổ! Tuyệt diệu biết bao nếu như mỗi chúng sinh trong sáu cõi có thể thoát khỏi mọi tri kiến gây ra bởi những hành vi trong quá khứ, thoát khỏi mọi đau khổ và những khuynh hướng bất thiện đó, và đạt được hạnh phúc vĩnh cửu của Phật Quả viên mãn.

    Khi bạn bắt đầu thiền định về tâm Bi, điều quan trọng trước tiên là hãy chú tâm vào nỗi khổ của một cá nhân, từng người một, và sau đó từng bước một, tu tập bản thân cho tới khi bạn có thể thiền định về tất cả chúng sinh như một toàn thể đồng nhất. Nếu không như thế, lòng Từ Bi của bạn sẽ rất mơ hồ và chỉ là lý thuyết suông. Tâm Bi ấy sẽ không phải là một tâm bi chân chính, xác thực.

    Hãy đặc biệt quán chiếu về những đau khổ và khó nhọc của trâu bò, cừu, ngựa thồ và những gia súc khác của bạn. Chúng ta chế ra đủ loại hình thức hành hạ dã man những sinh loài như thế, có thể so sánh với những hành hạ trong Địa ngục. Chúng ta xỏ mũi, thiến, vặt lông, lấy máu sống những con thú.*

    * Gù lông mềm trên lưng bò yak được dùng làm len, người ta thường vặt nó ra hơn là xén.

    Chúng ta chẳng suy xét trong bất kỳ phút giây ngắn ngủi nào để thấy rằng những con vật này có thể bị đau đớn. Nếu suy nghĩ về điều đó một cách sâu xa, ta sẽ thấy ngay vấn đề đáng tiếc là ở chỗ chúng ta đã không nuôi dưỡng lòng Bi mẫn. Hãy quán chiếu về điều này thật kỹ lưỡng: ngay giờ đây, nếu có ai chỉ nhổ một sợi tóc của bạn, bạn sẽ la lên vì đau đớn – bạn sẽ hoàn toàn không tha thứ cho việc đó. Thế mà chúng ta lại vặt tất cả lông-gù dài của những con bò yak của ta, để lại lớp da thịt trần trụi đỏ tấy lên mà nơi mỗi sợi lông tứa ra một giọt máu. Mặc dù con vật kêu rên vì đau đớn nhưng chúng ta chẳng mảy may quan tâm tới nỗi khổ của nó.

    Om Mani Padme Hum !

  7. #237
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Lời vàng của thầy tôi
    PHẦN HAI _ CHƯƠNG II : KHƠI DẬY BỒ ĐỀ TÂM
    __________________________________________________ ______________________________________


    Chúng ta chẳng thể đứng yên khi bị một vết phỏng dộp trên bàn tay. Đôi khi mông đít ta bị đau do du hành trên lưng ngựa, ta không thể ngồi trên yên mà phải ngồi lệch một bên. Nhưng chúng ta không làm thế khi con ngựa bị kiệt sức hay đau đớn. Khi nó không thể đi tiếp được nữa và bị vấp ngã, thở hổn hển, ta vẫn cho là tại nó cứng đầu. Chúng ta mất bình tĩnh và quất nó không chút thương xót.

    Hãy nghĩ về cá nhân một con vật, chẳng hạn một con cừu bị giết thịt. Trước tiên, khi bị lôi ra khỏi bầy, con vật tê liệt vì sợ hãi. Một vết thương tươm máu phồng lên ngay chỗ bị túm chặt. Nó bị quẳng nằm ngửa trên mặt đất; chân bị cột lại với nhau bằng một sợi dây da và mõm bị ràng cho tới khi chết ngạt.** Nếu con vật kéo dài thời gian hấp hối trong cơn đau dữ dội thì kẻ đồ tể, người làm những ác hạnh, hết sức giận dữ:

    “Con này không muốn chết!” hắn nói, và đánh con vật túi bụi.

    Con cừu này khó chết hơn cừu bị lột da và moi ruột. Cùng lúc đó một con vật khác bị rút máu cho tới khi không còn đứng vững được nữa. Máu của con vật đã chết được hoà chung với máu con vật còn sống và hỗn hợp này được nấu chín trong bộ ruột của một con vật đã bị mổ bụng để làm món xúc xích.* Bất cứ ai có thể ăn những thứ như thế về sau hẳn phải là một kẻ ăn thịt người thật sự.

    ** Ở Tây Tạng, người ta thường giết súc vật bằng cách làm cho nó ngạt thở.
    *Như huyết-xúc xích. Điều này làm theo một niềm tin của địa phương là một hỗn hợp gồm máu của một con vật còn sống và máu một con vật đã chết làm tăng cường sinh lực.


    Hãy suy nghĩ kỹ càng về nỗi khổ của những con vật này. Hãy hình dung chính bạn đang trải qua nỗi khổ đó và xem xét coi chúng ra sao. Hãy lấy tay bịt miệng bạn lại và ngừng thở. Hãy ở trong tình trạng như thế trong một lát. Bạn hãy kinh nghiệm sự đau đớn và hoảng sợ. Khi bạn đã thực sự quán sát điều đó, hãy nghiền ngẫm kỹ lưỡng rằng thật đáng buồn biết bao khi toàn thể chúng sinh đó bị dằn xé bởi những nỗi khổ khủng khiếp như thế mà không có lúc nào được ngơi nghỉ. Giá như bạn có năng lực để ban tặng chúng nơi ẩn náu thoát khỏi mọi thống khổ này!

    Các Lạt Ma và tu sĩ là những người được mọi người tin tưởng là có lòng từ bi rộng lớn nhất. Nhưng họ lại chẳng có chút xíu nào tấm lòng ấy. Nói đến chuyện làm cho chúng sinh đau khổ thì quả là họ còn tệ hại hơn cả các gia chủ. Đây là dấu hiệu cho thấy thời đại giáo lý của Đức Phật đang thực sự tới lúc kết thúc. Chúng ta đã đi tới một thời kỳ khi mà những quỷ ma ăn thịt và các yêu tinh hoàn toàn được tôn kính. Trong quá khứ, Bậc Thầy của chúng ta, Đức Thích Ca Mâu Ni, đã từ bỏ vương quốc của một vị Chuyển Luân Thánh Vương.130 Cùng với những đệ tử A La Hán của Ngài, Ngài đi chân trần, khất thực với bình bát và cây gậy trong tay. Không những các Ngài đi khất thực mà không có lừa hay ngựa thồ, mà ngay cả Đức Phật cũng không có ngựa để cưỡi. Đó là bởi Ngài cảm thấy rằng làm cho chúng sinh đau khổ không phải là con đường của giáo lý đạo Phật. Không lẽ Đức Phật không đủ tháo vát để tìm cho bản thân mình một con ngựa già để cưỡi? !

    Om Mani Padme Hum !

  8. #238
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Lời vàng của thầy tôi
    PHẦN HAI _ CHƯƠNG II : KHƠI DẬY BỒ ĐỀ TÂM
    __________________________________________________ ______________________________________


    Tuy nhiên, khi những vị tôn kính của chúng ta tổ chức một buổi lễ trong làng, họ xỏ một mẩu dây bện tròn qua cái lỗ được đục ở mõm con trâu yak. Khi được đỡ lên yên, họ kéo bằng cả hai tay mạnh tới nỗi có thể nắm được sợi dây làm bằng lông yak, nó thọc sâu vào mũi con trâu yak, làm con vật đáng thương này đau đớn khủng khiếp đến độ phải chồm lên và phóng vọt tới. Vì thế người ngồi trên lưng nó, với tất cả sức mạnh của mình, đánh nó bằng roi. Không chịu nổi chỗ đau mới bên hông, con trâu yak bắt đầu chạy – nhưng mũi lại bị sợi dây kéo lại. Bây giờ lỗ mũi bị đau quá khiến con yak đứng lại, và lại bị roi quất. Bị trì kéo phía trước, bị roi quất phía sau cho tới khi chẳng mấy chốc con vật đau đớn và kiệt sức. Mồ hôi toát ra từ mỗi sợi lông, lưỡi nó thè ra, hơi thở khò khè, và nó không thể đi được nữa.

    “Chuyện gì xảy ra với nó? Nó vẫn không chịu đi cho đàng hoàng,” người cưỡi trâu yak nghĩ như vậy và nổi giận, dùng cái tay nắm của sợi dây thúc vào sườn con vật cho tới khi trong cơn giận dữ, hắn thúc mạnh tới nỗi tay nắm bể làm hai. Hắn nhét những miếng bị bể vào thắt lưng, nhặt một cục đá nhọn và, xoay tròn trên yên, đâm mạnh xuống mông con trâu yak già nua… Tất cả những điều này xảy ra là bởi hắn không cảm thấy một chút xót thương nào đối với con vật.

