66. THIỀN SƯ TỊNH THIỀN (1121 – 1193)


Chùa Long hoa, làng Cổ giao, Long biên. Người làng Cổ giao, họ Phí, tên Hoàn. Ban đầu, cùng với bạn đồng học là Tịnh Không thờ Ðạo Lâm chùa Long vân làm thầy. Hằng ngày miệt mài học hỏi, sâu hiểu lẽ huyền, Lâm biết Sư sẽ là pháp khí, nên ban hiệu và ấn chứng rằng: "Tịnh là tịnh trí diệu viên, Thiền là thiền tâm thường tịch". Ðến khi Lâm tịch rồi, Sư bèn đi khắp chốn thiền, tìm bạn học thêm. Lúc duyên đạo đã thuần, bèn tìm về làng cũ, trùng tu chùa Long hoa. Ngoài lúc khảo sát thiền luật, Sư luôn nghĩ đến việc lợi tha.

Ngày 12 tháng 8 mùa thu năm Quí sửu Thiên Tư Gia Tự thứ 6 (1193) Sư thị tịch, thọ 73 tuổi. Môn đồ là Pháp Ký soạn văn bia tại chùa có nói:

Sư sinh đời Lý

Ra gặp thời minh

Lục độ (1) há quên

Tứ hoằng (2) không bỏ

Chén thơm chỗ nổi

Mười phương tín chủ sóng về

Gậy tích khi khua

Bốn chúng học đồ mây nhóm

Thần thông khôn tính

Huyền dụng khó lường

Nếu chẳng đến Phật giác trường

Ðâu hay thảnh thơi nghiệp tốt.

Quả đúng:

Trời Thích trăng báu

Vườn Pháp thôn thiêng.


_____________

Chú thích :

(1) Tức sáu cái giúp ngừơi ta vượt bến khổ đau, cũng gọi là ba la mật(*), đấy là bố thí, giữ giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ.

(2) Tức tứ hoằng thệ nguyện, "Bốn thệ nguyện lớn", đấy là chúng sanh vô số lường thệ nguyện đều độ khắp, phiền não vô cùng tận thệ nguyện đều dứt sạch, pháp môn không kể xiết thệ nguyện đều tu học, Phật đạo không gì hơn thệ nguyện đạt viên thành(**). Ðấy là bốn lời nguyện tổng quát của Ðại thừa. Xem Tâm địa quán kinh 7 và Vãng sanh yếu tập quyển thượng.


-------------------

Chú thích của hungcom :

(*)

Dịch giả đã sai khi viết "cũng gọi là Ba La Mật".

Thực ra Lục độ khác với Lục độ Ba La Mật.

Nam Tông vẫn có thực hành Lục độ, nhưng không hề biết đến Lục độ Ba La Mật.

Lục độ Ba La Mật khác với Lục độ ở chỗ :

1. Bố thí Ba La Mật là khi bố thí (cho) thì hành giả vô tâm mà bố thí, nghĩa là không thấy "mình là người bố thí, còn kia là đối tượng thọ thí, này là vật bố thí". Bởi thông thường chúng ta hay còn giữ lại trong ký ức những việc tốt đã từng làm, rồi lấy đó làm một "vầng hào quang" bao quanh cái TÔI (vốn là Không), cái "vầng hào quang" này cũng là cái giữ chúng ta ở lại trong Sanh Tử Luân Hồi. Hay nói khác đi, nó cũng là một yếu tố giúp cho hành giả Sinh Thiên. Còn có tâm phân biệt đây là vật bố thí, kia là người thọ thí, cũng khiến cho hành giả không rời được cảnh Giả.

2. Trì giới Ba La Mật cũng tương tự. Hành giả hồn nhiên sống theo giới luật mà không hề thấy có mình giữ Giới, có Giới để giữ.

3. Nhẫn nhục Ba La Mật là thấy tất cả mọi trở ngại khó khăn chỉ là chuyện bình thường, cho nên không hề nghĩ rằng mình đang tu hạnh Nhẫn nhục.

4. Tinh tấn Ba La Mật là không có một phút giây nào sống buông thả, giống như lúc nào cũng đang ở trong Chân Lý.

5. Thiền định Ba La Mật là hành giả không luận đi đứng nằm ngồi, nói năng gì Tâm cũng luôn ổn định, mà không hề thấy có Thiền Định gì.

6. Trí Tuệ Ba La Mật là sự sáng suốt thường trực nhận rõ tất cả pháp môn, Giáo lý Phật pháp, lại biết phương tiện thiện xảo để giúp người mau tiến bộ.


(**)

Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ—Tức là Nguyện độ thoát tất cả chúng sinh.

Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn —Tức là Nguyện đoạn tuyệt với tất cả phiền não.

Pháp môn vô lượng thệ nguyện học —Tức là Nguyện tu học tất cả Phật pháp.

Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành —Tức là Nguyện tu học làm theo Phật pháp cho đến khi nào Toàn Giác mới thôi.