Truyền Đăng Lục 7
T.s Duy Khoan
__________________________________________________ _____________________________________



Năm Nguyên Hòa thứ tư 809, vua Hiến Tông ban chiếu mời Sư đến cửa khuyết. Bạch Cư Dị thường đến thăm hỏi Sư. Bạch Cư Dị hỏi:

- Đã là thiền sư sao lại thuyết pháp?

Sư đáp:

- Vô thượng bồ đề trùm nơi thân là luật, nói ra miệng là pháp, hành nơi tâm là thiền. Ứng dụng thì có ba, tột cùng chúng chỉ là một. Ví như các sông Trường Giang, Hoàng Hà, sông Hoài, sông Hán tùy chỗ đặt tên, tên tuy không phải một mà tánh nước không hai. Luật tức là pháp, pháp chẳng lìa thiền, sao ở trong “cái một” mà vọng sanh phân biệt?

Lại hỏi:

- Đã không phân biệt làm sao tu tâm?

Sư đáp:

- Tâm vốn không tổn thương, tại sao phải tu sửa? Bất luận dơ hay sạch, tất cả đừng khởi niệm.

Lại hỏi:

- Dơ thì không nên niệm, sạch không niệm được sao?

Sư đáp:

- Như trên con ngươi mắt người, không được dính một vật gì. Mạt vàng tuy quý báu, dính mắt cũng thành bệnh.

Lại hỏi:

- Không tu không niệm thì đâu khác phàm phu?

Sư đáp:

- Phàm phu thì vô minh, nhị thừa thì chấp trước, lìa hai bệnh đó gọi là chơn tu. Chơn tu đó, không được chăm chú, không được quên lãng; chăm chú thì gần như chấp trước, quên lãng thì rơi vào vô minh. Đó là tâm yếu, thế thôi.