DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Hiện kết quả từ 1 tới 10 của 16
  1. #1
    MẦM Avatar của ronaldo 2
    Tham gia ngày
    Nov 2016
    Bài gửi
    9
    Thanks
    0
    Thanked 0 Times in 0 Posts


    Thứ hai là đoạn diệt không. Ðó là gì ? Là không mà ngoại đạo chấp trước vào. Ngoại đạo không biết ý nghĩa của không. Họ cho rằng người chết rồi là hết, đoạn diệt luôn, cũng là không. Thế nên, họ chấp vào đoạn diệt không.
    Thứ ba là pháp không quán. Người nhị thừa tu tích pháp không quán. Tích cũng là phân tích sắc tức là sắc, tâm tức là tâm. Họ không biết tất cả đều là không. Thế nên không thể đắc và chứng được diệu lý chân không, chỉ tạm trú tại hóa thành thôi, không đồng với địa vị của Bồ Tát. Hóa thành là nơi không vọng, chỉ là trạm dừng chân. Họ tu loại tích pháp không quán, nên gọi là bát nhã thô thiển. Bát nhã thô thiển tức là bát nhã không thâm sâu. Họ tu hành pháp bát nhã này thì chấm dứt phần đoạn sanh tử, nhưng biến dịch sanh tử vẫn còn. Sao gọi là phần đoạn sanh tử ? Ai ai cũng có thân thể. Chư vị có một phần. Tôi có một phần. Từ sanh đến chết có một đoạn. Một phần một đoạn gọi là phần đoạn sanh tử. Phần đoạn cũng gọi là hình đoạn của mỗi người. Chư vị cao năm thước. Họ cao sáu thước. Lại có người cao bảy thước. Mỗi người đều có một phần đoạn. Thánh nhân chứng sơ quả, nhị quả, tam quả, và tứ quả A La Hán chặt đứt được phần đoạn sanh tử mà vẫn còn biến dịch sanh tử.
    Sao gọi là biến dịch sanh tử ? Biến tức là biến hóa. Dịch tức là dung dịch, cũng là biến hóa, giao dịch, mậu dịch. Biến dịch sanh tử là gốc của phần đoạn sanh tử. Vì sao gọi là thế ? Biến dịch sanh tử cũng là bao loại vọng tưởng. Những vọng tưởng này luôn lưu xuất, vọng niệm trước diệt, vọng niệm sau sanh, vọng niệm sau diệt, vọng niệm kế lại sanh. Sanh rồi diệt, diệt rồi sanh, nên gọi là biến dịch sanh tử. một niệm diệt tức là mất. Một niệm sanh tức là đã sanh, cũng là vọng niệm của chúng ta. Tứ quả A La Hán chưa đoạn diệt hẳn hết, nên chỉ có Bồ Tát đại thừa mới năng đoạn tận hết. Biến dịch sanh tử cũng là cội gốc sanh tử của chúng ta. Sao chúng ta có sanh tử ? Vì chúng ta có vọng tưởng. Những vọng tưởng này phát sanh từ đâu ? Vọng tưởng vốn do vô minh phát sanh. Vì có vô minh nên mới phát sanh bao loại vọng tưởng.

    Thứ tư là thể pháp không quán

    Duyên Giác tu thể pháp không quán
    Thứ năm là diệu hữu không quán
    Bồ Tát tu diệu hữu không quán
    Chân không diệu hũu.

    Lúc Bồ Tát Quán Thế Âm hành thâm bát nhã ba la, Ngài soi thấy năm uẩn đều không. Ðó là đắc được công năng tu hành bát nhã ba la mật đa. Nay y chiếu theo kệ của tôi mà giảng giải.

    "Hành đạo tu thân mạc ngoại tầm, (hành đạo tu thân chớ tìm ngoài)".

    Chư vị muốn tu đạo, tu thân, thì chớ tìm bên ngoài. Không nên hướng ngoại tìm cầu, mà hãy tìm lại tự tánh của mình.

    "Tự tánh bát nhã thâm mật nhân, (tự tánh bát nhã nhân thâm mật)".
    Trong tự tánh bát nhã có hạt giống thâm mật.
    "Bạch lãng xung tiêu hắc ba chỉ, (sóng bạc tiêu lặn biển đen dừng)".

    Lúc tu đạo, sóng bạc tức là trí huệ, như nước chảy tạo thành sóng màu sắc trắng. Sóng biển đen tức là phiền não. Khi sóng đen ngừng thì trí huệ tăng, pháp thậm thâm cũng cao siêu. Hành bát nhã ba la mật đa, lưu xuất pháp thậm thâm không ? Vì pháp này rất cao siêu, nhìn xem không thể thấy, nên gọi là bát nhã thậm thâm. Sóng đen dừng tức là phiền não dừng.

    "Niết bàn bỉ ngạn nhậm vận đăng, (bờ Niết Bàn, từ từ leo lên)".
    Một khi đã có trí huệ thì tự nhiên biết cách để đạt đến bờ niết Bàn, không bỏ phí sức lực nào.
    "Thời hề thời vật thác quá, (thời qua thời chớ để trôi qua)".
    Chúng ta tu đạo, thời gian rất quý báu, đừng để chúng trôi qua vô ích. Thế nên, thời qua thời chớ để trôi đi. Thời gian nào ? Tức là lúc hành thâm bát nhã ba la mật. Chư vị chớ nên để thời gian trôi qua vô ích.
    "Thận chi thận thủ thiên chân, (thận trọng, thận trọng giữ thân chân)".
    Chư vị phải cẩn thận, đừng để thời gian trôi mất, ngày đêm luống qua vô ích. Hiện tại phải tu hành đắc được pháp bát nhã thậm thâm, chân lý cao thượng.
    "Yểu yểu minh minh thông hưu tức, (mờ mờ ảo ảo thông tin tức)".
    Mờ mờ ảo ảo, nói nghe nhưng thực không nghe, nói thấy nhưng thực không thấy.
    "Hoảng hoảng hốt hốt kiến bổn tôn, (vội vội vàng vàng thấy bổn tôn)".
    Hiện nay, chư vị phải được tin tức mờ mờ ảo ảo, vội vội vàng vàng thấy bổn chân. Lại như không có hình tướng mà nói thấy hình tướng. Thấy bổn tôn tức là thấy rõ tự tánh của chính mình.


  2. #2
    MẦM Avatar của ronaldo 2
    Tham gia ngày
    Nov 2016
    Bài gửi
    9
    Thanks
    0
    Thanked 0 Times in 0 Posts


    Ðộ nhất thiết khổ ách, (vượt tất cả khổ ách).

    "Ðộ qua khổ ải xuất luân hồi
    Vũ tễ thanh tinh nguyệt chánh huy
    Khôn nguyên đạo thể nhân trung thánh
    Bất hoại kim khu thế thượng hy
    Thoát sanh hà thuận thiên niên lạc
    Chứng diệt khởi thị vạn kiếp kỳ
    Nhị tử vĩnh vong ngũ trụ tận
    Tiêu diêu pháp giới nhậm đông tây
    Dịch :
    Vượt qua cửa khổ thoát luân hồi
    Mưa tạnh trời trong trăng sáng hiện
    Càn nguyên thể đạo thánh giữa người
    Vàng chẳng hoại diệt thế gian hiếm
    Thoát sanh tử cần chi thuốc tiên
    Chứng diệt đợi chi muôn kỳ kiếp
    Hai chết mất hẳn năm trụ tận
    Dạo chơi pháp giới khắp đông tây".

    Vượt qua tất cả khổ ách. Ðộ tức là độ thoát. Tất cả là bao quát hết mọi khổ ách. Khổ thật khó thọ nhận, mà lại gia tăng thêm cái ách nữa thì thật rất khó lãnh thọ.
    Ðộ, sao gọi là độ ? Ðộ thoát, sao gọi là độ thoát ? Tức là xa khổ đau đắc được an lạc, nên gọi là độ thoát, cũng là giải thoát. Tại sao không gọi là giải thoát tất cả khổ ách, mà là độ thoát tất cả khổ ách ? Vì tiếp theo câu trên "Soi thấy năm uẩn đều không", mà nói. Ý nói là độ cho những người tu hành. Chư vị tuy thấy năm uẩn đều không nhưng phải tu hành. Tu hành mới độ thoát được tất cả khổ ách. Nếu chư vị không tu hành mà chỉ đơn giản thấy năm uẩn là không thì có dụng ích chi ? Soi thấy chúng đều không thì mới biết rõ tánh không, hay giác ngộ chúng là không, nhưng phải nên tu hành. Vì vậy, tuy đốn ngộ lý mà sự thì phải tiệm tu (tu dần dần). Hiểu rõ lý rồi thì phải tu hành mới độ thoát được tất cả khổ ách. Nếu chỉ biết chúng là không mà chẳng chịu tu hành thì cái không đó chả có ích lợi gì. Vì thế, chư vị phải nên tu hành, thật tiển tu hành. Ðộ cũng là cung hành thật tiển, thật thật tại tại tu hành, thật thật tại tại mà làm. Không nên dùng khẩu đầu thiền, nói khai ngộ, đắc được A nậu đa la tam miệu tam bồ đề. Ðã khai ngộ. Vậy khai ngộ gì, đắc được gì ? Chứng đắc a nậu đa la tam miệu tam bồ đề như thế nào ? Nói thì rất dễ mà hành thì rất khó. Nói là pháp, mà hành là đạo. Thế nên, chư vị nói được thì phải hành được. Hiểu rõ chúng là không thì phải tu. Dùng cái không mà tu cái có. Dùng chân không mà tu diệu hữu.

    Ðộ thoát tất cả khổ ách. Tất cả khổ ách là không phải một việc khổ mà nói bao quát hết mọi khổ ách. Khổ tựu chung có ba loại khổ, tám khổ, vô lượng khổ. Ba loại khổ là khổ khổ, hoại khổ, hành khổ. Lại gọi ba thọ tức thọ khổ, thọ lạc, thọ không khổ không lạc, cũng là khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ. Sao gọi là thọ ? Thọ nghĩa là tiếp thọ. Tiếp thọ khổ, lạc, và không khổ không lạc. Khổ khổ tức là khổ thọ. Hoại khổ tức là lạc thọ. Ðừng cho rằng hưởng lạc mà không có khổ trong đó. Trong an lạc có hoại. Hoại rồi thì có hoại khổ. Không khổ không lạc gọi là hành khổ.
    Tám khổ là gì ? Tức là sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, thương mà xa lìa khổ, oán ghét mà gần nhau khổ, cầu mà không được khổ, năm ấm hẩy hừng khổ. Ai mà không được cha mẹ sanh ra ? Có sanh tức có khổ vì sanh. Ai không già yếu. Có người nói rằng trẻ thơ chưa già mà chết. Tuy chưa già nhưng vốn chưa có tri giác. Trẻ em chưa già nhưng vẫn có khổ vì bịnh, khổ vì chết, cũng gọi là khổ vì già. Sao bảo trẻ em khổ vì già ? Ngày em bé chết chính là ngày em đã già. Nếu không già thì sao lại chết. Chư vị bảo trẻ em cũng biến thành già sao ? Vì em chết nên cũng gọi là già. Vì thọ mạng của em không được dài lâu. Thời gian từ sanh đến chết rất ngắn ngủi. Khi chết cũng là đã già rồi. Nếu không già thì sao lại chết ? Thế nên, không thể thoát khỏi khổ vì già.
    Bệnh khổ. Có ai dám nói rằng bệnh không khổ không ? Bệnh thật rất thống khổ. Chư vị cũng hiểu rõ rồi. Sanh ra lại khổ vì bệnh. Phật Thích Ca Mâu Ni cũng bị quả báo gậy đập, ăn lúa ngựa. Tại sao vậy? Vì trong một đời tiền kiếp, Ngài làm một đứa trẻ. Lúc ấy trong vùng Ngài ở, dân chúng bị đói khát, không có gì để ăn. Chợt có một con cá voi bị mắc cạn. Ngài dùng côn đánh vào đầu khiến cá chết. Sau đó dân làng áp ra róc thịt cá voi mà ăn. Do đó, sau khi thành Phật rồi, Ngài thường thường cảm giác nhức đầu tựa như bị cây đập lên đầu, nên gọi là quả báo gập đập. Lại nữa, trong một đời tiềp kiếp, Ngài có nói một câu sai lầm rằng đối với người tu đạo, phải tu hành khổ hạnh chân chánh bằng cách ăn lúa ngựa. Sau khi Ngài thành Phật, trong một kỳ an cư kiết hạ, quốc vương không cúng dường gì hết, chỉ cho Ngài và tăng chúng tỳ kheo lúa ngựa thường ăn. Ðó là do Ngài tạo nghiệp lúc còn tu hành ở nhân địa, nên hiện đời phải cảm thọ quả báo.
    Chết, ai ai cũng đều không thích chết. Vì sao ? Vì quan hệ đến khổ đau. Lại có khổ vì thương nhau mà xa lìa, ghét nhau mà thường gặp, cầu mà không được như ý, năm ấm luôn thay đổi hẩy hừng. Những loại khổ này đều gọi là khổ. Nay chúng ta tu hành nên phải dẹp trừ ba khổ, tám khổ, vô lượng khổ, nên gọi là độ thoát tất cả khổ ách.


  3. #3
    MẦM Avatar của ronaldo 2
    Tham gia ngày
    Nov 2016
    Bài gửi
    9
    Thanks
    0
    Thanked 0 Times in 0 Posts