    Hãy hình dung chính bạn là con trâu yak già nua, lưng bạn oằn xuống vì bị chồng chất quá nặng, một sợi dây trì kéo bạn ở lỗ mũi, hông bạn bị quất, sườn bạn thâm tím vì cái bàn đạp. Bạn chỉ cảm thấy đau rát ở phía trước, phía sau, và hai bên sườn. Không một giây ngưng nghỉ, bạn leo lên những sườn núi dài, đi xuống những con dốc sâu, vượt qua các con sông rộng và những cánh đồng mênh mông. Không được nuốt dù chỉ một muỗng thức ăn, bạn bị dẫn đi trái với ý muốn của bạn từ sáng sớm cho tới chiều tối khi những tia nắng sau cùng của mặt trời tà đã biến mất. Hãy quán chiếu về nỗi đau đớn và kiệt lực của con vật như thế nào, sự đau đớn, đói khát mà bạn trải nghiệm ra sao, và sau đó, hãy nhận vào mình nỗi đau khổ đó. Bạn không thể cảm thấy điều gì khác ngoài lòng bi mẫn mãnh liệt và không thể nào chịu đựng nổi.

    Thông thường, những người mà chúng ta gọi là Lạt Ma hay tu sĩ phải là nơi nương tựa và người trợ giúp – là những vị hộ trì và dẫn dắt tất cả chúng sinh với một tấm lòng vô phân biệt. Nhưng trong thực tế, họ thiên vị những vị thí chủ, những người bảo trợ họ, những người tặng cho họ thức ăn, nước uống và cúng dường họ. Họ cầu nguyện để những cá nhân đặc biệt này có thể được che chở và bảo vệ. Họ ban cho những người này các lễ quán đảnh và phước lành. Và trong thời gian đó, họ kết bè kết bạn để trục xuất tất cả những Ngạ quỷ và những Tinh linh ác hại mà sự tái sinh vào đường dữ là kết quả của nghiệp bất hạnh của chúng. Chư vị Lạt Ma cử hành những buổi lễ như vậy tới lúc nổi cơn thịnh nộ, làm ra vẻ muốn đánh đập và kêu lên: “Giết, giết! Đánh, đánh!”

    Om Mani Padme Hum !

  9. #239
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Lời vàng của thầy tôi
    PHẦN HAI _ CHƯƠNG II : KHƠI DẬY BỒ ĐỀ TÂM
    __________________________________________________ ______________________________________


    Giờ đây, chắc chắn rằng nếu bất kỳ ai coi những Tinh linh ác hại như đối tượng để đánh hoặc giết thì hẳn đó là vì tâm thức họ đang bị đè nặng bởi năng lực của sự tham luyến và thù hận, và họ chưa từng phát khởi lòng Bi mẫn bao la, vô phân biệt. Khi bạn suy nghĩ sâu xa về điều này, bạn sẽ thấy rằng những Tinh linh ác hại này cần đến lòng Từ bi hơn bất kỳ ân nhân, tín chủ nào. Họ trở thành những Tinh linh nhiễu hại là bởi ác nghiệp của họ. Khi bị tái sinh làm Ngạ quỷ với một thân thể khủng khiếp, họ đau đớn và sợ hãi không thể tưởng tượng nổi. Họ không kinh nghiệm được điều gì khác ngoại trừ sự đói, khát, và kiệt quệ kéo dài vô tận. Họ nhận thấy mọi sự chỉ là sự đe dọa. Khi tâm họ tràn đầy thù hận và gây hấn, nhiều người trong số họ bị đọa Địa ngục ngay khi chết. Như vậy ai xứng đáng được thương xót hơn? Những vị thí chủ có thể đau yếu và khổ sở, nhưng điều đó sẽ giúp cho ác nghiệp của họ cạn kiệt và không còn tạo tác thêm nữa. Trái lại, những Tinh linh xấu ác đó đang làm tổn hại những người khác với những ý định xấu ác, và bởi những ác hạnh của họ, họ sẽ bị lộn nhào xuống đáy sâu của các cõi thấp.

    Nếu Đấng Chiến Thắng, thiện xảo trong các phương tiện và tràn đầy lòng Từ bi, đã giảng dạy cách khử trừ hay đe dọa những Tinh linh gây tổn hại này bằng những phương pháp hung nộ thì cũng chỉ là vì lòng Bi mẫn đối với chúng Tinh linh, giống như một người mẹ phát vào đít đứa trẻ không nghe lời.

    Ngài cũng cho phép một số người thực hiện các nghi lễ giải thóat bằng cách là những người có năng lực được ngăn chận dòng tạo tác ác nghiệp của những kẻ chuyên gây tổn hại, và chuyển tâm thức chúng tới một cõi thanh tịnh. Nhưng ngược lại, đối với việc cố tình làm thoả mãn yêu cầu của những tín chủ, làm thoả mãn các tu sĩ, và thoả mãn những người mà chúng ta coi là đứng về phe ta để hắt hủi chúng Quỷ Ma và hắt hủi những người làm điều sai trái, rồi coi họ như những kẻ thù đáng ghét – bảo vệ một bên và tấn công bên kia do lòng tham luyến và thù hận – thì đó có phải là do Đấng Chiến Thắng đã giảng dạy những thái độ như thế hay không? Chừng nào chúng ta còn bị dẫn dắt bởi những cảm xúc tham luyến và thù hận như vậy, thì thật vô ích khi cố gắng loại bỏ hay tấn công bất kỳ Tinh linh ác hại nào. Thân thể họ chỉ thuần là tâm thức nên họ sẽ không tuân lệnh chúng ta. Ngược lại họ sẽ chỉ gây thêm hoạ hại chúng ta. Quả thực – chưa cần phải nói tới chuyện tham luyến và thù hận – chừng nào chúng ta còn tin rằng những vị Trời và Tinh linh như thế thực sự hiện hữu và muốn họ biến đi cho khuất mắt thì chúng ta sẽ không bao giờ thuần phục được họ.

    Om Mani Padme Hum !

  10. The Following User Says Thank You to hoangtri For This Useful Post:

    trangsoiduong (04-15-2017)

  11. #240
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Lời vàng của thầy tôi
    PHẦN HAI _ CHƯƠNG II : KHƠI DẬY BỒ ĐỀ TÂM
    __________________________________________________ ______________________________________


    Khi Ngài Jetsun Mila sống trong Động Pháo Đài Kim Xí Điểu ở thung lũng Chong, thì Vinayaka, chúa tể của những kẻ gây chướng ngại, thi triển một ảo giác siêu nhiên. Trong hang đá của mình, Jetsun Mila nhìn thấy năm atsara* (nhà tu khổ hạnh) với đôi mắt to như cái đĩa nhỏ. Ngài cầu nguyện vị Thầy và Bổn Tôn của Ngài, nhưng những con quỷ vẫn không bỏ đi. Ngài thiền định quán tưởng Bổn Tôn và niệm các thần chú phẫn nộ, nhưng chúng vẫn không đi.

    * atsara là một sửa đổi sai lạc của từ Phạn ngữ acarya, và ở đây có nghĩa là những sự xuất hiện mang hình tướng của các nhà tu khổ hạnh Ấn Độ.

    Cuối cùng Ngài nghĩ: “Ngài Marpa xứ Lhodrak đã dạy ta rằng tất cả mọi sự việc trong vũ trụ đều chính là do tâm tạo, và bản tánh của tâm thì rỗng rang và chói ngời. Tin rằng ma quỷ và những kẻ gây chướng ngại này đều đến từ bên ngoài và muốn họ đi chỗ khác là điều vô nghĩa.”

    Cảm nhận một xác tín mạnh mẽ như thế giúp Ngài thấu suốt được rằng những tinh linh và ma quỷ chỉ là những tri giác của chính mình, Ngài trở lại hang động. Trợn tròn đôi mắt kinh hãi, những nhà tu khổ hạnh vụt biến mất.

    Đây cũng là điều mà Nữ Yêu Tinh ở Tảng Đá muốn nói tới khi nó hát cho Milarepa nghe:

    Quỷ ma ta đây là huân tập của riêng Ngài biến hiện trong tâm Ngài;
    Nếu Ngài không nhận ra bản tánh thật của tâm,
    Thì ta sẽ chẳng đi đâu chỉ vì Ngài bảo ta đi.
    Nếu Ngài không nhận ra được tâm Ngài rỗng rang,
    Thì ngoài ta ra, còn rất nhiều quỷ ma nữa!
    Nhưng nếu Ngài nhận ra bản tánh thật của tâm,
    Thì nghịch cảnh sẽ hộ trì Ngài chứ chẳng thể làm gì khác
    Và ngay cả ta, Nữ Yêu Tinh ở Tảng Đá, sẵn sàng
    đợi lệnh Ngài.


    Như vậy, thay vì có sự xác tín để thấu hiểu rằng tất cả tinh linh và ma quỷ chính là bản tâm của ta, thì làm sao chúng ta có thể khuất phục được chúng bằng cách lên cơn giận dữ phẫn nộ? !

    Om Mani Padme Hum !

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •