BÁT NHÃ TÂM KINH
HT. Thích Tuyên Hoá Lược Giảng
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Hằng Đạt
Biệt giải văn nghĩa:
Quán Tự Tại Bồ Tát.
"Hồi quang phản chiếu quán tự tại
Giác chư hữu tình tức tát đỏa
Như như bất động tâm quân thái
Liễu liễu thường minh chủ nhân ông
Lục chủng thần thong hồn gian sự
Bát phương phong vũ cảnh vô hống
Quyện chi tắc thối tạng ư mật
Phóng chi tắc di lục giáp trung
Dịch:
Hồi quang phản chiếu Quán Tự Tại
Giác chư hữu tình tức Tát Ðỏa
Như như bất động tâm quân thái
Rõ rõ thường biết, chủ nhân ông
Sáu loại thần thông hồn gian sự
Mưa gió tám phương không sợ hãi
Quyện cuộn tròn giữ nơi bí mật
Phóng xả liền đầy khắp thế gian".
Quán Tự Tại Bồ Tát. Quán tức là quán tưởng. Tự Tại là trong mọi thời đều an lạc, không buồn, không bị trở ngại. Không trở ngại tức là Quán Tự Tại. Chư vị nếu bị trở ngại thì không tự tại.
"Hồi quang phản chiếu Quán Tự Tại".
Chư vị hồi quang phản chiếu thì quán tự tại. Bằng ngược lại thì không thể quán tự tại. Sao gọi là hồi quang phản chiếu ? Hồi quang phản chiếu tức là trong mọi việc đều phải tự hỏi chính mình. Ví như người khác đối xử không tốt, thì mình phải tự hỏi lấy rằng tại sao như thế. Mình phải tự suy nghĩ. A ! Nguyên nhân vì mình không tốt. Ðó gọi là hồi quang phản chiếu. Nếu có người đối xử không tốt mà không kể mình đúng hay sai, liền đùng đùng đánh đối phương lỗ đầu chảy máu. Thật là tự mình không có lý trí. Chư vị hồi quang phản chiếu thì có lý trí. Vì thế, hồi quang phản chiếu là quán tự tại. Hãy tự hồi quang phản chiếu xem coi mình có được tự tại hay không ? Tự tại tức là tự chính mình. Tại tức là hiện tại ngay nơi đây. Tôi sẽ giải thích cho chư vị từng chữ một. Sao gọi là ngay tại đây ? Nói cách khác, chư vị có khởi vọng tưởng hay không ? Nếu khởi vọng tưởng thì không được tự tại. Không có vọng tưởng thì được tự tại. Ngay tại nơi đây, chư vị hãy nhìn xem, thật rất đơn giản ! Chư vị hồi quang phản chiếu tức là tự xem coi mình có vọng tưởng hay không. Có vọng tưởng tức không tự tại. Không vọng tưởng tức được tự tại. Chư vị thấy có vi diệu lắm không !
"Giác chư hữu tình tức Tát Ðỏa".
Sao gọi là Bồ Tát ? Bồ Tát nghĩa là giác ngộ cho loài hữu tình. Giác nghĩa là người tâm trí được thông suốt minh mẫn; tâm không rối loạn. Thêm chữ 'thủ (tay)' bên cạnh chữ 'giác' thì thành chữ 'giảo (rối)'. Như thế không giác ngộ cho loài hữu tình được, chỉ khiến cho họ càng thêm ngu si. Giác ngộ cho loài hữu tình nghĩa là khiến cho tất cả loài hữu tình đều được trí huệ minh mẫn thông suốt. Loài hữu tình là ai ? Hữu tình tức là chúng sanh. Chư vị chớ hiểu lầm chữ nghĩa. Giảng về loài hữu tình đây đại khái nói đến loài có tình ái ! Giác ngộ loài hữu tình nghĩa là khiến cho tình ái của chúng đều dứt sạch. Luyến ái hết tận thì là Tát Ðỏa. Ðó là Bồ Tát. Do đó tâm được an nhiên, như như bất động.
"Như như bất động tâm quân thái, (như như bất động tâm thư thái)".
Như như bất động tức là không pháp nào mà không như như. Tất cả pháp đều là như pháp. Mọi phiền não, chướng ngại đều không có. Như như bất động cũng là định lực. Tâm quân thái nghĩa là tâm luôn luôn thư thái an nhiên. Kinh Pháp Hoa nói :"Kỳ tâm thái nhiên (tâm thư thái an nhiên này)".
Thái nhiên tức là tâm an lạc bình thản.
"Liễu liễu thường minh chủ nhân ông, (rõ rõ thường biết, chủ nhân ông)". Chư vị phải có trí huệ bát nhã liễu liễu thường minh (rõ rõ thường biết), chớ nên để tâm bất liễu (không rõ), bất minh (không biết), hay bất minh (không biết) bất liễu (không rõ). Do đó, phải liễu (rõ) lại thêm liễu (rõ), minh lại thêm minh (biết). Liễu liễu minh minh (rõ rõ, biết biết). Minh minh liễu liễu (biết biết rõ rõ). Phải thông suốt tất cả. Không hồ đồ (mê mờ), không ngu si. Rõ biết việc không đúng mà cứ làm. Có phải đã ngu si lại tăng thêm một lớp ngu si nữa không ? Ðấy chỉ vì không biết rõ ông chủ của mình. Có người nói: "Ông chủ tức là mình làm chủ được. Mình chính là ông chủ. Mình có thể bảo người khác, mà không thể bị người khác sai bảo. Bất cứ công việc gì mình cũng không làm, chỉ cần bảo người khác làm cho mình".
Có phải như thế không ? Xin đáp rằng không phải như thế.
Tâm quân thái (an nhiên thư thái). Ông chủ tức không nói lời nhảm nhí, không làm việc xằng bậy. Ðó là chư vị tự làm chủ được. Làm chủ được tức tự mình có trí huệ chân chánh. Ông chủ có trí huệ chân chánh không còn có những suy nghĩ tà tri tà kiến. Nếu còn làm những việc tà quấy thì vẫn còn ngu si.