DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 3/10 ĐầuĐầu 12345 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 21 tới 30 của 93
  1. #21
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Dĩ nhiên tôi không có vật riêng nào cả, nhưng tôi nán lại với hy vọng rằng ông có thể thương xót và bớt nghiêm khắc với tôi. Song, tôi chỉ làm kích động tính khí của ông bừng dậy thôi; vì thình lình vừa chủi mắng tôi với những lời tôi đã từng nghe nhiều lần trước kia, ông nện vào đầu tôi một cú làm tôi ngã nhào xuống; rồi ông lôi tôi đứng dậy và xô tôi ngã ngửa ra, cuối cùng ông lấy gậy đánh tôi không ngừng. Nhưng Ngogdun, người dự thí chính trong buổi lễ, đã nhảy vào dùng sức mạnh can ông ra; trong khi quá kinh hãi, tôi co giò phóng qua cửa sổ, việc này ngấm ngầm đe dọa ông. Tôi ngã xuống đất, thân thể không bị đau nhưng tinh thần lại mang một vết thương sâu thẳm, và lúc dó tôi muốn tự tử dể giải quyết đời tôi. Như thường lệ, người an ủi vẫn là bà Marpa, bà đã đến an ủi tôi với tất cả tấm lòng thương cảm của bà:

    “Này Đại Phù thủy, con đừng lo buồn thái quá. Con vẫn là người đệ tử yêu quí nhất và trung thành nhất. Nếu con thật muốn đi tìm một Đạo sư khác, ta sẽ cho con tiền bạc và quà tặng để làm lễ vật.” Người hiền phụ đó đã ở lại suốt đêm với tôi và chúng tôi cùng khóc. Bà lo lắng cho tôi đến nỗi làm trễ lễ puja (cúng) chiều với chồng bà.

    Sáng hôm sau Thầy tôi cho gọi tôi. Cuối cùng có phải là để dạy Giáo lý? Nhưng không! Ông chỉ hỏi rằng lòng tin của tôi đối với ông lung lay và tình thương của tôi đối với ông đã trở thành oán ghét phải không?

    Tôi thưa: “Bạch thầy, không! Bởi vì dó chỉ là ác nghiệp quá khứ của con quá sâu dày đã ngăn cản lễ Điểm Đạo Truyền Pháp của con và lòng con đầy hối hận về những việc ác con đã làm,” và tôi bật khóc.

    Ông hét: “Cái gì thế? Mi khóc lóc để buộc tội ta đấy à? Và ông lại nổi giận.

    Tôi vội vàng rời khỏi phòng. Tôi cảm thấy lòng tôi tan vỡ và bàng hoàng. Tôi ước làm sao tôi có được nửa tài sản tôi đã bỏ lại quê nhà. Tôi sẽ không được gì cả từ vị Đạo sư này nếu tôi khong có một món quà tốt đẹp – mà bất cứ Đạo sư nào cũng vậy, vì đó là tục lệ. Không có gì cả khiến tôi muốn chết cho xong đời trong triền phược tội lỗi – thế tại sao tôi vẫn tiếp tục sống? Hay để làm việc gì khác? Suy nghĩ và suy nghĩ. Tôi sẽ đi làm việc và kiếm tiền trở lại? Hay về nhà với mẹ? Điều này là một liều lĩnh vì những người trong làng phẫn nộ tôi vô cùng. Nhưng tôi phải có tiền bằng bất cứ cách nào, hay đi tìm Giáo lý ở nơi khác. Vâng. Đi, đi… Những tiếng đi, đi… như những nhát búa nện mạnh vào óc tôi.

    Tôi đã thu góp mấy quyển sách của tôi xong, nhưng lúc này tôi không có quyền lấy thức ăn trong nhà đem đi. Tôi cũng không tỏ bày tâm sự với bà Marpa. Nhưng sau khi đi được bốn năm dặm đường, tôi bắt đầu muốn gặp lại bà để cảm ơn lòng tử tế của bà đối với tôi, sự vô ơn bạc nghĩa lúc bỏ bà ra đi không nói được vài tiếng “cảm ơn” làm lòng tôi tràn đầy hối hận. Đến trưa, tôi xin được một ít gạo lúa mạch và mượn dụng cụ để nấu bữa ăn trưa tiết kiệm. Mọi việc thật khó khăn, tôi bắt đầu nghĩ rằng muốn có lương thực lâu dài, tôi phải làm những trò nho nhỏ rẻ tiền và lấy nhiều nhất là nửa giá tiền công, và điều này cũng không giải quyết được sự phiền phức trong lúc sửa soạn bữa ăn này. Ý tôi nửa đã muốn trở về, nhưng không thể vác mặt về như thế này được.

    Rồi khi tôi đi trả những dụng cụ đã mượn để nấu ăn, một cụ già giữ tôi lại, hỏi:

    “Tặt! Tặt! Thanh niên như anh có thể làm việc khá lắm, sao lại đi xin? Anh đọc Kinh được, sao không đọc để lấy mì bơ mà ăn? Nếu không đọc được, sao không kiếm việc gì mà làm? Giả anh đọc được chăng?”

    Tôi thưa rằng tôi có thể đọc được và tôi không phải là một tên ăn mày chuyên nghiệp.

    Ông nói: “Được rồi, hay theo tôi về nhà đọc tôi nghe, tôi sẽ trả công anh tử tế. Đi!”

    Tôi vui vẻ nhận lời đề nghị. Tôi bắt đầu đọc kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa cho ông nghe, và dĩ nhiên khi tôi đọc đến đoạn vị Thánh nghèo không xu dính túi, đã bán thịt mình để lấy Pháp (Dharma). Thực sự vị Thánh sẽ bán luôn cả tim mình nếu cần. Và đem so sánh những thử thách của tôi chẳng nghĩa lý gì. Rồi một lần nữa tôi lại bắt đầu hy vọng có lẽ rồi đức Lạt-ma sẽ bớt nghiêm khắc và dạy Giáo lý cho tôi. Tôi tự bảo dù sao bà Marpa cũng đã hứa giúp tôi tìm một Đạo sư khác. Vì thế tôi trở về.
    Om Mani Padme Hum !

  2. #22
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Sau này tôi biết rằng trong khi tôi ra đi, bà Marpa đã biết ngay tôi đã bỏ đi và bà đến nói với chồng:

    “Hừ, bây giờ ông hả dạ lắm phải không? Kẻ tử thù của ông đã bỏ đi rồi đó!”

    “Bà nói gì thế?” ông hỏi nhanh.

    “Dĩ nhiên là nói cái thằng Đại Phù thủy khốn khổ chứ ai. Không phải ông đã đối xử với nó như kẻ thù tàn tệ nhất của ông sao?”

    Nghe bà nói, hiển nhiên đức Lạt-ma mất bình tĩnh rất nhiều và cầu nguyện cho người “đệ tử định mệnh” của ông sẽ quay về; rồi ông lấy chiếc y trùm kín đầu và chìm mất trong trầm mặc.

    Khi về đến nhà, tôi vào làm lễ với bà Marpa, thấy tôi trở về bà vui mừng quá đỗi.

    “Thế là con đã làm một việc hay tuyệt,” bà nói, “ta nghĩ rằng, cuối cùng Thầy con sẽ dạy Giáo lý cho con; vì khi ta bảo ông rằng con đã bỏ đi, ông đã rơi nước mắt, và ông ấy lớn tiếng cầu nguyện cho người đệ tử tài năng và định mệnh của ông. Ta nghĩ rằng ông ấy đã dùng thần lực khiến con từ ngoài xa trở về đây.”

    Phần tôi, tôi cảm thấy bà nói điều đó như để truyền vào tôi một sức sống mới, vì làm sao sự từ chối không dạy gì cả cho tôi cộng thêm vài lời cầu nguyện lại khiến cho tôi trở về được? Nếu ông gọi tôi là “tài năng” rồi tự lấy đó làm vui mừng. Nhưng tôi hiểu rõ không những ông từ chối dạy tôi mà còn ngăn cản không cho tôi tìm một Đạo sư khác nữa.

    Bây giờ bà Marpa nói với chồng: “Cuối cùng thằng Đại Phù thủy cũng không bỏ chúng ta. Nó đã trở về rồi. Ông muốn tôi gọi nó vào làm lễ không?”

    “Hắn trở về không phải do thương chúng ta đâu,” ông nói một cách chua cay, “nhưng hắn có thể vào đây chào tôi.”

    Vì thế tôi bước vào quì xuống trước mặt ông, và ông tôi nói:

    “Này Đại Phù thủy, đừng có do dự như vậy. Nếu anh thật quyết tâm đạt cho được Giáo lý thì anh hãy chuẩn bị hy sinh cả thân mạng anh nữa đấy. Bây giờ hãy đi đi. Đi xây cho xong ba tầng nhà cuối cùng, rồi lòng khao khát to lớn của anh sẽ được thỏa mãn. Nhưng nếu anh có tí nghi ngờ nào thì hãy đi nơi khác đi, vì như thế ta chỉ phí mất thời giờ và cơm gạo quí giá cho anh thôi!”

    Tôi bước đi chẳng dám nói gì, nhưng khi ra ngoài tôi nói với bà Marpa:

    “Thưa bà, con muốn gặp lại mẹ con quá và con tin chắc rằng đức Lạt-ma sẽ không dạy cho con đâu. Nếu con biết chắc ông dạy, con sẽ không đi và sẽ hoàn thành ngôi nhà. Nhưng ông chỉ bào chữa hết việc này đến việc khác. Con biết con sẽ chẳng được Giáo lý dù con có xây xong ngôi nhà; vì thế xin bà cho con về nhà.” Tôi cúi đầu thật thấp chào bà, và khi sắp từ giã bà nói:

    Con hoàn toàn có lý. Ta đã hứa tìm cho con một Đạo sư khác, có một đệ tử của thầy con đã được tất cả Giáo lý của ông là Ngogdun Chudor – người đã đến đây hôm lễ Điểm Đạo Truyền Pháp vừa rồi. Nếu con nán lại ít hôm và giả vờ làm việc, ta sẽ giúp con lấy được những gì con muốn.” Sự sắp đặt này làm tôi rất hài lòng và tôi đi làm việc một cách hăng hái.
    Om Mani Padme Hum !

  3. #23
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Lúc còn sống, sư ông Naropa thường lấy ngày mồng mười mỗi tháng làm ngày thánh đặc biệt và đức Marpa cũng kế thừa làm như vậy. Và ngay cái ngày đó, bà Marpa đã nghĩ ra một kế để lừa vị Đạo sư của tôi. Cất bia thường để lấy rượu mạnh thượng hảo hạng, xong bà chia thành ba bình; lượt đầu là loại mạnh nhất, bà cho chồng dùng; các đệ tử được dùng loại hạng nhì; trong khi bà và tôi chỉ nhấm chít ít trong cái bình hạng ba. Chẳng bao lâu cả nhà lăn ra ngủ. Rồi bà lẻn vào phòng Thầy tôi gỡ lấy mấy món đồ của ông, gồm hai thánh tích của sư ông Naropa, một xâu chuỗi và một vòng hoa của ông. Bà gói kín những vật này trong một tấm khăn quàng cổ và trao cho tôi với một lá thư trong đó bà giả đức Marpa viết ra để bảo Ngogdun làm lễ Điểm Đạo Truyền Pháp cho tôi, và bà chỉ nơi Ngogdun ở để tôi dễ tìm. Và như thế tôi ra đi với bao nhiêu hy vọng vươn lên trong lòng hướng về miền Trung tâm Tây tạng.

    Hai ngày sau, đức Lạt-ma hỏi vợ ông tôi đang làm gì?

    Bà trả lời hết sức bất ngờ:

    “Tôi đoán bây giờ nó đang trên đường đi, nhưng tôi không thể nói chính xác là chỗ nào.”

    “Hắn đi đâu và đi khi nào?”

    Bà đáp:

    “Nó nói dù nó làm việc khổ nhọc bao nhiêu, ông cũng chẳng thỏa lòng, và ông cũng chẳng dạy gì cho nó, chỉ chửi mắng, đánh đập nó, vì thế nó đã đi tìm thầy khác rồi. Vì có lẽ ông sẽ đánh luôn cả tôi nữa, nếu tôi nói cho ông biết, nên tôi nghĩ tốt hơn là tôi không nói. Không ai giữ nó lại được.”

    Mặt đức Lạt-ma tái đen vì phẫn nộ. Ông gầm lên như sấm:

    “Hắn bỏ đi khi nào?”

    “Hai ngày rồi,” vợ ông đáp. Lời đáp được đón nhận trong im lặng. Rồi sau một lúc, ông nói dường như cho chính ông nghe:

    “Bây giờ đệ tử của ta chưa thể đi xa lắm.”

    Thực tế, lúc đó tôi vừa đến nhà Ngogdun. Bấy giờ Ngogdun là Lạt-ma cao cấp và tôi thấy ông đang bận giảng triết lý cho các đệ tử. Tôi vẫn còn nhớ những lời ông đọc từ một bản văn: “Ta là giảng sư. Ta là thính giả. Ta là bậc Thầy thế gian và ta là người Sùng mộ. Ta là Bậc vượt qua mọi cảnh giới thế gian và ta là Bậc An lạc.” Đến đây ông chợt thấy tôi đang đứng bên cạnh nhóm đệ tử và tôi đã thi lễ với ông trong khi vẫn còn cách một quãng xa. Ông nhận lễ bằng cách cất mũ chào tôi.

    Nhìn cách thi lễ của tôi, ông biết ngay tôi là đệ tử của đức Marpa và sự có mặt của tôi ở đây trùng hợp với một bài kệ ông đang tụng, dường như đó là điềm lành. Thực sự ông đã tiên tri được hùng lực của nó rằng một ngày nào đó tôi sẽ trở thành một bậc Thầy Ngộ Đạo. Rồi ông sai một đệ tử đến hỏi tôi xem tôi là ai và đến đây có việc gì.

    Tôi đáp khá trơn tru rằng đức Marpa quá bận việc không thể dạy tôi được nên gửi tôi đến đây, và có mang theo mấy thánh tích của sư ông Naropa để tặng Lạt-ma. Rồi ông đã nhận ra tôi là Đại Phù thủy và những thánh tích đã làm cho ông tràn ngập hân hoan, ông liền sửa soạn một lễ tiệc để tiếp nhận thánh tích.

    Khi tôi bước đến chỗ ông đang đứng đợi, tôi quì mọp xuống dâng gói thánh tích lên. Ông nhận thánh vật, xúc động vô cùng.

    Ông đặt thánh tích lên bàn thờ, rồi đọc lớn những lời trong thư bà Marpa viết:

    “Ta sắp sửa qui ẩn và vì Đại Phù thủy có nhiệt tâm muốn học Giáo lý, nên ta gửi nó đến nhờ anh làm lễ Điểm Đạo Truyền Pháp và phong Thánh chức cho nó. Mong anh thừa quyền ta làm điều đó và dạy Giáo lý cho nó. Ta gửi anh xâu chuỗi và vòng hoa của sư ông Naropa làm tín vật.”
    Om Mani Padme Hum !

  4. #24
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Khi Ngogdun đọc xong bức thư ông bảo chắc chắn sẽ làm lễ Điểm Đạo Truyền Pháp và phong Thánh chức cho tôi. Nghe ông nói, tim tôi nhảy lên. Nhưng những lời kế tiếp của ông làm cho lòng hy vọng của tôi chìm xuống.

    “Tôi có một số đệ tử ở Dol muốn đến với tôi, nhưng khi đi, họ bị bọn cướp phục kích đánh cướp giữa đường. Nhờ anh đến đó phóng một trận bão đá chống lại bọn cướp và dạy chúng một bài học; rôi khi anh làm xong, tôi sẽ làm lễ Điểm Đạo Truyền Pháp và phong Thánh chức cho anh.”

    Tôi đã nguyền rủa biết bao nhiêu cái ngày tôi đã từng sử dụng Huyền thuật và biết được uy lực của những trận bão đá gây nên. Dường như tôi không thể nào chạy trốn được dĩ vãng. Tôi đến đây để cầu Chân lý, và một lần nữa lại bị bắt buộc phải làm những việc chỉ tạo thêm ác nghiệp cho tôi. Tại sao tôi lại có cái khả năng đáng ân hận này để giết hại con người và làm tổn thương, hư hại của cải. Song ân hận cũng chẳng ích gì; nếu tôi không vâng lời, ông sẽ không dạy cho tôi Giáo lý. Vì thế, tôi bèn đến ở trọ nhà một bà cụ trong làng tôi phải khai diễn cuộc tàn phá. Nhưng khi mây đen tụ hội và những hạt mưa lớn đầu tiên rơi xuống, bà cụ chủ nhà cho tôi ở trọ bật khóc bi ai rằng bà sẽ chết đói nếu hoa màu bị tàn phá.

    Điều này làm tôi lo lắng hết sức, vì bà là một bà lão đáng thương. Tôi làm một việc khá liều lĩnh, tôi bảo bà vẽ sơ lược cho tôi họa đồ thửa ruộng của bà. Thửa ruộng hình tam giác với cái đuôi dài. Tôi lấy một cái chảo để chiên đồ ăn chụp ngay lên họa đồ. Rồi tập trung tư tưởng cho thửa ruộng của bà không bị tàn phá. Kết quả, toàn thể hoa màu bị hư hại chỉ trừ thửa ruộng của bà lão không việc gì nhờ cái chảo úp trên họa đồ. Khi mọi việc đã xong, tôi đi xem cuộc tàn phá. Thửa ruộng của bà lão vẫn phô vẻ xanh tươi với cái đuôi chạy dọc theo cánh đồng bị tàn phá chung quanh.

    Trên đường trở về nhà Ngogdun, tôi gặp một người chăn cừu và đứa con trai của ông bị lạc mất cả đàn cừu trong trận mưa lớn; và tôi chắc chắn họ sẽ loan truyền rằng trận bão là hậu quả sự cướp phá những người hành cước vô tội của họ, và trong tương lai họ sẽ không còn cướp phá như thế nữa. Rồi họ kinh sợ những quyền uy của Ngogdun và tất cả bọn họ đã trở thành tín đồ của ông.

    Khi bước dọc theo đường đi, tôi nhìn thấy một mớ chim chết dưới gốc hàng rào chúng đã tìm đến để trú ẩn, những con chuột với những con chim khác, và lòng tôi tràn đầy sự ghê tởm những hành động tàn ác của tôi. Tôi nhặt tất cả xác của những con chim và những con vật đã chết bỏ đầy vào nón và áo tôi. Khi về đến nhà Lạt-ma Ngogdun, tôi trút chúng xuống trước mặt ông. Tôi nói:

    “Thưa thầy, tôi đến đây tìm lời dạy chân lý nhưng chỉ gây thêm tội lỗi cho tôi. Xin thầy hãy thương xót tôi vì tôi quá độc ác. Và rồi tôi bật khóc.

    Nhưng vị Lạt-ma bảo: “Đừng thất vọng. Chẳng cần sợ hãi việc này. Hãy tin tưởng nơi tôi, trận bão của anh không giết nổi những con chim con chuột này đâu. Nếu không tin, anh hãy xem đây!” Ông ngồi nhắm mắt im lặng độ vài phút, rồi bỗng nhiên những ngón tay ông, ô kìa! Những con chim chồm dậy cất cánh bay mất. Những con chuột chạy biến vào những cái hang gần nhất! Tôi thấy rằng vị Lạt-ma này cũng đã thành Phật; tôi xúc động quá vì kính ngưỡng và biết ơn sâu xa.

    Và như thế cuối cùng tôi đã nhận được sự Điểm Đạo Truyền Pháp chính Ngogdun đã thọ nhận từ đức Marpa. Rồi tôi tìm một cái cốc quay mặt về phía nhà ông, tôi quét dọn sạch sẽ để có thể ở được; rồi tôi tự giam mình trong đó, chỉ chừa một lỗ hổng để đưa cơm nước vào, theo truyền thống. Vị Đạo sư của tôi đã giảng cho tôi phép thiền định và tôi thực tập nó; nhưng dù cố gắng đến đâu, tinh thần tôi vẫn không tiến bộ chút nào, vì tôi không được sự đồng ý của Sư phụ Marpa.

    Một hôm Ngogdun đến cốc hỏi tôi đã được chút kinh nghiệm nào trong lúc thiền định chưa, tôi đã phải thưa rằng chưa.

    “Sao thế?” ông hỏi. “Phương pháp tu tập đặc biệt này không bao giờ thất bại trong việc khai mở tâm thần trừ phi có gì trở ngại. Anh có gì trở ngại? Không lẽ Đại Sư phụ không cho phép chúng ta, vì chúng ta có thư và thánh tích làm tín vật. Dù sao anh hãy cứ tu tập để chúng ta xem.”

    Việc này làm tôi hoảng quá, suýt nữa tôi đã tiết lộ sự thật, nhưng can đảm ngăn tôi kịp thời! Tuy nhiên, nó chỉ làm tôi nhớ cần phải bình tĩnh đối với đức Marpa. Và tôi dùng hết sức mình vào việc thiền định.

    Chẳng bao lâu sau đó, đức Lạt-ma Marpa – trong thời gian đó đã tìm người khác hoàn thành ngôi nhà cho con trai ông – viết thư bảo Ngogdun mang một số cành cây làm viền quanh ngôi nhà lợp tranh của ông; và bảo thêm rằng chừng nào xong việc trang hoàng, Lạt-ma Ngogdun phải đích thân đến dự lễ phong Thánh chức, và ông nhân tiện ông cũng làm lễ mừng cho con trai ông đã đến tuổi thành niên. Trong thư còn thêm rằng nếu có cái thằng Thopaga mất nết ở đó, hãy mang hắn về luôn.

    Lạt-ma Ngogdun mang thư đến cốc và đọc cho tôi nghe qua lỗ hổng, rồi nói:

    “Đây có lẽ anh không được Đại Sư phụ cho phép nhận lễ Điểm Đạo Truyền Pháp.”

    Tôi thừa nhận:

    “Vâng, thưa Thầy, chính đức Lạ-ma không cho phép; đó là bà vợ ông đã giả thư và cho tôi thánh vật.”

    Ông gầm lên:

    “Hừm, như thế, đó là lý do khiến anh không thể có được sự thành công thường lệ và tất cả đã phí thì giờ vô ích. Anh phải biết rằng anh không được tự tiện trong việc nhận lễ Điểm Đạo Truyền Pháp nếu anh không được cho phép. Dù sao, ông ấy bảo tôi phải mang anh trả lại ông. Anh muốn đi hay không?”

    Tôi thưa, tôi muốn đi và tôi xin ông cho tôi làm người hầu cận ông. Vì thế, ông bảo khi nào ông biết chắc chắn ngày cử hành lễ, ông sẽ cho tôi biết. Rồi tôi vẫn tiếp tục ở trong cốc.

    Khi những người giúp việc của ông trở về sau khi đã đem cành cây đến nhà đức Marpa, họ nói cho ông biết ngày nào cử hành lễ và ông lại đến cốc tôi ở. Chúng tôi nói chuyện rất nhiều về ngày lễ sắp đến qua lỗ hổng. Sau một lúc, tôi có cơ hội hỏi ông có việc gì liên quan đến tôi không. Ngogdun đáp:

    “Có, bà Marpa hỏi thăm anh, hỏi anh đang làm gì. Người đưa thư của tôi thưa với bà rằng anh đã nhập thất ẩn tu và vui vẻ với bạn riêng. Bà bảo anh đã bỏ quên con xúc xắc và nhờ người giúp việc của tôi gói kỹ bỏ túi đem về đây cho anh.” Rồi ông đưa con xúc xắc cho tôi qua lỗ hổng.

    Khi ông rời khỏi cốc, tôi đã chơi với con xúc xắc ấy một cách thích thú, tôi ném nó nhiều lần. Nhưng rồi tôi nhớ rằng tôi không bao giờ chơi những trò này trước mặt bà Marpa, và tôi bắt đầu suy nghĩ tại sao bà gửi nó làm chi, nhất là khi chính nó là vật đã làm tiêu tan tất cả sản nghiệp của tổ tiên tôi? Hay nó là dấu hiệu khinh bỉ của bà đối với tôi? Ý nghĩ này làm tôi không thể chịu đựng nổi và cơn phẫn nộ thình lình khiến tôi ném mạnh con xúc xắc xuống nền đất làm nó vỡ đôi, một mảnh giấy nhỏ văng ra. Tôi nhặt lên đọc:

    “Con, bây giờ Thầy con đã định làm lễ Điểm Đạo Truyền Pháp và dạy Giáo lý cho con. Vì thế, con hãy trở về đây với Lạt-ma Ngogdun.”

    Bấy giờ tôi nhảy cỡn lên trong cái cốc nhỏ vì sung sướng.

    Rồi Lạt-ma Ngogdun đến bảo: “Này Đại Phù thủy, hãy chuẩn bị sẵn sàng để đi.” Tôi làm mọi việc một cách nhanh chóng. Chính vị Lạt-ma đã góp nhặt tất cả của cải có thể mang theo được của ông, bất cứ lúc nào cũng nhiều hơn những gì đức Marpa cho ông, để mang theo làm tặng phẩm dâng lên Đạo sư. Và đó là mọt tổng số những vật quí giá: kinh sách, thánh vật, châu ngọc, vàng thoi, bình bằng bạc, gia súc… chỉ bỏ lại một vật duy nhất là một con dê già què chân không thể nhập đàn với bầy dê, cừu. Ông cũng cho tôi một khăn quàng bằng lụa để tôi làm tặng phẩm cho Thầy tôi, vợ ông cũng góp thêm một bịch bơ chà thành bột làm quà cho bà Marpa.

