Giác ngộ hữu tình lại còn một nghĩa là trong loài hữu tình có bậc giác ngộ. Bồ Tát xuất phát là từ đâu ? Cội gốc của Bồ Tát là từ chúng sanh hữu tình, nhưng đã giác ngộ. Ngài là bậc giác ngộ từ trong loài hữu tình. Vì Ngài từ nơi chúng sanh mà đạt đến giác ngộ, nên nay Ngài phải giác ngộ lại tất cả chúng sanh. Ðó là ý nghĩa của chữ Bồ Tát. Bồ Tát lại có tạng giáo Bồ Tát, thông giáo Bồ Tát, biệt giáo Bồ Tát, viên giáo Bồ Tát. Ðầy đủ bốn giáo tạng, thông, biệt, viên, chính là Bồ Tát. Tâm lượng chư vị nhỏ thì là tạng giáo Bồ Tát. Tâm lượng lớn chút ít là thông giáo Bồ Tát. Tâm lượng lớn thêm chút nữa là biệt Bồ Tát. Chư bồ tát Phổ Hiền, Văn Thù, Ðịa Tạng, Quán Thế Âm đều là viên giáo Bồ Tát. So với viên giáo Bồ Tát, chư vị nếu hơi khác chút ít thì là biệt giáo Bồ Tát.
Lại có thập địa Bồ Tát. Bồ Tát địa thứ nhất, Bồ Tát địa thứ hai, Bồ Tát địa thứ ba, cho đến Bồ Tát địa thứ mười. Có rất nhiều loại Bồ Tát, thiên sai vạn biệt, giống như chúng ta, mỗi người đều có bằng cấp khác nhau. Tổng quát, Bồ Tát giác ngộ là luôn thuyết đạo lý không chỗ chứng đắc. Các Ngài hiểu rõ tâm không bị bao loại pháp làm quái ngại (chướng ngại).
"Y cứ bát nhã bỉ ngạn tề, (y cứ bát nhã đến bờ giác)".
Tâm không có quái ngại thì xa rời được báo chướng. Thân thể chúng ta chính là báo chướng. Tại sao chúng ta có thân thể ? Vì chúng ta có chỗ bị quái ngại. Không quái ngại thì khổ và vui đều như nhau, cũng không khổ không vui. Sống chết như nhau. Không sống, cũng không chết. Sống tức là chết. Chết tức là sống. Sống chết đều không động. Khổ vui như một. Thuận nghịch như nhau. Nơi cảnh thuận cũng như thế. Nơi cảnh nghịch cũng như thế. Chết sống như nhau, thuận nghịch như nhau, khổ vui như nhau, nói chung là không có một việc chi mà có thể làm cho tâm lay động được. Sao tâm không lay động ? Vì không có quái ngại. Không có việc gì quái thì cũng không có việc gì làm trở ngại. Có quái tức có ngại. Quái tức là mang đeo trên vai. Ngại là chướng ngại, có chỗ chướng ngại. Không quái ngại cũng là chấm dứt sống chết. Vì vậy bảo rằng sống chết tức niết bàn, phiền não tức bồ đề. Khi người nhị thừa chưa hiểu rõ đạo lý này, chư vị phải bảo họ rằng phiền não tức bồ đề, sống chết tức niết bàn, vì họ đã quên mất nên bỏ chạy xa, bảo rằng xưa nay tôi chưa từng nghe pháp :"Phiền não tức bồ đề, sanh tử tức niết bàn", tôi không tin đâu. Muốn giác ngộ sanh tử tức niết bàn, phiền não tức bồ đề thì chư vị phải nên xoay đầu trở lại. Tại sao chúng ta không hiểu bồ đề là gì ? Vì chúng ta bội giác hiệp trần (phản bội lại tánh giác và hiệp với trần lao). Phải nên bội trần mà hiệp giác.
Khi tâm không còn quái ngại thì sanh tử, khổ vui, thuận nghịch, tất cả cảnh giới đều không thể động được tâm. Lúc ấy rời xa báo chướng.
Tại sao chúng ta không thể xa rời thân thể được ? Chỉ vì cho thân này là quan trọng. Tại sao từ sáng đến tối, ai ai cũng chạy đuổi theo danh theo lợi ? Chỉ vì lo cho thân mình. Tìm cách làm nô lệ tài giỏi, làm thân trâu ngựa cho thân này, không dám đối trị thân mình. Nhưng thân này không làm khách đối với chư vị chút nào hết. Tại sao ? Như vua Ba Tư Nặc, khi còn trẻ thì khí huyết dồi dào, nhưng đến lúc già tóc bạc mặt nhăn, chẳng bao lâu rồi chết. Chỉ vì còn quái ngại. Nếu không còn quái ngại thì chư vị không còn chấp trước vào nghiệp báo của thân. Có thân thì có báo chướng, nếu chư vị không còn quái ngại thì không còn chấp ngã. Vô ngã tức không có báo chướng. Thế nên, bảo rằng tâm không quái ngại tức xa rời báo chướng.
"Duy cụ chân không nê ngôn lự, (chỉ có chân không tuyệt ngôn ngữ)".
Tự tánh hay Phật tánh của chư vị đầy đủ thật tướng chân không. Chư vị phải tự đạt đến bản thể chân như của tự tánh mà không thể diễn tả bằng lời được. Vì vậy bảo rằng không nê ngôn lự nghĩa là không có ý tưởng nào mà có thể nghĩ tưởng được.
"Ký ngữ lai hiền cầu chư kỷ, (nhắc kỷ hiền sĩ cầu tri kỷ)".
Tôi có một lời muốn nhắc nhở những vị hiền nhân, những vị tu hành trong tương lai là nếu chư vị muốn tâm không quái ngại, đạt đến nơi không chứng đắc, thì phải tự cầu tri kỷ, không nên hướng ngoại tìm cầu, hướng ngoại truy cầu. Ðạo lý không tu không chứng, không chỗ chứng đắc tức là lý tìm cầu chư kỷ, nghĩa là phải hồi quang phản chiếu, xoay lại tìm cầu chính mình.