DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 13/16 ĐầuĐầu ... 31112131415 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 121 tới 130 của 160
  1. #121
    Avatar của hungcom
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    198
    Thanks
    136
    Thanked 208 Times in 79 Posts



    50.THIỀN SƯ ÐỊNH HUỆ


    Chùa Quang hưng, làng An trinh, phủ Thiên đức, người Cảm điền, Phong châu, họ Khúc. Ban đầu cùng với Vạn Hạnh thờ Thiền Ông làm thầy, rồi nhận được tâm ấn.

    Ðến khi tịch, bèn truyền pháp mình cho đệ tử là Lâm Huệ Sinh.{Cứ Nam tôn tự pháp đồ thì nói là pháp tự của Vạn Hạnh. Sợ e sai. Nay theo y bản truyện}.


    __________________________________________________ _________________


    51.THIỀN SƯ ÐẠO HẠNH (? – 1117)


    Chùa Thiên phúc, núi Phật tích, họ Từ, tên Lộ, cha là Vinh, làm quan tới chức Tăng quan đô án, thường đi học tại làng An lãng, lấy một người con gái họ Tăng rồi theo quê vợ, sư là con nàng Tăng Thị vậy.

    Lúc nhỏ, Sư ham chơi, tính tình hào hiệp, có chí lớn, lại có hành động nói năng người đời không thể lường được. Sư thường kết bạn với nhà nho Phí Sinh, đạo sĩ Lê Toàn Nghĩa và nghệ sĩ phường chèo Vi Ất. Ðêm, Sư khổ công đọc sách, ngày thì thổi sáo, đánh cầu, đánh bạc làm vui. Thân phụ thường trách Sư biếng nhác.

    Một hôm, ông lén vào phòng ngủ của Sư để rình xem, thấy ngọn đèn đã tàn, sách vở chất đống, Sư đang dựa án mà ngủ, tay chưa rời quyển sách, tàn đèn rơi đầy mặt bàn.

    Từ đấy ông cụ không lo nữa.

    Sau đó ứng thi điện thí tăng quan đỗ khoa Bạch liên(1). Chẳng bao lâu cha Sư là Vinh dùng tà thuật làm mất lòng Diên Thành Hầu(2). Hầu nhờ pháp sư Ðại Ðiên(3) dùng phép đánh chết, ném xác xuống sông Tô lịch(4). Xác trôi đến cầu Quyết(5) là chỗ nhà Hầu, bỗng đứng thẳng lên mà chỉ tay vào nhà, suốt ngày không đi. Hầu sợ, đi báo cho Ðại Ðiên. Ðại Ðiên đến nơi, đọc một câu kệ: " Tăng giận không cách đêm". Ðọc xong, xác đáp lại trôi đi.

    Sư nghĩ cách phục thù cho cha, nhưng tìm kế không ra. Một hôm, Sư rình Ðiên đi khỏi nhà, muốn đánh lén, chợt nghe trên không có tiếng la: "Ðừng, đừng! Sư sợ hãi vứt cây mà chạy. Sư muốn sang Ấn độ, tìm học phép linh dị để chống lại Ðại Ðiên. Ði đến xứ Mọi răng vàng(6), đường xá hiểm trở, Sư bèn trở về ẩn tại núi ấy, hằng ngày chuyên tụng chú Ðại bi tâm đà la ni đủ 10 vạn 8 ngàn biến. Một hôm Sư thấy thần nhân đến trước mặt mình nói: "Ðệ tử là Tứ trấn Thiên vương(7), cảm công đức trì xứ của Sư, nên đến đây xin hầu để Sư sai bảo". Sư biết đạo pháp của mình đã thành, có thể trả thù cha nên mới đến bến Quyết, cầm gậy, thử ném xuống dòng nước chảy xiết, gậy trôi ngược dòng như con rồng, đến cầu Tây dương (8) dừng lại. Sư mừng nói: "Pháp ta thắng rồi". Bèn đến thẳng chỗ Ðại Ðiên. Ðiên thấy nói:

    "Ngươi không nhớ việc ngày trước sao?".

    Sư ngửa mặt lên nhìn trời, lặng lẽ không thấy gì, nhân đó đánh mạnh, Ðại Ðiên phát bệnh chết.

    Từ đấy oán xưa rửa sạch, niệm tục tiêu tan. Sư dạo khắp tùng lâm, hỏi xin ấn chứng. Nghe Kiều Trí Huyền hóa đạo ở Thái bình(9), Sư nhún mình đến tham yết, trình hỏi chân tâm bằng bài kệ:

    "Lâu lẫn bụi đời chửa biết vàng

    Chẳng hay đâu chốn, ấy lòng chân

    Nguyện xin chỉ rõ bày phương tiện

    Thấy trọn như như khỏi nhọc tìm".
    (*)

    Trí Huyền đáp lại bằng bài kệ:

    "Tiếng ngọc lặng đưa lời nhiệm mầu

    Ở trong tỏ rõ ý thiền nao

    Bồ-đề đạo đó hà sa cõi

    Muốn tới còn xa mấy vạn sào".
    (**)

    Sư mù mịt không hiểu, mới đến giảng hội của Sùng Phạm chùa Pháp vân hỏi: "Thế nào là chân tâm?".

    Phạm hỏi lại: "Cái gì chẳng phải là chân tâm?".

    Sư tỉnh ngộ, nói: "Làm thế nào bảo đảm?".

    Phạm đáp: "Ðói ăn, khát uống".(10)

    Sư lễ tạ, từ giã ra đi. Từ đấy pháp lực có thêm, duyên thiền càng thục, có thể sai rắn núi, thú rừng, họp nhau đến chịu thần phục, Sư đốt ngón tay cầu mưa, đọc chú dùng nước chữa bệnh, không gì là không tức khắc ứng nghiệm(11).

    Có vị Tăng hỏi: "Ði, đứng, nằm, ngồi đều là tâm Phật, thế nào là tâm Phật?".

    Sư dạy bài kệ:

    "Tạo có, mảy may có

    Làm không, tất cả không ,

    Có không như trăng nước,

    Chớ vướng có không không".
    (***)

    Lại bảo:

    "Trời trăng đỉnh núi cao

    Người người mất hết châu

    Kẻ giàu có ngựa tốt

    Ði bộ chẳng cỡi câu".
    (****)

    Bấy giờ, vua Lý Nhân Tông không có con nối dòng. Tháng 2 năm Hội Tường Ðại Khánh thứ 3 (1112), người phủ Thanh hóa dâng sớ tâu rằng: "Trên bãi cát biển, có đứa bé linh dị, tuổi mới lên ba mà đã biết nói, tự xưng con đích của bệ hạ tên là Giác Hoàng. Hết thảy những gì bệ hạ làm, không gì là nó không biết".

    Vua sai trung sứ đến xem, quả đúng như lời tâu, bèn rước về kinh đô, để ở chùa Báo thiên. Vua thấy đứa bé thông minh khác thường, rất đỗi thương mến, sắp lập làm hoàng thái tử. Quần thần hết sức can gián, cho là không được, và nói: "Nếu đứa bé kia quả thật linh dị thì nên thác sinh vào cung cấm, sau mới có thể lập". Vua theo lời, truyền mở đại hội bảy ngày đêm, làm phép thác thai.

    Sư nghe chuyện, riêng nói rằng: "Thằng kia yêu dị, làm mê hoặc người lắm. Ta há nhẫn tâm, ngồi nhìn chẳng cứu, để nó làm loạn lòng người, phá rối chánh pháp sao!".

    Nhân thế, sai chị mình giả làm người đi xem hội, bí mật đem vài hạt châu do Sư kiết ấn, treo trên mái diềm. Hội đã ba ngày, Giác Hoàng nhuốm bệnh, nói với mọi người: "Ðầy khắp cả nước đều có lưới sắt bủa vây, tuy muốn thác sinh, mà sợ không có đường vào".

    Vua nghi Sư chú giải, sai người tra hỏi, Sư quả nhận tội, bị giam ở lầu Hưng thánh, hợp quần thần nghị tội. Khi Sùng Hiền Hầu đi ngang qua, Sư kêu van: "Xin hết sức cứu bần tăng một phen, may thoát tội, ngày sau tất xin đầu thai làm con để đền ơn".

    Hầu nhận lời. Ðến lúc hội nghị, quần thần đều nói: "Bệ hạ vì không có con, nên mới cho Giác Hoàng thác sinh, thế mà Lộ liễu lĩnh dám làm chú giải, kết án tử hình, để tạ lòng thiên hạ".

    Hầu chậm rãi thưa: "Nếu Giác Hoàng có thần lực, thì dù có trăm Lộ chú giải cũng không làm hại được. Nay trái lại như thế thì Lộ vượt xa Giác Hoàng vậy. Thần ngu muội trộm nghĩ, nó tỏ phục Lộ, thì đừng cho y thác sinh’.

    Vua xá tội(12).

    Sư đến Nhà Hầu tạ ơn, gặp lúc phu nhân đang tắm, Sư lén nhìn phu nhân. Phu nhân nổi giận, đem chuyện thưa lại với Sùng Hiền Hầu. Hầu đã biết rõ nguyên nhân nên rốt cuộc không hỏi han gì. Phu nhân từ đó biết mình có thai. Sư dặn Hầu rằng: "khi nào lâm bồn thì nên báo trước cho biết".(13)

    Ðến ngày đủ tháng, Sư nghe tin báo, bèn thay quần, tắm rửa, bảo đồ chúng rằng: :Túc nhân ta chưa hết, còn phải ra đời lại, tạm làm quốc vương(14). Ðến khi thọ chung, lại làm thiên tử trên cõi trời Tam thập tam. (15). Nếu thấy chân thân hư nát, thì lúc ấy ta mới vào Niết bàn, không ở cõi sinh diệt nữa".

    Ðồ chúng nghe xong, không ai là không động lòng rơi lệ. Sư nói bài kệ rằng:

    "Thu sang không báo nhạn về đây

    Cười nhạt người đời thương xót thay

    Nhắn bảo môn nhân thôi luyến ái

    Thầy xưa bao thuở vẫn thầy nay".
    (*****)

    Nói xong kệ, Sư nghiễm nhiên mà hóa, đến nay, xác thoát vẫn còn.
    (16) (17) (18)

    _____________

    Chú thích :

    (1)
    Truyện Từ Ðạo Hạnh trong Lĩnh nam trích quái truyện tờ 28-31 chép hoàn toàn giống truyện Từ Ðạo Hạnh ở đây, nhưng sau câu "hậu ứng tăng quan ngự thí trúng", nó lại thêm 7 chữ "Bạch liên khoa, vị cơ phụ Vinh", trước khi viết tiếp "dĩ tà thuật ngỗ Diên Thành Hầu". Truyện Ðạo Hạnh ở đây, sau câu "hậu ứng tăng quan ngự thí trúng", lại bỏ trống một đoạn đúng chỗ cho 7 chữ, rồi viết tiếp "dĩ tà thuật ngỗ Diên Thành Hầu". Chúng tôi nghĩ rằng khoảng trống 7 chữ đây đúng là chỗ của 7 chữ hiện còn chép trong Lĩnh nam trích quái mà để bản của bản in Thiền uyển tập anh năm 1715 đã bị rách hay mọt ăn mất, nên người hiệu đính cho bản in đây đã để trống đúng 7 chỗ cho những chữ mất đó. Ðây là một ưu điểm lớn của bản in năm 1715 giữa những ưu điểm khác của nó. Bản in đời Nguyễn không để một khoảng trống nào cả, nên dù có bản của Lĩnh nam trích quái chăng nữa, ta cũng không thể nào nhận ra khoảng đấy thiếu mấy chữ. Chúng tôi do thế đề nghị thêm 7 chữ trên vào chỗ trống ở tờ 53b10 của Thiền uyển tập anh, để cho ý nghĩa của câu "hậu ứng tăng quan ngự thí trúng…" và câu "dĩ tà thuật ngỗ Diên Thành Hầu" ở trước và sau khoảng trống đấy được rõ hơn. Nếu chấp nhận, hai câu ấy bây giờ đọc: "Hậu ứng tăng quan thí trúng Bạch liên khoa. Vị cơ phụ Vinh dĩ tà thuật ngỗ Diên Thành Hầu", mà ta có thể dịch thành: "Sau đó Sư ứng thi điện thí tăng quan, trúng khoa Bạch liên. Chẳng bao lâu, cha Sư là Vinh dùng tà thuật làm mích lòng Diên Thành Hầu…"

    Khoa Bạch liên là khoa gì vào thời Lý, chúng tôi hiện chưa thể khảo được.

    (2)
    Diên thành hầu (? – 1117) là con của Lý Thánh Tôn và em của Nhân Tôn. Tính tình của vị hầu này chắc nóng nảy lắm. Ðại Việt sử lược 2 tờ 20a3 ghi lại một chứng sau: "Năm Long Phù Nguyên Hóa thứ 4 (1104), mùa thu tháng 9 ngày mồng một. Diên Thành Hầu lấy hốt đánh Trung Nghĩa Hầu ở điện Thiên an". Trung Nghĩa Hầu (? – 1117) cũng là con của Thánh Tôn và chắc là em của Diên Thành, và điện Thiên an là nơi thị triều của vua. Thế mà, giữa mặt bá quan văn võ, Diên Thành đã lấy hốt đánh Trung Nghĩa.


    Y pháp bất y nhân, Y nghĩa bất y ngữ, Y Trí bất y Thức,
    Y liễu nghĩa Kinh, bất y vị liễu nghĩa Kinh.

  2. #122
    Avatar của hungcom
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    198
    Thanks
    136
    Thanked 208 Times in 79 Posts


    (3)
    Tức Nguyễn Ðại Ðiên, mà truyện Thần Nghi tờ 40a11 nói tới như đại biểu cho một Thiền phái thứ 4 của thời Lý. Cứ vào truyện Ðạo Hạnh ở đây, ta có thể đoán Ðại Ðiên bị Ðạo Hạnh đánh chết vào khoảng năm 1110 bởi vì cuối truyện có chua câu: "Giác Hoàng, hoặc có người nói là Ðại Ðiên ấy vậy". Mà Giác Hoàng theo Ðại Việt sử lược 2 tờ 21a4, thì vào năm Hội Tường Ðại Khánh thứ 3 (1112) là đã 3 tuổi rồi. Vậy Hoàng phải sinh năm 1110. Bấy giờ, nếu bảo Giác Hoàng là Ðại Ðiên thì đương nhiên Ðiên phải chết vào năm Hoàng sinh, tức năm 1110 ấy, mới đầu thai thành Hoàng được, tối thiểu là bằng vào sự tin tưởng huyền thuật đương thời. Cho nên, việc liên hệ Ðại Ðiên với sự sinh của Giác Hoàng phải giả thiết rằng Ðiên chết vào năm Hoàng sinh.

    Về nguyên quán của Ðiên, Ðại nam nhất thống chí, tỉnh Sơn tây, mục Tăng thích, có ghi một vị sư tên Nguyễn Ðạo Hạnh và nói: "Sư người huyện Tiên phong là miêu duệ của Thiền sư Thái Ðiên, bình sanh cùng sư Nguyễn Minh Không và Từ Ðạo Hạnh làm bạn, học thuật tu luyện, sau hóa thân ở xã Chiêu nhân thổ nhân bèn lập đền thờ". Thái Ðiên đây, chúng tôi nghi cũng là Ðại Ðiên, bởi vì Việt sử tiêu án 1 tờ 108b9 dẫn Ngoại truyện nói: "Cha Ðạo Hạnh là Từ Vinh vì pháp thuật bị sư Thái Ðiên đánh giết". Như vậy quê hương của Ðại Ðiên là vùng đất huyện Tiên phong, tức huyện Quảng oai, tỉnh Sơn tây bây giờ. Kiến văn tiểu lục 9 tờ 16a1 17a2 viết rất là dài về cuộc đời nhà sư Nguyễn Ðạo Hạnh đây và nói: "Ông người xã Vịnh phệ, huyện Tiên phong". Nếu vậy Ðiên là người xã Vịnh phệ.

    Cuối cùng, về ngôi chùa trú trì của Ðiên, Bắc thành địa dư chí lục 1 nhân viết về chùa Yên lãng dẫn trước nói "Ðạo Hạnh có thù với Thiền sư Ðại Ðiên xã Dịch vọng". Như thế, vào thế kỷ thứ 19 người ta coi Ðiên sống ở xã Dịch vọng. Làng Dịch vọng này, Toàn thư B3 tờ 3a3-8 nói là nơi có chùa Thánh chúa. Ở đây đã có vị sư dạy Nguyễn Bông cái thuật đầu thai thành Lý Nhân Tôn. Dã sử về thần tích của Ỷ Lan nói rõ ra vị sư chùa Thánh chúa, đấy không ai khác hơn là Ðại Ðiên. Từ đó, ngôi chùa Ðại Ðiên ở chắc không chùa nào khác hơn là Thánh chúa, làng Dịch vọng, huyện Từ liêm ngày trước, tức huyện Hoài đức, tỉnh Hà đông ngày nay. Sự việc Nguyễn Bông xảy ra vào năm 1063. Thế thì, Ðiên sống tại chùa đấy vào khoảng từ năm đó.

    (4)
    Bắc thành địa dư chí lục 1 viết: "Sông Tô lịch ở phía đông của thành (Hà nội) phân lưu từ sông Nhị, theo thành từ phía Bắc mà chảy qua phía tây gặp sông Hà liễu và sông Nhuệ, hai sông cùng chảy đổ vào. Sông này, mùa đông và xuân thì khô cạn, mùa thu và hạ thì thuyền đi được…Quốc sử của Ngô Sĩ Liên nói: "Sông này hễ khi có mưa lớn thì nước đầy ứ mà chảy ngược. Họ Ngô nói: "Sông Tô lịch chảy đi ra từ sông Nhị bắt đầu từ phường Hà khẩu chảy qua Tây hồ, Thụy Chương, Yên hoa và Yên quyết thì cạn thuyền đi không được, vì dân ở hai bên sông cứ để ngói đá lấp đầy, khi mưa to nước ứ lại không chảy được, nên phải chảy ngược lại thì không có gì là lạ".

    (5)
    An nam chí lược 1 tờ 24 viết: "Sông Tô lịch chảy quanh La thành. Sông có năm cầu đều rất đẹp". Nhưng nó không cho biết năm cầu đó. Ta ngày nay có thể truy nhận tối thiểu tên của ba cầu, đấy là cầu Tây dương, cầu Yên quyết và cầu Nhân mục. Toàn thư B10 tờ 21b 2-5 trong khi mô tả diễn tiến của chiến dịch Tốt động, Chúc động, đã viết về những hướng xuất quân của Vương Thông từ thành Ðông quan như sau: "Ngày mồng 6, Vương Thông v.v.…của nhà Minh đem lính cũ lính mới 10 vạn người phân làm ba đạo quân đánh ta. Vương Thông do ngã Khâu ôn qua cầu tây dương đến đóng ở bến Cổ sở, dựng cầu nổi cho quân đi. Phương Chính xuất quân từ cầu Yên Quyết, đóng ở cầu Sa đôi. Sơn Thọ và Mã Kỳ đi ra từ cầu Nhân mục, đóng ở cầu Thanh oai. Chúng dựng doanh trại vài chục dặm, cờ xí rợp đồng, giáp trượng sáng trời, tự bảo rằng chúng chỉ một lần đánh là bắt hết nghĩa quân".

    Cầu Nhân mục, tên nôm gọi là cống Mọc, ngày nay thuộc làng Nhân chính, huyện Hoài đức, tỉnh Hà đông, và vết tích của nó hiện còn là chiếc cầu bắc ngang sông Tô lịch tại làng đấy.

    Còn cầu Yên Quyết, tên nôm nó gọi là cống Cót, ngày nay là chiếc cầu bắc ngang sông Tô lịch tại địa phận làng Yên quyết huyện Hoài đức, tỉnh Hà đông. Vì cầu Yên quyết có tên nôm là cống Cót, cho nên chữ Quyết kiều ở đây đúng ra phải dịch là cống Cót, nhưng vì không chắc chữ Cót phát âm như thế nào vào thời Lý, nên chúng tôi vẫn để nguyên và dịch là: "cầu Quyết". Hoàng Xuân Hãn trong Lý Thường Kiệt tr.499 vì chấm câu lộn, nên đã đọc thành cầu Vu quyết. Về cầu Tây dương thì cứ trên đường hành quân của Vương Thông, nó phải là cầu Giấy, bởi vì để đi từ Ðông quan tới Cổ sở, người ta phải đi qua cầu Giấy ở sông Tô lịch, rồi qua cầu Diễn hay Phù diễn ở sông Nhuệ thì tới bến Cổ sở trên sông Ðáy thuộc làng Yên sở ngày nay. Như vậy, cầu Tây dương không gì khác hơn là cầu Thượng yên quyết, mà Ðại nam nhất thống chí, tỉnh Hànội, mục Tân lương, nói là "tục gọi cầu Giấy, cầu dài ba trượng, có lợp ngói ở về huyện Từ liêm".

    (6)
    Mọi răng vàng hay Kim xỉ man là tên một dân tộc ít người, vào thời Ðường thì đang còn ở phần đất thuộc Vương quốc Pyu, nhưng đến đời Nguyễn và cho tới nay thì phần đất ấy thuộc tỉnh Vân nam của Trung Quốc. Xem Nguyên sử 16 tờ 8a4.

    Gọi là mọi răng vàng dân tộc ấy dùng vàng lá mà trang sức răng mình, "khi ăn thì lấy ra". Họ có nhiều giống, mà Tân đường thư 222 hạ tờ 15b-16a liệt ra như giống Tú cước, giống Tú diện, giống Ðiêu đề, giống Xuyên tỷ. An nam chí lược 1 tờ 19 nói: "Ðà Giang Lộ tiếp giáp với Kim xỉ". Kim xỉ đây đương nhiên là Kim xỉ man. Và nếu như vậy, thì Ðạo Hạnh vừa mới vượt khỏi biên giới nước ta thôi.

    (7)
    Tức Tứ Thiên Vương, đấy là Trì Quốc ở phía đông, Tăng Trưởng ở phía nam, Quảng mục ở phía tây, và Tỳ Sa Môn ở phía bắc của tầng thứ tư núi Tu di, quản thủ bọn Dạ xoa và La sát. Chúng có nhiệm vụ bảo vệ thế giới, theo vũ trụ quan thần thoại của một số trường phái Phật giáo.

    (8)
    Chú thích (7) trên cứ vào đường hành quân của Vương Thông do Toàn thư ghi lại, đã đồng nhất cầu Tây dương với cầu Giấy. Mà cầu Giấy theo Ðại nam nhất thống chí, tỉnh Hà nội, mục Tân lương là tên nôm của cầu Thượng yên quyết. Làng Yên quyết thực ra có hai, đấy là làng Thượng yên quyết và Hạ yên quyết. Ðại Việt lịch triều đăng khoa lục có ghi một số tiến sĩ xuất thân từ hai làng đó như Ðặng Công Toản khoa 1520, Nguyễn Sằn khoa 1554, Nguyễn Dụng Ngãi khoa 1574, của làng Thượng yên quyết, Hoàng Quản Chí khoa 1393, Nguyễn Như Uyên khoa 1409, Nguyễn Khiêm Quang khoa 1523, Nguyễn Nhật Tráng khoa 1595, Nguyễn Dụng Triêm khoa 1602 v.v… của làng Hạ yên quyết. Vậy thì, cầu Quyết hay cầu Yên quyết của truyện đây là cầu Hạ yên quyết, còn cầu Tây dương hay cầu Giấy là cầu Thượng yên quyết. Bến Quyết cũng ở làng Hạ yên quyết. Xác định như thế, bây giờ nó trở thành rõ ràng là Ðại Ðiên trụ trì chùa Thánh chúa làng Dịch vọng ở sát làng Thượng yên quyết, thì khi đánh chết Từ Vinh, xác Vinh tất ném xuống sông Tô lịch từ khoảng cầu Tây dương, trôi xuôi cho đến cống Cót, nơi có nhà Diên Thành Hầu rồi dừng lại. Tới khi Ðạo Hạnh ném gậy mình từ bến Cót, nếu trôi ngược nó tất nhiên phải lên đến cầu tây dương hay cầu Thượng yên quyết, chứ không thể cầu nào khác.

    Cầu Tây dương gọi là cầu Giấy tối thiểu bắt đầu từ thời Lý, bởi vì gần cầu đó có xóm chuyên chế tạo giấy, tên là xóm Chỉ tác hay xóm làm Giấy.

    (9)
    Thái bình đây chắc là phủ Thái bình, nơi có chùa Khai thiên do Nguyễn Quang Lỵ dựng, và Ma Ha trụ trì. Xem chú thích (10) truyện Ma Ha. Tuy nhiên, trong vùng Hưng yên, đất của phủ Thái Bình cũ, không thấy có làng nào thờ Ðạo Hạnh cả. Trái lại, theo Ðại nam nhất thống chí, tỉnh Nam định mới có một số làng thờ Ðạo Hạnh thuộc huyện Nam chân như làng Chân nguyên, làng Vân chàng, làng Kinh lủng…rồi nó viết tiếp: "Hạnh thuở nhỏ ưa đi chơi đến xã Chân nguyên, dựng chùa Ðại bi, ở đấy trú trì, sau dân làng tôn làm Tổ sư. Thế thì, vùng Thái bình do Kiều Trí Huyền giáo hóa phải chăng nằm tại đất tỉnh Nam định? Ðây là một có thể. Về Kiều Trí Huyền, nay ta không biết gì hết về tông tích tôn phái của ông.

    (10)
    Cơ xan khát ẩm, cách ngữ của Thiền gia chỉ đạo lý thiền không ở đâu xa, mà ở ngay trong chính những công tác thường nhật nhất. Sư Nguyên Tân đến hỏi Thiền sư Ðại Châu Huệ Hải: "Hòa thượng tu đạo có dụng công không?". Hải đáp: "Dụng công". Hỏi "Dụng công ra sao?". Ðáp: "đói đến thì ăn cơm mệt lại thì đi ngủ". Xem Truyền đăng lục 6 tờ 247c 1-3.

    (11)
    An nam chí nguyên tờ 209 dẫn ý chính của đoạn này về Ðạo Hạnh: "Thiền sư Ðạo Hạnh là vị sư huyện Thạch thất, thường đi khắp tòng lâm tìm tòi bậc trí thức, khi duyên đạo đã chín, pháp lực có thêm, Sư có thể sai sử chim rừng thú nội họp nhau đến chịu phục. Sư cầu mưa trị bệnh, không gì là không ứng nghiệm, nay xác thịt đang còn".

    Việc sử dụng những ngữ cú và văn ý đồng nhất với Thiền uyển tập anh như đây chứng tỏ tác giả An nam chí nguyên hay tác giả một cuốn sách khác mà ông vẫn phải sử dụng Thiền uyển tập anh. Do vậy, trước bản in năm 1715, Thiền uyển tập anh phải có in một lần nào đó. Chính qua bản in hay tối thiểu bản chép trước năm 1715 mà An nam chí nguyên hay một cuốn sách trước nó đã rút những dẫn trên về Ðạo Hạnh.


    Y pháp bất y nhân, Y nghĩa bất y ngữ, Y Trí bất y Thức,
    Y liễu nghĩa Kinh, bất y vị liễu nghĩa Kinh.

  3. #123
    Avatar của hungcom
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    198
    Thanks
    136
    Thanked 208 Times in 79 Posts

    (12)
    Ðại Việt sử lược 2 tờ 21 a4-b5: "Hội Tường Ðại Khánh năm thứ 3 tháng 2 người Thanh hóa nói rằng: "ở Hải tân có một đứa bé lạ lùng, tuổi mới lên ba, mà hiểu được tiếng nói, tự xưng là đích tử của Hoàng đế, gọi mình là Giác Hoàng, hễ vua cử động thì không gì là nó không biết trước. Vua sai Trung sứ đến hỏi xem thì những gì người ta nói đều đúng cả, bèn rước về ở tại chùa Báo thiên. Vì sự linh dị của nó, vua thương yêu nó càng nhiều. Bấy giờ, vua không có người nối dõi, muốn lập nó làm Thái tử, quần thần không chịu, mới thôi. Bèn liền lập trai hội ở trong cung cấm, muốn khiến Giác Hoàng đầu thai vào làm con mình.

    Có nhà sư núi Phật tích là Từ Lộ Ðạo Hạnh nghe việc ấy mà không vui bèn sai người chị mình là Từ Thị đến phó hội, lén lấy vài hạt châu có kết ấn rồi trao cho, bảo: "Ðến chỗ hội thì hãy nhét vào đầu mái diềm, đừng để cho ai thấy biết". Từ Thị làm theo lời dặn của sư. Giác Hoàng bỗng chốc mắc bệnh sốt trẻ con, bèn nói với người ta rằng: "Tôi thấy khắp cả nước đều có lưới sắt bao phủ, không có ngõ nào mà thác sinh vào cung được". Vua ra lệnh mở một cuộc lùng soát lớn thì bắt được những hạt châu do Từ Thị giấu, bèn bắt Lộ trói ở làng Hưng thánh, muốn đặt vào tội xử tử. Gặp khi Sùng Hiền Hầu vào chầu, Lộ gào khóc thảm thiết nói rằng: "Xin Hầu ra tay cứu vớt bần tăng nếu may mà được thoát chết thì sẽ vào làm con của Hầu để đáp lại ân đức". Hầu bằng lòng, nên khi vào gặp vua, Hầu mưu cứu bằng trăm lối, nói rằng: "Giác Hoàng nếu thật có thần lực mà lại bị Lộ thư giải thì rõ ràng Lộ hơn Giác Hoàng vậy. Thần nghĩ không gì hơn là cho Lộ thác sanh vậy". Vua bèn xá tội Lộ Toàn thư không ghi chuyện này.

    (13)
    Toàn thư B3 tờ 16a2-6: "(Hội Tường Ðại Khánh) năm thứ ba, bây giờ tuổi vua đã cao, mà không có con nối dõi, xuống chiếu chọn con tôn thất vào làm nối dõi. Em vua là Sùng Hiền Hầu cũng chưa có con nối dõi. Gặp lúc nhà sư núi Thạch thất là Từ Ðạo Hạnh đến nhà Hầu để cùng nói chuyện cầu tự, Ðạo Hạnh nói: "Ngày kia khi phu nhân lâm bồn thì nên trước báo cho biết, bởi vì tôi đã vì Ngài đến cầu xin ở thần núi rồi". Ba năm sau, phu nhân nhân thế mà có thai, sinh ra con trai Dương Hoán".

    (14)
    Toàn thư B3 tờ16b6-17a4: "(Hội Tường Ðại Khánh) năm thứ bảy, mùa hạ tháng sáu, thầy Từ Ðạo Hạnh thi giải ở chùa núi Thạch thất…Trước đó, phu nhân của Sùng Hiền Hầu là Ðỗ thị có thai. Ðến lúc đó, khó sanh, Hầu nhớ lại lời nói ngày trứơc của Ðạo Hạnh, sai người chạy đến báo. Ðạo Hạnh tức khắc tắm rửa thay áo, vào trong hang thi giải mà mất. Phu nhân liền sanh được người con trai, tức là Dương Hoán vậy. Người làng cho là truyện lạ, đem thi bỏ vào trong khám mà thờ. Núi Phật tích ngày nay tức là chỗ của nó vậy. Mỗi năm đến ngày 7 tháng 3 mùa xuân, sĩ nữ tụ hội lại ở chùa, làm nó trở nên một nơi du ngoạn nổi tiếng. Người sau ngoa truyền đó là ngày kỵ của Thầy". Ðại Việt sử lược 2 tờ 22a5: ("Hội Tường Ðại Khánh thứ 7) mùa hạ tháng 6 thầy Ðạo Hạnh hóa thân – Thần Tôn sinh ra".

    (15)
    Tam thập tam thiên (Phạn: Trayastrimsà), một tên gọi khác của cõi trời Ðao lợi hay Ðâu suất đà (Phạn: Tusita), nơi ngự trị của Ðế Thích theo huyền thoại Phật giáo. Xem Trường a hàm 20 và Câu xá luận 11 .

    (16)
    Toàn thư B3 tờ 17a4-5: "Xác của Sư đến khoảng năm Vĩnh Lạc đời Minh mới bị người Minh đốt. Người làng đúc lại tượng của Sư mà thờ như xưa, nay còn". Thì rõ ràng, xác của Ðạo Hạnh đang còn vào thời Trần, khi tác giả Thiền uyển tập anh viết tác phẩm của mình. An nam chí lược 15 tờ 147-148 cũng nói: "Sư nhục thân kim thượng tồn". An nam chí nguyên 3 tờ 209 viết: "Kim chân hình thượng tồn".

    (17)
    Nguyên văn: "Án Quốc sử, Hội Tường Ðại Khánh bát niên, (nhân) Sùng hiền, Thành Khánh, Thành Quảng, Thành Chiêu, Thành Kỳ, Hầu tử, nghênh nhập trung cung giáo dưỡng. Sùng Hiền (Khánh thọ bát niên đông thập nhị nguyệt đế băng) Hầu tử, niên phương nhị tuế, đế thâm ái chi, toại lập vi Hoàng thái tử, chi Thiên Phù Khánh Thọ nguyên niên đông thập nhị nguyệt đế băng, Thái tử tức vị, xuân thu nhị thập nhất niên, tại vị phàn thập nhất niên, thuỵ viết Thần tôn, tức Sư thị giả, Giác Hoàng hoặc Ðại Ðiên thị giả".

    Những chữ để trong vòng ngoặc là những chữ chúng tôi coi như diễn tự và loại bỏ không dịch, cứ vào lời chiếu tìm con tôn thất tìm con vào nuôi dưỡng trong cung của Lý Nhân Tôn trong Toàn thư B3 tờ 18a8-b3: "Hội Tường Ðại Khánh thứ 8 mùa đông tháng 10…xuống chiếu nói rằng: "Trẫm trị muôn dân, đã lâu không có con nối dõi, ngôi thứ của thiên hạ, thì có thể truyền lại cho ai. Vậy phải nên nuôi dưỡng con của Sùng Hiền, Khánh Thành, Thành Quảng, Thành Chiêu và Thành Hưng Hầu, rồi chọn đứa tốt nhất trong chúng mà lập lên". Bấy giờ con của Sùng Hiền Hầu là Dương Hoán, tuổi mới lên hai mà đã thông minh lanh lợi, vua rất thương yêu, bèn lập làm hoàng thái tử".

    (18)
    Lĩnh nam trích quái tờ 28-31 chép truyện của Từ Ðạo Hạnh hoàn toàn đồng nhất với truyện đây, trừ một sai khác đáng chú ý là việc Ðạo Hạnh thi trúng khoa Bạch liên, mà Thiền uyển tập anh không nói rõ. Còn Từ Ðạo Hạnh đại thành sự tích thật lục do "Ðạo nhân tam quán Tam Thanh" chép phụ vào Việt điện u linh tập tờ 221-225, tuy cốt truyện vẫn giống, nhưng có một số chi tiết khá lôi cuốn đáng ghi, nên đề nghị dịch lại sau:

    "Xưa Từ Ðạo Hạnh, họ Từ tên Lộ cha là Vinh, dùng đạo Thích làm giáo tôn, làm quan triều Lý đến chức Tăng quan đô sát, trước thường (qua chơi) làng An lăng, cưới con gái họ Tăng tên Loan, làm nhà ở xóm Láng nam, làng An lãng, gặp được chốn đất làm nhà là quí địa, nên bẩm sinh Ðạo Hạnh có tiên phong đạo cốt.

    Hạnh lúc nhỏ ham chơi, tính tình hào hiệp, có chí lớn, hành động cử chỉ, người ta không thể lường. Thường cùng nhà nho Phí Sinh, Ðạo sĩ Lê Toàn Nghĩa và người hề Phan Ất cùng nhau làm bạn. Ban đêm, Hạnh siêng năng chịu khó đọc sách, nhưng ban ngày thì đánh cầu, thổi sáo, đánh bạc làm vui. Cha Hạnh thường quở trách Hạnh hoang chơi biếng nhác. Một hôm, ông lén nhìn vào phòng Hạnh, thấy ngọn đèn leo lét như hạt đậu, sách vở chất đống, Ðạo Hạnh tựa vào bàn ngủ, mà tay vẫn chưa buông sách. Ông do thế không còn lo lắng nữa. Sau Hạnh ứng thí khoa Bạch liên, đỗ đầu, nhưng không thích ra làm quan, ngày đêm chỉ nghĩ tới việc báo thù cho cha.

    Cha Hạnh nguyên ngày trước dùng diệu thuật xúc phạm đến Diên Thành Hầu. Nhà Hầu có Pháp sư Ðại Ðiên dùng phù yếm giết chết, quăng thây xuống sông Tô lịch. Trôi đến cầu Tây dương, chỗ nhà Diên Thành Hầu, cái thây dừng lại đó, suốt ngày không chịu trôi đi. Hầu sợ, chạy báo cho Ðiên. Ðiên đến nói kệ rằng: "Tăng giận không đầy đêm sao? Vả sống là trường du hý, chết mới thành đạo Bồ đề". Thây đáp lại lời nói mà trôi đi, đến chỗ Hàm rồng làng Nhân mục cựu thì dừng lại. Người ta thấy nó có linh dị, xã đó xây lăng miếu, đúc tượng phụng thờ, mỗi năm kỵ vào ngày 10 tháng giêng. Bấy giờ mẹ Hạnh táng tại chùa Ba lăng, xã Thượng an. Nay chùa Hoa lăng phụng thờ cả hai vị Thánh cha và Thánh mẹ.

    Ðạo Hạnh chỉ nhằm phục thù, mà không tìm ra kế. Một hôm rình lúc Ðại Ðiên đi ra sắp làm pháp thuật, bèn lấy gậy sắp đánh Ðại Ðiên, bỗng nghe trên không có tiếng mắng bảo thôi. Ðạo Hạnh bèn quăng gậy, trở về nhà, buồn rầu tức giận, muốn đi Tây thiên Ấn độ, tìm học phép lạ, để chống Ðại Ðiên. Bèn liền cùng Minh Không, Giác Hải ra đi, đến nước Răng vàng đường đi hiểm trở, muốn trở về thì thấy một ông già cỡi một thuyền con, thảnh thơi đi trên sông. Họ cùng đến hỏi: "Tới Tây thiên còn bao xa". Ông già trả lời: "Ðường núi hiểm cao, đi bộ không được. Lão có chiếc thuyền nhỏ, xin giúp chở đi, lại có cây gậy nhỏ đây, nhắm thẳng Tây quốc mà tới thì chẳng xa, lão xin bằng lòng ngay". Lại nói bài kệ:

    Cùng đi đường đạo lẽ đương nhiên

    Nhiều ông xa học quyết nên danh

    Mênh mông muốn ngả sao nhọc trải

    Chỉ nhắm Hoàng giang thấy thánh sanh.


    Nói kệ xong, trong khoảng nháy mắt, bỗng chốc đã đến bờ sông Tây thiên có nhiều thần thông phép thiêng. Ðạo Hạnh giữ thuyền. Giác Hải và Minh Không lên bờ, học được phép thiêng, liền tự trở về trước. Ðạo Hạnh giữ thuyền ba ngày, không thấy tin tức hai người bạn , tự nhiên gặp một bà lão đến bên bờ sông, bèn chèo đến hỏi: "Lão bà có từng thấy hai người đến cầu đạo không?" bà lão trả lời: "Hai đứa đó đã nhận phép thiêng do ta dạy, đắc đạo trở về rồi". Ðạo Hạnh liền vái, vừa kể lại chuyện ba người cùng đi, bây giờ bỏ nhau, rất lấy làm buồn. Bà lão nghe nói, tức sai Ðạo Hạnh gánh hai thùng nước về nhà, ta sẽ dạy cho ngươi vài phép thiêng cùng phép cho rút đất chân truyền và đà la ni.

    Ðạo Hạnh tự hiềm hai người bạn đã thất ước, bèn tụng chú. Giác Hải và Minh Không đi đến nửa đường thì bị chú làm đau tim, khó di động được. Hai người bạn nhìn nhau kinh hãi. Bên ngoài tuy họ bị quấy rầy, nhưng bên trong nhờ đã học được linh thuật, nên đang hoàn toàn tỉnh táo, biện biệt được hư thật, biết rằng nó quả do Ðạo Hạnh tạo ra. Họ nhìn nhau nói: "Ngươi muốn biết hậu thân của thân này, thì hãy nhắm ta mà nói". Ðạo Hạnh nhân thế đáp: "Chúng ta cùng học đạo Thế Tôn, đạo quả đã thành hậu thân sẽ sinh lại thế gian làm bậc nhân chủ, lại sinh mắc bệnh, quyết không thể tránh, các ngươi có duyên với ta, xin đến cứu nhau".
    Y pháp bất y nhân, Y nghĩa bất y ngữ, Y Trí bất y Thức,
    Y liễu nghĩa Kinh, bất y vị liễu nghĩa Kinh.

  4. #124
    Avatar của hungcom
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    198
    Thanks
    136
    Thanked 208 Times in 79 Posts


    Từ đó, hận xưa hết sạch, cùng nhau truyền bá Phật pháp. Ði mặt nước, bay trên không, hàng rồng phục cọp, lên trời rút đất, muôn quái nghìn kỳ, xuất quỷ nhập thần, chẳng lường được mầu nhiệm. Họ bèn nhượng Ðạo Hạnh làm anh cả, Minh Không làm anh thứ và Giác Hải làm em. Chỗ đó nay gọi là cầu Beo ấy vậy. Minh Không và Giác Hải giã từ trở về chùa Giao thủy. Ðạo Hạnh ở lại tu luyện tại chùa Thiên phúc núi Thạch thất. Trước chùa có đôi cây tùng già, người ta gọi là long thụ. Ðạo Hạnh thường ngày chuyên trì chú Ðại bi tâm đà la ni đủ ức vạn ngàn biến thì một nhánh cây rơi xuống. Khi đọc chú xong thì cả đôi cây đều trụi. Hạnh tưởng được đức Quan Thế Âm đã đến ứng giúp, sức chú gia trì đã thấu tới thiên đường. Một hôm, thấy thần nhân hiện đến trước mặt, chân không đạp đất, Hạnh hỏi: "Thần nào đó?" Vị thần trả lời: "Ðệ tử là Tứ trấn thiên vương, cảm động đức trì kinh của Sư, nên đến hầu hạ, để tiện việc sai sử". Ðạo Hạnh biết lục trí của mình đã viên thành, thù cha có thể trả. Bèn trở về ở tại An lãng làng xưa, thân hành đến cầu An quyết sông Tô lịch, quăng một cây gậy xuống sông. Cây bỗng trên mặt nước, trôi ngược lên như bay, đến cầu Tây dương mới dừng lại. Ðạo Hạnh vui mừng nói: "Phép ta thắng Ðại Ðiên rồi vậy". Bèn đi thẳng đến chỗ Ðiên. Ðiên thấy, nói: "Mày không nhớ chuyện ngày trước sao?". Ðạo Hạnh ngửa mặt ngó lên trời, vắng vẻ không thấy gì cả, nhân thế đánh mạnh. Ðiên chết, lại quăng xác vào sông Tô lịch để trả thù xưa.

    Thù xưa rửa sạch, niềm tục lắng trong, Hạnh lại đi khắp tòng lâm, cầu xin ấn quyết. Nghe Cao Trí Huyền hóa đạo ở Thái bình, Hạnh lễ phép đến tham yết, tỏ hết chân tâm, có bài kệ rằng:

    Lâu mắc bụi đời chưa biết vàng

    Chẳng hay đâu chỗ, ấy lòng chân

    Nguyện xin chỉ dạy bày phương tiện

    Nương thấy Bồ đề khỏi nhọc tìm.


    Trí Huyền đáp lại lời kệ:

    Bí quyết chân truyền giả vạn kim

    Rõ ràng cái đó ấy thiền tâm

    Hà sa thế giới nên thôi nói

    Chẳng phải Bồ đề cách vạn tầm.


    Từ Ðạo Hạnh mang nhiên không hiểu, bèn đến pháp hội của Sùng Phạm tại chùa Pháp vân, thong dong hỏi rằng: "Thế nào mới là chơn tâm?" Phạm đáp: "Chỗ nào lại không là chân tâm". Ðạo Hạnh bỗng nhiên tự ngộ, bèn lại trở về chùa Thiên phúc núi Thạch thất tu đạo luyện pháp xưa. Từ đó, pháp lực càng thêm, lòng thiền càng thục, có thể sai sử chim rừng thú nội đều bay đến nép phục xung quanh. Hễ dân các phương có ai bị tật dịch , bùa bay giấy chạy, phép Hạnh lập tức có nghiệm. Ðem cứu người, người đều thấm ơn.

    Bấy giờ vua Lý Nhân Tôn không có con nối dõi, cầu đảo không nghiệm. Em vua là Sùng Hiền Hầu mời Ðạo Hạnh về nhà cùng nói chuyện cầu tự. Từ Công nguyện thác thai để tạ ân đức của Hầu. Lúc đó, phu nhân đang tắm ở nhà sau bỗng thấy Ðạo Hạnh hiện ở trong thau nước. Phu nhân sợ, đem nói với Hầu. Hầu rõ biết ý Hạnh, lén gọi phu nhân nói: "Bóng hiện trong thau nước, ấy là chân nhân đã nhập vào trong tử cung rồi, cẩn thận chớ sợ hãi nghi ngờ. Phu nhân trong lòng cảm thấy mình có thai. Từ Công bèn từ tạ mà về, dặn rằng : "Lúc lâm bồn thì nên đi báo cho ta". Ðến khi thai đủ tháng, phu nhân cảm thấy chuyển bụng muốn đẻ, nhưng rất khó. Hầu bảo: "Nên mau đi báo cao tăng". Từ Công thấy người đi báo đến, bèn gọi đồ đệ đến nói: "Nhân xưa chưa hết, ta tạm phải ra đời làm con cõi người để làm vua, thọ hết lại làm (chúa) cõi trời Tam thập tam. Nếu thấy chân thân ta hoại diệt thì ta mới vào Niết bàn, không còn ở trong sinh diệt nữa. Môn nhân nghe nói, không ai là không cảm động đến rơi nước mắt. Bèn lải rải nói kệ rằng:

    Thu qua không báo nhạn về đây

    Dễ khiến người đời thương xót thay

    Tỏ dấu người đời không ý tiếc

    Thầy xưa bao thuở vẫn thầy nay.


    Nói xong, đi lên Ðộng tiên, va đầu vào vách đá, dẫm chân lên bàn đá nghiễm nhiên thi giải mà mất. Ấy là năm Bính thân Hội Tường Ðại Khánh thứ 3 mùa xuân tháng 3 ngày mồng 7. Ðạo Hạnh Niết bàn, ra đời làm con của Sùng Hiền Hầu, không phiền nuôi nấng mà mau lớn, không nhọc dạy dỗ mà thông minh, nhan sắc đẹp đẽ, tài năng hết sánh. Vua xuống chiếu đem vào nuôi dưỡng ở trong cung, sau phong làm Hoàng thái tử. Nhân Tôn băng vua lên ngôi, ấy là Thần Tôn…".

    Từ Ðạo Hạnh đại thánh sự tích thật lục này, Ðại nam nhất thống chí, tỉnh Sơn tây, mục Tục biên chép với một vài sai khác không đáng kể cho lắm. Trừ việc nó thiếu bài thơ thị tịch của Hạnh và thêm bài thơ báo mộng cho Lý Nhân Tôn cùng chuyện nhờ Minh Không sau này chữa bệnh hộ mình.

    An nam chí lược 15 tờ 147-148 viết: "Từ Ðạo Hạnh là Nho sinh, ưa thồi sáo ngày cùng bạn leo núi du ngoạn, đêm đọc sách đến sáng. Một hôm, Hạnh vào núi Phật tích thấy trên đá có dấu bàn chân bên phải, bèn lấy bàn chân mình án lên trên thì giống như một. Bèn trở về nhà, giã từ mẹ mình, vào núi dựng am tu hành. Vua Lý vô tự, sai danh tăng cầu đảo. Có một vị tăng không dự, dùng thuật yểm đi. Vua nghe được sai bắt các vị tăng trong nước. Sư cũng bị hạ ngục. Vị Hoàng tử đem sức ra cứu, nên Sư khỏi được. Vị hoàng tử nói: "Tôi cũng không có con nối dòng, xin Sư cầu đảo dùm tôi". Sư bèn nói với vị Hoàng tử nên sai phu nhân vào trong nhà tắm. Sư đi qua ngoài nhà. Phu nhân cảm được mà có thai. Ðến khi sinh, vị Hoàng tử cho mời Sư, nhưng Sư đã ngồi mà hóa. Phu nhân bèn sanh một người con trai kỳ vĩ. Vua Lý lấy làm người nối dõi. Nhục thân Sư nay vẫn còn".

    Việt sử tiêu án 1 tờ 101a1-16 chép: "Xét phu nhân Sùng Hiền Hầu có thai gặp Sư núi Thạch thất là Từ Ðạo Hạnh đến nhà cùng bàn việc cầu tự. Sư hẹn khi sắp đẻ, nên trước báo cho Sư biết. Ðến lúc ấy phu nhân đẻ khó, Hầu nhớ lời Sư, sai người đi báo. Sư liền thay áo tắm rửa, vào trong hang thi giải mà chết. Phu nhân liền sanh một người con trai, tức Dương Hoán. Núi Thạch thất ở tại làng Lật Sài, huyện Yên sơn, cao vút xanh đẹp, mọc lên giữa một đám đất bằng. Ðộng đá có in dấu đầu và dấu chân, hình như rồng lân, tục truyền là nơi thi giải. Người làng cho đó là điềm lạ, bỏ thây vào trong khám mà thờ. Mỗi năm đến ngày 7 tháng 3 là thắg hội của một địa phương. Sau trong khoảng Vĩnh lạc, người Minh đốt thây đó. Dân làng mới đắp tượng cùng thờ với Thần Tôn, Trong khoảng Lê Quang Thuận, sai Nguyễn Ðức Trinh đến cầu tự ở trong động thì điềm lạ là có một mảnh đá bay tới. Bèn cung kính rước về dâng lên. Khi đã vậy, Thái hậu Trường Lạc mộng thấy rồng vàng vào hông bên phải mình, bèn sinh ra Hiến Tôn. Từ đó dấu thiêng càng hiện rõ".

    Rồi nó nhận xét thế này: "Xét Dã sử thì Ðạo Hạnh là con của Từ Vinh, dòng dõi nổi tiếng về pháp thuật, chẳng phải là một cao tăng. Việc thi giải đầu thai của ông quái đản không thường. Cao tăng minh tâm kiến tánh, tất không dùng pháp thuật mê hoặc mọi người. Sách sử nên bỏ chuyện lạ lùng, chỉ ghi lại việc thường, mà không nên đem chuyện thần quái mà mê hoặc đời". Dẫu vậy, với dẫn chứng vừa đọc, ta cũng thấy Việt sử tiêu án đã không quên bước chân theo Toàn thư và Ðại Việt sử lược để ghi lại những việc làm có vẻ quái đản của Ðạo Hạnh. Chỉ Cương mục chính biên là đã làm theo lời giáo huấn của Ngô Thời Sĩ, và từ đó đã tự làm giảm giá trị của chính mình thôi.
    -------------------

    Chú thích của hungcom :



    (*)

    久混凡塵未識金,
    不知何處是真心。
    願乘指的開方便,
    了見如如斷苦尋。


    Cửu hỗn phàm trần vị thức câm (kim),
    Bất tri hà xứ thị chân tâm.
    Nguyện thuỳ chỉ đích khai phương tiện,
    Liễu kiến như như đoạn khổ tầm.



    (**)

    玉裏秘聲演妙音
    個中滿目露禪心
    河沙境是菩提道
    擬向菩提隔萬尋


    Ngọc lý bí thanh diễn diệu âm
    Cá trung mãn mục lộ thiền tâm
    Hà sa cảnh thị Bồ Đề đạo
    Nghĩ hướng Bồ Đề cách vạn tầm.



    (***)

    作有塵沙有,
    為空一切空。
    有空如水月,
    勿著有空空。


    Tác hữu trần sa hữu,
    Vi không nhất thiết không.
    Hữu, không như thuỷ nguyệt,
    Vật trước hữu không không.



    (****)

    日月出岩頭,
    人人盡失珠。
    富人有駒子,
    步行不騎駒。


    Nhật nguyệt xuất nham đầu,
    Nhân nhân tận thất châu.
    Phú nhân hữu câu tử,
    Bộ hành bất kỵ câu.



    (*****)

    秋來不報雁來歸,
    冷笑人間暫發悲。
    為報門人休戀著,
    古師幾度作今師。


    Thu lai bất báo nhạn lai quy,
    Lãnh tiếu nhân gian tạm phát bi.
    Vị báo môn nhân hưu luyến trước,
    Cổ sư kỉ độ tác kim sư.


    Y pháp bất y nhân, Y nghĩa bất y ngữ, Y Trí bất y Thức,
    Y liễu nghĩa Kinh, bất y vị liễu nghĩa Kinh.

  5. The Following User Says Thank You to hungcom For This Useful Post:

    hoatihon (06-14-2015)

  6. #125
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts
    Hỏi về Chân Tâm




    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

  7. #126
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts

    Đương xứ tức Chân



    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

  8. #127
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts


    Không có, có không




    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

  9. #128
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts


    Hạt châu búi tóc




    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

  10. #129
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts


    Chỉ là Hóa thân !




    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

  11. #130
    Avatar của hungcom
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    198
    Thanks
    136
    Thanked 208 Times in 79 Posts


    52.THIỀN SƯ TRÌ BÁT(1049-1117)


    Chùa Tổ phong, núi Thạch thất, làng Ðại cù, Tân trại, người Luy lâu, họ Vạn. Nhỏ đã thiết tha với Phật giáo. Ðến tuổi trưởng thành, tới xuống tóc và thọ Cụ túc giới với Sùng Phạm chùa Pháp vân. Phạm thấy Sư tính hạnh siêng năng, gặp việc cẩn thận, bèn dốc lòng ấn khả và ban cho hiệu trên.

    Khi Phạm qui tịch, Sư tự mình đi khắp những chỗ giảng Thiền, trải hỏi các bậc Tôn túc, rồi trở về chùa đó giảng dạy nghiên cứu. Tướng quốc Thái úy Lý Thường Kiệt, lúc bấy giờ là vị đàn chủ. Những gì Sư được dâng cúng, đều đem dùng vào việc Phật. Sư đồng thời dựng lại các chùa Pháp vân, Thiền cư, Thê tâm và Quảng an… để đáp lại ân pháp nhũ.

    Ngày 18 tháng 2 năm Hội Tường Ðại Khánh thứ 8 (1117), khi sắp thị tịch, Sư nói kệ rằng:

    Có chết tất có sống

    Có sống tất có chết

    Chết đời lấy làm buồn

    Sống đời lấy làm vui

    Buồn vui thật vô cùng

    Bỗng nhiên thành đây đó

    Ðối với việc sống chết

    Chẳng có gì bận lòng

    Án tô rô tô rô tất rị"
    (1)(*)

    Nói kệ xong, Sư ngồi thẳng mà mất, thọ 69 tuổi. Môn đồ đệ tử là Thiền sư Tịnh Hạnh, Pháp Nhãn và Thuần Chân thu di cốt hỏa táng.


    _______________

    Chú thích :

    (1)

    Thiền sư Viên Quang, có người hỏi: "Nếu không dính dáng đến chuyện đàn tràng nữa thì Sư có tiếp chăng?" Sư trả lời: "Tô rô tô rô". Tô rô tô rô hay nói cho đủ, tô rô tô rô tất rị là một phiên câu chú chữ Phạn: surà-suràsrì nghĩa là: Sự vinh quang của người anh hùng và không anh hùng.

    ----------------------

    Chú thích của hungcom :

    (*)


    有死必有生,
    有生必有死。
    死為世所悲,
    生為世所喜。
    悲喜兩無窮,
    互然成彼此。
    於諸生死不關懷,
    唵嘮嚕嘮嚕悉哩。


    Hữu tử tất hữu sinh,
    Hữu sinh tất hữu tử.
    Tử vi thế sở bi,
    Sinh vi thế sở hỉ.
    Bi hỉ lưởng vô cùng,
    Hỗ nhiên thành bỉ thử.
    Ư chư sinh tử bất quan hoài,
    Úm tô rô, tô rô, tất lỵ!


    Y pháp bất y nhân, Y nghĩa bất y ngữ, Y Trí bất y Thức,
    Y liễu nghĩa Kinh, bất y vị liễu nghĩa Kinh.

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •