Thiền sư Trung Hoa Tập 2
T.s Văn Yển
__________________________________________________ ______________________________________



Sư bảo chúng:

- Đề ra một câu nói, dạy các ông thẳng đó đảm đang, là đã tung phẩn trên đầu các ông, dầu cho nhổ một sợi lông mà cả đại địa một lúc sáng rực, cũng là khoét thịt thành thương tích. Tuy nhiên như thế, các ông cần phải thật đến thửa ruộng ấy mới được. Nếu chưa được gần, chẳng được ôm cái rỗng; phải trở lui nhằm dưới gót chân của chính mình suy tầm xem, ấy là đạo lý gì? Thật không có một mảnh tơ sợi tóc cho các ông giải hội, cho các ông nghi ngờ. Tất cả mọi người các ông một phần việc đại dụng hiện tiền, chẳng nhọc khí lực của các ông chừng bằng sợi tóc, liền cùng Phật, Tổ không khác.

Tự vì các ông gốc tin cạn mỏng nghiệp ác sâu dầy, đột nhiên mọc quá nhiều sừng trên đầu, quảy đãy bát đi ngàn dặm muôn dặm chịu khuất phục người. Vả lại các ông có chỗ nào chẳng đủ? Kẻ trượng phu ai mà vô phần? Chạm mắt đảm đang được vẫn là chẳng được tiện, huống là chịu người lừa dối, nhận sự trừng phạt của người. Vừa thấy Hòa thượng già mở miệng, liền khéo ôm đá lấp miệng lại. Thế mà, như bầy lằng xanh giành nhau trên đống phẩn, ba người năm người dụm đầu thương lượng. Khổ thay!

Huynh đệ! các bậc Cổ đức một thời vì các ông không phải thế, sở dĩ phương tiện buông một lời nửa câu là khai thông cho các ông thấy đường vào. Bao nhiêu việc bên nây đều gom ném một bên, riêng tự đem hết khí lực chú mục vào, thì đâu chẳng được ít phần tương thân. Thích thay! thích thay! Thời giờ chẳng đợi người, hơi thở ra chẳng bảo đảm hít vào, thử hỏi thân tâm còn dùng vào chỗ rảnh rỗi nào khác? Cần phải chú ý! chú ý! trân trọng.

*

Tăng hỏi: Thế nào là đạo? Sư đáp: Đi. Tăng thưa: Con chẳng hội thỉnh Thầy nói? Sư bảo: Xà-lê công bằng phân minh đâu được trùng phán.

*

Sư thượng đường nói:

- Cho biết thời vận xui xẻo sanh nhằm thời xui Tượng quí (cuối thời Tượng pháp), Sư tăng bắc lễ Văn-thù, nam du Hành Nhạc. Nếu đi hành khước như thế, là danh tự Tỳ-kheo ăn tiêu của tín thí, khổ thay! khổ thay! Nếu có ai hỏi đến thì đen tợ dầu hắc, chỉ cần giữ hình thức qua ngày. Giả sử có hiểu hai cái ba cái, cũng luống học đa văn ghi nhớ ngôn ngữ. Đến nơi chỉ tìm những lời nói tương tợ của bậc lão túc ấn khả, quên lửng thượng lưu làm nghiệp bạc phước. Hôm nào đó, vua Diêm-la bắt đóng đinh ông, chớ bảo không người vì tôi nói.

Nếu là kẻ sơ tâm hậu học phải cần đem hết tinh thần, chớ ghi suông lời người nói, nhiều rỗng chẳng bằng ít thật, về sau chỉ là tự gạt, có việc gì gần gũi.