    "Ðộ qua khổ ải xuất luân hồi, (vượt qua biển khổ xuất luân hồi)".
    Mọi khổ đều nằm trong biển khổ. Nếu chư vị vượt qua hết tất cả khổ ách thì chắc chắn sẽ thoát khỏi sáu nẻo luân hồi: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a tu la, người, trời.
    "Vũ tễ thanh tịnh nguyệt chánh huy, (mưa tạnh trời trong trăng sáng hiện)".
    Khi ấy mưa tạnh tức là không còn hạt mưa nào hết. Bầu trời trong sáng. Trăng sáng hiển hiện. Mặt trăng trong không trung chiếu sáng. Năm ấm đều không. Không còn năm ấm giống như không còn mây, mưa. Bầu trời trong sáng, thanh tịnh. Trăng treo lơ lững, muôn dặm không áng mây. Cảnh giới này khiến chư vị phát sanh trí huệ chân chánh, chiếu sáng khắp cả, nhờ đó mà độ thoát qua hết tất cả khổ ách.
    "Càn nguyên đạo thể nhân trung thánh, (Càn nguyên đạo thể thánh giữa người)".
    Khi chứng sơ quả A La Hán, thân thể chư vị tràn ngập khí dương. Càn là số dương trong kinh dịch, nên gọi là càn nguyên. Ðạo thể là thể chất của việc tu đạo. Trung nhân thánh là thánh nhân trong loài người.
    "Bất hoại kim khu thế thượng hy, (vàng chẳng hoại diệt thế gian hiếm)".
    Khi chứng sơ quả Tu Ðà Hoàn, chư vị cắt đứt được tám mươi tám phần kiến hoặc. Thân thể chư vị bất hoại như vàng ròng, trên thế gian rất hiếm có.
    "Thoát sanh hà thuận thiên niên dược, (thoát sanh tử cần chi thuốc tiên)".
    Xưa, vua Thái Thủy (221-207 BC) đến đảo Bồng Lai tìm thuốc trẻ mãi không già, giải thoát sanh tử. Chư vị không cần thiết phải đi tìm thuốc trẻ mãi không già, chỉ nên độ thoát hết tất cả khổ ách. Khi đó muốn sống thì sống, muốn chết thì chết. Chết sống do tự chính mình. Vua Diêm La không thể cai quản được, giống như tổ Bồ Ðề Ðạt Ma.
    "Chứng diệt khải thị vạn kiếp kỳ, (chứng diệt đợi chi muôn kỳ kiếp)".
    Pháp bốn diệu đế : Khổ, tập, diệt đạo. Khi chứng đắc diệt đế thì thành đạo, đắc vô dư Niết Bàn, không đợi trải qua tám muôn bốn ngàn kiếp, mà mau chứng đắc vô dư Niết Bàn.
    "Nhị tử vĩnh vong ngũ trụ tận, (hai chết mất hẳn năm trụ diệt)".
    Chư vị chứng đến độ thoát tất cả khổ ách, vượt khỏi vòng luân hồi, đắc được thân kim cang bất hoại. Khi ấy nhị tử mãi không mất. Sao gọi là nhị tử ? Có phải là chết hai lần không ? Không phải là chết hai lần mà là hai lần chết. Một lần là phần đoạn sanh tử. Một lần là biến dịch sanh tử. Gọi là hai lần chết. Khi chứng quả A La Hán thì cắt đứt phần đoạn sanh tử. Khi chứng quả vị Bồ Tát mới cắt đứt biến dịch sanh tử. Nay, Bồ Tát Quán Thế Âm đã cắt đứt được biến dịch sanh tử. Chữ vong (mất), đây không phải là tử vong (chết mất). Trong sách đại học nói :" Nhi kim vong hỷ (như nay mất rồi)".
    Chữ 'vong' đọc là không. Chúng ta có thể đọc là vong, hay không cũng được, không cần giảng giải. Hai loại chết này đều không.
    "Ngũ trụ tận (tận hết năm trụ)". Nghĩa là năm trụ phiền não. Chúng là gì ? Thứ nhất, kiến trụ phiền não, là trụ ái kiến. Thứ hai, trụ ái dục. Thứ ba, trụ sắc ái. Thứ tư, trụ vô sắc ái. Thứ năm, trụ vô minh ái. Vì năm trụ ái này mà chúng ta sanh chấp trước, biến thành năm loại phiền não. Bồ Tát Quán Thế Âm dẹp trừ hết năm loại phiền não này.
    "Tiêu diêu pháp giới nhậm đông tây, (dạo chơi pháp giới khắp đông tây)".
    Tiêu diêu có nghĩa là tự tại. Tự tại cũng là tiêu diêu. Tiêu diêu cũng là tự do. Tự do, nghĩa là an lạc, sung suớng. Sao an lạc sung sướng ? Vì có thể tùy tiện đi nơi này nơi nọ. "Nhậm đông tây", nghĩa là nếu chư vị muốn qua cõi tây phương cực lạc thì tùy ý mà đi. Muốn qua cõi đông phương Tịnh Lưu Ly Phật thì cũng có thể đi. Muốn đến cõi Ta Bà thì không thành vấn đề, cũng không cần hộ chiếu do tòa lãnh sự sứ quán cấp. Không có những thủ tục rườm rà. Nếu muốn đi thì cứ đi, nên gọi là tiêu diêu pháp giới. Pháp giới không phải chỉ trong vòng, đông tây, nam, bắc, mà cả trên dưới, mười phương. Chư vị muốn đi đến đâu thì đều được hoan nghinh khi đến những nơi đó. Không phải nói là muốn đi đến nơi kia, nơi kia không hoan nghinh tiếp đón chư vị, không cho nhập cảnh. Muốn đến nơi nào cũng được hết. Tiêu diêu pháp giới nhậm đông tây. Chư vị thấy cảnh giới này có an lạc lắm không, tự do lắm không ! Tiêu diêu, tự do, đó là tánh pháp giới chân chánh bình đẳng. Khi hai lần chết và năm trụ đều tận diệt thì đắc được tự do. Ðó là tự do chân thật, an lạc chân thật, bình đẳng chân thật, và tiêu diêu chân thật.


