Đức phối ngẫu Dug Kar Drolma của Lama Sang là một hành giả Phật giáo gương mẫu, hóa thân của Dakini từ bi. Bà rất chuyên cần tu tập, lúc nào tay cũng lần chuỗi hạt hành trì trì tụng hoặc lầm thầm tụng chú khi đang làm bất cứ việc gì. Ở Bà là tấm gương sáng của lòng từ bi, đức khiêm cung và sự độ lượng. Khi tu viện được chỉnh trang, các gian nhà cũ bằng đất lụp xụp không cản được gió đông được thay thế bằng những ngôi nhà khang trang, được xây cất theo kỹ thuật và vật liệu hiện đại với nhiều tiện nghi hơn, mọi người bàn chuyện xây lại nhà cho Bà. Nhưng cũng như người chị gái của Lama Sang – thân mẫu Ngài Sungtul Rinpoche, Bà nhất định không chịu, lấy cớ sợ tốn kém và không thích hợp. Bà đã quen lối sống giản dị, khiêm tốn như thế này rồi và rất hoan hỷ không có đòi hỏi nào khác hơn. Cho đến hôm nay, Bà vẫn sống trong ngôi nhà đất ấy bên ngoài tu viện, gần phòng ăn lớn dành cho khách thập phương ở xa về, để Bà tiện bề phụ việc bếp núc, đãi đằng.
Tấm lòng của Bà vô cùng rộng lượng, nhiệt tình và hiếu khách. Nụ cười không bao giờ thiếu vắng trên môi Bà kể cả khi Bà đang bị bệnh phong thấp hành hạ, đau nhức. Gần như lúc nào Bà cũng luôn sẵn sàng cho người khác bất cứ món gì của Bà nếu được yêu cầu. Bạn khó lòng có thể bước vào cửa nhà của Bà mà lại từ chối không ăn, hay uống một món gì. Ngay cả chiếc giường nhỏ của Bà cũng thường được ân cần mời và nhường cho khách. Vì Bà tử tế và đầy tình thương như vậy, dân chúng trong vùng và các môn đồ, tăng sĩ đều gọi Bà là Amala (Mẹ ơi!)
Từ hội tụ nhân duyên chín mùi, dòng truyền thừa cao quý ấy của Lama Sang đã có thêm 4 người con, hai trai và hai gái với Bà. Cũng như mẹ của mình, hai người con gái rất khiêm tốn sống cuộc đời bình dị, chỉ tập trung làm việc, lo cho gia đình và tu tập. Tuy vậy, hai người chồng của họ là những hộ pháp đắc lực và quan trọng của tu viện.
Người con rể thứ nhất là Chonyid Jamtso, người con rể thứ hai là Gurgon. Cả hai đều xả thân lo đảm trách công việc xây dựng, tổ chức ở tu viện. Họ chưa hề được học khóa đào tạo quản lý nào mà tổ chức của tu viện lúc nào cũng suôn sẻ kể cả trong lúc có lễ hội hàng ngàn người từ xa về phải lo đưa đón, ăn ở lẫn y tế. Bận rộn như vậy nhưng lúc nào họ cũng tỏ ra rất hoan hỷ, an lạc. Họ làm việc suốt ngày đêm và thường không được ăn cơm đúng bữa nhưng họ chẳng bao giờ than vãn, mà lúc nào cũng tươi cười hoặc luôn luôn đọc tụng các bài kệ Pháp theo các vần điệu du dương
như âm nhạc. Chúng tôi thường đùa gọi Gurgon là bộ trưởng nội vụ vì anh luôn để ý, lo lắng cho mọi người mà không bao giờ để ai thiếu thốn hay phật ý cả.