Thiền sư Trung Hoa Tập 2
LỜI NÓI ĐẦU
__________________________________________________ ______________________________________



Con đường làm Tổ, làm Phật xa diệu vợi và đầy gian nguy, nếu con người dễ chán làm sao tiến đến mục đích cứu kính. Vì thế, cần có những con người sắt đá, dù thân nát mà chí không mòn, mới đủ tư cách đảm đang trọng trách này. Phải vượt khỏi đầu sào trăm trượng, phải buông tay đi trên vực thẳm đó là lời thường nhắc của các Thiền sư.

Như thế, những câu nói điếc tai của các ngài không phải không chỗ nhằm. Nếu chúng ta cố giải thích cho nó dễ hiểu, đâu không phản bội lại các ngài. Nhiều vị Đại đức tăng hiện tại thường nói: “người tu thiền dễ rơi vào chấp không”. Câu nói này, đứng về phương diện cảnh tỉnh thì quí giá, đứng về phương diện chân thật thì sai lầm. Vì Thiền là phá chấp, còn chấp không làm sao gọi là hội thiền, đã không hội thì lấy gì mà tu. Như thế, nói người tu thiền chấp không thật không thể có.

Tuy nhiên, vẫn có một số người không hội được thâm lý của thiền, chỉ nói thiền qua ngôn ngữ rồi sanh bệnh cố chấp. Như hiện tại có một số thanh niên trí thức đọc sách thiền thấy nói “không có thiện không có ác”, liền chấp rằng mọi hành động đều không. Họ không hiểu Thiền nói “không thiện không ác” là cố phá chấp có hai, tương đối. Bởi vì mầm gốc sanh tử luân hồi là tâm yêu ghét. Còn khen ngợi thiện là yêu thiện, còn mạt sát ác là ghét ác. Yêu ghét còn làm sao giải thoát sanh tử.

Hơn nữa, yêu mà xa thì khổ, ghét mà gặp cũng khổ. Thế thì tu đến bao giờ mới hết khổ? Cho nên, khi nói không thiện không ác là lúc tâm đã bình đẳng như như. Tuy nói không thiện mà lúc nào cũng làm tất cả việc lành. Tuy nói không ác mà lúc nào cũng xa lìa tất cả tội lỗi. Đó là tư cách của người đạt được lý thiền. Khổ thay! hiện tại người ta không hiểu như thế, nói không thiện không ác để rồi ăn xổi ở thì, hay thậm tệ hơn là làm tất cả việc ác.

Hoặc đọc sách thiền thấy các Thiền đức nói “đói thì ăn, mệt thì ngủ” họ mặc tình buông lung theo bản năng, ưng nói thì nói ưng làm thì làm, không cần biết phải quấy tốt xấu. Đó là hạng người sa đọa tột độ, mượn lời nói của thiền để nuôi dưỡng những tham vọng điên cuồng của họ. Khi các Thiền đức nói “đói thì ăn mệt thì ngủ” là tâm các ngài đã sạch vọng tưởng, mọi hành động đều hợp với đạo. Như nước đã lọc sạch rồi thì san sớt cách nào cũng là nước trong. Tâm đã thanh tịnh thì mọi hành động đều là diệu dụng.

Thiền cốt dạy tu chớ không phải lý thuyết suông. Thế nên, các vị Thiền sư sau khi hội thiền, liền lên núi vào rừng ở năm năm mười năm có khi hai ba mươi năm. Do sự luyện lọc ấy mới gột sạch hết vọng tưởng, tâm thể như như, tự tại trong việc sanh tử. Cốt tủy của đạo Phật là giác ngộ nguồn gốc sanh tử và giải thoát chúng. Thiền sư đã thực hiện được điều đó trong đời sống hiện tại. Ưng sống các ngài sống, ưng chết các ngài chết. Đó là bằng chứng cụ thể nói lên sự trung thực của Thiền đối với đạo Phật.

Thiền dạy người tu một cách thực tế, tìm lại “bản lai diện mục” của mình. Bởi quá thực tế nên người ta không hiểu nổi, con người là hướng ngoại, con người là cầu xin, con người là ỷ lại. Ở đây Thiền đập tan ba tánh ươn hèn ấy. Ba tánh ấy đã chôn vùi chúng ta từ vô lượng kiếp. Chúng ta phải cương quyết quả cảm đập nát chúng, để rồi chúng ta tìm lại cái mặt thật của chúng ta. Chúng ta là chủ nhân ông của chúng ta từ vô lượng kiếp. Chúng ta phải khôi phục lại quyền năng của ông chủ bản hữu nơi chính mình. Đó là chúng ta tu thiền.

Tu thiền là vượt qua những thành quách tập quán, ngôn ngữ, văn tự. Bởi vì những cái ấy đều do vọng tưởng của người đặt ra. Còn mắc kẹt trong ấy là chúng ta còn làm tôi đòi của vọng tưởng, sẽ bị nó lôi chúng ta vào vòng sanh tử liên miên. Dù là những ngôn ngữ văn tự diễn đạt chân lý đi nữa, nó cũng chỉ là chân lý chết. Chúng ta phải sống với chân lý linh hoạt hiện hữu nơi chúng ta. Chân lý ấy không cho phép chúng ta mắc kẹt bất cứ cái gì bên ngoài, dù là tập quán của ngàn xưa. Còn mắc kẹt là còn chấp, còn chấp thì không đạt được chân lý viên mãn. Như còn mây che thì không thấy được ánh sáng toàn vẹn của mặt trăng, dù một áng mây mỏng ánh sáng cũng vẫn bị mờ.

Đạo lý thiền là đạo lý tu chứng. Có tu chứng mới gọi là thiền, không tu chứng mà nói thiền, ấy gọi là “khẩu đầu thiền”, thiền ngoài môi. Tuy nhiên, tu chứng mà không có tướng tu chứng. Còn thấy có tướng tu chứng thì gọi là bệnh, chớ chẳng phải thiền. Có lắm người nghe nói tu thiền liền hỏi đã chứng gì chưa, thế là không hiểu gì về thiền. Người tu thiền mà khoe mình chứng quả này quả nọ, ấy là ma chớ không phải Thiền sư. Thiền sư là những người thâm trầm, tám gió thổi không lay, tự tại trước ngưỡng cửa sanh tử.

Mong khi đọc những tập sử của chúng tôi soạn dịch, độc giả sẽ phát minh được “bản lai diện mục” của chính mình. Bằng chưa phát minh được, độc giả hãy bám vào một câu nào không hiểu để sống chết với nó, một ngày kia sẽ phát minh được.

Kính ghi
THÍCH THANH TỪ
Tu viện CHÂN KHÔNG, Đầu mùa đông 1972