DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 11/16 ĐầuĐầu ... 910111213 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 101 tới 110 của 160
  1. #101
    Avatar của hungcom
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    198
    Thanks
    136
    Thanked 208 Times in 79 Posts


    38. THIỀN SƯ HUYỀN QUANG (? – 1221)(*)


    Núi Yên Tử (1), người Kinh sư, họ Lê, tên Thuần. Là người có tiếng nói dịu dàng, dung mạo đẹp đẽ, mồ côi từ bé trải nhiều gian khổ.

    Năm vừa 11 tuổi, Thường Chiếu chùa Lục tổ thấy đem về nuôi, cho làm đệ tử. Sư học vấn thông tuệ, mỗi ngày học hàng vạn chữ, không đầy 10 năm, gồm thông Tam học. Nhưng tôn chỉ môn thiền Sư chưa kịp suy cứu thì Thường Chiếu đã qui tịch. Về sau, cùng người biện luận tâm yếu tất bị bắt bẻ. Sư thường tự trách mình rằng: "Ta đây ví như con nhà giàu, lúc cha mẹ còn sống, ăn chơi lêu lổng, đến khi cha mẹ chết thì mờ mịt ngu muội, không biết châu báu trong nhà nằm ở đâu, đến nỗi cuối cùng thành nghèo thiếu".(2)

    Từ đó, Sư dạo khắp tòng lâm, tham học các hàng tri thức, gặp Trí Thông chùa Thánh quả dạy cho một câu, Sư chợt rõ tâm địa của mình, bèn ở lại đấy hầu hạ Thông. Sau vì nhân sự cúng dường của công chúa Hoa Dương(3) mà tiếng đời phỉ báng nổi lên như ong. Sư nghe được, nói: "Phàm được người thế tục ngưỡng mộ tất không tránh khỏi bị hủy nhục. Nay ta là như thế sao? Vả, con đường Bồ tát thì rộng lớn, còn pháp Phật thì vô lượng, kẻ sĩ giữ đạo trung dung còn nhiều khi phải buồn tẻ khóc thầm(4). Nếu như không dõng mãnh tự xét, dùng sự nhẫn nhục làm giáp trụ, lấy việc tinh tấn làm khí giới, thì làm sao tránh được ma quân, phá được phiền não, cầu được giác ngộ vô thượng?"

    Rồi Sư vào thẳng trong núi Uyên trừng, phủ Nghệ an, theo Thiền sư Pháp Giới thọ giới Cụ túc. Một hôm, Sư thấy thị giả dâng cơm, sẩy tay làm đổ xuống đất. Sợ quá, thị giả lấy tay hốt cơm lộn đất, Sư tự hối nói: "Ta sống vô ích cho người, chỉ nhọc cho họ cúng cấp để đến nỗi như thế kia".

    Từ đấy bèn mặc áo lá, thôi nhận lương, trải hơn 10 năm. Lúc sắp tìm chỗ riêng để an dưỡng tuổi già, Sư bèn vào sâu trong núi ấy, kết cỏ làm am mà ở. Mỗi khi xuống núi kinh hành, Sư tất dùng gậy quảy một đẫy vải (5). Ðến ngồi nằm nơi nào, thú rừng trông thấy không con nào là không thuần phục.

    Lý Huệ Tôn khâm phục đời sống cao thượng của Sư, đã nhiều lần lần sắp lễ đi đón. Sư lánh mặt, sai thị giả bảo lại với sứ giả rằng: "Bần đạo sinh trên đất vua, ăn lộc vua, ở trong núi thờ Phật trải đã nhiều năm, mà công đức chưa thành, rất lấy làm thẹn. Nay nếu về thăm vua thì không những không có ích gì cho việc trị an, mà lại bị chúng sinh bài báng. Huống chi bây giờ Phật pháp đang thịnh hành, Sư trưởng trong đạo đã nhóm cấm túc ở gác điện Vũ nghi (6) thì sao phải chiếu cố một ông thầy tu thô hèn gởi mình trong núi đến thế?". Từ đó, Sư quyết không xuống núi nữa.

    Có vị Tăng hỏi: "Hoà thượng ở trong núi bấy lâu làm được những việc gì"

    Sư đáp:

    "Dùng đức Hứa Do ấy (7)

    Sao biết đời mấy xuân

    Vô vi sống đồng rộng

    Tự tại người thênh thang"


    Mùa xuân năm Tân tỵ Kiến Gia thứ 11 (1221), khi sắp thị tịch, Sư ngồi trên một tảng đá nói kệ:

    Pháp huyễn đều là huyễn,

    Tu huyễn cũng là huyễn,

    Chẳng là hai huyễn ấy

    Tức trừ được mọi huyễn".


    Nói xong, Sư an nhiên mà tịch. Môn đồ Ðại Viên sắm đủ lễ an táng Sư trong hang núi.{Lại Tự ngu tập nói Sư mất, không biết ở đâu}


    _________________

    Chú thích :

    (1)
    Bắc thành địa dư chí lục 2 viết: "Núi Yên tử ở tại xã Nam mẫu huyện Đông triều, một tên là Tượng sơn. Long mạch chi tả bổ xuống làm tổ các núi ở Hải dương. Cứ Đồ kinh thì núi ở hương Cấn. Mạch Quyết nói: "Nó nở như sen, nó bay như diều, hai cái không đều, sinh nhiều ngỗ nghịch". Hải nhạc danh sơn đồ đời Tống cho núi này là một trong bốn đất phúc. Xưa, An Kỳ Sinh đời Hán tu luyện ở đấy. Trên núi (Tiên) có chùa gọi Hoa yên, gọi Tử tiêu, lại có khe tên Giải oan, tên Long hàm, khéo léo thanh vắng,
    thật là một bồng đảo của thiên nhiên...". Xem thêm Đại nam nhất thống chí, tỉnh Hải dương, mục sơn xuyên.

    (2)
    Chuyện "Người cùng tử trong kinh Pháp hoa", sau một thời gian trôi giạt gặp bất ngờ cha mình trong cảnh giàu sang tột bực, nhưng không nhận ra đó là cha, mà chỉ bằng lòng nhận thân phận nô dịch.

    (3)
    Đại Việt sử lược 3 tờ10a11: "Trinh Phù năm thứ 5 (1180) mùa đông cho thủ lãnh châu Vị long Hà Công Phụ cưới công chúa Hoa Dương". Công chúa Hoa Dương như vậy là con của Lý Anh Tôn.

    (4)
    Nguyên văn: Khấp kỳ. Từlấy ra ở thiên Nghi tợ của Lã th ịxuân thu 22 tờ21b12-13 về việc "Mặc tử thấy đường rẽ mà khóc". Thiên Thuyết lâm của Hoài nam tử17 tờ13b13-14 giải rõ hơn: "Dương tử thấy đường rẽ mà khóc vì nó có thể đi về nam hay bắc".

    (5)
    Bố Đại hòa thượng (...) thường dùng một cây gậy quảy một túi vải trên vai, viên tịch đời Lương, niên hiệu Trinh Minh thứ hai

    (6)
    Các sư tăng có lệ cấm túc, giới hạn trong một khu vực, trong một thời gian không ra khỏi giới hạn đó. Cuộc cấm túc này có lẽ xảy ra vào năm 1212, mà Đại Việt sử lược3 tờ 24a10 ghi lại việc Lý Huệ Tôn cùng thái hậu đến trước Phật thệ rằng: "Trẫm đem sức mọn mà trộm nối ngôi quí, đến nỗi phải gặp loạn ly, sắp đổ sự nghiệp trước, thậm chí cung giá phải dời đổi nhiều lần. Nay muốn lãnh ngôi trời để nhường cho người hiền đức" nói xong, vua lấy dao muốn cắt tóc thì (Trần) Tự Khánh đốt sạch cung điện như Đại Việt sử lược 3 tờ 26b4 ghi. Điện Vũ nghi không thấy tên trong sử.

    (7)
    Hứa Do là tên nhà cao sĩ đời thượng cổ Trung quốc, trước ở ẩn tại Bãi trạch, vua Nghiêu đem thiên hạ nhường cho, bèn không nhận, rồi trốn đến dưới núi Cơ ở Dĩnh thuỷ cày ruộng. Vua Nghiêu lại mời làm Cửu chân trưởng. Hứa Do không muốn nghe, bèn đến bên sông Dĩnh lấy nước rửa lỗ tai mình.

    --------------------

    Chú thích của hungcom :

    (*)
    Trùng tên với Thiền sư là :
    Huyền Quang (玄光), 1254-1334, tên thật là Lý Đạo Tái (李道載), người hương Vạn Tải, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang. Nay là làng Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh; là một Thiền sư Việt Nam, Tổ thứ ba dòng Trúc Lâm Yên Tử.


