24. THIỀN SƯ Tín Học (? - 1200)
Chùa Quán đỉnh, núi Không Lộ. Người châu Minh, phủ Thiên đức, họ Tô. Đời đời chuyên nghề khắc kinh. Nhỏ thờ Thanh giới, không giao du bừa bãi.
Năm 32 tuổi, theo Du thiền sư đến núi Tiên du, thế phát với Đạo Huệ. ở hầu hạ ba năm. Sư sâu hiểu tôn chỉ, nhân đó một mình chống gậy du phương, đến ở chùa Quán đỉnh.
Có lần ở trước tượng Phật, Sư đốt ngón tay và phát nguyện rộng lớn rằng: "Trần lao nhiều kiếp, dứt không vướng lại". Sư chuyên tu pháp Tam quán trong kinh Viên giác. Mỗi ngày chỉ ăn một bữa, hình dung khô gầy. Nhiều năm như thế, hoàn toàn không có vẻ gì chán nản, nên sau đạt phép Tam quán chính thọ (1).
Công khanh sĩ thứ, rất ngưỡng mộ phong thái cao nhã của Sư, đua nhau theo hầu. Sư thường dạy:
Có lợi tất có nhiễm
Có nhiễm tất có lợi
Có lợi có nhiễm
Bồ tát không làm
Không lợi không nhiễm
Bồ tát mới làm.
Ngày 9 tháng giêng năm Canh thân (2), Thiên Tư Gia Thụy thứ 15 (1200), Sư cáo bệnh, gọi chúng đến đọc bài kệ :
"Núi rừng cọp beo
Vằn vện lẫn lộn
Nếu muốn phân biệt
Con kêu mẹ mổ" (3)(*)
Nói xong Sư tịch.
__________________
Chú thích :
(1)
Chính thọ là một dịch nghĩa của chữ Tam muội (samàdhì). Quán kinh huyền nghĩa phần nói:
"Gọi là Chính thọ, khi tưởng và tâm đều dứt, duyên và lự đều quên, tương ứng với Tam muội, thì gọi là Chính thọ".
(2)
Nguyên văn: Thiên Tư Gia Thụy ngũ niên Canh thân. Nhưng cứ Đại Việt sử lược 3 và Toàn thư B4 thì Thiên Tư Gia Thụy thứ 5 tất phải nhằm năm Canh tuất, chứ không phải năm Canh thân. Nếu là năm Canh thân, thì nó phải là năm Thiên Tư Gia Thụy thứ 15 (1200). Ở đây, chúng tôi nghĩ rằng vì chữ tuất khó viết lộn thành chữ thân nên cho rằng nguyên văn có lẽ thiếu chữ thập trước chữ ngũ, nên đềnghị đọc lại thành Thiên Tư Gia Thụy thập ngũ niên, và dịch theo đó.
(3)
Nguyên văn: Tử tối mẫu trác. Đại sư Hương Nghiêm tập Đăng. Trí Nhàn tụng, "Độc cước":
Tử tối mẫu trúc
Tử giác vô xác.
----------------------
Chú thích của hungcom :
(*)
Sơn lâm hổ báo,
Hoành văn ban bác.
Nhược dục phân biệt,
Tử thốt mẫu trác.
"Con kêu mẹ mổ" nguyên văn là "Tử thốt mẫu trác" :
Khi gà con "khẻ mỏ", nó mổ vào vỏ trứng và cất tiếng kêu đầu đời "chíp, chíp !" thì gà mẹ mổ vỏ trứng giúp cho con sớm ra chào đời.
Cụm từ này ẫn dụ :
Khi hành giả đã công phu đến giai đoạn "chín" (thục) thì Bậc Giác Ngộ như Mẹ Hiền giúp vào một chút để cho hành giả chứng ngộ Chân lý. Sự thành tựu, nở hoa của một Chân Phật tử, là sự tương thông của Bậc Giác và đệ tử _ Tha Lực _ chứ không phải hoàn toàn do tự lực.
Y pháp bất y nhân, Y nghĩa bất y ngữ, Y Trí bất y Thức,
Y liễu nghĩa Kinh, bất y vị liễu nghĩa Kinh.
25. THIỀN SƯ Tịnh Không (1091 - 1170)
Chùa Khai quốc, phủ Thiên đức. Vốn người Phúc xuyên(1), họ Ngô. Ban đầu xuất gia và thọ giới Cụ túc ở viện Sùng phúc tại Châu Minh.
Năm 30 tuổi, Sư đi hành cước phương Nam(*), đến chùa Khai quốc. Trải 5, 6 năm, tu hạnh đầu đà, mỗi ngày chỉ dùng một hạt gạo, hạt mè, ngồi hoài không ngủ, mỗi lần nhập định, thường trải nhiều ngày mới dậy. Đàn tín bốn phương đến cúng, chất cao như núi. Hoặc có kẻ đến rình ăn trộm, Sư tất bảo lấy những vật Sư hiện có.
Bấy giờ Nam Khương công chúa, ý muốn xuất trần, riêng đến xin Sư thụ giới. Sư bằng lòng thế độ. Triều đình hay được, xuống chiếu bắt Sư. Khi Sư tới khuyết, thần sắc thản nhiên, vua càng thêm kính, phong làm thạc đức danh tăng. Sư cố từ không được. Một hôm Sư thượng đường, có một vị Tăng cầm gậy đến hỏi: "Thế nào là Pháp thân?".
Sư đáp: "Pháp thân vốn vô hình?"
Lại hỏi: "Thế nào là Pháp nhãn?".
Sư đáp: "Pháp nhãn vốn không mờ". Rồi tiếp: "Trước mắt không pháp, ý ở trước mắt. Pháp chẳng là chỗ của tai mắt".
Vị tăng bật cười ha hả. Sư hỏi: "Cười điều chi?"
Vị Tăng đáp: "Hoà thượng là bậc xuất thế số một, nhưng chưa có tôn chỉ, phải đến tham vấn Đạo Huệ mới được!"
Sư hỏi: "Đến hỏi thầy kia thì được việc gì?"
Vị Tăng bảo: "Trên không ngói lợp; dưới không cắm dùi".
Sư bèn thay áo, thẳng đến Đạo Huệ ở núi Tiên Du(2).
Huệ nói: "- đây không phải không có tôn chỉ, nhưng thầy quyết chắc bằng cách nào?."Sư ngẫm nghĩ.
Huệ hét: "Ngay mặt quá đà rồi !"
Sư lãnh hội yếu chỉ, nhân đó ở lại nâng khăn, xách guốc cho Đạo Huệ 3 năm. Sau Sư trở về chùa cũ, thâu nhận đồ chúng. Một hôm Sư hội họp đồ chúng nói kệ:
"Trên không mảnh ngói lợp
Dưới không chỗ cắm dùi. (3)
Hoặc đổi áo thẳng đến
Hoặc xách trượng ra đi.
Động chuyển chuyển nhằm chỗ
Tợ rồng nhảy đớp mồi". (**)
Vị Tăng hỏi: "Từ trước "trực chỉ" là nói cái gì?"(4)
Sư đáp: "Ngày ngày đi gặt lúa
Giờ giờ kho lẫm không" (***)
Tăng thưa: "Con chẳng hiểu"
Sư dạy: "Trời trăng luôn sáng,
Mây nổi khuất che". (****)
Rồi sư đọc kệ:
Người trí không ngộ đạo
Ngộ đạo tức kẻ đần
Nằm dài chân khách duỗi
Sao biết ngụy cùng chân"(5)(*****)
Lại hỏi: "Thế nào là Phật?"
Sư đáp: "Nhật nguyệt sáng ngời muôn vạn cõi
Ai hay mây móc phủ non sông". (V*)
Sư đáp: "Mục đồng chỉ giỏi cưỡi lưng trâu
Sĩ có anh hùng vượt được y" (V**)
Lại hỏi: "Ý Tổ và ý Kinh giống hay khác?"
Sư đáp: "Muôn dặm thuyền tàu, đều chầu cửa khuyết".
Lại hỏi: "Hoà thượng có việc kỳ đặc, sao không nói cho học nhân biết?"
Sư đáp: "Ông thổi lửa, tôi vo gạo, ông khất thực, tôi cầm bát, ai phụ ông đâu?" (6)(V***)Vị Tăng liền tỏ ngộ.
Vào một ngày tháng nào đó của năm Chính Long Bảo Ứng thứ 8 (1170), khi sắp thị tịch, Sư từ giã chúng, dặn dò: "Các con hãy khéo giữ mình như khi ta còn sống, chớ có đắm trước mà sinh ra quyến luyến buồn rầu".(7)
Nửa đêm hôm ấy, Sư ngồi kiết già mà tịch, thọ trên 80 tuổi.* (Cơ duyên thoại ngữ của truyện này cùng với chuyện của Hoà thượng Giáp Sơn trong Truyền đăng(8)rất hợp, song xét Liệt tổ yếu ngữ(9) của Huệ Nhật thì đều đã chép đủ, không dám cải chính)
_________________
Chú thích :
(1)
Phúc Xuyên, Đại Việt lịch triều đăng khoa lục 2 có ghi một làng tên Phúc Xuyên, quê hương của Phan Nhuệ, tiến sĩ khoa 1748, nhưng lại ghi làng Phúc xuyên ở hạt Tiên phong. Song Tiên phong là tên một huyện ở Sơn tây. Điều chắc chắn là nó phải nằm ở phía bắc phủ Thiên đức, bởi vì trước khi đến ở tại chùa Khai quốc phủ Thiên đức, Tịnh Không đã phải "hành cước Nam phương".
Bây giờ, truyện của Không cũng nói rằng Không "ban đầu xuất gia ở viện Sùng phúc châu Minh, nếu viện Sùng phúc ở đây là chùa Sùng phúc dựng tại làng Siêu loại vào năm 1115, mà Đại Việt sử lược 2 tờ 21a2-3 ghi lại, thì làng Siêu loại như vậy thuộc vào Phúc xuyên. Và Phúc xuyên tên một châu đời Lý mà địa phận có thể gồm huyện Siêu loại, tức huyện Thuận thành tỉnh Hà bắc ngày nay, với một số huyện khác chưa thể xác định được. Có lẽ Sùng phúc nguyên trước là một viện nhỏ. Đến năm 1115 nó được Linh Nhân thái hậu xây dựng lại và đổi thành chùa. Chắc vào năm này Không đã rời Sùng Phúc để hành cước xuống chùa Khai quốc ở phía Nam, bởi vì ta biết Không mất vào năm 1170, lúc ông hơn 80 tuổi, mà ông bắt đầu hành cước lúc ông 30 tuổi.
(2)
Thiền sư Giáp Sơn Thiện Hội: "Một hôm Đạo Ngô cầm gậy đến gặp Sư thượng đường, Tăng hỏi: "Như hà thị Pháp thân?", Sư viết:
"Pháp thân vô tướng". Viết: "Như hà thị Pháp nhãn?". Sư viết: "Pháp nhãn vô hà". Sư hựu viết: "Mục tiền vô pháp, ý tại mục tiền. Bất thị mục tiền pháp, phi nhĩ mục sở đáo". Đạo Ngô nãi tiếu. Sư nãi sinh nghi, vấn Ngô: "Hà tiếu?". Ngô viết: "Hoà thượng nhất đẳng xuất thế, vị hữu sư, khả vãng Chế trung, Hoa đình huyện, tham Thuyền Tử Hoà thượng khứ". Sư viết: "Phỏng đắc hoạch phủ?". Đạo Ngô viết: "Bỉ Sư, thượng vô phiến ngõa già đầu, hạ vô trác chùy chi địa". Sư toại dịch phục trực nghệ Hoa đình....
(3)
Giáp Sơn Thiện Hội. Đạo Ngô viết: "Bỉ sư thượng vô phiến ngõa già đầu, hạ vô trác chùy chi địa".
(4)
Tùng thượng trực chỉ, vi thập ma thuyết? Giáp Sơn Thiện Hội tăng vấn: "Tùng thượng lập Tổ ý, Giáo ý, Hoà thượng thử gian vi thập ma ngôn vô?" Sư viết: "Tam niên bất thực phạn, mục tiền vô cơ nhân".
(5)
Nguyên văn:
Trí nhân vô ngộ đạo
Ngộ đạo tức ngu nhân
Thân cước cao ngọa khách,
Hề thức ngụy kiêm chân.
So sánh Giáp Sơn Thiện Hội : Sư có bài tụng:
Minh minh vô ngộ pháp
Ngộ pháp khước mê nhân
Trường thư lưỡng cước thụy
Vô ngụy diệc vô chân
(6)
Thiền sư Giáp Sơn Thiện Hội: Một tiểu sư hầu hạ lâu năm, sau đó bỏ đi tham phương nhưng không có chỗ dụng tâm. Tiểu sư nghe đồn mọi người đang đổ xô về Thiện Hội học thiền, bèn trở về nói với Thiện Hội: "Hoà thượng có sự kỳ đặc như vậy, sao không sớm nói cho con biết?". Sư đáp: "Ông nấu cơm, tôi thổi lửa, ông khất thực, tôi cầm bát, thì chỗ nào là chỗ cô phụ ông?". Vị tiểu do đó mà ngộ nhập.
(7)
Giáp Sơn Thiện Hội: "Ngày 7 tháng 11 năm Tân sửu Đường Trung Hoà thứ nhất (881), Sư mời chủ sự tới nói: "Ta cùng với chúng tăng nói đạo nhiều năm, ý chỉ sâu sắc của Phật pháp, mỗi một người phải tự biết lấy, ta nay thân huyễn hết, thời tức phải đi. Các ngươi nên khéo giữ gìn, như khi ta còn sống, chớ có ùa theo người đời mà sinh ra buồn bã. Nói xong, đên nửa đêm Sư lặng lẽ mất".
(8)
Tức truyện của Hoà thượng (mà Nguyên văn ở đây viết là hòa cái) Thiện Hội ở Giáp sơn, Phong châu, Hội họ Liêu, người Kiến đình, Quảng châu, đệ tử của Đức Thành. Hội sinh năm 805 và mất năm 881 thọ77 tuổi. Với những dẫn chứng trên, rõ ràng cơ duyên thoại ngữ, tức những đối thoại giữa hai thầy trò Thiền sư nhằm tạo một cơ duyên cho sự giác ngộ, cho đến câu nói cuối cùng trước khi mất của Tịnh Không đều phần lớn lấy ra từ truyện của Thiện Hội.
(9)
Liệt tổ yếu ngữ của Huệ Nhật, Thiền uyển tập anh dẫn hai lần, một ở đây và một ở truyện Nguyện Học. Cứ vào hai dẫn chứng này thì có thể nói đa số, nếu không tất cả những cơ duyên thoại ngữ của Thiền uyển tập anh đều lấy ra từ Liệt tổ yếu ngữ. Bởi vì ngay cả trong cả hai trường hợp dẫn đây, mặc dù cơ duyên thoại ngữ của Tịnh Không cũng như của Nguyện Học hầu như hoàn toàn đồng nhất với cơ duyên thoại ngữ của Giáp Sơn Thiện Hội và Huệ Tư trong Truyền đăng lục, tác giả vẫn không thể loại bỏ, với lý do là: "chúng đã chép đủ trong Liệt tổ yếu ngữ của Huệ Nhật". Huệ Nhật này là ai và sống vào khoảng nào, ngày nay ta hiện chưa biết. Về nội dung của Liệt tổ yếu ngữ , ta đã biết một phần nào.
------------------
Chú thích của hungcom :
(*)
"Hành cước Nam phương"
Bản khác ghi :
Tịnh Không thiền sư 凈空禪師 (1091-1170) họ Ngô 吳, người huyện Phúc Châu, Trung Quốc, thuộc thế hệ thứ 10 dòng thiền Vô Ngôn Thông. Năm 30 tuổi sang nước ta, tu ở chùa Khai Quốc, phủ Thiên Đức.
(**)
上無片瓦遮,
下無卓錐地。
或易服直詣,
或策杖而至。
動轉觸處間,
似龍躍吞餌。
Thượng vô phiến ngoã già,
Hạ vô trác chuỳ địa.
Hoặc dịch phục trực nghệ,
Hoặc sách trượng nhi chí.
Động chuyển xúc xứ gian,
Tự long dược thôn nhị.
(***)
日日去獲禾,
時時空倉廩。
Nhật nhật khứ hoạch hoà,
Thời thời không thương lẫm.
(****)
日月長明,
浮雲蓋蔭。
Nhật nguyệt trường minh,
Phù vân cái ấm.
(*****)
智人無悟道,
悟道即愚人。
伸腳高臥客,
奚識偽兼真。
Trí nhân vô ngộ đạo,
Ngộ đạo tức ngu nhân.
Thân cước cao ngoạ khách,
Hề thức nguỵ kiêm chân.
(V*)
日月麗天含憶剎,
誰知雲霧落山河。
Nhật nguyệt lệ thiên hàm ức sát,
Thuỳ tri vân vụ lạc sơn hà.
(V**)
牧童祗慣臥牛背,
土有英雄跨得伊。
Mục đồng chi quán ngoạ ngưu bối,
Thổ hữu anh hùng khoá đắc y.
(V***)
汝吹火,我著米;汝乞食,我取缽, 誰辜負汝
Nhữ xuy hoả, ngã trước mễ; nhữ khất thực, ngã thủ bát. Thuỳ cô phụ nhữ?
Y pháp bất y nhân, Y nghĩa bất y ngữ, Y Trí bất y Thức,
Y liễu nghĩa Kinh, bất y vị liễu nghĩa Kinh.
26. THIỀN SƯ Đại Xả (1120 - 1180)
Chùa Báo đức, núi Vũ Ninh, người phường Đông tác họ Hứa. Nhỏ xuất gia theo Đạo Huệ, núi Tiên du, tập tành Thiền học, biết sơ nét chính của nó. Sư thường ngồi trì tụng thần chú Diệu môn Phổ Hiền trong kinh Hoa nghiêm (1) làm công việc hàng ngày. Có lúc Sư xỏa tóc, bỏ ăn, cư trú không nơi nhất định. Các Vương công đua nhau đến hầu hạ Sư.
Kiến Ninh Vương và Thiên Cực công chúa cũng hết lòng tôn kính. Sư thường ở Hổ nham tại Tuyên minh, lập chùa giáo hóa, học trò đến học rất đông. Có vị Sư nước Tống hiệu Nham ông, nghe tiếng cảm mộ, bèn đốt một ngón tay để cúng dường. Người ta nghi Sư có yêu thuật, nên trong khoảng Thiên Cảm Chí Bảo (1174 - 1175), Thái uý Đỗ Anh Vũ ra lệnh bắt vào trong cấm, hết lời nghiêm trách.
Sư vẫn không có vẻ gì là sợ hãi. Thiên Cực tâu xin thả ra, nên Sư được khỏi.
Một hôm, vua Lý Anh Tông cho mời Sư vào hỏi: "Trẫm nhiều phiền hoặc, có phép thuật gì trị chăng?"
Sư tâu: "Phép 12 Nhân duyên là căn bản của sự tiếp nối sinh tử, nếu dùng nó để trị, thì đó là phương thuốc vậy".
Vua lại hỏi về yếu chỉ của nó.
Sư tâu: "Vô minh nhân duyên hành, cho đến lo, buồn, khổ, não. Muốn cầu quả Bích Chi Phật nên nói đến 12 nhân duyên, để trị thân này thì không còn nghiệp phiền não nữa". Vua nói: "Thế thì Trẫm phải tĩnh tâm tu tập".(*)
Sư tâu: "Khi giữ được nghiệp thức an tịnh, tức là thanh trừng được phiền não, chớ không còn có phép nào khác đáng tu tập cả. Ngày xưa Lương Vũ Đế thường đem việc đó hỏi Thiền sư Bảo Chí (2), Bảo Chí cũng đáp như thế. Nay tôi cũng xin trộm trình với bệ hạ điều y hệt như vậy.(**)
Đến ngày mồng 5 tháng 2 năm Trinh Phù thứ 5 (1180) Sư dặn dò đệ tử rồi nói kệ:
"Bốn rắn cùng lồng (3)vốn trống trơn,
Núi cao năm uẩn (4)chẳng bà con,
Linh minh chân tính không ngăn ngại
Sinh tử Niết bàn nỡ vấn vương". (***)
Lại nói:
"Trơ trơ răng ngựa đá (5)
Tháng ngày kêu ăn mạ
Trên đường ai cũng qua
Không đi người trên ngựa. (****)
Đến canh 5, Sư uống thuốc độc rồi mất, thọ 61 tuổi. (*****)
_____________
Chú thích :
(1)
Hoa nghiêm Diệu môn Phổ Hiền thần chú, tức Tốc tật mãn Phổ Hiền hạnh nguyện Đà la ni, có lẽ do Bất Không thêm vào trong lời nguyện của Phổ Hiền trong bản dịch kinh Hoa nghiêm và sau này đã trích thành một bản văn riêng rẽ, mà người ta gọi là Phổ Hiền bồ tát hạnh nguyện tán : "Nẵng ma tát để rị giả địa vỹ ca nam đát tha nghiệt đa nam. Án a mậu phạ ra vĩ nghì dĩ sa phạ ha".
(2)
Bảo Chí (419 ?- 515), một nhà sư có những hành tung tương tự như của Đại Xả ở đây, có những liên hệ sấm ngữ với Lương Vũ Đế.
(3)
Hình ảnh lấy từ phẩm Quang minh biến chiếu Cao Quý Đức Vương Bồ tát của kinh Đại Bát Niết Bàn, theo đấy có một ông vua đem bốn con rắn độc đựng chung vào một cái lồng, bảo người thị thần nuôi dưỡng. Nếu để cho chúng không vừa lòng thì người đó bị xử tử. Người đó bỏ chạy, vua cho năm người chiên đà la đuổi bắt lại. Đuổi không kịp, bèn sai một người giả bộ hiền lành đi dụ dỗ, thì người kia đi đến một làng trống vắng. Vừa tới, người kia nghe nói đêm đó sẽ có sáu tên cướp đến cướp. Bèn sợ hãi, chạy đến một con sông cuồn cuộn nước, bèn quyết ý vượt qua, bất giờ mới giải thoát thảnh thơi. Bốn con rắn độc ấy, kinh này nói là dụ cho bốn nhân tố vật chất tạo nên con người, đấy là đất, nước, gió, lửa. Từ Phật học Trung quốc gọi là tứ đại. Xem Đại Bát Niết Bàn kinh 23.
(4)
Hình ảnh lấy từ phẩm Sư Tử Hống Bồ Tát của kinh Đại Bát Niết Bàn, ở đấy, sự sinh, già, bệnh, chết của con người được ví với bốn ngọn núi lớn "từ bốn phương đến muốn hại nhân dân". Ngũ ấm, tức năm nhân tố tâm vật lý tạo nên con người, đấy là vật chất, cảm giác, tưởng tượng, ý chí, và tri giác hay nhận thức. Từ Phật học Trung quốc thường gọi sắc, thọ, tưởng, hành, thức.
(5)
Ngựa đá, trâu đất, Thiền gia thường dùng để chỉ cho công vị của thiền. Thiền sư Thúy Nham, Công huấn vấn đáp:
"Nê ngưu ẩm tận trừng đàm nguyệt
Thạch mã gia tiên bất chuyển đầu".
(Trâu đất uống hết trăng đầm lặng
Ngựa đá roi quất chẳng ngoảnh đầu).
------------------
Chú thích của hungcom :
(*)
Thiền sư dạy Thập Nhị Nhân Duyên cho nhà vua vì Giáo lý này phù hợp với căn cơ của Lý Anh Tông.
(**)
Chỗ này Ông Lê Mạnh Thát có chú thích bằng một trích đoạn tối nghĩa, nên h/c xin phép bỏ ra.
(***)
四 蛇 同 篋 本 來 空,
五 蘊 山 高 亦 不 宗.
眞 性 靈 明 無 罣 礙,
涅 槃 生 死 任 遮 龐.
Tứ xà đồng khiếp bổn lai không,
Ngũ uẩn sơn cao diệc bất tông.
Chân tánh linh minh vô quái ngại,
Niết-bàn sanh tử nhậm già lung.
(****)
石 馬 齿 狂 拧,
食 苗 日 月鸣.
途 中 人 共 过,
馬 上 人 不 行.
Thạch mã xỉ cuồng ninh,
Thực miêu, nhật nguyệt minh.
Đồ trung nhân cộng quá,
Mã thượng nhân bất hành.
Câu "Mã thượng nhân bất hành" nghĩa là "Tuy ngồi trên lưng ngựa nhưng chẳng có đi đâu" mà ông Thát lại dịch là "Không đi người trên ngựa", thiệt là "hết ý cái ông này !", đã làm cho người sau đọc vào "càng đọc càng ngu".
(*****)
Nói "Sư uống thuốc độc rồi mất" là SAI. Vì :
1._ Giáo lý đạo Phật cấm tự sát.
2._ Một vị Giác Ngộ, nếu không hiện bệnh bỏ xác thì cũng "thâu thần tịch diệt", chớ không bao giờ nhờ đến thuốc độc hay mượn người khác giết mình (đây là cách hành xử của Ngoại Đạo, đã bị Phật quở)
Y pháp bất y nhân, Y nghĩa bất y ngữ, Y Trí bất y Thức,
Y liễu nghĩa Kinh, bất y vị liễu nghĩa Kinh.
hungcom (06-12-2015)
27. THIỀN SƯ Tịnh Lực (1112 - 1175)
Am Việt Vương trì, Tỉnh Cương, Vũ ninh, người Cát lăng, Vũ bình, họ Ngô, tên Trạm. Thuở nhỏ Sư thông minh, biện tài, sở trướng nghề văn, thể chữ càng giỏi. Trong khi du học, được gặp Đạo Huệ, núi Tiên du, bèn quyến luyến nhau, như cây kim hạt cải, nên gửi lòng đất Phật, mặc áo cỏ, ăn cây lá, phước huệ cùng tu, trải mấy tinh sương, lòng càng bền chặt. Đạo Huệ thường bảo: "Tâm ấn Chư Phật, người đã có sẵn, không cần theo ai mà được."
Sư thưa: "Đã được thầy chỉ dạy, nhưng nay nên trụ nơi nào?"
Đạo Huệ bảo: "Chẳng cần đi đâu xa, ở tại Vũ ninh là tốt". Sư thẳng lên núi, cất am cỏ, ở tu. Trong 12 thời, Sư lễ Phật sám hối, thâm nhập được pháp môn niệm Phật tam muội (1)nên âm thanh trong trẻo như tiếng Phạm thiên. Thường giảng kinh Viên giác, nghĩa lý nếu có chỗ nào chưa ổn, Sư đích thân cải chính. Người bấy giờ bảo trong miệng Sư (có) hùng hoàng (2).
Vào một tháng nào đó của năm Thiên Cảm thứ 2 (1175), Sư cáo bệnh gọi môn đồ đến dạy:
"Các ngươi hết thảy đều là kẻ học đạo. Lòng siêng cúng dường Phật, không ngoài việc chỉ nhằm khiến dứt trừ các ác nghiệp. Tâm và miệng niệm tụng phải tin, hiểu, nghe, biết. ở chỗ vắng vẻ yên lặng, gần gũi thiện tri thức, mở lời hoà vui, nói năng đúng lúc, trong không sợ khiếp, hiểu rõ nghĩa lý, xa lìa ngu mê, an trụ bất động, xem hết mọi pháp vô thường vô ngã, vô tác vô vi, ở chỗ lìa phân biệt. Đó là người học đạo. Ta nay hoá duyên đã xong". Rồi Sư nói bài kệ sau:
"Trước tuy nói cát sau nói hung
Từ đấy theo xưa huý chẳng tùng
Vì gặp thấy rồng làm con Phật (3)
Chợt trông chuột hiện lặng vô cùng". (4)(*)
Nói xong Sư ngồi ngay ngắn thị tịch, thọ 64 tuổi.
__________________
Chú thích :
(1)
Niệm Phật tam muội, Phạn: Buddhànusmrti-samàdhi. phương pháp Thiền định bằng cách nhớ nghĩ đến Phật. Sự nhớ nghĩ này hoặc bằng một lòng quán tưởng những nét đẹp của xác thân Phật hay thật tướng của pháp thân Phật thì gọi là quán tưởng niệm Phật, hoặc bằng một lòng đọc tụng tên Phật thì gọi là danh xưng niệm Phật. Đây là nhân hành của việc niệm Phật. Đến khi vào thiền định mà thấy được chính Phật hiện ra trước mắt hay thấy được pháp thân Phật, thì đấy là kết quả của việc niệm Phật tam muội. Xem Quán vô lượng thọ kinh ĐTK 365 và Niệm Phật tam muội kinh
(2)
Hùng hoàng theo Thần nông bản thảo kinh là một loại đá có thể làm cho người ta "nhẹ người thần tiên" và chống lại được bệnh do tà ma quỉ quái tạo ra. Ngô Phổ giải thích nó là thứ hùng của các loại đan nên gọi là hùng hoàng. Xem Thần nông bản thảo kinh và Bản thảo cương mục 9 tờ21b9-28b1. Đặc biệt đây là chất người Trung quốc thường dùng để bôi xoá những chữ viết sai. Cho nên về sau nói người nào có hùng hoàng trong miệng là muốn nói người đó giỏi biện luận, có thể sửa sai người khác.
(3)
Nguyên văn: Vị ngộ hiện long vi Phật tử. Hiện long là một từ lấy từ quẻ càn của Chu dịch: "Hiện long tại điền, lợi kiến đại nhân". (Rồng ra ở ruộng, lợi thấy đại nhân). Khổng tử giải thích: Đức rồng ở chính trung thì lời nói thường mà tin, việc làm thường mà cẩn thận, tránh điều tà mà giữ lòng thành, giỏi việc đời mà không khoe khoang, đức hạnh rộng để giáo hoá. Dịch nói: "Rồng ra ở ruộng, nên thấy đại nhân, đó là đức của vua vậy."
(4)
Nguyên văn: Hốt tào thử xuất tịch vô cùng. Chuột trong câu này là chỉ bọn bầy tôi phá hoại quốc dân, một từ lấy ra ở thiên Chính lý của Thuyết uyển: "Tề Hoàn Công hỏi Quản Trọng: "Nước có nạn gì?" Quản Trọng đáp: "Nạn là nạn chuột xã". Hoàn Công hỏi:
"Sao gọi thế ?" Quản Trọng đáp: "cái xã là do bó cây mà trét đất lên. Chuột nhân đó đến ở gá vào. Đốt chúng đi thì sợ cháy cây. Tạt chúng đi thì sợ lở đất. Chúng do đó không thể giết được là vì ngôi xã. Nước cũng có loại chuột xã, tức là kẻ hầu hạ hai bên vua vậy. Bên trong thì chúng bưng bít việc thiện ác đối với vua. Bên ngoài thì chúng mua bán quyền hành đối với dân. không diệt chúng thì nước loạn, mà giết chúng thì bị vua xét hỏi. Nên chúng cứ chiếm lấy vua mà sống. Đấy tức là bọn chuột xã của nước vậy".
-----------------------
Chú thích của hungcom :
(*)
先雖言吉後言凶,
自是太祖諱不從。
為遇見龍為佛子,
忽遭鼠出寂無窮。
Tiên tuy ngôn kiết, hậu ngôn hung,
Tự thị Thái Tổ huý bất tùng.
Vi ngộ kiến long vi Phật tử,
Hốt tao thử xuất tịch vô cùng.
Y pháp bất y nhân, Y nghĩa bất y ngữ, Y Trí bất y Thức,
Y liễu nghĩa Kinh, bất y vị liễu nghĩa Kinh.
hoatihon (06-12-2015)
Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)