KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
Quyển 377
__________________________________________________ ______________________________________


......; Này Thiện Hiện! Như vậy, Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa, do tâm lực vô lậu lìa các tướng nên ở trong tất cả pháp vô tướng, vô giác, vô đắc, vô ảnh, vô tác, viên mãn tinh tấn Ba-la-mật-đa, cũng có thể viên mãn các công đức khác.

Lại nữa, Thiện Hiện! Thế nào là Đại Bồ-tát khi tu hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa, có thể ở trong tất cả pháp vô tướng, vô giác, vô đắc, vô ảnh, vô tác, viên mãn tịnh lự Ba-la-mật-đa?

Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa có thể dùng tâm vô lậu lìa tướng mà tu tịnh lự. Đại Bồ-tát ấy, trừ định Như Lai, đối với các định khác đều có thể viên mãn. Đại Bồ-tát ấy, có thể xa lìa pháp dục ác bất thiện, có tầm có từ, ly sanh hỷ lạc, nhập sơ thiền, an trụ trọn vẹn; tầm từ tịch tịnh, ở trong tâm thanh tịnh bình đẳng, chuyên nhất, không tầm, không từ, định sanh hỷ lạc, nhập đệ nhị thiền, an trụ trọn vẹn; ly hỷ trụ xả, chánh niệm chánh tri, thân thọ lạc, Phật dạy nên xả, nhập đệ tam thiền, an trụ trọn vẹn; đoạn lạc, đoạn khổ, cái vui cái buồn trước tan biến, chẳng khổ chẳng vui, xả niệm thanh tịnh, nhập đệ tứ thiền, an trụ trọn vẹn. Đại Bồ-tát ấy dùng tâm câu từ duyên khắp một phương cho đến mười phương trong tất cả thế gian, an trụ trọn vẹn; dùng tâm câu bi, duyên khắp một phương cho đến mười phương trong tất cả thế gian, an trụ trọn vẹn; dùng tâm câu hỷ, duyên khắp một phương cho đến mười phương trong tất cả thế gian an trụ trọn vẹn; dùng tâm câu xả, duyên khắp một phương cho đến mười phương trong tất cả thế gian an trụ trọn vẹn. Đại Bồ-tát ấy vượt các tướng sắc, diệt tưởng hữu đối, chẳng tư duy các thứ tưởng nhập vô biên không, không vô biên xứ, an trụ trọn vẹn; vượt tất cả thứ không vô biên xứ, nhập vô biên thức, thức vô biên xứ, an trụ trọn vẹn; vượt tất cả các thứ thức vô biên xứ, nhập vô sở hữu, vô sở hữu xứ, an trụ trọn vẹn; vượt tất cả các thứ vô sở hữu xứ, nhập Phi tưởng phi phi tưởng xứ, an trụ trọn vẹn. Đại Bồ-tát ấy an trụ tịnh lự Ba-la-mật-đa, đối với tám giải thoát, có thể nhập theo chiều thuận nghịch, an trụ trọn vẹn; đối với tám thắng xứ, có thể nhập theo chiều thuận nghịch, an trụ trọn vẹn; đối với chín định thứ đệ, có thể nhập theo chiều thuận nghịch, an trụ trọn vẹn; đối với mười biến xứ, có thể nhập theo chiều thuận nghịch, an trụ trọn vẹn. Đại Bồ-tát ấy có thể nhập Tam-ma-địa không, an trụ trọn vẹn; nhập Tam-ma-địa vô tướng, an trụ trọn vẹn, nhập Tam-ma-địa vô nguyện, an trụ trọn vẹn; có thể nhập Tam-ma-địa vô gián, an trụ trọn vẹn; có thể nhập Tam-ma-địa như điển, an trụ trọn vẹn; có thể nhập Tam-ma-địa Thánh chánh, an trụ trọn vẹn; có thể nhập Tam-ma-địa kim cang dụ, an trụ trọn vẹn. Đại Bồ-tát ấy an trụ tịnh lự Ba-la-mật-đa, tu ba mươi bảy Pháp phần Bồ-đề và trí đạo tướng đều khiến viên mãn, dùng trí đạo tướng nhiếp thọ tất cả Tam-ma-địa rồi, lần lượt tu vượt qua bậc tịnh quán, bậc chủng tánh, bậc Ðệ bát, bậc Kiến, bậc Bạc, bậc Ly dục, bậc Dĩ biện, bậc Ðộc giác, chứng nhập Chánh tánh ly sanh của Bồ-tát; đã nhập bậc Chánh tánh ly sanh của Bồ-tát rồi, tu các địa hạnh, viên mãn Phật địa. Đại Bồ-tát ấy, tuy đối với các bậc lần lượt tu vượt qua nhưng ở khoảng giữa không thủ trước quả chứng cho đến khi chưa đắc trí nhất thiết tướng. .....