    Y pháp bất y nhân, Y nghĩa bất y ngữ, Y Trí bất y Thức,
    Y liễu nghĩa Kinh, bất y vị liễu nghĩa Kinh.

  2. #102
    Avatar của hungcom
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    198
    Thanks
    136
    Thanked 208 Times in 79 Posts


    THẾ HỆ THỨ MƯỜI LĂM

    (Có 7 người _ Ở đây chỉ có một người)



    39. CƯ SĨ ỨNG VƯƠNG. (1)

    Người phường Hoa thị (2), kinh đô Thăng long, họ Ðỗ, tên Văn, tính tình giản dị, khoáng đạt, không bôn chôn theo việc đời. Ban đầu làm quan dưới triều Chiêu Lăng ta (3), chức đến Trung phẩm phụng ngự. Những khi rảnh việc quan, ông dốc chí học Thiền, tay không rời sách, tìm hết ý tổ, hiểu rõ Tâm tông. Ở cửa trường của Tức Lự chùa Thông thánh, ông thấu hết bí quyết của Lự. Do đó, Sư gió thiền không nghẽn, mắt đạo càng cao.

    Khi được truyền tâm ấn rồi, ông là người tai mắt của tòng lâm, như những vị quốc sư Nhất Tôn, Thiền sư Tiêu Diêu(4), Giới Minh và Giới Viên ấy vậy.


    ______________

    Chú thích :

    (1)
    Truyện của Tức Lự nói: "Ứng Thuận cư sĩ, ấy là pháp tự của Lự". Nhưng không hiểu sao đây gọi Ứng Vương, hoặc chữ Vương là một khắc sai của chữ Thuận. Hoặc là cách gọi để tỏ lòng tôn kính như trường hợp Thông Sư.

    (2)
    Phường Hoa thị này không biết thuộc phường nào của thủ đô Hà nội.

    (3)
    Tức triều Trần Thái Tôn (1225-1257). Khi Thái Tôn mất vào năm 1277 và đem táng vào lăng thì lăng của Thái Tôn gọi là Chiêu lăng. Xem Toàn thư B5 tờ 36a5

    (4)
    Cứ Lược dẫn thiền phái đồ trong Thượng sĩ ngữ lục tờ 7b thì Tiêu Diêu là đệ tử của Ứng Thuận và là thầy của Tuệ Trung. Ngoài Tiêu Diêu ra, nó còn cho biết Quốc Nhất, Đạo Sư, Quế Thâm và Chân Giám là những đệ tử khác của Thuận.
    Và ngoài Tuệ Trung ra, thì Thạch Đậu Vị Hải, Đạo Tiềm, Thân Tán, Lại Tản, Thạch Lâu, Thôn Tăng, Thủ Nhân, Ngu Ông và Vô Sở là đệ tử của Tiêu Diêu.
    Thượng sĩ hành trạng trong Thượng sĩ ngữ lục tờ 38a8-b1 nói: "(Tuệ Trung) lúc còn để chỏm, rất chuộng cửa Không, đến học Thiền sư Tiêu Diêu ở Phước Đường, hiểu được yếu chỉ, dốc lòng thờ làm thầy". Còn bài tựa do Huệ Nguyên viết năm 1763 trong Thượng sĩ ngữ lục tờ 3b1-3 nói: "Thượng tổ Tiêu Diêu... vừa đến nước ta, đã thoát thế vô y, cầm câu không lưỡi mà vào kinh thành". Như thế Diêu chưa hẳn là người nước ta. Lời tựa đây cũng nói Thượng sĩ ngữ lục là một tác phẩm của Tiêu Diêu.
    Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ Tiêu Diêu chắc quê quán Phước đường tại vùng Thanh từ ngày nay.

    Y pháp bất y nhân, Y nghĩa bất y ngữ, Y Trí bất y Thức,
    Y liễu nghĩa Kinh, bất y vị liễu nghĩa Kinh.

  3. #103
    Avatar của hungcom
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    198
    Thanks
    136
    Thanked 208 Times in 79 Posts


    THIỀN UYỂN TẬP ANH NGỮ LỤC


    QUYỂN HẠ

    40. Thiền sư Tỳ Ni Ða Lưu Chi (1)


    Chùa Pháp vân, làng Cổ châu, Long biên (2). Người nước Nam Thiên trúc (3), dòng Bà la môn. Nhỏ đã mang chí xuất tục, đi khắp Tây trúc, cầu tâm ấn Phật. Nhân duyên đạo chưa gặp, bèn cầm gậy sang Ðông Nam.

    Ðời trần Ðại Kiến thứ 6 (574), năm Giáp ngọ (4), Sư mới đến Trường an. Gặp lúc Chu Võ Ðế phá diệt Phật pháp (5), Sư muốn sang đất Nghiệp. Bấy giờ đệ tam tổ Tăng Xán vì tị nạn, nên mang y bát ở ẩn trong núi Tư không (6). Sư đến gặp Tổ, thấy cử chỉ phi phàm, trong lòng phát niềm kính mộ, bèn đến trước, chấp tay đứng ba lần. Tổ vẫn ngồi yên không nói. Sư suy nghĩ giây lát, bỗng nhiên lòng như có sở đắc, liền sụp lạy ba lạy. Tổ gật đầu ba cái mà thôi. Sư lùi ba bước, thưa rằng: "Ðệ tử bấy lâu không gặp thuận tiện, nay nhờ Hoà thượng đại từ bi, cúi xin cho con theo hầu hạ hai bên".

    Tổ dạy "Ngươi nên mau qua phương Nam giáo hóa, không nên ở đây lâu".

    Sư từ biệt ra đi, đến Quảng châu trác tích chùa Chế chỉ. Trải qua 6 năm, Sư dịch được kinh Tượng đầu báo nghiệp sai biệt (7). Ðến tháng 3 năm Canh tý đời Chu Ðại Tường thứ 2 (580), Sư đến nước ta ở tại chùa đó, lại dịch ra kinh Tổng trì, 1 quyển.

    Một hôm, Sư gọi đệ tử nhập thất là Pháp Hiền dạy rằng:

    "Tâm ấn chư Phật

    Tất không lừa dối

    Tròn đồng thái hư

    không thiếu không dư (8)

    Không đi không đến

    Không được không mất

    Chẳng một chẳng khác

    Chẳng thường chẳng đoạn

    Vốn không chỗ sinh

    Cũng không chỗ diệt

    Cũng chẳng lìa xa

    Chẳng không lìa xa

    Vì đối vọng duyên.

    Nên giả đặt tên

    Bởi thế chư Phật ba đời

    Cũng dùng như thế mà được

    Tổ sư nhiều đời

    Cũng dùng như thế mà được

    Ta cũng dùng như thế mà được

    Ngươi cũng dùng như thế mà được

    Cho đến hữu tình, vô tình

    Cũng dùng như thế mà được

    Vả, Tổ ta Xán công

    Khi ấn cho ta tâm đó

    Bảo ta mau Nam hành giáo hóa

    Không nên ở lại đây lâu

    Từng trải nhiều nơi

    Mới đến được đây

    Nay gặp phải ngươi

    Quả hợp huyền ký

    Ngươi khéo giữ gìn

    Giờ đi ta đến.


    Nói xong, Sư chấp tay mà mất. Pháp Hiền làm lễ trà tỳ, thu xá lợi 5 sắc, xây tháp để thờ. Khi ấy là năm Giáp dần, đời Tùy Khai Hoàng thứ 14 (594).

    Vua Lý Thái Tông có tặng phong và làm bài kệ truy tán:

    "Mở lối sang nước Nam

    Nghe ông giỏi tập Thiền

    Mở bày niềm tin Phật

    Xa hợp một nguồn tim

    Trăng Lăng già vằng vặc

    Sen Bát nhã ngát thơm

    Bao giờ được gặp mặt

    Cùng nhau bàn đạo huyền.
    (9)


    ________________

    Chú thích :

    (1)
    Đối chiếu với các tư liệu Trung Quốc: (vinitaruci)
    (a) Lịch đại tam bảo ký 10 tờ102c3-9: "Tam tạng Pháp sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi nước Ô trượng, Bắc Thiên trúc. Tùy dịch là "Diệt hỷ" (*). Khi đã nghe đức Hoàng đế ta phục hưng Tam bảo, nên có thể không cho 500 do tuần là xa, bèn chống gậy nhắm phương đến xem sự thạnh hóa đến mức nào. Bèn được mời vào, sai dịch kinh, tức ở nơi chùa Đại hưng thiện dịch ra (kinh Tượng đầu tinh xáĐại thừa phương quảng tổng trì). Cấp sự Lý Đạo Bảo và thứ tử của Bát Nhã Lưu Chi là Đàm Bì, hai người truyền dịch. Sa môn chùa Đại hưng thiện là Thích Pháp Toản từ Trường an bút thọ thành chữ Hán, cùng chỉnh đốn so sánh văn nghĩa, Sa môn Ngạn Tôn viết tựa cho cả hai".
    (b) Đại Đường nội điển lục 5 tờ275a14-19 chép như (a)
    (c) Tục Cao tăng truyện2 tờ 433b2-5 chép y như(b)
    (d) Khai nguyên Thích giáo lục 7 tờ 547c8-14 đại cương chép như (a) nhưng thêm chi tiết là các kinh kể trên "dịch vào năm Khai Hoàng thứ 2 (582) Nhâm dần đời Văn Đế", và thêm đính chính rằng "Trường Phòng tức (a) nói phiên dịch tại chùa Đại hưng thiện là sai".
    (e) Trinh nguyên tân định Thích giáo mục lục 10 tờ646a8-14 chép như (đ). So sánh các tư liệu Trung Quốc vừa dẫn với nhau, ta thấy ngay một điểm bất thường nổi bật ngay, đấy là việc Khai nguyên Thích giáo lục nói Lịch đại tam bảo ký ghi Tỳ Ni Đa Lưu Chi dịch những kinh của ông tại chùa Đại hưng thiện là sai, nhưng không nói rõ nếu đúng thì dịch chúng ở đâu. Lịch đại tam bảo ký do Phí Trường Phòng viết xong năm 597, còn Khai nguyên Thích giáo lục do Trí Thăng soạn năm 730. Việc Thăng phản đối
    Phòng về nơi dịch Kinh của Tỳ Ni Đa Lưu Chi rõ ràng muốn nói rằng Tỳ Ni Đa Lưu Chi không bao giờ dịch kinh tại chùa Đại hưng thiện cả. Ngược lại, Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã dịch chúng ở những nơi khác. Nhưng nới khác đây là nơi đâu, Thăng không nói. Do thế, Thiền uyển tập anh không phải là không có lý, khi nói Tỳ Ni Đa Lưu Chi dịch kinh Tượng đầu ở Quảng Châu và kinh Tổng trì ở nước ta, dầu rằng nó có xuất hiện hậu kỳ. Từ kết luận đây, những chi tiết khác liên quan đến Tỳ Ni Đa Lưu Chi do Phòng ghi lại vị tất là có thể đáng tin hoàn toàn. Sự thực, nếu Tỳ Ni Đa Lưu Chi không dịch kinh tại chùa Đại hưng thiện, thì việc "mời vào khiến dịch kinh" khó có thể tin được.

    (2)
    Cương mục chính biên 3 tờ32a1-3 nói: "Chùa Pháp vân ở tại thôn Văn giáp huyện Thượng phúc tỉnh Hà nội. Tương truyền một hôm mây mưa sấm chớp nổi lớn, cây si ngã xuống, người trong thôn lấy gỗ nó khắc tượng dựng chùa thờ, nên có tên đó". Xác định chùa Pháp vân như vậy, các tác giả Cương mục đã sử dụng tài liệu của Bắc thành địa dư chí lục 3, theo đó "chùa Đại Pháp vân, Pháp vũ, Pháp lôi, Pháp điện ở làng Văn giáp, huyện Thượng phúc". Nhưng đương nhiên chùa Pháp vân nói tới đây không
    phải là chùa Pháp vân làng Cổ châu, Long biên, mà thực ra chùa Pháp vũ hay chùa Thành đạo hay chùa Đậu, nơi thờ Pháp vũ.
    Vậy chùa Pháp vân làng Cổ châu là chùa nào?.
    Làng Cổ châu, Long Biên, nay gồm đất làng Khương tự huyện Thuận thành tỉnh Bắc ninh. Tại làng này hiện có một chùa tên Diên ứng và một cây tháp tên Hoà phong.
    Đại nam nhất thống chí, tỉnh Bắc ninh, mục Tự quan viết: "Chùa Diên ứng ở xã Khương tự, huyện Siêu loại, có bốn tượng Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện rõ có linh tích. Đời Trần, Mạc Đĩnh Chi dựng chùa trăm gian, tháp chín tầng, cầu chín nhịp, di chỉ nay còn. Xét Pháp vân Phật truyện thì lúc Sĩ Nhiếp làm Thái thú cai trị thành Luy lâu, sư Khâu Đà La ở tại núi xanh phía tây của thành. Có người con gái của Tu Định là A Man bị Sư đụng đến, mà có thai sinh một đứa bé gái. Sư đem bