DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 26/27 ĐầuĐầu ... 1624252627 CuốiCuối
Hiện kết quả từ 251 tới 260 của 270
  1. #251
    Avatar của senvang
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    473
    Thanks
    123
    Thanked 47 Times in 33 Posts
    Thiền sư Trung Hoa Tập 2
    THIỀN SƯ ĐẠO GIAI
    __________________________________________________ ______________________________________


    Niên hiệu Nguyên Phong năm thứ năm (1082), Sư trở về Nghi Châu ở núi Mã An bắt đầu truyền bá đạo pháp. Ban đầu, Sư ở Tiên Động, sau dời đến chùa Long Môn. Sư lại sang trụ núi Đại Dương thuộc Dĩnh Châu và Đại Hồng ở Tùy Châu, đều do sự cung thỉnh của mọi người. Tông Tào Động được thạnh hành miền Tây Bắc.

    *

    Niên hiệu Sùng Ninh năm thứ ba (1104) có chiếu mời Sư trụ tại Thiền viện Thập Phương Tịnh Nhơn ở Đông Kinh. Đến niên hiệu Đại Quan năm đầu (1107), vua sai Trung sứ áp đặt Sư trụ trì ở Thiên Ninh không được từ chối.

    Lý Hiếu Thọ làm sớ tâu lên vua Tống Huy Tông đại lược rằng: "Đạo Giai đức hạnh vượt cả tùng lâm, đáng được khen thưởng..." Vua liền ban tử y tăng-già-lê và hiệu Định Chiếu Thiền sư.

    Sư thắp hương tạ ơn xong, lại dâng biểu rằng:

    "Cúi mong thánh thượng từ ân chú tâm làm sáng rỡ điều lành, nêu cao đức tốt. Ban cho thần Định Chiếu Thiền sư và một lá tử y. Thần cảm đội ân sâu, rồi liền đó thắp hương lên tòa chúc nguyện thánh thọ.

    Mong Bệ hạ nghĩ đến hạnh nghiệp thô sơ, đạo lực kém mỏng của thần, thường phát nguyện chẳng thọ danh lợi, cố giữ ý này đã được nhiều năm. Như thế, ngõ hầu truyền đạo đời sau khiến người chuyên ý vào Phật pháp. Nay tuy nhờ đặc ân của Bệ hạ, nếu toại tánh hèn thì tự trái với lời nguyện lành của thần, lấy gì để dạy người. Đâu dám ngửa khen Bệ hạ để có ý sai thần trụ trì. Những y vật Bệ hạ ban cho thần không dám thọ nhận.

    Cúi mong thánh thượng từ ân xét thấu nỗi lòng của thần, không dám dùng lời trau chuốt, đặc biệt ban cho theo lòng thành thật của thần, thần nguyện suốt đời hành đạo để đền đáp thiên ân."


    Vua Tống Huy Tông xem xong, giao cho Lý Hiếu Thọ đích thân đi đến khuyên đừng trái ý tốt của triều đình.

    Lý Hiếu Thọ đến khuyên dụ lắm lời, Sư vẫn quyết định từ chối. Lý Hiếu Thọ tâu hết lên nhà vua. Nhà vua nổi giận ra lệnh bắt giao cho quan Hữu ty (tra khảo).

    Quan Hữu ty biết Sư trung thành mà trái ý vua nên hỏi: Trưỡng lão thân gầy ốm vậy có bệnh chăng? Sư đáp: Bình nhật cũng có bệnh, hiện nay thì không bệnh. Hữu-ty lại nói: Nếu nói có bệnh thì đối với pháp luật khỏi hình phạt. Sư bảo: Đâu dám dối trá nói bệnh để mong khỏi tội ư! Hữu ty ngậm ngùi! Sư điềm nhiên thọ hình phạt. Sau đó, Sư bị đày mặc áo kẻ phục dịch ra ở Tri Châu. Kẻ tăng người tục trông thấy Sư đều rơi nước mắt! Riêng Sư khí sắc vẫn nhàn hạ.


  2. #252
    Avatar của senvang
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    473
    Thanks
    123
    Thanked 47 Times in 33 Posts
    Thiền sư Trung Hoa Tập 2
    THIỀN SƯ ĐẠO GIAI
    __________________________________________________ ______________________________________


    Đến Tri Châu, Sư thuê nhà ở. Những học giả nghe tiếng tìm đến gần gũi. Mùa Đông năm sau, nhà vua ban sắc phóng thích.

    Sư tự tiện cất am nơi hồ Phù Dung, có mấy trăm Tăng chúng vây quanh hằng ngày. Ở đây mỗi ngày chỉ ăn một chén cháo, những người chịu không nổi từ từ đi bớt. Số Tăng còn thường trực không dưới một trăm.

    Sư dạy chúng:

    - Phàm người xuất gia vì chán trần lao cầu thoát sanh tử, thôi tâm dứt niệm cắt vin theo, gặp thanh gặp sắc như hoa trồng trên đá, thấy lợi thấy danh như bụi rớt trong con mắt. Vì từ vô thủy đến giờ, những cái ấy đâu phải chẳng từng trải qua, cần gì lại nhọc nhằn tham luyến? Hiện nay chẳng dứt còn đợi chừng nào? Thời nay dứt sạch lại còn việc gì? Nếu được trong tâm vô sự, thì Phật Tổ vẫn là oan gia, tất cả thế sự tự nhiên lạnh nhạt, mới là phù hợp bên này.

    Các ngươi đâu chẳng thấy, Ẩn Sơn đến chết chẳng chịu tiếp người. Triệu Châu đến chết chẳng biên thơ cho đàn việt, thà lượm trái giẻ trái lật mà ăn. Đại Mai lấy lá sen làm áo. Chỉ Y Đạo Giả mặc y phục bằng giấy. Thượng tọa Huyền Thái chỉ mặc bằng bố. Thạch Sương nơi nhà Cây khô (chúng tọa thiền yên lặng như cây khô) cùng người ngồi nằm, chỉ cần chết hẳn tâm của các ngươi. Đầu Tử sai người nấu cơm lẫn khoai rồi đồng ăn, cốt được tỉnh việc của các ngươi.

    Các bậc thánh từ trước có những gương cao đẹp như thế, nếu không có chỗ đặc biệt làm sao chịu nổi.

    Chư nhân giả! Nếu hay nơi đây thể cứu thì chẳng thiếu thốn điều gì, bằng chẳng chịu thừa đương về sau e phải phí nhiều khí lực.


    *

    Sư dạy chúng:

    - Ngày nay Sơn tăng đối với các vị nói về gia môn đã là chẳng tiện. Đâu thể lại đăng đường, nhập thất, niêm chùy, dựng phất, nhướng mày, chớp mắt, đông gậy, tây hét in tuồng bệnh động kinh phát hiện. Đâu chẳng thấy Tổ Đạt-ma sang ngồi xây mặt vào vách chín năm dưới núi Thiếu Thất. Nhị Tổ đến đứng ngoài tuyết đến chặt cánh tay, có thể nói chịu tột sự gian khổ. Nhưng Tổ Đạt-ma chưa từng nói một lời. Nhị Tổ chưa từng hỏi một câu. Thế là, nói Tổ Đạt-ma chẳng vì người được chăng? Nhị Tổ chẳng cầu thầy được chăng?


  3. #253
    Avatar của senvang
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    473
    Thanks
    123
    Thanked 47 Times in 33 Posts
    Thiền sư Trung Hoa Tập 2
    THIỀN SƯ ĐẠO GIAI
    __________________________________________________ ______________________________________


    Sư có làm năm bài kệ, thuật môn phong của mình.

    Bài thứ nhất tên: Nói khéo không chạm lưỡi

    Sát sát trần trần xứ xứ đàm

    Bất tham thiền xứ Thiện Tài tham

    Không sanh đã giải thông tiêu tức

    Hoa vũ nham tiền điểu bất hàm.

    Bài thứ hai: Rắn chết sợ trong bụi chui ra

    Nhật chích phong suy thảo lý mai

    Xúc tha độc khí hựu hoàn oai

    Ảm địa nhược giao khai tử khẩu

    Trường An y cựu tuyệt nhân lai.

    Bài thứ ba: Giỏi châm xương khô ngâm

    Tử trung hoạt đắc thị phi thường

    Minh dụng tha gia biệt hữu trường

    Bán dạ độc lâu ngâm nhất khúc

    Băng hà hồng diệm khước thanh lương.

    Bài thứ tư: Cưa sắt và tam đài

    Bất thị cung thương điều

    Thùy nhân hòa nhất trường

    Bá Nha hà sở thố

    Thử khúc cựu lai trường.

    Bài thứ năm: Xưa nay không cách hở

    Nhất pháp nguyên vạn pháp không

    Cá trung na hứa ngộ viên thông

    Tương vị Thiếu Lâm tiêu tức đoạn

    Đào hoa y cựu tiếu đông phong.



  4. #254
    Avatar của senvang
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    473
    Thanks
    123
    Thanked 47 Times in 33 Posts
    Thiền sư Trung Hoa Tập 2
    THIỀN SƯ ĐẠO GIAI
    __________________________________________________ ______________________________________


    Dịch:

    Cõi cõi nơi nơi chốn chốn bàn

    Thiện Tài tham lấy chỗ không tham

    Không Sanh đã hiểu rành tin tức [Không Sanh là ông Tu-bồ-đề hay Thiện Hiện là người hiểu lý không bậc nhất.]

    Ngọn núi mưa hoa chim lặng câm.

    ------------

    Gió táp nắng phơi cỏ ẩn mình

    Chạm người khí độc lại sai chinh

    Thẳm sâu nếu khiến khai tử khẩu

    Trường An như trước bặt người sang.

    ------------

    Trong chết được sống việc phi thường

    Phải nhận là y có sở trường

    Xương sọ giữa đêm ngâm một bản

    Sông băng lửa dậy lại thanh lương.

    ------------

    Chẳng phải đàn sáo hòa

    Ai người ca một bài

    Bá Nha đâu thi thố

    Bản này xưa nay hay.

    ------------

    Một pháp nguyên không muôn pháp không

    Trong đây ai nhận ngộ viên thông

    Sẽ bảo Thiếu Lâm tin tức bặt

    Hoa đào vẫn lại cười gió đông.


    Niên hiệu Chánh Hòa năm thứ tám (1118) ngày mười bốn tháng năm, Sư đòi viết mực viết một bài kệ:

    Ngô niên thất thập lục

    Thế duyên kim dĩ túc

    Sanh bất ái thiên đường

    Tử bất phạ địa ngục

    Tán thủ hoành thân tam giới ngoại

    Đằng đằng nhận vận hà câu thúc.


    Dịch:

    Ta tuổi bảy mươi sáu

    Duyên đời nay đã đủ

    Sanh chẳng thích thiên đường

    Chết chẳng sợ địa ngục

    Buông tay đi ngang ngoài tam giới

    Mặc tình vươn bổng nào buộc ràng.


    Sau đó, liền tịch, Sư thọ bảy mươi sáu tuổi.


  5. #255
    Avatar của senvang
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    473
    Thanks
    123
    Thanked 47 Times in 33 Posts
    Thiền sư Trung Hoa Tập 2
    THIỀN SƯ BÁO ÂN
    __________________________________________________ ______________________________________


    75. THIỀN SƯ BÁO ÂN

    Ở Núi Đại Hồng


    Sư họ Lưu, ông cha là dòng Nho, chưa được hai mươi tuổi, Sư đã được các nơi đề cử ra làm quan. Sau, Sư chán cảnh trần tục đệ đơn lên triều đình xin xuất gia. Vua Tống chấp nhận theo sở nguyện.

    Sư dạo qua các thiền hội, đến núi Đầu Tử ra mắt Thiền sư Nghĩa Thanh. Ở lại đây chưa bao lâu, Sư ngộ được tâm yếu. Nghĩa Thanh nói với Sư: Ngươi là người tái sanh, phải tự gìn giữ.

    *

    Từ giã Nghĩa Thanh, Sư đi yết kiến các bậc cao đức để được ấn khả.

    Thừa tướng Hàn Công Chơn thỉnh Sư khai pháp ở chùa Thiếu Lâm tại Tây Kinh.

    Sư thượng đường:

    - Những lời như đây hội được ai là tri âm? Dù cho nhằm trong một câu liền ngàn mắt chợt mở, chín chắn có mấy người mê gặp Đạt-ma. Các ông cần biết Tổ sư Đạt-ma chăng? Sư liền đưa tay làm thế nắm, nói: Lỗ mũi của Đạt-ma ở trong tay của Thiếu Lâm (chỉ Sư). Nếu buông ra đi thì, từ kinh thuyết cõi này Tây Thiên nói vàng nói đen dối Hồ lừa Hán. Nếu chẳng buông ra thì chẳng tiêu một cái nắm. Có người nào cần Tổ sư làm chủ mời ra cùng Thiếu Lâm thấy nhau, lại có chăng?

    Sư im lặng giây lâu, nói: Quả nhiên.

    *

    Không bao lâu, nơi chùa Đại Hồng chỗ chuyên về Luật tông thay đổi thành Thiền viện thỉnh Sư trụ trì.

    Sư thượng đường đưa cây gậy lên, nói:

    - Xem! xem! quả đất tuyết lênh láng, Xuân đến khắp nơi lạnh. Linh Phong cùng Thiếu Thất, chia phân chẳng tương cang. Thôi luận Phật ý Tổ ý, chớ bàn đầu câu mối lời. Trâu sắt không dấu vết, trăng sáng hoa lan anh tự xem.

    Sư đưa gậy lên bước xuống tòa.

    *

    Sư cùng cư sĩ Trương Vô Tận làm bạn trong đạo pháp. Cư sĩ thường biên thơ hỏi nhiều vấn đề Phật pháp và cả vấn đề đại yếu tam giáo. Sư tùy chỗ giải thích rất rành rẽ.

    Không biết Sư qui tịch lúc nào và bao nhiêu tuổi.


  6. #256
    Avatar của senvang
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    473
    Thanks
    123
    Thanked 47 Times in 33 Posts
    Thiền sư Trung Hoa Tập 2
    THIỀN SƯ HUỆ NAM
    __________________________________________________ ______________________________________


    76. THIỀN SƯ HUỆ NAM

    Ở Hoàng Long khai Tổ hệ phái Hoàng Long - (1002-1069)


    [Phái Hoàng Long là một chi nhánh trong tông Lâm Tế. Tông Lâm Tế đến đây chia hai phái Hoàng Long và Dương Kỳ.]

    Sư họ Chương tên Huệ Nam ở Ngọc Sơn Tín Châu. Thuở bé đã có vẻ thâm trầm hiện tướng đại nhân, chẳng ăn cá thịt, không ưa hát xướng. Năm mười một tuổi, Sư theo thầy Trí Loan ở viện Định Thủy xuất gia. Đến mười chín tuổi Sư thọ giới cụ túc. Đi du phương, Sư đến chùa Qui Tông ở Lô Sơn yết kiến Thiền sư Tự Bảo. Mỗi khi họp chúng, chúng đều ngồi chỉ riêng Sư đứng dựa ghế, Tự Bảo thường nhìn Sư. Từ đây về sau, Sư ngồi thì tréo kiết già, đi thì nhìn thẳng đến trước.

    *

    Sư đến Thê Hiền nương nơi Thiền sư Thị. Thê Hiền dạy chúng rất có qui củ, Sư ở đây ba năm làm người mô phạm trong chúng.

    Từ tạ Thê Hiền, Sư sang sông Hoài đến nương Thiền sư Hoài Trừng ở Tam Giác. Hoài Trừng trông thấy Sư liền chấp nhận cho ở.

    Sau, Hoài Trừng dời trụ ở Phần Đàm. Sư cũng đồng theo. Hoài Trừng chia Sư một phần nhiệm vụ trong việc tiếp độ chúng tăng. Thiền sư Văn Duyệt thấy thế, mỗi khi đến Phần Đàm trở về, than: Huệ Nam là món đồ hữu ích cho đạo, rất tiếc chưa gặp được thầy đào luyện.

    Nhân dịp Sư và Văn Duyệt cùng đi Tây Sơn, ban đêm nghỉ lại, hai người đàm đạo. Văn Duyệt nói: Thiền sư Hoài Trừng tuy là con cháu Vân Môn, nhưng pháp đạo còn khác xa Vân Môn. Sư hỏi: Khác ở chỗ nào? Văn Duyệt đáp: Vân Môn như đơn sa đã chín phen luyện, để vào sắt liền biến thành vàng; Hoài Trừng như được hống ngân nhìn thấy đẹp mắt, mà để vào lò liền chảy. Sư nổi giận cầm chiếc gối ném Văn Duyệt. Sáng ra Văn Duyệt xin lỗi lại nói: Chí khí Vân Môn như vua, cam chịu tử ngữ sao? Hoài Trừng có pháp dạy người là tử ngữ. Tử ngữ mà hay làm người sống được sao? Nói xong Văn Duyệt liền bỏ đi. Sư kéo lại nói: Nếu vậy thì ai có thể hợp ý Thầy? Văn Duyệt bảo: Thạch Sương Sở Viên thủ đoạn vượt cả mọi nơi, Thầy muốn yết kiến thì không nên chậm trễ. Sư thầm nghĩ: Đây là việc lớn của người hành khước vậy, Văn Duyệt là đồ đệ Thúy Nham, mà dạy ta đến yết kiến Thạch Sương thì có liên hệ gì đến ông đâu?


  7. #257
    Avatar của senvang
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    473
    Thanks
    123
    Thanked 47 Times in 33 Posts
    Thiền sư Trung Hoa Tập 2
    THIỀN SƯ HUỆ NAM
    __________________________________________________ ______________________________________


    Sư liền sửa soạn khăn gói sáng hôm sau lên đường. Đi đến nửa đường, Sư nghe Từ Minh mỗi việc đều lừa đảo Thiền sinh, liền thối chí không đi, không đi ở lại làng Bình nhiều ngày. Kế, Sư lên Hoành Nhạc đến chùa Phước Nghiêm yết kiến Thiền sư Hiền, Thiền sư Hiền cử Sư làm thơ ký. Chợt Thiền sư Hiền tịch, quận thú mời Từ Minh đến trụ trì. Được tin này, Sư rất hoan hỉ có cơ hội để nghiệm xét lời Văn Duyệt nói.

    Từ Minh đến, Sư trông thấy thân tâm đều cung kính. Nghe Từ Minh luận nói phần nhiều chê các nơi mỗi điều đều thuộc tà giải. Chính chỗ Sư được mật chỉ nơi Phần Đàm cũng bị bác bỏ. Sư nhớ lại lời nói của Văn Duyệt lúc bình nhật rất đúng. Sư liền thay đổi quan niệm nói: đại trượng phu trong thâm tâm cứ nghi ngại hoài sao?

    Sư liền vào thất Từ Minh, thưa:

    - Huệ Nam do tối dốt trông đạo mà chưa thấy, giờ tham thiền khi hôm, nghe Thầy dạy như người đi lạc đường được xe chỉ nam. Cúi xin Hòa thượng đại từ bố thí pháp khiến cho con dứt hết nghi ngờ?

    Từ Minh cười bảo:

    - Thơ ký đã lãnh đồ chúng và du phương nổi tiếng khắp tùng lâm, nếu còn có nghi ngờ chẳng cần khổ cầu như vậy, hãy ngồi mà thương lượng.

    Từ Minh liền gọi thị giả đem cái ghế mời Sư ngồi. Sư vẫn từ chối và thành khẩn tha thiết cầu chỉ dạy.

    Từ Minh bảo:

    - Thơ ký học thiền Vân Môn ắt thông được yếu chỉ ấy. Như nói: "tha Động Sơn ba gậy" Động Sơn khi ấy nên đánh hay chẳng nên đánh?

    Sư thưa:- Nên đánh.

    Từ Minh nghiêm nghị bảo:

    - Nghe tiếng ba gậy liền cho là nên ăn gậy, vậy ông từ sáng đến chiều nghe chim kêu trống đánh tiếng chuông tiếng bảng... cũng nên ăn ba gậy. Ăn gậy đến lúc nào mới thôi.

    Sư chỉ nhìn sững mà thôi.

    Từ Minh lại bảo:

    - Tôi lúc đầu nghi không thể làm thầy ông. Giờ đây đã đủ tư cách làm thầy ông. Ông hãy lễ bái đi.

    Sư lễ bái xong, đứng dậy.

    Từ Minh nhắc lời trước:

    - Nếu ông hội được ý chỉ Vân Môn thì, Triệu Châu thường nói "bà già ở Đài Sơn bị ta khám phá", thử chỉ ra chỗ khám phá xem?

    Sư mặt nóng hực mồ hôi xuất hạn không biết đáp thế nào, bị Từ Minh đuổi ra.


  8. #258
    Avatar của senvang
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    473
    Thanks
    123
    Thanked 47 Times in 33 Posts
    Thiền sư Trung Hoa Tập 2
    THIỀN SƯ HUỆ NAM
    __________________________________________________ ______________________________________


    Hôm sau, Sư lại vào thất, bị Từ Minh mắng chửi. Sư hổ thẹn, nhìn những người hai bên nói:

    - Chính vì chưa hiểu cầu quyết nghi, mắng chửi đâu phải qui củ từ bi thí pháp!

    Từ Minh cười nói:- Đó là mắng chửi sao?

    Ngay câu này, Sư đại ngộ. Làm bài tụng rằng:

    Kiệt xuất tùng lâm thị Triệu Châu

    Lão bà khám xứ một lai do

    Như kim tứ hải thanh như cảnh

    Hành nhân mạc dĩ lộ vi thù.

    Dịch:

    Giỏi vượt tùng lâm là Triệu Châu

    Lão bà nơi khám không mối manh

    Hiện nay bốn biển như gương sáng

    Bộ hành thôi chớ ghét con đường.


    Từ Minh lấy tay chỉ ngay chữ MỘT nhìn Sư. Sư liền đổi chữ ấy thành chữ HỮU. Từ Minh gật đầu.

    *

    Sư dừng lại đây hơn một tháng, rồi từ tạ du phương. Năm ấy, Sư được ba mươi lăm tuổi. Đến Kim Loan, Sư gặp được Văn Duyệt. Thấy nhau, Sư cười nói: Tôi nếu chẳng nhờ Sư huynh và Cốc Tuyền thì đâu biết được Từ Minh.

    *

    Sau, Sư khai pháp ở Đồng An. Ngày đầu, Sư thượng đường:

    - Biển trí không tánh, bởi cái giác vọng nên thành phàm. Cái giác vọng vốn rỗng, tức tâm phàm mà thấy Phật, liền vậy thôi đi. Nghĩa là Đồng An (Sư) không chia hợp, tùy chỗ muốn điên đảo của các ông. Nam đẩu bảy, Bắc đẩu tám...

    *

    Lúc Sư trụ trì tại Qui Tông, một đêm lửa cháy chùa, đại chúng đều kêu la dậy núi, mà Sư vẫn ngồi yên như bình thường. Tăng Hồng Chuẩn muốn dời Sư chạy, bị Sư quở. Chuẩn thưa: Dù Hòa thượng chán thế gian, song đạo pháp Từ Minh trông cậy vào chỗ nào? Sư mới chịu sửa áo đứng dậy. Lúc ấy lửa đã cháy ào đến cháy nám da và rụi râu tóc của Sư. Quan địa phương dẫn dân chúng đến cứu lửa. Thấy Sư vẫn vui vẻ như thường, chỉ không ăn mà thôi. Đến hai tháng sau, râu tóc mới ra lại, da thịt mới lành.


  9. #259
    Avatar của senvang
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    473
    Thanks
    123
    Thanked 47 Times in 33 Posts
    Thiền sư Trung Hoa Tập 2
    THIỀN SƯ HUỆ NAM
    __________________________________________________ ______________________________________


    Sư dời về Hoàng Bá cất am bên khe suối để tên là Tích Thủy. Tăng chúng nước Mân nước Việt nghe đạo phong của Sư đua nhau tìm đến.

    Sư dạy chúng:- Thiền sư Vĩnh Gia nói:

    Du giang hải, thiệp sơn xuyên

    Tầm sư phỏng đạo vị tham thiền

    Tự tùng nhân đắc Tào Khê lộ

    Liễu tri sanh tử bất tương quan.


    Dịch:

    Dạo sông biển, dẫm núi khe

    Tìm thầy học đạo gọi tham thiền

    Từ ngày nhận được Tào Khê lộ

    Biết rành sanh tử chẳng tương quan.


    Chư Thượng tọa! cái nào gọi là dạo núi sông? cái nào gọi là tầm sư? cái nào gọi là tham thiền? cái nào gọi là hỏi đạo? Nhằm Hoài Nam, Lưỡng Chiếc, Lô Sơn, Nam Nhạc, Vân Môn, Lâm Tế, mà cầu thầy hỏi đạo; Động Sơn, Pháp Nhãn mà tham thiền, ấy là nhằm bên ngoài tìm cầu, gọi là ngoại đạo. Nếu lấy tánh Tỳ-lô làm biển trí Bát-nhã, tịch diệt làm thiền, gọi là cầu bên trong. Nếu cầu bên ngoài thì ngươi chạy mãi; nếu dừng lại cầu bên trong năm uẩn là ngươi bị trói mãi. Thế nên, Thiền chẳng phải trong ngoài, chẳng phải có không, chẳng phải thật hư. Đâu chẳng nghe nói: thấy trong thấy ngoài đều lầm, Phật đạo ma đạo đều ác. Chợt vậy bỏ đi chừ trăng lặn núi Tây, lại tìm danh sắc chừ nơi nào danh mạo?

    *

    Sư ở trong thất thường hỏi Tăng:

    - Người người trọn có sanh duyên, Thượng tọa sanh duyên tại chỗ nào?

    Chính lúc vấn đáp qua lại, Sư lại duỗi tay, nói:

    - Tay tôi sao giống tay Phật?

    Hỏi chỗ sở đắc của Tông sư các vị đến tham thỉnh, Sư liền duỗi chân nói:

    - Chân tôi sao giống chân lừa?

    Hơn ba mươi năm lấy ba câu này hỏi, học giả khó khế ngộ huyền chỉ. Khắp các tùng lâm gọi là tam quan (ba cửa). Nếu có ai đáp thì, Sư không nói phải chẳng phải, vẫn khép mắt ngồi thẳng, không ai lường được ý ấy.

    Phan Hưng Từ thường hỏi lý do ấy. Sư bảo:

    - Đã ra khỏi cửa thì lay tay đi thẳng, chẳng cần biết có kẻ gác cửa. Từ người gác cửa hỏi phải chẳng phải, ấy là người chưa qua khỏi cửa vậy.


  10. #260
    Avatar của senvang
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    473
    Thanks
    123
    Thanked 47 Times in 33 Posts
    Thiền sư Trung Hoa Tập 2
    THIỀN SƯ HUỆ NAM
    __________________________________________________ ______________________________________


    Sư tự làm tụng rằng:

    Sanh duyên hữu ngữ nhân giai thức

    Thủy mẫu hà tằng ly đắc hà

    Đản kiến nhật đầu đông bạn thượng

    Thùy năng cánh khiết Triệu Châu trà.


    Dịch:

    Sanh duyên có nói người đều biết

    Thủy mẫu đâu từng lìa được tôm

    Chỉ thấy vầng ô bờ đông tiến

    Ai hay lại uống trà Triệu Châu.


    *

    Ngã thủ Phật thủ tịnh cử

    Thiền nhân trực hạ tiến thủ

    Bất động can qua đạo xuất

    Đương xứ siêu Phật việt Tổ.


    Dịch:

    Tay ta tay Phật đồng nêu

    Thẳng đó thiền nhân tiến lấy

    Chẳng khua gươm giáo nói ra

    Nơi đây siêu Phật vượt Tổ.


    *

    Ngã cước lô cước tịnh hành

    Bộ bộ đạp trước vô sanh

    Trực đãi vân khai nhật hiện

    Phương tri thử đạo tung hoành.


    Dịch:

    Chân ta chân lừa đồng đi

    Bước bước đạp đến vô sanh

    Thẳng đợi mây tan nhật hiện

    Mới biết đạo này tung hoành.


    *

    Tổng tụng:

    Sanh duyên đoạn xứ thân lô cước

    Lô cước thân thời Phật thủ khai

    Vị báo ngũ hồ tham học giả

    Tam quan nhất nhất thấu tương lai.


    Dịch:

    Chỗ dứt sanh duyên bày chân lừa

    Chân lừa khi hiện tay Phật hiện

    Vì bảo năm hồ khách tham tầm

    Ba cửa nơi nơi suốt mai hậu.


    *

    Sư trụ Hoàng Long hoằng hóa rất thạnh dám so bì với Mã Tổ, Bá Trượng. Đến niên hiệu Hy Ninh năm thứ hai (1069) ngày mười bảy tháng ba, Sư ngồi kiết già thị tịch. Sư thọ sáu mươi tám tuổi, được năm mươi tuổi hạ.

    Sư là khai Tổ của Hệ phái Hoàng Long một chi nhánh trong tông Lâm Tế.


Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Chủ đề tương tự

  1. Thiền sư trung hoa (tập 1)
    Gửi bởi senvang trong mục THIỀN TÔNG
    Trả lời: 190
    Bài cuối: 07-08-2018, 05:51 PM
  2. Thể dạng trung gian giữa cái chết và sự sinh.
    Gửi bởi honglien trong mục MẬT TÔNG
    Trả lời: 0
    Bài cuối: 12-28-2015, 11:20 AM

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •