57. THIỀN SƯ BẢN TỊCH (Trước tên là Pháp Mật) (? – 1140)

Chùa Chúc thánh, làng Nghĩa trú, Bình lạc (1). Người Tây kết, họ Nguyễn, hậu duệ của Nội cung phụng đô úy Nguyễn Kha triều Lê. Sớm có nhiều tài, gặp một vị Tăng lạ, lấy làm kỳ nói rằng: "Ðứa bé này cốt tướng phi phàm nếu xuất gia, chắc thành hạt giống của Phật pháp".

Ðến khi lớn, Sư trước đến thọ giáo với Thuần Chân chùa Hoa quang, rõ được yếu chỉ, rồi lại thọ giới Cụ túc. Chân thấy Sư định lực tròn đầy, giới thể trong sạch, học một biết mười, xoa đầu nói rằng: "Chánh pháp phía Nam, đang đợi ông đến xiển dương". Từ đó, Sư không còn vướng mắc việc hữu vô, gồm rõ đốn tiệm (2). Ðến đâu cũng gieo khắp mưa pháp, xa rải gió huyền, Tăng, Ni dốc theo, người tục ngưỡng mộ.

Ngày 14 tháng 6, mùa hè năm Kỷ mùi Thiệu Minh thứ 3 (1139), Sư hợp môn đồ, dạy rằng: "Vô sự ! Vô sự !". Nói xong thì mất.


__________________________________________________ ___



THẾ HỆ THỨ MƯỜI BỐN
(BỐN NGƯỜI, BA NGƯỜI KHUYẾT LỤC)


58.TĂNG THỐNG KHÁNH HỶ (1067-1142)

Làng Từ liêm, Vĩnh khương(1). Người Cổ giao, Long biên, họ Nguyễn, dòng dõi Tịnh hạnh. Nhỏ không ăn đồ tanh hôi, lớn theo thọ giáo với Bản Tịch chùa Chúc thánh.

Một hôm, Sư theo Tịch đến cúng một nhà thí chủ. Trên đường đi, Sư hỏi rằng: "Cái gì là ý chính Thiền tôn của các Tổ?". Gặp lúc nghe nhà dân đang đánh trống lên đồng, Tịch trả lời: "Ấy chẳng phải là thứ lời đồng bóng, đang triệu thỉnh quỷ thần đó sao?".

Sư thưa: "Hoà thượng chớ giỡn mãi".

Tịch nói: "Ta chưa từng giỡn bao giờ".

Sư không hiểu, bèn từ giã Tịch ra đi, đến Biện Tài ở chùa Vạn tuế. Biện Tài hỏi: "Ngươi từ đâu đến đây?"

Sư thưa: "Từ Tịch công đến".

Tài hỏi: "Thầy đó cũng là một bậc thiện trí thức một phương, thế ông ta đã từng nói câu gì?".

Sư thưa: "Con thờ thầy ấy đã lâu năm, nhưng chỉ hỏi một câu mà thầy không trả lời, nên con bỏ đi".

Tài hỏi: "Ông hỏi cái gì?".

Sư kể lại chuyện trước.

Tài bảo: "Ôi! Tịch công đã vì ông nói rõ đạo lý, ông chớ phỉ báng Bổn sư của ông".

Sư trầm ngâm suy nghĩ.

Tài nói: "Không thấy nói:

Hiểu được khắp nơi đúng,

Không ngộ mãi trái sai?"(2)

Sư bỗng nhiên đốn ngộ, bèn trở về.

Tịch thấy, hỏi: "Ngươi từ đâu đến mau thế?"

Sư lạy nói: :Con có tội hủy báng Hoà thượng, nên đến xin sám hối vậy".

Tịch dạy: "Tướng và tánh của tội vốn không, ngươi làm sao sám hối?".

Sư đáp: "Xin sám hối như vậy".

Tịch bèn thôi.

Sư thường cùng hai Thiền sư Tịnh Nhãn và Tịnh Như trong khi đứng hầu, Tịch bảo: "Các ông theo học với ta kể đã lâu ngày, vậy mỗi người hãy trình bày điều thấy biết của mình để ta xem mỗi ông tiến đạo như thế nào?".

Nhãn và Như sắp mở miệng thì Sư quát:

"Một màn che mắt

Hoa đốm rối rơi"(3).

Tịch nói: "Xà lê Khánh Hỷ can cớ gì cái thuyền ấy, sao lại đập vỡ cái hộc đo?"(4)

Sư thưa: "Cần gì thuyền"?

Tịch nói: "Thằng ranh mãnh đó, chớ có ồn ào"

"Ngươi chỉ giải thoát đến việc bên này thôi, còn việc bên kia cũng chưa mộng thấy được".

Sư đáp: "Tuy vậy, chỉ là việc khác thôi".

Tịch nói: "Buông thả sào trăm thước

Lao đầu một mình đi".(5)

Ngươi hiểu sao?

Sư giơ hai tay lên đáp: "Không nguy hiểm, không nguy hiểm !"

Tịch nói: "Buông đi tức khắc !"

Từ đó, danh Sư vang khắp tòng lâm. Trong khoảng năm Thiên Chương Bảo Tự (1133-1137), Sư được triệu về kinh, vua khen ngợi việc Sư trình bày đối đáp xứng chỉ, phái làm Tăng lục, rồi thăng làm Tăng thống.

Một hôm, đệ tử Pháp Dung hỏi: "Rõ được sắc không, thì sắc là phàm hay thánh?"

Sư trả lời bằng bài kệ:

"Nhọc đời thôi hỏi sắc cùng không

Học đạo chẳng qua phỏng tổ tông

Thiên ngoại tìm tâm khôn định thể

Nhân gian trồng quế há thành tùng?

Càn khôn gom lại đầu sợi tóc

Nhật nguyệt nằm trong hạt cải mòng(6).

Trước mặt nắm tay dùng việc lớn

Ai hay phàm thánh với Tây Đông".(*)

Nói xong, ngày 25 tháng 01 năm Nhâm Tuất Ðại Ðịnh thứ 3 (1142), Sư thị bệnh mà mất, thọ 76 tuổi. Có Ngộ đạo ca thi tập lưu hành ở đời .


_____________

Chú thích :

THIỀN SƯ BẢN TỊCH

(1)
Tức phần đất thuộc huyện Văn giang và Mỹ hảo,tỉnh Hưng yên ngày nay, bởi vì hai huyện đấy hiện đang có con kinh mang tên Nghĩa trụ chảy qua. Tên Bình lạc xuất hiện từ năm 621, khi Lý Uyên đặt ra Long châu gồm ba huyện Long biên, Vũ ninh và Bình lạc. Xem Tân đường thư 43 thượng tờ 9b13. Ðến thời Lý, nó là tên một đạo, như Ðại Việt sử lược 3 tờ 25b7-8 ghi lại.

Làng Nghĩa trú, chúng tôi cho là làng Nghĩa trang, tổng Sài trang, huyện Ðường hào, trấn Hải dương của Bắc thành địa dư chí lục 2, tức huyện Mỹ hào, tỉnh Hưng yên ngày nay. Những tài liệu Lý, Trần đều có nói ngôi làng này. Ðại Việt sử lược 3 tờ 29a4 gọi nó là một cái ấp, viết: "Năm Kiến Gia thứ 5 (1215) người Nghĩa trú là Chu Ðình đem ấp mình phụ theo Nguyễn Nộn". Tam tổ thực tục tờ 26a4 nói Nghĩa trú còn có một ngôi chùa tên Phổ quang.

(2)
Hữu vôđốn tiệm là những phạm trù lớn của tư tưởng Phật giáo Trung quốc cũng như Viễn đông. Hữu vô hay có không, nguyên là cặp phạm trù lớn của học thuyết Lão Trang, đấy là thuyết "Hữu vô tương sinh". Xem Ðạo đức kinh tờ 1-2a: "Vô danh thiên địa chi thỉ, hữu danh vạn vật chi mẫu… Cố hữu vô tương sinh, nan dị tương thành, trường đoản tương giảo, cao hạ tương khuynh…" Cặp phạm trù hữu vô đó, tới khi Phật giáo truyền nhập Trung quốc, lại trở thành một trong những cặp phạm trù lớn của tư tưởng Phật giáo, bởi vì, như Ðạo An (312-385) đã viết: "Người xứ đây(tứ c Trung Quốc) giáo thuyết Lão Trang đang thịnh hành… nên nhân theo phong trào mà phát triển".

Còn đốn tiệm, hay mau chậm, là một cặp phạm trù lớn khác do kinh Lăng già giới thiệu vào Trung Quốc vào thế kỷ thứ 5, liên quan đến vấn đề người tu đạo có thể tức khắc giác ngộ sự thực toàn diện toàn phần hay chầm chậm giác ngộ từng bước từng phần.

Xem Phật thuyết nhập lăng già kinh tờ 596a23-29. Sự phân biệt đó sau này trở thành tiêu chuẩn duy nhất để phân biệt để xác định thế giá của hai trường phái thiền lớn của Trung Quốc sau Hoằng Nhẫn, đấy là trường phái thiền của Huệ Năng, thường gọi là Nam đốn, và trường phái thiền của Thần Tú, thường gọi là Bắc tiệm.

(3) Theo Ðại Việt sử lược 3 tờ 3a2 mới có năm Kỷ mùi Thiệu Minh thứ 3. Theo Toàn thư B4 tờ 1a7 thì năm Kỷ mùi nhằm năm Thiệu Minh thứ 2. Cương mục chính biên 4 tờ 34b4 cũng chép như Toàn thư.

--------------------

TĂNG THỐNG KHÁNH HỶ

(1)
Tức làng Từ liêm, huyện Hoài đức, tỉnh Hà đông ngày nay. Xem chú thích (2) truyện Vân Phong.

(2)
Ðại Châu Huệ Hải: "Sư vân: Ðạt tức biến cảnh thị, bất ngộ vĩnh quai sơ". Xem Truyền đăng lục 6 tờ 247a24.

(3)
Phù Dung Linh Huấn: "Sư viết: Như hà bảo nhiệm. Tôn viết: Nhất ế tại nhãn, không hoa loạn trụy". Xem Truyền đăng lục 10, tờ 280c26.

(4)
Bàng Uẩn hỏi Mã Tổ Ðạo Nhất: "Nước không có gân cốt mà có thể thắng thuyền muôn hộc, lẽ ấy thế nào?". Ðạo Nhất đáp: Trong đó không có nước cũng không có thuyền thì gân cốt là cái gì?".

Xem Truyền đăng lục 6 tờ 246a26-28.

(5)
Bài kệ của Thiền sư Cảnh Sầm:

"Bách trượng can đầu bất động nhân

Tuy nhiên đắc nhập vị vi chân

Bách trượng can đầu tu tiến bộ

Thập phương thế giới hiện toàn thân."


(Trăm trượng đầu sào kẻ đứng im

Dẫu cho vào được chửa là chân

Trăm trượng đầu sào thêm bước nữa

Mười phương thế giới hiện toàn thân.)


Xem Truyền đăng lục 10 tờ 274b 6-8

(6)
Duy Ma Cật sở thuyết quyển trung tờ 546b25-c18:

"Nhược Bồ tát trú thị giải thoát giả, dĩ Tu di chi cao quảng, nạp giới tử trung, vô sở tăng giảm…Hựu thập phương quốc độ sở hữu nhật nguyệt tinh tú, ư nhất mao khổng phổ sử hiện chi"(**). Xem Ðại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh 80 tờ 440c21-22 "Nhất mao khổng, tất hữu tam thiên đại thiên thế giới".



---------------------

Chú thích của hungcom :

(*)


勞生休問色兼空
學道無過訪祖宗
天外覓心難定體
人間植桂起成叢
乾坤盡是毛頭上
日月包含芥子中
大用現前拳在手
誰知凡聖與西東


Lao sinh hưu vấn sắc kiêm không
Học đạo vô qua phỏng tổ tông
Thiên ngoại mịch tâm nan định thể
Nhân gian thực quế khởi thành tùng
Càn khôn tận thị mao đầu thượng
Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung
Đại dụng hiện tiền quyền tại thủ
Thuỳ tri phàm thánh dữ Tây Đông.



(**)

"Nhược Bồ tát trú thị giải thoát giả, dĩ Tu di chi cao quảng, nạp giới tử trung, vô sở tăng giảm…Hựu thập phương quốc độ sở hữu nhật nguyệt tinh tú, ư nhất mao khổng phổ sử hiện chi"


Câu này nghĩa là :

"Nếu có Bồ tát chứng đắc pháp môn GIẢI THOÁT này, thì có thể đem cả núi Tu Di to lớn nhét vào trong một hạt cải bé xíu, mà núi Tu Di và hạt cải đều không bị tổn hoại...Lại có thể đem mặt trời mặt trăng và các vì sao của 10 phương Thế Giới Phật (quốc độ) bày ra nơi một lổ chân lông".