KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐAQuyển 341__________________________________________________ ______________________________________
Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát khi học như thế là học chơn như, là học các pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, pháp định, pháp trụ, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì. Nếu Đại Bồ-tát học chơn như, pháp giới cho đến cảnh giới bất tư nghì là học trí nhất thiết trí.
Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát khi học như thế là học Thánh đế khổ, là học Thánh đế tập, diệt, đạo. Nếu Đại Bồ-tát học Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo là học trí nhất thiết trí.
Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát khi học như thế là học bốn tịnh lự, là học bốn vô lượng, bốn định vô sắc. Nếu Đại Bồ-tát học bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc là học trí nhất thiết trí.
Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát khi học như thế là học tám giải thoát, là học tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ. Nếu Đại Bồ-tát học tám giải thoát, tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ là học trí nhất thiết trí.
Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát khi học như thế là học bốn niệm trụ, là học bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi đẳng giác, tám chi thánh đạo. Nếu Đại Bồ-tát học bốn niệm trụ, bốn chánh đoạn cho đến tám chi thánh đạo là học trí nhất thiết trí.
Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát khi học như thế là học pháp môn giải thoát không, là học pháp môn giải thoát vô tướng, vô nguyện. Nếu Đại Bồ-tát học các pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện là học trí nhất thiết trí.
Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát khi học như thế là học bậc Cực hỷ, là học bậc Ly cấu, bậc Phát quang, bậc Diệm tuệ, bậc Cực nan thắng, bậc Hiện tiền, bậc Viễn hành, bậc Bất động, bậc Thiện tuệ, bậc Pháp vân. Nếu Đại Bồ-tát học bậc Cực hỷ, bậc Ly cấu cho đến bậc Pháp vân là học trí nhất thiết trí.
Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát khi học như thế là học năm loại mắt, là học sáu phép thần thông. Nếu Đại Bồ-tát học năm loại mắt, sáu phép thần thông là học trí nhất thiết trí.
Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát khi học như thế là học mười lực Phật, là học bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng. Nếu Đại Bồ-tát học mười lực Phật, bốn điều không sợ cho đến mười tám pháp Phật bất cộng là học trí nhất thiết trí.