DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 1/27 12311 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 1 tới 10 của 270
  1. #1
    Avatar của senvang
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    473
    Thanks
    123
    Thanked 47 Times in 33 Posts

    Thiền sư trung hoa tập hai



    THIỀN SƯ TRUNG HOA TẬP HAI

    H.T Thích Thanh Từ

    Tu Viện Chơn Không 1971
    Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh Ấn Hành - PL. 2534 - 1990




    MỤC LỤC TẬP 2

    Lời nói đầu.

    Đời Thứ Năm Sau Lục Tổ.

    A. Phái Hành Tư.

    1. Thiền sư Lương Giới ở Động Sơn khai Tổ tông Tào Động.
    2. Thiền sư Tăng Mật.
    3. Thiền sư Khánh Chư ở Thạch Sương.
    4. Thiền sư Đại Đồng ở núi Đầu Tử.
    5. Thiền sư Thiện Hội ở Giáp Sơn.
    B. Phái Hoài Nhượng.
    6. Thiền sư Nghĩa Huyền ở Lâm Tế khai Tổ tông Lâm Tế.
    7. Thiền sư Trần Tôn Túc hiệu Đạo Minh.
    8. Thiền sư Huệ Tịch ở Ngưỡng Sơn -Tổ thứ hai tông Qui Ngưỡng.
    9. Thiền sư Trí Nhàn ở Hương Nghiêm.
    10. Thiền sư Thường Thông ở núi Tuyết Đậu.
    11. Ni Liễu Nhiên ở Mạt Sơn.
    12. Thiền sư Tuyên Giám ở Đức Sơn.

    Đời Thứ Sáu Sau Lục Tổ.

    13. Thiền sư Bổn Tịch ở Tào Sơn - Tổ thứ hai Tào Động.
    14. Thiền sư Đạo Ưng ở Vân Cư.
    15. Thiền sư Tồn Tương ở Hưng Hóa.
    16. Thiền sư Huệ Nhiên ở viện Tam Thánh.
    17. Hòa thượng Đại Giác.
    18. Thiền sư Văn Hỷ.
    19. Thiền sư Quang Dũng ở Nam Tháp.
    20. Thiền sư Toàn Khoát ở Nham Đầu.
    21. Thiền sư Nghĩa Tồn ở Tuyết Phong.

    Đời Thứ Bảy Sau Lục Tổ.

    22. Thiền sư Huyền Ngộ hiệu Quang Huệ ở Hà Ngọc.
    23. Thiền sư Tùng Chí hiệu Huyền Minh ở Kim Phong.
    24. Thiền sư Xử Chơn ở Lộc Môn.
    25. Thiền sư Huệ Ngung hiệu Bảo Ứng ở Nam Viện.
    26. Thiền sư Toàn Phó ở Thanh Hóa.
    27. Thiền sư Huệ Thanh ở Ba Tiêu.
    28. Thiền sư Sư Nhan ở Đoan Nham.
    29. Thiền sư Tông Nhất pháp danh Sư Bị ở Huyền Sa.
    30. Thiền sư Huệ Lăng ở Trường Khánh.
    31. Thiền sư Văn Yến ở Vân Môn khai Tổ tông Vân Môn.

    Đời Thư Tám Sau Lục Tổ.

    32. Thiền sư Trí Tịnh hiệu Ngộ Không ở Cốc Ẩn.
    33. Thiền sư Hành Nhơn ở Lô Sơn Phật Thủ Nham.
    34. Thiền sư Diên Chiểu ở Phong Huyệt.
    35. Thiền sư Thanh Nhượng ở núi Hưng Dương.
    36. Thiền sư Pháp Mãn ở núi U Cốc.
    37. Thiền sư Quế Sâm ở viện La-hán.
    38. Thiền sư Huệ Cầu ở viện An Quốc núi Ngọa Long.
    39. Hòa thượng Bạch Vân Tường hiệu Thật Tánh.
    40. Thiền sư Trừng Viễn ở Hương Lâm.
    41. Thiền sư Tông Huệ hiệu Thủ Sơ ở Động Sơn.

    Đời Thứ Chín Sau Lục Tổ.

    42. Thiền sư Trí Nghiêm ở Cốc Ẩn.
    43. Thiền sư Pháp Hiển ở viện Phổ Ninh.
    44. Thiền sư Tỉnh Niệm ở Thủ Sơn Nhữ Châu.
    45. Thiền sư Chơn ở Quảng Huệ.
    46. Thiền sư Văn Ích hiệu Tịnh Huệ khai Tổ tông Pháp Nhãn.
    47. Thiền sư Hưu Phục hiệu Ngộ Không ở viện Thanh Lương.
    48. Thiền sư Thiệu Tu ở Long Tế.
    49. Thiền sư Quang Tộ ở chùa Trí Môn Tùy Châu.
    50. Thiền sư Giới ở Ngũ Tổ.
    51. Am chủ Tường ở Liên Hoa Phong.

    Đời Thư Mười Sau Lục Tổ.

    52. Thiền sư Kỉnh Huyền ở núi Đại Dương.
    53. Thiền sư Thiện Chiêu ở Phần Dương.
    54. Thiền sư Qui Tỉnh ở viện Quảng Giáo Diệp Huyện.
    55. Thiền sư Trí Tung ở Tam Giao viện Thừa Thiên.
    56. Thiền sư Trùng Hiển ở Tuyết Đậu, Minh Châu.
    57. Thiền sư Hiểu Thông ở Động Sơn.
    58. Thiền sư Tự Bảo ở Động Sơn.
    59. Quốc sư Đức Thiều ở núi Thiên Thai.
    60. Thiền sư Huệ Minh ở chùa Báo Ân.
    61. Thiền sư Pháp Đăng hiệu Thái Khâm ở viện Thanh Lương.
    62. Thiền sư Thanh Tủng ở Linh Ẩn Hàn Châu.

    Đời Thứ Mười Một Sau Lục Tổ.

    63. Thiền sư Nghĩa Thanh ở Đầu Tử.
    64. Thiền sư Thanh Phẩu ở Hưng Dương.
    65. Thiền sư Từ Minh Sở Viên ở Thạch Sương.
    66. Thiền sư Quảng Chiếu Huệ Giác ở núi Lang Nha.
    67. Thiền sư Nghĩa Hoài ở Thiên Y.
    68. Cư sĩ Tu Tuyển Tằng Hội.
    69. Thiền sư Ỷ Ngộ ở Pháp Xương.
    70. Thiền sư Phật Ấn hiệu Liễu Nguyên ở Vân Cư.
    71. Thiền sư Huệ Nhật Trí Giác ở chùa Vĩnh Minh Diên Thọ
    72. Thiền sư Chí Phùng ở chùa Hoa Nghiêm núi Ngũ Vân.
    73. Thiền sư Bổn Tiên ở chùa Đoan Lộc.

    Đời Thứ Mười Hai Sau Lục Tổ.

    74. Thiền sư Đạo Giai ở Phù Dung.
    75. Thiền sư Báo Ân ở núi Đại Hồng.
    76. Thiền sư Huệ Nam ở Hoàng Long khai Tổ hệ phái Hoàng Long.
    77. Thiền sư Phương Hội ở Dương Kỳ khai Tổ hệ phái Dương Kỳ.
    78. Thiền sư Tông Bổn hiệu Viên Chiếu ở Huệ Lâm.
    79. Thiền sư Pháp Tú hiệu Viên Thông ở chùa Pháp Vân.
    80. Thiền sư Duy Chánh ở viện Tịnh độ Hàn Châu.

    (Hai hệ phái này là chi nhánh Tông Lâm Tế)



  2. Chủ đề tương tự

    1. Thiền sư trung hoa (tập 1)
      Gửi bởi senvang trong mục THIỀN TÔNG
      Trả lời: 190
      Bài cuối: 07-08-2018, 05:51 PM
    2. Thể dạng trung gian giữa cái chết và sự sinh.
      Gửi bởi honglien trong mục MẬT TÔNG
      Trả lời: 0
      Bài cuối: 12-28-2015, 11:20 AM
  3. #2
    Avatar của senvang
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    473
    Thanks
    123
    Thanked 47 Times in 33 Posts
    Thiền sư Trung Hoa Tập 2
    LỜI NÓI ĐẦU
    __________________________________________________ ______________________________________


    LỜI NÓI ĐẦU


    Tập II Thiền sư Trung Hoa này, chúng tôi chú mục vào Ngũ gia Tông phái. Muốn độc giả thấy rõ sự kế thừa của năm Tông phái, chúng tôi soạn dịch những vị có trọng trách trong việc truyền bá sau này, với những vị tuy không quan trọng mà vẫn có mặt trong việc kế thừa của tông phái ấy. Còn lắm vị có nhiều đặc sắc, nhưng không phải nằm trong hai điều kiện trên chúng tôi lược bớt.

    Sử chư Thiền đức ở Trung hoa còn quá nhiều, song chúng tôi chỉ soạn dịch đến đây tạm ngưng. Thấy rằng độc giả cần tìm hiểu đạo lý thâm sâu và những gương cao đẹp, qua bấy nhiêu vị ấy cũng đã đủ lắm rồi. Nếu cố dịch nhiều thêm nữa, chỉ có thêm người thêm lời, chớ đạo lý cũng không có gì khác lạ. Cốt chúng ta lãnh hội được thâm lý qua lời nói hành động của các ngài, không phải cần đọc nhiều để thêm kiến giải.

    Sở nguyện chúng tôi soạn dịch các tập sử này nhằm vào những người đang tu thiền mà không biết nguồn gốc manh mối thiền thế nào, và những người ngưỡng mộ Thiền tông mà không đủ phương tiện tham khảo. Chớ chúng tôi không cung ứng theo xu hướng những người đọc sách thiền để tỏ ra mình là trí thức.

    Chúng tôi được biết hiện thời là phong trào giới trí thức trẻ tuổi tìm hiểu thiền. Bởi muốn tìm hiểu thiền nên quyển sách nào nói về thiền mà dễ hiểu thì độc giả đông nhất. Song những quyển sách chúng tôi soạn dịch đây thật là cô đọng khô khan, hẳn độc giả không hài lòng và sẽ ít người mó tới. Biết trước số phận của nó là thế, nhưng chúng tôi vẫn giữ nguyên lập trường cũ không đổi thay. Bởi vì Thiền là một phương pháp tu cao tột, những kẻ căn cơ chậm lụt, ý chí yếu kém khó mà tu nổi. Nên chi, chư Tổ dùng lời khó khăn để lọc lựa người.

    Chư Tổ đã biết chúng sanh có bệnh khinh thường, hèn nhát và dễ chán. Dù một vật quí vô giá mà trao cho họ một cách dễ dàng, họ sẽ khinh thường, đã khinh thường thì dễ quên mất. Cho nên các ngài khéo dùng những lời lẽ bí yếu, những hành động lạ thường, khiến người lãnh nhận những lời ấy phải chết sống với nó năm mười năm rồi sẽ ngộ. Một khi ngộ, suốt đời không lúc nào quên lãng. Đó là một đặc điểm trong Thiền tông.

    Thiền tông cốt dạy người làm Tổ làm Phật, chớ không phải chỉ dạy tu phước đức cõi người cõi Trời. Làm Tổ làm Phật đâu phải là việc dung dị. Cho nên, người bước vào cửa thiền phải là sư tử con phải gầm phải hét, không phải như những con nai tơ nhút nhát kia. Vì thế, một Thiền sinh khi ngộ đạo thường có những hành động xem như ngang ngược đối với bậc thầy. Nhưng với con mắt Thiền sư thấy thế rất hài lòng, biết đệ tử mình đã thoát khỏi vòng khuôn sáo, tập quán.



  4. #3
    Avatar của senvang
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    473
    Thanks
    123
    Thanked 47 Times in 33 Posts
    Thiền sư Trung Hoa Tập 2
    LỜI NÓI ĐẦU
    __________________________________________________ ______________________________________



    Con đường làm Tổ, làm Phật xa diệu vợi và đầy gian nguy, nếu con người dễ chán làm sao tiến đến mục đích cứu kính. Vì thế, cần có những con người sắt đá, dù thân nát mà chí không mòn, mới đủ tư cách đảm đang trọng trách này. Phải vượt khỏi đầu sào trăm trượng, phải buông tay đi trên vực thẳm đó là lời thường nhắc của các Thiền sư.

    Như thế, những câu nói điếc tai của các ngài không phải không chỗ nhằm. Nếu chúng ta cố giải thích cho nó dễ hiểu, đâu không phản bội lại các ngài. Nhiều vị Đại đức tăng hiện tại thường nói: “người tu thiền dễ rơi vào chấp không”. Câu nói này, đứng về phương diện cảnh tỉnh thì quí giá, đứng về phương diện chân thật thì sai lầm. Vì Thiền là phá chấp, còn chấp không làm sao gọi là hội thiền, đã không hội thì lấy gì mà tu. Như thế, nói người tu thiền chấp không thật không thể có.

    Tuy nhiên, vẫn có một số người không hội được thâm lý của thiền, chỉ nói thiền qua ngôn ngữ rồi sanh bệnh cố chấp. Như hiện tại có một số thanh niên trí thức đọc sách thiền thấy nói “không có thiện không có ác”, liền chấp rằng mọi hành động đều không. Họ không hiểu Thiền nói “không thiện không ác” là cố phá chấp có hai, tương đối. Bởi vì mầm gốc sanh tử luân hồi là tâm yêu ghét. Còn khen ngợi thiện là yêu thiện, còn mạt sát ác là ghét ác. Yêu ghét còn làm sao giải thoát sanh tử.

    Hơn nữa, yêu mà xa thì khổ, ghét mà gặp cũng khổ. Thế thì tu đến bao giờ mới hết khổ? Cho nên, khi nói không thiện không ác là lúc tâm đã bình đẳng như như. Tuy nói không thiện mà lúc nào cũng làm tất cả việc lành. Tuy nói không ác mà lúc nào cũng xa lìa tất cả tội lỗi. Đó là tư cách của người đạt được lý thiền. Khổ thay! hiện tại người ta không hiểu như thế, nói không thiện không ác để rồi ăn xổi ở thì, hay thậm tệ hơn là làm tất cả việc ác.

    Hoặc đọc sách thiền thấy các Thiền đức nói “đói thì ăn, mệt thì ngủ” họ mặc tình buông lung theo bản năng, ưng nói thì nói ưng làm thì làm, không cần biết phải quấy tốt xấu. Đó là hạng người sa đọa tột độ, mượn lời nói của thiền để nuôi dưỡng những tham vọng điên cuồng của họ. Khi các Thiền đức nói “đói thì ăn mệt thì ngủ” là tâm các ngài đã sạch vọng tưởng, mọi hành động đều hợp với đạo. Như nước đã lọc sạch rồi thì san sớt cách nào cũng là nước trong. Tâm đã thanh tịnh thì mọi hành động đều là diệu dụng.

    Thiền cốt dạy tu chớ không phải lý thuyết suông. Thế nên, các vị Thiền sư sau khi hội thiền, liền lên núi vào rừng ở năm năm mười năm có khi hai ba mươi năm. Do sự luyện lọc ấy mới gột sạch hết vọng tưởng, tâm thể như như, tự tại trong việc sanh tử. Cốt tủy của đạo Phật là giác ngộ nguồn gốc sanh tử và giải thoát chúng. Thiền sư đã thực hiện được điều đó trong đời sống hiện tại. Ưng sống các ngài sống, ưng chết các ngài chết. Đó là bằng chứng cụ thể nói lên sự trung thực của Thiền đối với đạo Phật.

    Thiền dạy người tu một cách thực tế, tìm lại “bản lai diện mục” của mình. Bởi quá thực tế nên người ta không hiểu nổi, con người là hướng ngoại, con người là cầu xin, con người là ỷ lại. Ở đây Thiền đập tan ba tánh ươn hèn ấy. Ba tánh ấy đã chôn vùi chúng ta từ vô lượng kiếp. Chúng ta phải cương quyết quả cảm đập nát chúng, để rồi chúng ta tìm lại cái mặt thật của chúng ta. Chúng ta là chủ nhân ông của chúng ta từ vô lượng kiếp. Chúng ta phải khôi phục lại quyền năng của ông chủ bản hữu nơi chính mình. Đó là chúng ta tu thiền.

    Tu thiền là vượt qua những thành quách tập quán, ngôn ngữ, văn tự. Bởi vì những cái ấy đều do vọng tưởng của người đặt ra. Còn mắc kẹt trong ấy là chúng ta còn làm tôi đòi của vọng tưởng, sẽ bị nó lôi chúng ta vào vòng sanh tử liên miên. Dù là những ngôn ngữ văn tự diễn đạt chân lý đi nữa, nó cũng chỉ là chân lý chết. Chúng ta phải sống với chân lý linh hoạt hiện hữu nơi chúng ta. Chân lý ấy không cho phép chúng ta mắc kẹt bất cứ cái gì bên ngoài, dù là tập quán của ngàn xưa. Còn mắc kẹt là còn chấp, còn chấp thì không đạt được chân lý viên mãn. Như còn mây che thì không thấy được ánh sáng toàn vẹn của mặt trăng, dù một áng mây mỏng ánh sáng cũng vẫn bị mờ.

    Đạo lý thiền là đạo lý tu chứng. Có tu chứng mới gọi là thiền, không tu chứng mà nói thiền, ấy gọi là “khẩu đầu thiền”, thiền ngoài môi. Tuy nhiên, tu chứng mà không có tướng tu chứng. Còn thấy có tướng tu chứng thì gọi là bệnh, chớ chẳng phải thiền. Có lắm người nghe nói tu thiền liền hỏi đã chứng gì chưa, thế là không hiểu gì về thiền. Người tu thiền mà khoe mình chứng quả này quả nọ, ấy là ma chớ không phải Thiền sư. Thiền sư là những người thâm trầm, tám gió thổi không lay, tự tại trước ngưỡng cửa sanh tử.

    Mong khi đọc những tập sử của chúng tôi soạn dịch, độc giả sẽ phát minh được “bản lai diện mục” của chính mình. Bằng chưa phát minh được, độc giả hãy bám vào một câu nào không hiểu để sống chết với nó, một ngày kia sẽ phát minh được.

    Kính ghi
    THÍCH THANH TỪ
    Tu viện CHÂN KHÔNG, Đầu mùa đông 1972


  5. #4
    Avatar của senvang
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    473
    Thanks
    123
    Thanked 47 Times in 33 Posts
    Thiền sư Trung Hoa Tập 2
    T.s Lương Giới
    __________________________________________________ ______________________________________



    ĐỜI THỨ NĂM SAU LỤC TỔ


    A.Phái Hành Tư.

    1. Thiền sư Lương Giới ở Động Sơn khai Tổ tông Tào Động.
    2. Thiền sư Tăng Mật.
    3. Thiền sư Khánh Chư ở Thạch Sương.
    4. Thiền sư Đại Đồng ở núi Đầu Tử.
    5. Thiền sư Thiện Hội ở Giáp Sơn.


    B.Phái Hoài Nhượng.

    6. Thiền sư Nghĩa Huyền ở Lâm Tế khai Tổ tông Lâm Tế.
    7. Thiền sư Trần Tôn Túc hiệu Đạo Minh.
    8. Thiền sư Huệ Tịch ở Ngưỡng Sơn -Tổ thứ hai tông Qui Ngưỡng.
    9. Thiền sư Trí Nhàn ở Hương Nghiêm.
    10. Thiền sư Thường Thông ở núi Tuyết Đậu.
    11. Ni Liễu Nhiên ở Mạt Sơn.
    12. Thiền sư Tuyên Giám ở Đức Sơn.



    -- oo 0 oo --

    1. THIỀN SƯ LƯƠNG GIỚI

    Động Sơn - Khai Tổ Tông Tào Động - (807-869)

    Sư họ Du quê ở Hội Kê. Thuở nhỏ theo thầy tụng kinh Bát-nhã đến câu "vô nhãn nhĩ tĩ thiệt thân ý", Sư chợt lấy tay rờ mặt hỏi thầy:

    - Con có mắt, tai, mũi, lưỡi cớ sao trong Kinh nói không? Ông thầy kinh lạ, bảo:

    - Ta chẳng phải thầy của ngươi.

    Ông giới thiệu Sư đến núi Ngũ Tiết làm lễ Thiền sư Linh Mặc xin xuất gia. Năm 21 tuổi, Sư đến Tung Sơn thọ giới cụ túc.

    *

    Sư du phương, trước yết kiến Nam Tuyền Phổ Nguyện. Gặp ngày kỵ trai Mã Tổ, Nam Tuyền hỏi chúng:

    - Cúng trai Mã Tổ, vậy Mã Tổ có đến hay chăng?

    Cả chúng đều không đáp được. Sư bước ra thưa:- Đợi có bạn liền đến.

    Nam Tuyền bảo:- Chú nhỏ này tuy là hậu sanh rất dễ giũa gọt.

    Sư thưa:- Hòa thượng chớ ếm kẻ lành thành đứa giặc.



  6. #5
    Avatar của senvang
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    473
    Thanks
    123
    Thanked 47 Times in 33 Posts
    Thiền sư Trung Hoa Tập 2
    T.s Lương Giới
    __________________________________________________ ______________________________________



    Kế đến tham vấn Qui Sơn Linh Hựu, Sư thưa:

    - Được nghe Quốc sư Huệ Trung nói "vô tình thuyết pháp", con chưa hiểu thấu chỗ vi diệu ấy?

    Qui Sơn bảo: - Ta trong ấy cũng có, chỉ là ít gặp được người kia.

    Sư thưa:- Con chưa hiểu, xin Thầy chỉ bày.

    Qui Sơn dựng đứng phất tử, hỏi:- Hội chăng?

    Sư thưa:- Chẳng hội, thỉnh Hòa thượng nói.

    Qui Sơn bảo: - Miệng do cha mẹ sanh, trọn không thể vì ngươi nói.

    Sư thưa:- Lại có người cùng Thầy đồng thời mộ đạo chăng?

    Qui Sơn bảo:

    - Ở Lễ Lăng tại huyện Du, trong các thất đá nối nhau, có Đạo nhân Vân Nham, nếu hay vạch cỏ xem gió, ắt vị ấy là người ngươi kính trọng.

    Sư bèn từ Qui Sơn thẳng đến Vân Nham.

    *

    Đến Vân Nham, Sư hỏi:- Vô tình thuyết pháp, người nào được nghe?

    Vân Nham bảo:- Vô tình thuyết pháp, vô tình được nghe.

    Sư hỏi:- Hòa thượng nghe chăng?

    Vân Nham bảo:- Ta nếu nghe, ngươi đâu thể được nghe ta thuyết pháp.

    Sư thưa:- Con vì sao chẳng nghe?

    Vân Nham dựng phất tử, hỏi:- Lại nghe chăng?

    Sư thưa:- Chẳng nghe.

    Vân Nham bảo:

    -Ta thuyết pháp mà ngươi còn chẳng nghe, huống là vô tình thuyết pháp?

    Sư hỏi:-Vô tình thuyết pháp gồm những Kinh điển gì?

    Vân Nham bảo:

    - Đâu không thấy kinh Di-đà nói: "nước, chim, cây rừng thảy đều niệm Phật niệm Pháp"?

    Ngay câu này Sư liền tỉnh ngộ, thuật bài kệ:

    Dã đại kỳ! Dã đại kỳ!

    Vô tình thuyết pháp bất tư nghì

    Nhược tương nhĩ thính chung nan hội

    Nhãn xứ văn thinh phương đắc tri.


    DỊCH:

    Cũng rất kỳ! Cũng rất kỳ!

    Vô tình nói pháp chẳng nghĩ nghì

    Nếu lấy tai nghe trọn khó hội

    Phải đem mắt nghe mới liễu tri.


    Sư thưa:- Con còn dư tập (thói quen) chưa hết.

    Vân Nham hỏi:- Ngươi từng làm gì?

    Sư thưa:- Thánh đế cũng chẳng làm.

    Vân Nham hỏi:- Được hoan hỉ chưa?

    Sư thưa:- Hoan hỉ thì chẳng không, như trong đống rác lượm được hòn ngọc sáng.


    Lần sửa cuối bởi senvang; 09-18-2016 lúc 04:42 PM

  7. #6
    Avatar của senvang
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    473
    Thanks
    123
    Thanked 47 Times in 33 Posts
    Thiền sư Trung Hoa Tập 2
    T.s Lương Giới
    __________________________________________________ ______________________________________



    Sư từ Vân Nham đi nơi khác. Vân Nham hỏi:- Đi nơi nào?

    Sư thưa:- Tuy lìa Hòa thượng mà chưa định chỗ ở?

    Văn Nham hỏi:- Phải đi Hồ Nam chăng?

    Sư thưa:- Không.

    Vân Nham hỏi:- Phải đi về quê chăng?

    Sư thưa:- Không.

    Vân Nham hỏi:- Bao lâu trở lại?

    Sư thưa:- Đợi Hòa thượng có chỗ ở thì trở lại.

    Vân Nham bảo:- Từ đây một phen đi khó được thấy nhau.

    Sư thưa:- Khó được chẳng thấy nhau.

    Sắp đi, Sư lại thưa:

    - Sau khi Hòa thượng trăm tuổi, chợt có người hỏi : tả được hình dáng của Thầy chăng? con phải đáp làm sao?

    Vân Nham lặng thinh hồi lâu, bảo: - Chỉ cái ấy.

    Sư trầm ngâm giây lâu. Vân Nham bảo:

    - Xà-lê Lương Giới thừa đương việc lớn phải xét kỹ.

    Sư vẫn còn hồ nghi.



  8. #7
    Avatar của senvang
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    473
    Thanks
    123
    Thanked 47 Times in 33 Posts
    Thiền sư Trung Hoa Tập 2
    T.s Lương Giới
    __________________________________________________ ______________________________________



    Sau, Sư nhân qua suối nhìn thấy bóng, đại ngộ ý chỉ trước, liền làm một bài kệ:

    Thiết kỵ tùng tha mịch

    Điều điều dữ ngã sơ

    Ngã kim độc tự vãng

    Xứ xứ đắc phùng cừ.

    Cừ kim chánh thị ngã

    Ngã kim bất thị cừ

    Ưng tu nhậm ma hội

    Phương đắc khế như như.


    DỊCH:

    Rất kỵ tìm nơi khác

    Xa xôi bỏ lảng ta,

    Ta nay riêng tự đến

    Chỗ chỗ đều gặp va.

    Và nay chính là ta

    Ta nay chẳng phải va

    Phải nên như thế hội

    Mới mong hợp như như.


    Sư đến Phần Đàm yết kiến Thủ tọa Sơ. Thủ tọa dạy chúng có câu:

    Dã đại kỳ! Dã đại kỳ!

    Phật giới, đạo giới bất tư nghì.


    DỊCH :

    Cũng rất kỳ! Cũng rất kỳ!

    Phật giới, đạo giới chẳng nghĩ nghì.


    Sư hỏi:

    - Phật giới, đạo giới chẳng hỏi, người nói Phật giới đạo giới là gì ? Chỉ xin nói một câu?

    Thủ tọa làm thinh không đáp. Sư giục:- Sao chẳng nói mau?

    Thủ tọa bảo:- Nói chẳng được.

    Sư thưa:- Nói cũng chưa từng nói, cái gì mà nói chẳng được?

    Thủ tọa cũng không đáp. Sư thưa:- Phật với đạo chỉ là danh tự, sao chẳng dẫn Kinh ?.

    Thủ tọa hỏi:- Kinh nói thế nào?

    Sư thưa:- Được ý quên lời (đắc ý vong ngôn).

    Thủ tọa bảo:- Vẫn còn đem ý Kinh đến đầu tâm làm thành bệnh.

    Sư thưa:-Nói Phật giới, đạo giới bệnh lớn nhỏ?

    Thủ tọa không đáp được, sáng hôm sau tịch. Thời nhân gọi Sư là hỏi chết Thủ tọa.

    -------------

    Xem thêm :
    http://www.phatphapthuchanh.com/show...ll=1#post13852



  9. #8
    Avatar của senvang
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    473
    Thanks
    123
    Thanked 47 Times in 33 Posts
    Thiền sư Trung Hoa Tập 2
    T.s Lương Giới
    __________________________________________________ ______________________________________



    Đến cuối niên hiệu Đại Trung đời Đường (khoảng 840), Sư trụ núi Tân Phong tiếp dẫn học chúng, về sau giáo hóa thạnh hành ở Động Sơn thuộc Dự Chương Cao An.

    Một hôm, nhân ngày thiết trai cúng kỵ Vân Nham, có vị Tăng hỏi:

    - Hòa thượng ở chỗ Tiên sư được chỉ dạy gì?

    Sư đáp:- Tuy ở trong ấy mà chẳng nhờ Tiên sư chỉ dạy.

    Tăng hỏi:- Đã chẳng nhờ chỉ dạy, lại thiết trai cúng dường làm gì?

    Sư bảo:- Tuy nhiên như thế, đâu dám trái lại Tiên sư.

    Tăng hỏi:

    - Hòa thượng trước yết kiến Nam Tuyền tìm được manh mối, vì sao lại thiết trai cúng dường Vân Nham?

    Sư bảo:

    - Ta chẳng trọng Tiên sư đạo đức, cũng chẳng vì Phật pháp, chỉ trọng chẳng vì ta nói phá.

    Sau, Sư quyền khai Ngũ vị để giáo hóa học đồ. Ngũ vị là: 1) Chánh trung thiên. 2) Thiên trung chánh. 3) Chánh trung lai. 4) Thiên trung chí. 5) Kiêm trung đáo. Có bài tụng ngũ vị:

    Chánh trung thiên

    Tam canh sơ dạ nguyệt minh tiền

    Mạc quái tương phùng bất tương thức

    Ẩn ẩn du hoài cựu nhựt hiềm.

    Thiên trung chánh

    Thất hiểu lão bà phùng cổ cảnh

    Phân minh địch diện biệt vô chân

    Hưu cánh mê đầu du nhận ảnh.

    Chánh trung lai

    Vô trung hữu lộ cách trần ai

    Đản năng bất xúc đương kim húy

    Dã thắng tiền triều đoạn thiệt tài.

    Thiên trung chí

    Lưỡng nhẫn giao phong bất tu tị

    Hảo thủ du như hỏa lý liên

    Uyển nhiên tự hữu xung thiên chí

    Kiêm trung đáo

    Bất lạc hữu vô thùy cảm hòa

    Nhân nhân tận dục xuất thường lưu

    Chiết hiệp hoàn qui khôi lý tọa.



  10. #9
    Avatar của senvang
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    473
    Thanks
    123
    Thanked 47 Times in 33 Posts
    Thiền sư Trung Hoa Tập 2
    T.s Lương Giới
    __________________________________________________ ______________________________________



    DỊCH:

    Chánh trung thiên

    Đêm tối canh ba trăng rọi hiên

    Lạ chi cùng gặp chẳng cùng biết

    Ẩn ẩn vẫn còn ôm hận phiền.

    Thiên trung chánh

    Mất sáng lão bà tìm cổ kính

    Rõ ràng đối diện đâu riêng chân

    Thôi chớ quên đầu theo nhận bóng.

    Chánh trung lai

    Đường cái trong không cách trần ai (bụi bặm)

    Chỉ hay chẳng chạm ngày nay kỵ

    Đã thăng tiền triều cắt lưỡi tài.

    Thiên trung chí

    Hai kiếm đua nhau cần gì tránh

    Tay khéo vẫn như lò lửa sen

    Nguyên vẹn nơi mình xung thiên chí

    Kiêm trung đáo

    Chẳng rơi không, có ai dám hòa

    Người người trọn muốn vượt dòng thường

    Tan hiệp trở về ngồi trong tro.

    [Đại ý Ngũ vị: Chánh là chỉ cho Thể, Không, Lý. Thiên là chỉ cho Dụng, Sắc, Sự.]



  11. #10
    Avatar của senvang
    Tham gia ngày
    Jul 2015
    Bài gửi
    473
    Thanks
    123
    Thanked 47 Times in 33 Posts
    Thiền sư Trung Hoa Tập 2
    T.s Lương Giới
    __________________________________________________ ______________________________________



    Chánh trung thiên: Chánh vị thể có đủ thiên vị dụng sự tướng. Cái hay đủ là thể, cái bị đủ là dụng. Cho nên lấy cái thể hay đủ định làm quân vị (vị vua). Trong ngũ vị quân thần nó thuộc về vị quân. Người tu mới nhận được dụng đủ nơi thể, sự trong lý, là vị tu hành hữu vi. Về ngũ vị công huân nó thuộc vị thứ nhất. Phối hợp vị thứ của Đại thừa thì cùng vị Tam hiền trước thập địa tương đương.

    Thiên trung chánh: Thiên vị dụng có đủ chánh vị thể. Nhân cái dụng hay đủ, định là Thần vị (vị tôi). Trong ngũ vị quân thần nó thuộc về thần vị. Trên phương diện tu hành mà luận, người tu nhận được lý đủ nơi sự, thể sẵn trong dụng, là vị liễu đạt được lý các pháp đều không, chỉ một chân như bình đẳng. Đứng về mặt Đại thừa là kiến đạo.

    Chánh trung lai: Các pháp hữu vi như lý tùy duyên, như tánh duyên khởi. Là vị quân thị thần (vua xem tôi) vậy. Người tu nơi đây như lý tu sự, như tánh khởi hành, cùng với pháp thân Bồ-tát từ sơ địa đến thất địa tu hành còn dụng công, tương đương.

    Thiên trung chí: Sự dụng toàn hợp nơi thể, trở về vô vi. Tức là vị thần hướng quân (tôi nhằm vào vua). Người tu đến đây trọn ngày tu mà lìa niệm tu, trọn đêm dụng mà chẳng thấy dụng công. Là tương đương với hàng Bồ-tát từ bát địa đến thập địa, trong vị tu đạo vô công dụng.

    Kiêm Trung đáo: - Thể dụng đồng đến, sự lý cùng hành. Tức là vị quân thần hiệp (vua tôi hiệp) vậy. Là Phật quả tột cùng tối thượng.

    Theo Tào Sơn giải: Chánh vị tức là không giới xưa nay không vật. Thiên vị là sắc giới có muôn hình tượng. Chánh Trung thiên, bỏ lý theo sự. Thiên Trung chánh, bỏ sự về lý. Kiêm đới, thần ứng hợp các duyên, không rơi vào các cõi, chẳng phải nhiễm, tịnh, chánh, thiên. Cho nên nói: Đại đạo hư huyền, chân tông vô trước. (Tào Sơn ngũ vị Quân Thần chỉ quyết)



Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •