THẾ HỆ THỨ MƯỜI CHÍN – HAI MƯƠI
(MỘT NGƯỜI KHUYẾT LỤC)
68. THIỀN SƯ Y SƠN (? – 1216)
Chùa Ðại từ, Ðại thông trường, Long phúc. Người Cẩm hương, Nghệ an, họ Nguyễn, Sư mặt mày đẹp đẽ, ăn nói hoạt bát, Thuở nhỏ đi học, coi khắp thư sử, chọn bạn, lựa nghề tất nhằm hữu ích. Nhưng đối với kinh điển Tây trúc, Sư hết sức lưu tâm. Năm 30 tuổi sư xuất gia với một vị Trưởng lão trong làng, sau đến kinh thành tham bái Quốc sư Viên Thông, nhờ một lời nói, đạt được yếu chỉ.
Từ đấy, Sư tùy nơi đi giáo hóa, chỉ nhằm lợi người. Vật do người cúng Sư đều dùng vào việc Phật. Sư có làm bài văn khuyên người:
Ham danh chuộng lợi
Ðều như bọt nước trôi sông
Kết phúc gieo duyên
Ấy là trong lòng hoài bão.(*)
Ðến lúc tuổi già, Sư dời về làng Yên lãng trụ trì chùa Nam mô, thường dạy đồ chúng rằng: "Các ngươi nên biết, Như Lai thành Chánh giác, đối với tất cả nghĩa lý, không còn có chỗ xem xét. Ðối với các pháp bình đẳng, không có gì nghi hoặc, không hai, không tướng, không đi, không đứng, không lường, không hạn, xa lìa hai bên, ở nơi trung đạo, vượt khỏi hết thảy văn tự, ngôn thuyết, truyền được thân lượng bằng hết thảy chúng sanh, được thân lượng bằng hết thảy mọi cõi, được thân lượng bằng hết thảy tam giới, được thân lượng bằng hết thảy Phật, được thân bằng hết thảy ngôn ngữ, được thân lượng bằng hết thảy nguyện, được thân lượng bằng hết thảy hành, được thân lượng bằng hết thảy tịch diệt" (1).
Lại nói rằng:
"Như Lai thành chánh giác
Hết thảy lượng đẳng thân
Hồi hổ không hồi hổ
Ðồng tử mắt sáng thần"(**)
Lại nói:
"Chân thân thành vạn tượng
Vạn tượng tức chân thân
Cung trăng xanh quế đỏ
Quế đỏ tại cung trăng".(***)
Khi sắp thị tịch, Sư gọi môn đồ dạy: "Ta không trở lại đây nữa". Bấy giờ, hoa trên cây trước chùa tự nhiên rơi rụng, chim sẻ kêu bi thương suốt ba tuần không dứt.
Ngày 18 tháng 3 năm Bính tý Kiến Gia thứ 6 (1216) Sư mất.
________________
Chú thích :
(1)
Ðại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh 52 tờ 274c29-275a17: "Phật tử bồ tát ma ha tát ưng tri Như Lai thành chánh giác ư nhất thiết nghĩa, vô sở quán sát, ư pháp bình đẳng, vô sở nghi hoặc, vô nhị vô tướng, vô hành vô chỉ, vô lượng vô tế, viễn ly nhị biên, trú ư trung đạo, xuất quá nhất thiết văn tự ngôn thuyết (…), đắc nhất thiết chúng sanh lượng đẳng thân, đắc nhất thiết tam thế lượng đẳng thân, đắc nhất thiết Phật lượng đẳng thân, đắc nhất thiết ngữ ngôn lượng đẳng thân, đắc chân như lượng đẳng thân, đắc pháp giới lượng đẳng thân, đắc hư không giới lượng đẳng thân, đắc vô ngại giới lượng đẳng thân, đắc nhất thiết nguyện lượng đẳng thân, đắc nhất thiết hành lượng đẳng thân, đắc tịch diệt Niết bàn giới lượng đẳng thân".
---------------------
Chú thích của hungcom :
(*)
Đây là 2 câu đối :
釣 名 嗜 利,皆 如 水 上 浮 鷗。
植 福 種 緣,盡 是 胸 中 懷 寶。
Điếu danh thị lợi, giai như thuỷ thượng phù âu.
Thực phúc chủng duyên, tận thị hung trung hoài bão.
Câu danh chài lợi, đều như bọt nổi trên sông.
Kết phúc gieo duyên, ấy là tâm nguyện của ta.
(**)
Như Lai thành chính giác,
Nhất thiết lượng đẳng thân.
Hồi hỗ bất hồi hỗ,
Nhãn tình đồng tử thần.
(***)
真 身 成 萬 象,
萬 象 即 真 身。
月 殿 榮 丹 桂,
丹 桂 在 一 輪。
Chân thân thành vạn tượng,
Vạn tượng tức chân thân.
Nguyệt diện vinh đan quế,
Đan quế tại nhất luân.