KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐAQuyển 326__________________________________________________ ______________________________________
Thỉnh vấn Hằng hà sa chư Phật Thế Tôn như thế, chư Phật vì họ lần lượt giảng thuyết. Các chúng đại Bồ-tát ấy theo lời Phật dạy, an trụ tu học, trải qua vô lượng kiếp nổ lực tinh tấn, còn chẳng thể chứng đắc trí nhất thiết trí, huống là sở tu sở học của các ông ngày nay mà có thể chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột!
Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy tuy nghe nói như vậy nhưng tâm không đổi khác, chẳng kinh, chẳng sợ, không nghi, không hoặc, lại càng hoan hỷ, nghĩ thế này: Nay Bí-sô này đem đến cho ta nhiều lợi ích, vì ta mà phương tiện nói pháp chướng đạo, khiến ta biết pháp chướng đạo này, quyết định chẳng có thể chứng đắc quả Dự-lưu, hoặc quả Nhất-lai, hoặc quả Bất-hoàn, hoặc quả A-la-hán, hoặc quả vị Độc-giác, huống là có thể chứng đắc trí nhất thiết trí.
Này Thiện Hiện! Khi ấy ác ma kia biết tâm đại Bồ-tát ấy chẳng thối lui, không sợ hãi, không nghi hoặc, liền ngay nơi ấy hoá làm vô lượng hình tượng Bí-sô, nói với Bồ-tát: Những Bí-sô này đều ở đời quá khứ mong cầu quả vị giác ngộ cao tột, trải qua vô lượng kiếp, tu hành các hạnh khổ hạnh khó làm mà chẳng có thể chứng đắc, nay đều thối lui trụ quả vị A-la-hán, các lậu đã hết, qua khỏi biển khổ, thì làm sao mà các vị có thể chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột?
Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy thấy nghe như vậy rồi, liền nghĩ như thế này: Nhất định là ác ma hoá làm hình tượng Bí-sô như thế để nhiễu loạn tâm ta, nhân đó nói pháp tương tợ chướng đạo chứ không có đại Bồ-tát nào tu hành Bát-nhã-ba-la-mật-đa cho đến địa vị viên mãn, mà chẳng chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột, còn thối lui rơi vào địa vị Thanh-văn hoặc địa vị Độc-giác!
Lúc bấy giờ, Bồ-tát lại nghĩ thế này: Nếu đại Bồ-tát tu hành bố thí Ba-la-mật-đa, tu hành tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã Ba-la-mật-đa đến chỗ viên mãn mà chẳng đắc quả vị giác ngộ cao tột, chắc chắn không có việc đó. Nếu đại Bồ-tát học an trụ pháp không nội, học an trụ pháp không ngoại, pháp không nội ngoại, pháp không không, pháp không lớn, pháp không thắng nghĩa, pháp không hữu vi, pháp không vô vi, pháp không rốt ráo, pháp không không biên giới, pháp không tản mạn, pháp không không đổi khác, pháp không bản tánh, pháp không tự tướng, pháp không cộng tướng, pháp không tất cả pháp, pháp không chẳng thể nắm bắt được, pháp không không tánh, pháp không tự tánh, pháp không không tánh tự tánh đến chỗ viên mãn mà chẳng chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột, thì quyết không có việc đó. Nếu đại Bồ-tát học an trụ chơn như, học an trụ pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, pháp định, pháp trụ, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì đến chỗ viên mãn mà chẳng chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột, thì quyết không có việc đó. .....