KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐAQuyển 376__________________________________________________ ______________________________________
Này Thiện Hiện! Như vậy, Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa, do tâm lực vô lậu lìa các tướng, mà có thể ở trong tất cả pháp vô tướng, vô giác, vô đắc, vô ảnh, vô tác, viên mãn bố thí Ba-la-mật-đa, cũng có thể viên mãn các công đức khác.
Lại nữa, Thiện Hiện! Làm sao Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa, có thể ở trong tất cả pháp vô tướng, vô giác, vô đắc, vô ảnh, vô tác, có thể viên mãn tịnh giới Ba-la-mật-đa?
Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát khi hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa, có thể dùng tâm vô lậu lìa tướng, thọ trị tịnh giới, đó là pháp sở nhiếp của chi Thánh đạo vô lậu, khi ấy đắc giới thanh tịnh trọn vẹn; tịnh giới như thế, không khuyết, không hở, không tỳ vết, không ô uế, không có sự thủ trước, xứng đáng nhận cúng dường; được người trí khen ngợi là thọ trì khéo léo, cứu cánh tuyệt vời, tùy thuận thắng định, chẳng thể khuất phục; do tịnh giới này, đối với tất cả pháp, không có sự thủ trước, nghĩa là chẳng thủ trước sắc, cũng chẳng thủ trước thọ, tưởng, hành, thức; chẳng thủ trước nhãn xứ, cũng chẳng thủ trước nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ; chẳng thủ trước sắc xứ, cũng chẳng thủ trước thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ; chẳng thủ trước nhãn giới, cũng chẳng thủ trước nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới; chẳng thủ trước sắc giới, cũng chẳng thủ trước thanh, hương, vị, xúc, pháp giới; chẳng thủ trước nhãn thức giới, cũng chẳng thủ trước nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới; chẳng thủ trước ba mươi hai tướng đại sĩ, cũng chẳng thủ trước tám mươi vẻ đẹp phụ thuộc; chẳng thủ trước dòng họ lớn Sát-đế-lợi, cũng chẳng thủ trước dòng họ lớn Bà-la-môn, dòng họ lớn Trưởng giả, dòng họ lớn Cư sĩ; chẳng thủ trước chúng trời Tứ đại vương, cũng chẳng thủ trước trời Ba mươi ba, trời Dạ-ma, trời Đổ-sử-đa, trời Lạc biến hóa, trời Tha hóa tự tại; chẳng thủ trước trời Phạm chúng, cũng chẳng thủ trước trời Phạm phụ, trời Phạm hội, trời Đại phạm; chẳng thủ trước trời Quang, cũng chẳng thủ trước trời Thiểu quang, trời Vô lượng quang, trời Cực quang tịnh; chẳng thủ trước trời Tịnh, cũng chẳng thủ trước trời Thiểu tịnh, trời Vô lượng tịnh, trời Biến tịnh; chẳng thủ trước trời Quảng, cũng chẳng thủ trước trời Thiểu quảng, trời Vô lượng quảng, trời Quảng quả và trời Vô tưởng; chẳng thủ trước trời Vô phiền, cũng chẳng thủ trước trời Vô nhiệt, trời Thiện hiện, trời Thiện kiến, trời Sắc cứu cánh; chẳng thủ trước trời Không vô biên xứ, cũng chẳng thủ trước trời Thức vô biên xứ, trời Vô sở hữu xứ, trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ; chẳng thủ trước quả Dự lưu, cũng chẳng thủ trước quả Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, quả vị Độc giác; chẳng thủ trước ngôi vị Chuyển luân vương, cũng chẳng thủ trước các ngôi vua khác và các Tể quan phú quí tự tại, mà chỉ đem sự hộ trì tịnh giới như thế cho các hữu tình cùng có như nhau, hồi hướng quả vị giác ngộ cao tột; dùng vô tướng, vô đắc, vô nhị làm phương tiện mà có sự hồi hướng; chẳng phải dùng có tướng, có đắc, có hai làm phương tiện. Tùy theo thế tục mà có hồi hướng, chứ chẳng phải thắng nghĩa. Do nhân duyên này, tất cả Phật pháp đều được viên mãn. Đại Bồ-tát ấy, do tịnh giới Ba-la-mật-đa này viên mãn thanh tịnh, nên phương tiện thiện xảo khởi phát phần thắng tấn của bốn tịnh lự, dùng sự không mê đắm làm phương tiện, mà khởi phát các thần thông. Đại Bồ-tát ấy dùng thiên nhãn dị thục sanh thanh tịnh, thường thấy chư Phật hiện tại trong vô biên thế giới ở khắp mười phương, an ổn trụ trì, vì các hữu tình, tuyên thuyết chánh pháp; thấy rồi cho đến khi chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột, cũng không quên mất. Đại Bồ-tát ấy dùng thiên nhĩ thanh tịnh vượt hẳn người thường, thường nghe chư Phật trong mười phương thuyết pháp; nghe rồi cho đến khi chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột thường chẳng quên mất, theo pháp đã nghe có thể làm các việc lợi lạc cho mình và người, không có việc nào là vô ích. Đại Bồ-tát ấy dùng tha tâm trí sai biệt, để biết tâm và tâm sở pháp của mười phương Phật và các hữu tình; biết rồi thường phát khởi các việc lợi lạc cho tất cả hữu tình. Đại Bồ-tát ấy dùng trí túc trụ tùy niệm biết nghiệp đã tạo đời trước của các hữu tình, do nghiệp đã tạo không hoại mất nên sanh vào các chỗ như thế, như thế, thọ các điều khổ, vui; biết rồi vì họ mà nói nhân duyên nghiệp cũ, khiến họ nhớ biết mà làm việc lợi ích. Đại Bồ-tát ấy dùng trí lậu tận an lập hữu tình, hoặc khiến an trụ quả Dự lưu, hoặc khiến an trụ quả Nhất lai, hoặc khiến an trụ quả Bất hoàn, hoặc khiến an trụ quả A-la-hán, hoặc khiến an trụ quả vị Độc giác, hoặc khiến an trụ bậc Đại Bồ-tát, hoặc khiến an trụ quả vị giác ngộ cao tột. Nói tóm lại, Đại Bồ-tát ấy ở bất cứ nơi nào tùy theo khả năng sai khác của các hữu tình mà phương tiện thiện xảo, khiến họ an trụ trong các thiện pháp.