    Chúng tôi lên đường với đoàn tùy tùng đông đảo. Khi còn cách chừng một quãng đường nữa, Ngogdun bảo tôi đi trước thông báo cho Thầy chúng tôi biết và hỏi xin một ít bia để uống lấy sức. Và như thế tôi trở lại nhà Thầy tôi. Trước tiên tôi gặp bà Marpa, tôi trao cho bà bịch bột bơ và cung kính làm lễ với bà. Rồi tôi thưa với bà rằng Lạt-ma Ngogdun còn ở cách đây không xa và xin bà cho ít bia để ông giải khát. Bà rất hài lòng và bảo tôi vào tỏ lòng kính trọng với Thầy.


    Om Mani Padme Hum !

  5. #25
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Tôi tìm thấy ông đang ngồi thiền định trong phòng trên. Tôi cúi đầu hành lễ và cố gắng dâng lên ông chiếc khăn choàng, nhưng ông ngồi quay lưng lại phía tôi. Tôi đi qua phía khác làm lễ, dâng khăn lần nữa, và lần này ông quay một nửa về phía tôi, thấy thế tôi lấy hết can đảm nói:

    “Kinh bạch Thầy, mặc dù Thầy giận con và từ chối không nhận lễ của con, nhưng con phải thưa cho Thầy biết là Lạt-ma Ngogdun đang trên đường đến đây và mang theo tất cả những vật sở hữu làm lễ vật dâng lên Thầy,” – đến đây tôi dâng lên ông danh sách những vật Ngogdun mang theo – “như thế, thưa Thầy, Thầy có hoan hỉ tiếp đón ông ta không? Nếu Thầy hoan hỉ, xin Thầy gửi cho ông ta một ít bia và để giải khát trong lúc ông ta còn đi đường mệt nhọc.”

    Đức Lạt-ma nóng tính này hiển nhiên đùng đùng nổi giận, một lần nữa bật lên tiếng mắng chửi:

    “Ta có bao giờ được ai tiếp đón đâu, khi ta cong lưng mang những vật vô cùng quí giá – những Giáo lý – từ Thiên trúc về đây? Dù cho một con chim què cũng không bao giờ chạy ra kêu vài tiếng chíp chíp để mừng ta, ta Dịch giả Marpa, phải đi đón Ngogdun chỉ vì hắn mang cho ta mớ súc vật lạc loài ở đâu đó sao? Không, không bao giờ! Nếu hắn mong điều đó thì tốt hơn hết, hắn quay về đi.”

    Tôi vội vã bỏ đi và đến thưa với bà Marpa; bà nói: “Thầy con thật là người nóng tính. Ngogdun là một bậc đại nhân, phải đón tiếp ông ấy một cách đặc biệt. Đi! Chúng ta hãy đi đón ông ta.”

    “Ồ không!” tôi hấp tấp cắt ngang, “Ông ta không mong bà đi đón, chỉ xin bà cho một ít bia mang ra cho ông ta thôi.”

    Nhưng bà Marpa không có bia nên bà ra lệnh cho các đệ tử mang theo một ít rượu mạnh loại ngon và chúng tôi cùng nhau đi đón Ngogdun.

    Hôm nay, một cuộc họp mặt đông đảo được tổ chức không những để mừng ngày khánh thành ngôi nhà mới mà còn để mừng người con trai duy nhất của gia đình Thầy tôi đến tuổi trưởng thành. Nhiều tân khách tặng quà và người ta đã chuẩn bị một bữa tiệc lớn. Khi tất cả đã sẵn sàng, Thầy Marpa hát bài chúc phúc cho tất cả bằng hữu, kêu gọi sự ban phúc lành cho Tông phái, Giáo lý, cho chính ông và các đệ tử, cho tất cả ý tưởng và hành động; cuối cùng cho toàn thể các Lạt-ma và cư sĩ đã tụ hội nơi này.

    Khi ông chấm dứt bài hát, Ngogdun bước đến dâng các lễ vật lên ông cùng với lời trình như sau:

    “Lạt-ma Đạo sư chí tôn chí kính, không kể đến chúng con và tất cả những gì của con là của Thầy. Đây con xin dâng tất cả lên Thầy. Vật duy nhất con đã để lại ở nhà là con dê cái già què chân không thể nhập bầy được. Và với những lễ vật này, con xin Thầy ban cho con lễ Điểm Đạo Truyền Pháp Quí báu, những Đạo lý Bí truyền thâm sâu hơn, cùng những Kinh sách cần thiết.” Rồi ông sụp xuống phục lạy để mong Thầy hài lòng, và đức Marpa đáp:

    “Nếu ta không nói quá thì ta đã được một ít chân lý và Kinh điển thâm áo nhất và hiếm có nhất. Những Kinh điển và chân lý này thuộc về Con Đường theo đó người ta có thể đạt được Niết-bàn ngay trong đời này, khỏi bị tái sinh đời đời kiếp kiếp đến vô kể, nhưng muốn ban cho những Đạo lý như thế phải có những điều kiện nghiêm lệ đi kèm. Vì thế, trừ phi anh về nhà mang luôn con dê già què chân anh đã bỏ lại đến đây, e rằng ta không thể ban những Đạo lý ấy cho anh. Kể cả những thứ anh đã có ở đây.”

    Nhất định nếu Ngogdun về mang con dê già què giò đến thì đức Marpa sẽ làm lễ Điểm Đạo Truyền Pháp cho ông ta, vì thế sáng hôm sau Lạt-ma Ngogdun lên đường về nhà, và vài ngày sau ông ta trở lại với con dê già trên vai. Với lòng mộ đạo như thế, vị Đạo sư thật đã xúc động sâu xa, nói:

    “Con thật là một người chí thành trọn tín cầu Đạo. Ta có dùng con dê già què giò nay làm gì, nhưng ta muốn nhấn mạnh sự quan trọng và giá trị của những Đạo lý này thôi.”

    Và sau đó chẳng mấy chốc ông đã làm lễ Điểm Đạo Truyền Pháp cho Ngogdun theo sự mong cầu.

    Cuộc lễ tiếp tục một thời gian dài, những người khách khác biếu quà vào những ngày khác nhau. Và một hôm khi chỉ có một đệ tử từ xa đến, cùng với những người trong gia đình, bỗng nhiên đức Marpa trừng mắt nhìn Ngogdun và đưa tay chỉ mặt ông ta, buộc tội:

    “Này Ngogdun Chudo, anh lấy gì để chuộc tội vì đã làm lễ Điểm Đạo Truyền Pháp cho cái thằng Thopaga xấu xa vô lại này?” Và ông nhìn vào cây gậy đang cầm trên tay.

    Vị Thượng tọa đáng thương này hoảng sợ, lúng túng thưa rằng:

    “Lạy Đạo sư kính ái nhất đời, chính Thầy đã lệnh cho con trong bức thư Thầy đã ấn dấu ký tên, bảo con làm lễ Điểm Đạo Truyền Pháp cho Thopaga, Thầy đã gửi vòng hoa và xâu chuỗi của sư ông Naropa làm tín vật. Con chưa dám làm điều gì sái quấy, vì thế xin Thầy đừng giận con.” Và ông ta nhìn quanh một cách khổ nhọc, có lẽ để tìm đường rút lui.

    Và đến lượt tôi. Ngón tay buộc tội đã quay hướng sang tôi:

    “Mi đã lấy những vật ấy ở đâu?” Một câu hỏi đầy đe dọa. Tôi hoảng sợ. Tim tôi bắt đầu đập thình thịch và đầu gối tôi bắt đầu yếu oặt.

    Sự sợ hãi tràn ngập khắp người, tôi ngập ngừng lắp bắp thưa rằng tôi đã nhận những vật đó do bà vợ ông trao cho.

    Tức tốc Marpa nhảy xuống khỏi chiếc trường kỷ và đi về phía vợ ông, tay cầm cây gậy với chủ ý rõ ràng là để gia tăng hình phạt. Nhưng vợ ông, từ lâu đã có kinh nghiệm nên có thể tự bảo vệ mình, bà đã chiếm một chỗ ngồi gần cửa. Bà phóng lẹ ra cửa và chạy vào nhà nguyện đóng cửa lại. Ông Marpa đập cửa ầm ầm, nhưng không thể mở cửa được. Vì thế ông quay trở lại nạn nhân khác.

    Ông Marpa ngồi xống và nói: “Này Ngogdun Chudo, vì anh đã làm những điều ta không bảo anh làm; ta ra lệnh cho anh về nhà mang xâu chuỗi và vòng hoa của sư ông Naropa đến đây ngay.” Rồi ông trùm kín đầu ngồi im lặng, không ai quấy rầy ông được.

    Ngogdun cúi đầu chào và im lặng rút lui, khi ông ra ngoài tôi chặn ông lại, vì tôi đã chạy trốn cùng lúc với bà Marpa, tôi khóc lóc xin ông cho tôi theo. Nhưng ông sợ hãi bảo:

    “Nếu bây giờ tôi đem anh đi mà không được Thầy cho phép, thì chỉ gây thêm cảnh bi đát khác mà chẳng ích gì. Nếu Thầy chỉ đối xử tệ với anh thôi, tôi sẽ làm những gì tôi làm được để giúp anh.”

    Tôi nói: “Tất cả lỗi này là do quá khứ độc ác của tôi nên tôi buồn khổ lắm, và bây giờ lại thêm ngài và sư mẫu Marpa dính líu vào nữa. Tôi không còn hy vọng nào lấy được Giáo lý. Tôi chỉ còn cách kết thúc đời tôi càng sớm càng hay.” Và sự thực nhiều lúc tôi đã có ý định tự tử.

    Nhưng Lạt-ma Ngogdun bảo: “Đừng, đừng làm thế, Đại Phù thủy, hãy can đảm lên. Giáo lý đã dạy những nguyên tắc và những khả năng bản thân chúng ta đều thiêng liêng cả. Nếu chúng ta tự ý cắt đứt sinh mệnh mình quá sớm sẽ mắc phải tội giết chết thần tính trong chúng ta và như thế chúng ta sẽ bị trừng phạt xứng đáng. Không tội nào lớn hơn tội tự tử… Ngay trong Kinh điển cũng lên án nó một cách gắt gao. Vì lợi ích tốt lành, anh hãy hiểu thấu và xóa bỏ cái ý đó trong đầu óc anh! Có thể cuối cùng Thầy sẽ cho anh Giáo lý, và nếu ông không cho, thì vẫn có người khác cho anh.”

    Ông ta đã cố gắng an ủi tôi như thế. Vài đệ tử khác cũng xúm lại tỏ thiện cảm, cố gắng an ủi tôi. Nhưng lòng tôi dường như đã tan vỡ, nỗi đau khổ quá độ vỡ bờ.

    Như thế, bây giờ các anh đã biết, Rechung và các đệ tử của ta, ta đã phải chịu đựng bao nhiêu đau khổ trong lúc bắt đầu cầu Đạo vì những hậu quả quá khứ độc ác của ta.
    Om Mani Padme Hum !

  6. The Following User Says Thank You to hoangtri For This Useful Post:

    Ngọc Quế (06-17-2015)

  7. #26
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    Rất ít khi chúng tôi cầm được nước mắt tuôn trào vì câu chuyện đầy hình ảnh sống động của Sư phụ Milarepa; sự thực có vài người không khóc nhưng cũng mềm lòng vì xúc động.



    ĐIỂM ĐẠO TRUYỀN PHÁP




    Một lần nữa tôi lại có phận sự thúc giục Đạo sư yêu quí của chúng tôi kể cho chúng tôi nghe, cuối cùng, người làm thế nào đã thành công và lý do tại sao sư ông Marpa thay đổi thái độ đối với người. Vì thế Sư phụ Milarepa tiếp tục:

    Ờ, tất cả các đệ tử đều đang ở trong tâm trạng trầm trọng vì tính tình dữ dội của Thầy chúng tôi. Nhưng sau một lúc, tâm trạng ông đã thay đổi và hoàn toàn vui vẻ. Ông sai một đệ tử đi gọi sư mẫu đến, và trong lúc người đệ tử đi gọi sư mẫu thì ông hỏi:

    “Ngogdun Chudo và các đệ tử khác ở đâu?” Một đệ tử can đảm nhất thưa:

    “Bạch Thầy, Thầy đã bảo sư huynh Ngogdun về nhà lấy các thánh tích của sư ông Naropa, và sư huynh Ngogdun thấy chú Đại Phù thủy quá buồn nên còn đang cố gắng an ủi chú ấy.” Sư phụ tôi còn hỏi nhiều chi tiết khác, khi nghe đáp đầy đủ tất cả thì đôi mắt ông chan chứa nước mắt và thì thầm nửa giọng như để cho chính mình nghe:

    “Được như thế phải là những đệ tử chân thành cầu Đạo; ta muốn thế nào thì người đó lập tức làm theo ý ta. Hãy gọi tất cả các đệ tử đến đây vì ta cảm thấy ta có lỗi với tất cả bọn họ.”

    Rồi một người trong bọn đi tìm Ngogdun nói cho ông ta nghe những gì Thầy tôi đã nói, thêm rằng dường như tánh nóng nảy của Thầy tôi không còn nữa và Thầy hoàn toàn có ý định tử tế muốn ông đến gặp Thầy. Vì thế, tôi lại than van, ganh tị những ân huệ ông ban cho các đệ tử khác, và tôi khóc kể rằng Thầy tôi sao đối xử với họ quá yêu thương nhưng riêng tôi ông lại quá tàn bạo; Lạt-ma Ngogdun đã ở lại an ủi tôi. Tôi nức nở:

    Thầy không bao giờ muốn gặp mặt tôi, hay nếu cần gặp cũng chỉ để trách mắng hay đánh đập thôi.” Nogdun bảo một đệ tử vào hỏi Sư phụ xem ông có khoan hồng cho cả tôi không, nếu không ông ta không có trách nhiệm gì về những việc tôi đã làm, vì thế tôi lại buồn vô hạn.

    Và khi Sư phụ tôi nghe nói thế, ông đáp đầy bất ngờ:

    “Việc của thằng Đại Phù thủy trước kia có lẽ đúng như thế, nhưng hôm nay khác hẳn rồi. Hôm nay nó là người khách chính của ta. Này Damema, hãy đi mời nó vào đây.

    Tôi bước theo sư mẫu, khuôn mặt già nua tử tế của bà được trang điểm bằng những nụ cười vui tươi, bảo tôi:

    “Này Đại Phù thủy, ta nghĩ rằng cuối cùng bây giờ con đã được ân huệ của Thầy con rồi đó. Ông vừa bảo ta đi gọi con và con sẽ là người khách chính của ông hôm nay. Dường như ông đã hoàn toàn thay đổi. Bây giờ hãy đi với ta, chúng ta cùng vào với nhau.”

    Không hoàn toàn tin rằng tôi lại may phước đến như thế, vì đã bao nhiêu lần thất vọng rồi, tôi rụt rè theo sau bà bước vào và ngồi xuống. Rồi đức Marpa bắt đầu nói như diễn thuyết:

    “Nghĩ đến những việc đã qua, ta thấy rằng thực sự không ai đáng trách cả. Để Đại Phù thủy đền bù những tội lỗi của nó, ta đã bảo nó một mình xây tất cả những ngôi nhà đó. Nếu đó chỉ là mục đích ích kỷ của ta, ta vẫn có thể bắt nó làm nhiều hơn nữa bằng cách đối xử tử tế với nó để dụ dỗ nó làm. Nhưng cách cư xử của ta đối với nó là có mục đích, như thế xin đừng trách ta làm gì. Còn đối với bà vợ của ta đây, tất cả những bản năng của một người mẹ của bà ta đã biểu lộ ra vì tất cả sự đối xử tàn bạo của ta đối với Đại Phù thủy, là người có nhiều ý chí và kiên nhẫn, vì thế chỉ có thể trách bà ta về việc giả mạo thư và đánh cắp các tín vật, dù đó là một trọng tội. Về Đại Phù thủy thì nó hoàn toàn đúng trong việc nó đi đến bất cứ nơi nào khác để tìm Giáo lý. Còn Ngogdun, anh không thể biết, đúng như lời anh nói, và như thế là không thể trách anh. Về phần ta, ta không biết về bức thư giả mạo hay việc ủy thác làm lễ Điểm Đạo Truyền Pháp xảy ra lúc nào. Mặt khác, ta cố đã gắng hết sức để đưa Đại Phù thủy đến một cứu cánh tối hậu cam go. Sự thất bại của ta ở đây là lý do khiến ta nổi giận. Dĩ nhiên, tánh nóng nảy xấu xa của ta ở đây không phải là tánh nóng giận thường tình, mà là một đạo nộ [sự nóng giận của đạo], nó khác với sự nóng giận thường tình, chỉ vì mục đích muốn tìm ra manh mối sự hối hận nơi kẻ phạm tội, nếu như có người nào nào đó trong số các anh ở đây đã bị kích động vì sự phẫn nộ của ta mà không mất niềm tin thì hay biết bao, ta biết rõ những gì ta làm. Nếu ta đẩy Đại Phù thủy đủ chín lần xuống hố thẳm tuyệt vọng, nó sẽ hoàn toàn được gột sạch tất cả tội lỗi, nó không còn phải tái sinh nữa mà sẽ đạt được Niết-bàn. Vì vẫn còn một lỗi làm nhỏ nó phải gột sạch, nhờ ở ý tốt, nếu Damema và sự nhẹ dạ của bà ta có dẫn dắt sai lầm. Tuy nhiên, nó đã được gột sạch tám lần và nhiều sửa trị thứ yếu các lỗi lầm nhỏ hơn. Bây giờ ta sẽ cử hành lễ Điểm Đạo Truyền Pháp cho nó. Ta sẽ giữ nó lại ẩn tu một thời gian trong một cái am nhỏ có niêm phong.”

    Tôi phải ngắt vào da thịt mình để chứng tỏ tôi vẫn tỉnh táo và đó không phải là nằm mộng. Những giọt lệ hân hoan trào xuống khi tôi quì lạy làm lễ dưới chân Thầy tôi. Damema, Ngogdun, và tất cả mọi người không biết cái đáng ngưỡng mộ nhất nơi Thầy của chúng tôi là cái gì. Sự nghiêm khắc và tính kiên cường, sự tự ái và lòng tử tế phi thường, hay trí tuệ và nội kiến của ông. Họ nhận thấy rằng ông đã thành Phật; với niềm tin và sự đổi mới và tình thương yêu sâu xa hơn, họ cúi đầu thật thấp trước ông để biểu lộ niềm hân hoan và lòng biết ơn của họ như cơn thủy triều. Tất cả mọi người đều tươi cười hoan hỉ khi chúng tôi ăn những chiếc bánh thiêng liêng, một sự tụ hợp hạnh phúc.

    Lần sửa cuối bởi Ngọc Quế; 06-17-2015 lúc 09:16 AM
    Om Mani Padme Hum !

  8. #27
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Cùng đêm hôm đó lễ vật được dâng lên bàn thờ, tôi được cạo tóc, và tôi mặc chiếc áo tăng nhân, được thọ giới làm tân tăng và giữ hạnh nguyện Bồ-tát.

    Khi đức Lạt-ma Marpa ban rượu thánh trong chiếc sọ người, mọi người đều thấy một chiếc cầu vồng từ chiếc sọ người phóng ra. Ông rót rượu dâng lên các vị Thần Hộ mệnh của ông, rồi ông uống ruợu trong cái sọ người, và ông trao cho tôi phần còn lại, tôi uống cạn. Ông hứa cho tôi một lễ Điểm Đạo Truyền Pháp đầy đủ vào ngày hôm sau.

    Ông giảng giải vài điều của Giáo lý Thượng thừa với sự phụ trợ của những hình đồ và cho phép tôi đọc các Mật điển (Tantra), tiếp theo là giảng giải các phép thiền định. Cuối cùng ông đặt bàn tay lên đầu tôi và nói:

    “Con ơi, ngay từ lúc đầu ta đã biết con là người chân thành cầu Chân lý.” Và ông kể cho tôi nghe những giấc mộng của ông và của sư mẫu đã thấy trước khi tôi đến. “Đó là lý do ta giả vờ đi cày ruộng, sự thật là đến để gặp con,” ông nói tiếp. “Việc con uống hết bia và cày hết thửa ruộng là dấu hiệu chứng tỏ con là một đệ tử đáng để uống nước Đạo của ta cho con.” Rồi ông giảng ý nghĩa chiếc bình đồng tôi đã mua dâng lên ông. Sự thực, dường như ông không làm điều gì không có mục đích, và mục đích đó là sự an lạc của tôi hôm nay. Ông kết thúc: “Và bây giờ, vì con đã chịu đựng mọi sự với kiên nhẫn và ôn nhu mà con không mất niềm tin nơi ta; rồi con cũng vậy, con sẽ có những đệ tử nhiều năng lực, niềm tin và trí thông minh như con, và chúng cũng tin con như con tin ta.”

    Đó là những lời Thầy tôi khuyên nhủ, ca ngợi, khen tặng tôi. Và những ngày hạnh phúc của tôi đã bắt đầu như thế.




    VI

    GIÁO LÝ CỦA ĐẠO SƯ




    Rồi tôi hỏi Sư phụ Milarepa: “Bạch thầy, Thầy đã ra đi ngay vào hoang sơn để thiền định một mình về Chân lý mà Thầy đã thọ nhận phải không?” Sư phụ Milarepa tiếp tục:


    Đạo sư của tôi bảo tôi an cư trong một cái cốc mà ông đã tích trữ lương thực cho tôi, cứ đúng kỳ hạn là ông lại đến đưa thức ăn cho tôi qua lỗ hổng. Ở đó tôi đã ngồi trên chiếc bồ đoàn liên tục mười một tháng để thiền định với thân mình thẳng đứng, trên đầu đặt một chiếc đèn thắp bằng bơ; trong khi đèn cháy tôi tiếp tục thiền định, chỉ nghỉ trong lúc đèn tắt, dù ngày hay đêm. Rồi mười một tháng trôi qua, Sư phụ và sư mẫu đến thăm tôi, nói rằng tôi đã tu tập tốt, nhưng bảo rằng bây giờ tôi phải ra khỏi cốc để nhập tiệc với hai người, và tôi phải kể lại cho Sư phụ tôi nghe về những kết quả nhận được trong các cuộc thiền định. Tôi phải làm việc này một cách miễn cưỡng, nhưng Sư phụ đã ra lệnh nên tôi phải vâng theo. Tôi không vội phá đổ bức tường của cái cốc để ra mà lại cố trì hoãn. Rồi sư mẫu đến hỏi: “Này con, con không ra đây sao?”

    Tôi thưa: “Con cảm thấy không muốn phá tường.”

    Bà bảo:

    “Đừng để ý đến chuyện đó. Con biết các Điềm báo trước rất quan trọng, và chúng biểu thị rằng con nên ra. Vả lại, tính tình Sư phụ của con không tốt cho lắm, nếu sự trì hoãn của con khiến điềm xấu xuất hiện, ta không khổ vì con nữa đâu. Hãy ra đi, ta giúp con phá tường.” Rồi chúng tôi cùng nhau phá tường và chẳng mấy chốc tôi đã thấy ánh sáng mặt trời. Tôi bước vào một thế giới mà tôi cảm thấy đã bị mất hoàn toàn.

    “Trong khi hai chúng tôi, cha và con, sẽ thảo luận về Thiền định thì Damema, bà hãy đi nấu một bữa ăn thật ngon nhé.”

    Trong bữa ăn, Sư phụ tôi hỏi về những kinh nghiệm tôi đã trải qua trong lúc nhập thất và tôi đã đến cảnh giới nào trong cuộc nhập thất. Ông bảo: “Hãy từ từ kể lại cho ta nghe.” Như thế tôi không phải sợ mất đi cái phần nghệ thuật trong khi tôi ứng khẩu hát. Tôi bắt đầu hát một tán ca để ca ngợi Thầy tôi và vợ ông, trong cung cách kính ngưỡng đối với những người đã giúp đỡ cho tôi quá nhiều; và khi tôi chấm dứt bài tán ca, tôi nói cho ông nghe về Chân lý tôi đã thức ngộ trong thiền định:

    “Kính bạch Đạo sư chí thượng, người là Phật, là Vajra Dhara [Kim Cương Thủ]; con mang ân người vô lượng, vô biên; con đã thức ngộ được một ít Chân lý, đó là để báo đáp ân người trong muôn một, và đây là những gì con đã thức ngộ được, nếu người đủ từ ái và kiên nhẫn lắng nghe:

    Om Mani Padme Hum !

  9. #28
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Giáo lý mười hai nhân duyên con đã liễu ngộ;

    nó bày tỏ sự tùy thuộc của mọi sự vật trong thế giới này

    với mọi sự vật khác, và cùng cách thức này,

    thân con và sự hiện hữu trong đời này tùy thuộc nơi Vô minh,

    vì Vô minh là nguyên nhân căn bản của tái sinh.

    Với những người có thể liễu ngộ điều này thì chính thân họ

    có thể là phương tiện để giải thoát họ ra khỏi tái sinh;

    nhưng những người còn lại, chính thân họ

    cũng là dây xích buộc chặt họ vào Vòng Sinh-tử.

    Vì thế, cuộc đời của chúng ta chia hai giữa cao và thấp,

    tùy theo chúng ta tiến lên cao hay rơi xuống thấp.

    Mỗi người phải quyết định cho mình con đường mình đi,

    vì cơ duyên mình có là kết quả mình đã được sinh ra làm người,

    một cơ hội tốt không thể khinh thường vứt bỏ;

    vì hậu quả lựa chọn đang chờ sẵn chúng ta nơi xa kìa.

    Với người, Đạo sư của con, con xin hứa với người con sẽ vượt khỏi

    vòng Sanh-tử không ngừng này, căn nguyên của mọi đau khổ;

    nhưng để đạt được điều này con phải qui y Tam Bảo:

    Phật, Pháp, và Tăng, và giữ Giới luật.

    Và Đạo sư cũng là phương tiện thiết yếu để thành công và hạnh phúc.

    Vì thế con ý thức rằng cần phải tuyệt đối vâng theo

    những mệnh lệnh của Đạo sư

    và trọn tin nơi Đạo sư hoàn toàn vô hại.

    Đây là bước đầu tiên con hiểu, từ đó con bước tiếp.



    Con đã thiền định sâu xa, được sinh làm người là rất hy hữu,

    Trong tất cả mọi hình thức của cuộc tồn sinh,

    về sự bất định ôm choàng giây phút chết,

    về hậu quả không thể tránh được của nghiệp hành,

    về sự không nơi nào không có của đau khổ trong thế gian này.

    Tất cả những điều đó chắc chắn sẽ khiến người ta mong muốn

    một lần mãi mãi thoát khỏi cuộc tồn sinh như thế.

    Nhưng để được giải thoát như thế,

    người ta phải theo Bát Chánh Đạo

    là phương tiện duy nhất đưa đến Giải thoát.

    Và từ con Đường này

    người ta phải tiến lên những con Đường Cao Hơn,

    không giây phút nào ngừng tự mình tu tập và giữ Giới luật,

    phải thi hành và đổi mới các hạnh nguyện của mình khi cần thiết.

    Kẻ nào chỉ tìm tự do và hạnh phúc cho riêng mình,

    kẻ ấy đi con Đường thấp;

    nhưng kẻ nào cảm thấy thương yêu và từ ái với tất cả mọi người,

    là muốn giúp họ hướng đến Giải thoát,

    và chính y đã đặt chân lên con Đường Cao hơn,

    và muốn từ bỏ Con Đường thấp để đến con Đường Cao hơn,

    người ta phải biết con đường họ đang đi và mục đích của họ là gì.



    Bước thứ ba con đã bước là phải ý thức rằng

    Đạo sư rất cần thiết trong sự cố gắng như thế,

    một Đạo sư chính mình đã được khai ngộ và hiểu biết cao siêu

    là bậc Thầy của những phương pháp Điểm Đạo Truyền Pháp

    và biết rõ những gì thích hợp nhất với đồ đệ,

    thì chỉ một mình ông có thể giảng giải cho người đệ tử

    hiểu Cứu cánh Tối hậu.

    Lễ Điểm Đạo Truyền Pháp ban cho tâm

    một uy lực để làm chủ Đạo lý sâu xa và,

    trong lúc thiền định về Cứu cánh Tối hậu

    người ta phải cố gắng với mọi nỗ lực,

    vận dụng tri thức hàn lâm về ngữ pháp và luận lý học

    cũng như tri thức về đạo đức và tinh thần, thực hành tự quán

    để khám phá Chân lý, “Chẳng có cái gì là ta cả,”

    và tất cả lý luận và học thức của chúng ta

    đặt căn bản trên sự giả lập của cái “ta” hư ngụy này.



    Nhờ cần mẫn và tu tập tinh tấn,

    người ta có thể đi đến giai đoạn mà tâm thức mình hoàn toàn tịch tĩnh,

    tất cả tâm hành ngừng nghỉ, và chính thời gian dường như đứng lặng.

    Khi đã đạt đến cảnh giới này, người ta có thể tận dụng khả năng

    của ý thức để đạt đến cảnh giới xuất thần – sự xuất thần của ý thức

    yên tĩnh.

    Những cá nhân bình thường suy nghĩ theo những hạn từ

    “tôi” và “những người còn lại” không bao giờ có thể

    kinh nghiệm được điều đó,

    nhưng người ta phải ở trên con Đường đưa đến Phật tánh

    để đạt nó và như thế do Tư tưởng được kiểm soát

    và sự nhiếp tâm quán tưởng, người ta bước chân trên đường Đạo,

    những sự quán tưởng về các vị thần chỉ là những dấu hiệu

    trên đường Đạo và chính chúng không có giá trị nội tại.



    Như thế, những gì người ta thực sự cần là sự tĩnh lặng của tâm trí,

    một năng lực vô biên, một cảm thức phân tích sắc bén,

    một tâm thức trong sáng sinh động; những thứ này giống như

    những nấc thang thấp nhất của một cái thang.

    Tất cả nỗ lực phải được thúc đẩy bởi tâm đại bi và

    sự quyết tâm mà những thành đạt riêng của một người

    sẽ được dùng cho điều thiện chung.

    Mục đích phải trong sáng và những hứng khởi, cầu nguyện,

    tiến trình tâm thức của một người phải vượt qua tư tưởng.

    Con hiểu đây là Con Đường Tối thượng trong tất vả mọi Con Đường.

    Không có gì được phép đứng trên con đường thành tựu,

    và ngay chính thức ăn, không phải danh từ “thức ăn,”

    mà là những gì làm thỏa mãn sự ngon miệng.

    Như thế người ta phải thể nghiệm Chân lý,

    không phải chỉ có một định nghĩa hàn lâm,

    và người ta cũng không thể cho phép sự tiện nghi,

    ngay cả những nhu cầu thể xác ở trên đường đi.

    Người ta phải vượt qua mọi chướng ngại,

    phải sẵn sàng hy sinh mọi sự, ngay cả mạng sống của chính mình.”



    “Con không bao giờ có thể đền đáp được gì cho Sư phụ và sư mẫu,

    cũng không thể nói một tiếng cảm ơn đối với những gì

    Sư phụ và sư mẫu đã làm cho con,

    Sư phụ và sư mẫu là những ân nhân muôn đời của con.

    Cách duy nhất con có thể đền ơn Sư phụ và sư mẫu trong muôn một

    là con sẽ hiến dâng đời con cho thiền định

    để ngộ nhập Niết-bàn rốt ráo.”

    Om Mani Padme Hum !

  10. #29
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Những cảm xúc của tôi quá mãnh liệt đến nỗi một lần nữa tôi lại ứng khẩu hát ngay một bài khác để ca tụng những gì tôi đã thọ nhận từ Sư phụ tôi và để ca ngợi lòng tử tế, sự khuyến khích mà sư mẫu đã cho tôi trong những giờ phút đen tối nhất của đời tôi.

    Điều này làm Sư phụ tôi hoan hỉ vô cùng và ông nói:

    “Ta hy vọng nơi con rất nhiều và con đã không làm ta thất vọng.”

    Sư mẫu tôi nói: “Tôi biết con trai tôi có đủ ý chí và thông minh để thành công mà.”

    Rồi tôi chào giã biệt hai người để trở lại cốc.

    Sau đó không bao lâu Sư phụ tôi tổ chức một buổi lễ theo thị kiến của ông: các thiên nữ hiện đến nhắc ông về những ẩn ngữ mà sư ông Naropa đã một lần cho ông biết. Lúc đó ông không hiểu những ẩn ngữ đó nhưng bây giờ ông đã được minh giải rõ ràng. Kết quả khiến ông sang Thiên trúc để gặp Đạo sư của ông.

    Vài ngày sau ông trở về, và chính tôi đã thấy một giấc mộng có một thiên nữ xuất hiện bảo tôi rằng tôi còn thiếu một Giáo lý đặc biệt gọi là Drong-jug, một luận thư Du già (Yoga). Khi thức dậy tôi suy nghĩ rất nhiều về việc này, vì đó là một giấc mộng rất rõ ràng và tôi tin rằng Thiên nữ ấy là sứ giả mang tin cho tôi, vì thế tôi nghĩ rằng cần phải phá tường ra khỏi cốc để tham hỏi ý kiến của Sư phụ về giấc mộng, vì chắc chắn ông biết rõ mọi sự kể cả Giáo lý này.

    Vì thế tôi phá vỡ bức tường đất ra ngoài gặp ông. Thoạt thấy tôi ra khỏi cốc, ông tỏ vẻ chấn động, bảo rằng đó là việc nguy hiểm, nhưng khi tôi nói cho ông nghe giấc mộng của tôi và hỏi rằng đó là mật khải hay là một mê hoặc, ông ngồi im lặng một lúc rồi bảo:

    “Ừ, đó là một mật khải của Thiên thần. Ngay trước khi ta từ giã Thiên trúc thì Đạo sư Naropa của ta cũng đã nói về Giáo lý Drong-jug này với ta, nhưng ta không nghĩ ra là ta đã có nó từ bao giờ. Ta sẽ lục tìm tất cả những thủ bản của ta xem có nó không.”

    Như thế tôi và Sư phụ phí luôn cả phần ngày còn lại và gần suốt đêm hôm đó lục tìm trong chiếc rương chứa những thủ bản của ông nhưng không tìm thấy cuốn luận thư chúng tôi cần.

    Ông nói: “Việc này xác định giấc mộng ta đã thấy trong chuyến đi gần đây, có nghĩa là ta phải đi Thiên trúc một lần nữa để tìm cho được Giáo lý này.” Và ông bất chấp mọi dấu hiệu cảnh cáo của tuổi già và hành trình khó khăn không làm ông nản lòng tí nào. Rồi ông ra đi với những phí dụng do các đệ tử đóng góp.

    Lúc đó, đã biết sư ông Naropa dã biến mất tung tích, nhưng không có gì ngăn cản được Sư phụ tôi theo dấu vết truy tầm. Ông nghĩ thà rằng chết đi còn hơn công việc không thành. Bất ngờ, ông gặp sư ông ở một nơi trong rừng rậm và hai người cùng nhau trở về tự viện. Rồi ông hỏi sư ông về Giáo lý Drong-jug.

    Sư ông hỏi:

    “Chính anh đã nhớ lại Giáo ly này hay được mật khải?”

    Ông đáp: “Bạch Thầy, không phải chính con nhớ, cũng không phải con được mật khải, mà con có một đệ tử tên là Thopaga, chính nó đã được mật khải và cũng vì nó mà con đến đây tìm Thầy.”

    Sư ông Naropa nói: “Tuyệt vời! Ở cái đất Tây tạng tối tăm cũng còn những ngọn đèn cháy sáng chiếu rọi cả những đỉnh núi cao! Đáng mừng thay!”

    Và Sư phụ hát một tán ca tôn vinh tôi.

    Rồi sư ông Naropa cho sư phụ Giáo lý Khẩu truyền mà ông đã hỏi và sư ông còn giải thích mấy điềm báo tương lai để suy gẫm, chẳng hạn như cách thi lễ của sư phụ đối với sư ông có nghĩa là dòng dõi của ông sẽ chấm dứt nhưng chính ông sẽ được lưu truyền mãi mãi qua tôi. Và thực tế, chẳng bao lâu sau khi ông trở về thì người con trai duy nhất của ông qua đời.

    Vào ngày kỷ niệm biến cố này, sau lễ truy niệm, tất cả các đệ tử xin ông hãy nhớ đến tuổi tác của mình đã cao và xin ông chỉ dạy cho họ theo sự cần cầu riêng biệt của mỗi người Giáo pháp và những Phương pháp Tu tập bằng cách dùng trí tuệ của ông để xem xét căn cơ của họ, vì thấy rằng ông sẽ không có người thừa kế vì bây giờ người con trai duy nhất của ông đã qua đời.

    Vì thế, Sư phụ Marpa đáp: “Các con biết ta tin tưởng sự hướng dẫn của chư thiên qua các các báo điềm và những giấc mộng. Vậy, các con, những đệ tử của ta, hãy đi đi và chờ đến khi có mộng rồi đến đây kể cho ta nghe những gì các con đã thấy.”

    Om Mani Padme Hum !

  11. #30
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Do đó, tất cả chúng tôi ra về và tập trung tâm ý mình sẵn sàng để đón mộng, nhưng dường như không một người nào, trừ tôi, được mật khải liên quan đến việc Trao truyền.

    Giấc mộng tôi đã kể cho sư phụ tôi nghe như thế này:

    “Đêm hôm qua con mộng thấy con đứng trên một đỉnh núi ở phía Bắc. Đỉnh núi cao vút trời xanh, mặt trời và mặt trăng chuyển động quanh đỉnh núi, rọi những tia sáng rực rỡ kắp mọi nơi. Chân núi bao phủ toàn thể mặt đất. Và chung quanh sườn núi có bốn con sông lớn, tất cả thú vật đến uống nước của bốn con sông này và rất lấy làm thỏa mãn. Những con sông này chảy vào một đại dương, và trên bờ đại dương có hoa đua nở. Mặt đông của núi, trên đầu một trụ cao là con sư tử với chòm lông bờm rậm trong tư thế sắp phóng mình nhảy tới; móng vuốt của nó đào sâu xuống sườn đồi, đầu nó ngẩng nhìn trời; và rồi nó bỏ trụ cao, phóng xuống sườn núi rong chơi. Trên đầu một cây trụ khác ở phương Nam là một con hổ đang đứng với bộ lông vằn rất đẹp, móng vuốt của nó ngập sâu trong rừng rậm và cũng ngước mặt nhìn trời. Rồi hổ cũng rong chơi tùy thích. Ở phương Tây, con chim ưng đậu trên trụ cao với đôi cánh vươn ra và ngước mắt nhìn trời, rồi cất cánh phóng thẳng vào bầu trời. Ở phương Bắc, trên một trụ cao khác là con linh thứu đang đậu, cánh xòe, và trên một tảng đá lớn là tổ chim con. Nó ngước mắt nhìn trời và quạt cánh phóng vào hư không. Bạch Thầy, đó là giác mộng của con. Bây giờ xin Thầy giải thích ý nghĩa của giấc mộng này cho chúng con nghe.”

    Lạt-ma Marpa dường như vui sướng lắm và ông bảo sư mẫu làm một bữa tiệc đặc biệt dọn lên, rôi khi tất cả chúng tôi đã ngồi xuống, ông nói:

    “Thế giới phương Bắc tức là xứ Tây tạng, nơi lòng tin Phật nẩy nở mạnh mẽ. Núi cao biểu tượng cho Tông phái mà ta, Dịch giả Marpa, sáng lập và các con là những người trực thuộc. Đỉnh núi cao vút trời xanh là Cứu cánh của chúng ta, mặt trời và mặt trăng luân chuyển chung quanh là Giác ngộ và Tình thương, ánh sáng của hai vầng nhật nguyệt là Ân điển rọi xuống Vô minh. Chân núi bao phủ mặt đất chứng tỏ việc làm của chung ta sẽ tràn khắp thế gian; bốn sông biểu tượng cho Nghi lễ Điểm Đạo Truyền Pháp và Chân lý là nước trong dòng sông mà mọi sinh vật uống sẽ được giải thoát. Đại dương là sự Hòa hợp của Mật giáo và Chân lý nền tảng, Ánh sáng Bên trong và Bên ngoài; hoa trên bờ là Chân lý được giác ngộ. Hỡi các đệ tử của ta, đây là giấc mộng báo điềm lành.”

    “Trụ cao phương Đông với sư tử sắp phóng mình là Tsurton-Wangay xứ Dol, một người bản tánh sư tử với chồm lông bờm Chân lý Bí truyền; những móng vuốt của anh ta là móng vuốt của quả quyết, ngước mắt nhìn lên là vì anh ta đã được Giải thoát. Trụ cao phương Nam là Ngogdun Chudo giống như con hổ, với bộ lông vằn Chân lý Bí truyền, ngước mắt nhìn trời là đã giã từ những hư giả của thế gian hư ảo này; và dạo chơi tùy thích là đã giải thoát. Trụ cao phương Tây với chim ưng vút cánh là Meton-Tsonpo, đôi cánh vươn rộng là đôi cánh Chân lý Bí truyền, đã vượt qua những hố bẩy của trầm tư, đã nói lời vĩnh biệt với thế giới huyễn ảo này và tung cánh tự do. Trụ cao phương Bắc với linh thứu trên đầu, là Thopaga, đồng thời cũng mang danh là Milarepa của xứ Gung Thang với Chân lý Bí truyền nhuần thấm mà cuộc đời đã phải trường kỳ chịu đựng như tảng đá nơi linh thứu làm tổ và chim con là chỉ bậc nam nhi vô song; và anh ta cũng đã nói lời vĩnh biệt với cuộc sống thường tình và đạt đại Giải thoát. Hỡi các đệ tử, đây là một giấc mộng tuyệt diệu. Chiếc y của ta trao xuống các con và môn phái chúng ta sẽ thịnh phát.”

    Khi nghe những lời này, tất cả chúng tôi đều vui mừng vô cùng. Rồi sư phụ chúng tôi mở tất cả những kinh sách tàng trữ ra cho chúng tôi xem. Ban ngày ông dạy chúng tôi từng người một và ban đêm trợ giúp chúng tôi trong việc thiền định, vì thế sự tiến bộ tinh thần của chúng tôi tiếp tục tiến nhanh.

    Om Mani Padme Hum !

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •