32. THIỀN SƯ Nguyện Học (1)(?- 1181)
Chùa Quảng báo, làng Chân hộ, Như nguyệt, người Phù cẩm, họ Nguyễn. Thuở nhỏ Sư thọ pháp với Viên Trí chùa Mật nghiêm. Khi được yếu chỉ, trước tiên Sư đến ẩn ở núi Vệ linh, chuyên tu phạm hạnh trải 12 năm. Mỗi khi nhập thiền quán đến 3 ngày mới dậy. Sư thường trì Hương hải đại bi đà la ni, nên việc cầu mưa, trị bệnh, không việc gì là không hiệu nghiệm tức khắc.
Vua Lý Anh Tôn, thấy các điều thần hiệu của Sư, ban chiếu cho vào ra cung cấm, để dùng chú chữa bệnh.
Sau Sư cáo lão về trụ trì chùa Quảng Báo. Môn đồ không dưới 100 người. Đến ngày 11 tháng 6 năm Thiên Cảm Chí Bảo thứ 2 (1175), lúc sắp thị tịch Sư gọi chúng đến dạy:
Đạo không hình tượng
Trước mắt chẳng xa,
Xoay lại tìm kiếm,
Chớ cầu người ta
Dẫu cho cầu được (2)
Được chẳng thật đâu,
Ví có được thật
Thật đó vật nào?
Vì thế chư Phật ba đời
Lịch đại sư tổ
Ấn thọ tâm truyền
Cũng nói thế cả. (*)
Hãy nghe ta nói kệ:
"Rõ hiểu thân, tâm mắt tuệ khơi
Linh thông biến hoá, hiện thật tướng
Ngồi, nằm, đi, đứng riêng siêu nhiên
Ứng hiện hoá thân chẳng thể lượng.
Hư không đầy dẫy tuy lấp khắp,
Xem qua chẳng thấy như có bóng
Thế gian không vật hay kịp sánh
Mãi hiện ảnh thiêng sáng rạch ròi
Thời thường dạy dỗ bất tư nghị
Không được một câu đáng làm lời"(3)(**)
Nói kệ xong, Sư ngồi kiết già mà mất.
__________________
Chú thích :
(1)
An nam chí nguyên 3 tờ 210 viết: "Thiền sư Nguyện Học là sư châu Vũ ninh. Trong lúc tập thiền định, thân như cây khô, vật và ta đều quên, cho nên chim bay đến châu, thú rừng lẩn quẩn, nhất loạt như vật nuôi trong nhà. Tùy Cao Tổ sai sứ xây tháp cúng dường". Nhưng rõ ràng đấy là văn cú lấy trong truyện Pháp Hiền. Đạo giáo nguyên lưu quyển thượng tờ16b1 cũng chép Pháp Hiền như thế. Nhưng trước Pháp Hiền nó ghi lại ở tờ 16a12 những mô tả về Nguyện Học và viết: "Thiền sư Nguyện Học là Sư
châu Vũ ninh, siêng tu phạm hạnh, mỗi khi vào thiền quán, nhiều ngày mới đứng dậy, đến chết thì ngồi kiết già mà mất". Do thế, những gì viết về Nguyện Học của bản in An nam chí nguyên ngày nay là lấy từ Pháp Hiền, do việc chép nhảy hàng gây ra, bởi vì cả Học lẫn Hiền đều nói là "sư châu Vũ ninh", nên sau những chữ ấy, đúng ra người viết phải chép tiếp những mô tả về Học, nhưng đã nhảy hàng và chép thay vào, những mô tả về Pháp Hiền.
(2)
Ý lấy từ Bài kệ thị chúng của Huệ Tư :
Đạo nguyên bất viễn
Tánh hải phi diêu
Đản hướng kỷ cầu
Mạc tùng tha mích
Mích tức bất đắc
Đắc diệt phi chân.
(Nguồn đạo không ngại
Bể tính chẳng xa
Chỉ nhắm mình tìm
Chớ tìm ở người
Tìm tức không được
Được cũng chẳng chân)
(3)
Thiền sư Huệ Tư. Kệ viết:
Đốn ngộ tâm nguyên khai bảo tạng
Án hiện linh thông hiện chư tướng
Độc hành độc toạ thường nguy nguy
Bách ức hoá thân vô số lượng
Tung hiệp bức tắc mãn hư không
Khán thời bất biến vi trần tướng
Khả tiêu vật hề vô tỷ huống
Khấu thể minh châu quang hoảng hoảng
Tầm thường kiến thuyết bất tư nghì
Nhất ngữ tiêu danh ngôn hạ đáng.
------------------
Chú thích của hungcom :
(*)
道無影像,
觸目非遙。
自反推求,
莫求他得。
縱饒求得,
得即不真。
設使得真,
真是何物?
Đạo vô ảnh tượng,
Xúc mục phi dao.
Tự phản suy cầu,
Mạc cầu tha đắc.
Túng nhiêu cầu đắc,
Đắc tức bất chân.
Thiết sử đắc chân,
Chân thị hà vật ?
(**)
了悟身心開慧眼,
變化靈通現實相。
行住坐臥獨卓然,
應現化身不可量。
雖然充塞遍虛空,
歡來不見如有相。
世間無物可比況,
長現靈光明朗朗。
嘗時演說不思議,
無得一言以為當。
Liễu ngộ thân tâm khai tuệ nhãn,
Biến hoá linh thông hiện thực tướng.
Hành, trụ, toạ, ngoạ độc trác nhiên,
Ứng hiện hoá thân bất khả lượng.
Tuy nhiên sung tắc biến hư không,
Hoan lai bất kiến như hữu tướng.
Thế gian vô vật khả tỷ huống,
Trường hiện linh quang minh lãng lãng.
Thường thời diễn thuyết bất tư nghị,
Vô đắc nhất ngôn dĩ vi đáng.