  4. #4
    MẦM Avatar của ronaldo 2
    Tham gia ngày
    Nov 2016
    Bài gửi
    9
    Thanks
    0
    Thanked 0 Times in 0 Posts


    Xá Lợi Tử.

    "Xá Lợi Tử thị kiên cố vi
    Dịch tác Thu Lộ mẫu nghĩa hình
    Giới định viên minh châu quang hiện
    Hạnh giải tương ưng thể linh lung
    Ðại trí chi hà nhân ngu biểu
    Thiện ban kỷ tại nương phúc sanh
    Nhân giai cụ thử chân thật huệ
    Thủ chư tào khê bảo lâm phong
    Dịch :
    Xá Lợi Tử nghĩa là kiên cố
    Dịch là Thu Lộ hình giống mẹ
    Giới định sáng tròn chân ảnh hiện
    Hạnh giải tương ưng thể sáng trong
    Bậc đại trí sao giống kẻ ngu
    Biện tài giỏi nhờ thai sanh trợ
    Người người đầy đủ chân trí huệ
    Giữ phong cách Bảo Lâm Tào Khê".

    "Xá Lợi Tử thị kiên cố vi"
    Xá Lợi Tử cũng là Xá Lợi Phất. "Xá Lợi" là tiếng Phạm. "Tử" cũng là tiếng Phạm. "Xá Lợi Tử" nghĩa là "Kiên Cố". Vì sao ? Ðó chỉ cho trí huệ kiên cố. Thế nên Xá Lợi Tử nghĩa là kiên cố.
    "Dịch tác thu lộ mẫu nghĩa hình, (dịch là Thu Lộ hình giống mẹ)".
    "Xá Lợi" phiên dịch ra tiếng Tàu gọi là "thu lộ". Thu lộ là một loài chim biển. Chim này bay rất cao và rất xa, đôi mắt lanh lẹ trong sáng như hai ống dòm. Lúc cá bơi qua bơi lại trên biển, nó đang trên hư không liền bay xà xuống mau như hỏa tiển, để bắt lấy cá mà ăn. "Xá Lợi" cũng là tên của loài chim thu lộ. Ở Ấn Ðộ, con cái thường lấy tên cha, mà cũng đôi khi lấy tên mẹ, hay dùng cả tên cha lẫn mẹ. Xá Lợi Tử là chỉ lấy tên mẹ thôi. Mẹ của ngài Xá Lợi Tử tên là Xá Lợi. "Tử" tức là con của bà Xá Lợi, cũng y chiếu theo hình thái của bà mà tạo ra tên đó.
    "Giới định viên minh châu quang hiện, (giới định sáng tròn chân ảnh hiện) ".
    Ngài Xá Lợi Tử trong tiền kiếp, sanh sanh thế thế đều tu giới, định, huệ. Giới, định, huệ của Ngài đều viên mãn tròn đầy, viên minh (tròn sáng) như hạt châu phóng ánh sáng, nên nói là hạt châu hiển hiện.
    "Hạnh giải tương ưng thể linh lung".
    Ngài vừa tu hành vừa học giáo điển, nên trí huệ rất quảng đại. Thể linh lung nghĩa là thân thể của Ngài trong sáng như pha lê.
    "Ðại trí chi hà nhân ngu biểu, (bậc đại trí sao giống kẻ ngu)".
    Sao gọi là đại trí huệ ? Ngược với ngu si. Vì Ngài khác biệt hẳn với những người ngu. Người ngu si làm những việc điên điên đảo đảo. Dù nói lời tốt đến đâu nhưng khi hành lại làm những việc hư hoại. Tạo những việc hư hoại gọi là người ngu. Người có trí huệ không si mê, không phải biết mà vẫn cố phạm, không điên điên đảo đảo, nên gọi là đại trí huệ.
    "Thiện biện kỷ tại nương phục sanh, (biện tài giỏi nhờ thai sanh trợ)".
    Chắc chư vị nhớ rõ những lần tôi giảng kinh Lăng Nghiêm, có đề cập đến mẹ của ngài Xá Lợi Phất, không thể biện luận thắng cậu Ngài. Sau này, lúc mang thai ngài Xá Lợi Phất, mẹ lại cùng cậu Ngài biện luận. Khi ấy, cậu Ngài không thể thắng, bắt bẻ được mẹ Ngài. Do đó, cậu Ngài ra ngoài học luận nghị ngoại đạo. Khi trở về, ngài Xá Lợi Phất đã theo Phật xuất gia. Vì lúc còn ở trong bào thai, Ngài đã trợ giúp mẹ Ngài biện luận thắng cậu Ngài, nên gọi là thuyết thiện biện tài từ trong bào thai.
    "Nhân giai cụ thử chân trí huệ, (người người đầy đủ chân trí huệ)".
    Trí huệ này không phải chỉ ngài Xá Lợi Phất có thôi mà ai ai cũng đều có hết cả. Tuy có nhưng không biết dùng, nên quên mất. Nếu mọi người biết dùng trí huệ này thì đều đạt được lợi ích cả.
    "Thủ chư Tào Khê Bảo Lâm phong, (giữ phong cách Bảo Lâm Tào Khê)".
    Trí huệ chân thật này ở đâu ? Tại Tào Khê ? Tào Khê ở nơi nào ? Tại chùa Nam Hoa, Mã Bá, Quảng Ðông, Trung Quốc. Xa không ? Mình có thể tới được không ? Chùa Nam Hoa tại núi Bảo Lâm là đạo tràng của ngài Lục Tổ, rất xa nơi này, tôi không thể đến. Ðược ! Nay không cần phải đi, chư vị mỗi người cũng đều có sẵn phong cách Tào Khê Bảo Lâm, không cần phải chạy đâu tìm cầu. Tự chính chư vị có sẵn trí huệ này. Chính bổn thể của chư vị là phong cách Tào Khê Bảo Lâm, nên chẳng cần phải ra ngoài tìm cầu. Trí huệ này cũng chính là chư vị. Sao lại tìm cầu bên ngoài ? Chư vị phải xả bỏ tâm vọng tưởng điên đảo, tự mình dụng công tham thiền đả tọa thì sẽ đắc được trí huệ này. Ðó cũng là Tào Khê Bảo Lâm phong. Lúc ngồi tham thiền đả tọa cũng là lúc ngồi tại núi Bảo Lâm.

    Sắc bất dị không, không bất dị sắc. Sắc tức thị không, không tức thị sắc, (sắc không khác không, không chẳng khác sắc. Sắc tức là không, không tức là sắc).

    "Sắc bất dị không hữu nhược vô
    Không bất dị sắc thể dụng thù
    Sắc tức thị không chân nguyên triệt
    Không tức thị sắc vọng lưu khô
    Sơn hà đại địa duy thức hiện
    Mộng huyễn phao ảnh như thị hồ
    Thận vật ngoại cầu trì trung đạo
    Phóng hạ nhiễm duyên tức lai như
    Dịch :
    Sắc chẳng khác không có lại không
    Không chẳng khác sắc cùng thể dụng
    Sắc tức là không thấu nguồn chân
    Không tức là sắc nguồn vọng cạn
    Núi sông non nước hiện duy thức
    Bọt ảnh huyễn mộng như thế đấy
    Chớ cầu ngoài, nên giữ trung đạo
    Xả bỏ nhiễm duyên tức Lai Như".


  5. #5
    MẦM Avatar của ronaldo 2
    Tham gia ngày
    Nov 2016
    Bài gửi
    9
    Thanks
    0
    Thanked 0 Times in 0 Posts


    "Dĩ vô sở đắc cố, bồ đề tát đỏa y bát nhã ba la mật đa cố, tâm vô quái ngại, (lại không có chứng đắc. Bậc bồ đề tát đỏa, y theo bát nhã ba la mật đa nên tâm không quái ngại)".

    "Vô tu vô chứng vô sở đắc
    Hữu tướng hữu vi hữu tận thời
    Bồ đề tát đỏa ngộ kỳ lý
    Y cứ bát nhã bỉ ngạn tề
    Tâm vô quái ngại nan báo chướng
    Duy cụ chân không nê âm tư
    Kỳ ngũ lai hiền cầu chư kỷ
    Ðầu thượng an đầu tối ngu si
    Dịch :
    Không tu không chứng không chỗ đắc
    Có tướng có làm có thời hạn
    Bồ đề tát đỏa ngộ lý này
    Y cứ bát nhã đến bờ giác
    Tâm không quái ngại, rời báo chướng
    Chỉ có chân không tuyệt ngôn ngữ
    Nhắc kẻ hiền sĩ cầu tri kỷ
    Ðầu đặt trên đầu thật ngu si".

    Ðoạn văn trên giảng về không trí huệ cũng không chứng đắc. Không trí tức là không có trí huệ của tạng giáo Bồ Tát hành lục độ. Không đắc tức là không chứng đắc niết bàn hữu dư của người nhị thừa.
    Lại không có chỗ chứng đắc. Không chỗ chứng đắc là tông chỉ của bộ kinh này. Tông chỉ của tâm kinh bát nhã ba la mật đa là gì ? Tức là phá trừ chấp trước, khiến tâm chư vị không chấp trước vào chỗ chứng đắc. Tuy chứng mà không chứng, không chứng mà chứng. Sao gọi chứng mà không chứng ? Chư vị chứng đắc quả vị thánh mà không chấp trước mình chứng quả, vì thế mới có thể chứng đắc cứu cánh niết bàn chân chánh. Thế nên không chỗ chứng đắc là tông chỉ của kinh này.
    Bồ đề tát đỏa y chiếu theo bát nhã ba la mật đa nên tâm không quái ngại. Bồ đề tát đỏa tức là Bồ Tát. Ngài y chiếu theo bát nhã ba la mật đa, tức là pháp trí huệ thâm sâu mà tu hành. Tu hành đắc được gì ? Ðắc được tâm không quái ngại. Tâm chúng ta không thể đạt đến chỗ tự tại, vì còn có chỗ quái ngại. Không còn quái ngại thì đạt được tự tại. Không quái ngại này trừ được báo chướng, cũng là dùng không chỗ chứng đắc mà phá trừ ba chướng. Vì vậy phá trừ ba chướng là lực dụng của bài kinh này. Ba chướng tức là báo chướng, nghiệp chướng, phiền não chướng. Nếu tâm còn có chỗ quái ngại thì không thể phá trừ báo chướng. Không quái ngại nghĩa là gì ? Tức là đạt đến nhân không, pháp không. Chứng đến cảnh giới người và pháp đều là không.
    "Vô tu vô chứng vô sở đắc, (không tu không chứng không chỗ chứng đắc)".
    Không tu là gì ? Nghĩa là đã tu hành xong rồi. Không có chỗ chứng đắc, tại sao ? Vì đã chứng đắc, đã từng hành rồi, sau này không còn phải thọ nhận nữa. Những việc nên làm đã làm xong. Việc lớn đã hoàn thành nên gọi là không chứng đắc. Không tu không chứng đắc có phải là có chỗ chứng đắc không ? Cũng là không chỗ chứng đắc. Nếu còn một chỗ chứng đắc nào thì vẫn còn chấp trước.
    "Hữu tướng hữu vi hữu tận thời, (có tướng có làm có thời hạn)".
    Nếu chư vị chấp trên hình tướng, hoặc chỉ nhìn trên pháp hữu vi, đều là thời gian có cùng tận, mãi không thể vô tận. Chư vị phải nghĩ về cái vô tận, nên không tu, không chứng không chỗ đắc. Chư vị làm việc gì cũng không có chỗ chứng đắc, khi ấy chính là không có chỗ quái ngại.
    "Bồ Ðề Tát Ðỏa ngộ kỳ lý, (Bồ Ðề Tát Ðỏa ngộ lý này)".
    Sao gọi là Bồ Ðề Tát Ðỏa ? Người Tàu gọi là Bồ Tát, nói cho đủ là Bồ Ðề Tát Ðỏa. Ðó là phiên dịch từ chữ Phạn ra chữ Tàu. Bồ Ðề tức là giác. Tát Ðỏa tức là loài hữu tình. Sao gọi là giác hữu tình ? Tức là giác ngộ cho các loài hữu tình.
    Sao gọi là hữu tình ? Những loài có khí huyết gọi là hũu tình. Loài hữu tình này không chỉ đơn giản nói về loài người thôi, mà bao quát chung cho tất cả loài vật có sanh mạng. Giác ngộ hữu tình tức là giác ngộ tất cả loài hữu tình, khiến cho mọi loài hữu tình đều được giác ngộ, tức chính họ tự giác ngộ. Ví như mình đang tụng chú Lăng Nghiêm, cũng muốn người khác biết tụng chú Lăng Nghiêm như mình. Không phải chỉ tự mình biết tụng là đủ rồi, vì đó biểu thị mình và người không đồng, không nên làm như thế. Mình có đạt được lợi ích gì thì cũng đều vui vẻ khiến cho người khác đạt được lợi ích đồng như mình. "Tôi nghe được vài điểm hay trong kinh. Tôi hiểu đạo lý làm người, lý lẽ học Phật pháp. Tôi cũng khuyên bạn bè, bà con quyến thuộc đến nghe kinh thuyết pháp. Mọi người đồng đạt lợi ích như nhau. "


  6. #6
    MẦM Avatar của ronaldo 2
    Tham gia ngày
    Nov 2016
    Bài gửi
    9
    Thanks
    0
    Thanked 0 Times in 0 Posts


    Giác ngộ hữu tình lại còn một nghĩa là trong loài hữu tình có bậc giác ngộ. Bồ Tát xuất phát là từ đâu ? Cội gốc của Bồ Tát là từ chúng sanh hữu tình, nhưng đã giác ngộ. Ngài là bậc giác ngộ từ trong loài hữu tình. Vì Ngài từ nơi chúng sanh mà đạt đến giác ngộ, nên nay Ngài phải giác ngộ lại tất cả chúng sanh. Ðó là ý nghĩa của chữ Bồ Tát. Bồ Tát lại có tạng giáo Bồ Tát, thông giáo Bồ Tát, biệt giáo Bồ Tát, viên giáo Bồ Tát. Ðầy đủ bốn giáo tạng, thông, biệt, viên, chính là Bồ Tát. Tâm lượng chư vị nhỏ thì là tạng giáo Bồ Tát. Tâm lượng lớn chút ít là thông giáo Bồ Tát. Tâm lượng lớn thêm chút nữa là biệt Bồ Tát. Chư bồ tát Phổ Hiền, Văn Thù, Ðịa Tạng, Quán Thế Âm đều là viên giáo Bồ Tát. So với viên giáo Bồ Tát, chư vị nếu hơi khác chút ít thì là biệt giáo Bồ Tát.
    Lại có thập địa Bồ Tát. Bồ Tát địa thứ nhất, Bồ Tát địa thứ hai, Bồ Tát địa thứ ba, cho đến Bồ Tát địa thứ mười. Có rất nhiều loại Bồ Tát, thiên sai vạn biệt, giống như chúng ta, mỗi người đều có bằng cấp khác nhau. Tổng quát, Bồ Tát giác ngộ là luôn thuyết đạo lý không chỗ chứng đắc. Các Ngài hiểu rõ tâm không bị bao loại pháp làm quái ngại (chướng ngại).
    "Y cứ bát nhã bỉ ngạn tề, (y cứ bát nhã đến bờ giác)".
    Tâm không có quái ngại thì xa rời được báo chướng. Thân thể chúng ta chính là báo chướng. Tại sao chúng ta có thân thể ? Vì chúng ta có chỗ bị quái ngại. Không quái ngại thì khổ và vui đều như nhau, cũng không khổ không vui. Sống chết như nhau. Không sống, cũng không chết. Sống tức là chết. Chết tức là sống. Sống chết đều không động. Khổ vui như một. Thuận nghịch như nhau. Nơi cảnh thuận cũng như thế. Nơi cảnh nghịch cũng như thế. Chết sống như nhau, thuận nghịch như nhau, khổ vui như nhau, nói chung là không có một việc chi mà có thể làm cho tâm lay động được. Sao tâm không lay động ? Vì không có quái ngại. Không có việc gì quái thì cũng không có việc gì làm trở ngại. Có quái tức có ngại. Quái tức là mang đeo trên vai. Ngại là chướng ngại, có chỗ chướng ngại. Không quái ngại cũng là chấm dứt sống chết. Vì vậy bảo rằng sống chết tức niết bàn, phiền não tức bồ đề. Khi người nhị thừa chưa hiểu rõ đạo lý này, chư vị phải bảo họ rằng phiền não tức bồ đề, sống chết tức niết bàn, vì họ đã quên mất nên bỏ chạy xa, bảo rằng xưa nay tôi chưa từng nghe pháp :"Phiền não tức bồ đề, sanh tử tức niết bàn", tôi không tin đâu. Muốn giác ngộ sanh tử tức niết bàn, phiền não tức bồ đề thì chư vị phải nên xoay đầu trở lại. Tại sao chúng ta không hiểu bồ đề là gì ? Vì chúng ta bội giác hiệp trần (phản bội lại tánh giác và hiệp với trần lao). Phải nên bội trần mà hiệp giác.
    Khi tâm không còn quái ngại thì sanh tử, khổ vui, thuận nghịch, tất cả cảnh giới đều không thể động được tâm. Lúc ấy rời xa báo chướng.
    Tại sao chúng ta không thể xa rời thân thể được ? Chỉ vì cho thân này là quan trọng. Tại sao từ sáng đến tối, ai ai cũng chạy đuổi theo danh theo lợi ? Chỉ vì lo cho thân mình. Tìm cách làm nô lệ tài giỏi, làm thân trâu ngựa cho thân này, không dám đối trị thân mình. Nhưng thân này không làm khách đối với chư vị chút nào hết. Tại sao ? Như vua Ba Tư Nặc, khi còn trẻ thì khí huyết dồi dào, nhưng đến lúc già tóc bạc mặt nhăn, chẳng bao lâu rồi chết. Chỉ vì còn quái ngại. Nếu không còn quái ngại thì chư vị không còn chấp trước vào nghiệp báo của thân. Có thân thì có báo chướng, nếu chư vị không còn quái ngại thì không còn chấp ngã. Vô ngã tức không có báo chướng. Thế nên, bảo rằng tâm không quái ngại tức xa rời báo chướng.
    "Duy cụ chân không nê ngôn lự, (chỉ có chân không tuyệt ngôn ngữ)".
    Tự tánh hay Phật tánh của chư vị đầy đủ thật tướng chân không. Chư vị phải tự đạt đến bản thể chân như của tự tánh mà không thể diễn tả bằng lời được. Vì vậy bảo rằng không nê ngôn lự nghĩa là không có ý tưởng nào mà có thể nghĩ tưởng được.
    "Ký ngữ lai hiền cầu chư kỷ, (nhắc kỷ hiền sĩ cầu tri kỷ)".
    Tôi có một lời muốn nhắc nhở những vị hiền nhân, những vị tu hành trong tương lai là nếu chư vị muốn tâm không quái ngại, đạt đến nơi không chứng đắc, thì phải tự cầu tri kỷ, không nên hướng ngoại tìm cầu, hướng ngoại truy cầu. Ðạo lý không tu không chứng, không chỗ chứng đắc tức là lý tìm cầu chư kỷ, nghĩa là phải hồi quang phản chiếu, xoay lại tìm cầu chính mình.


Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •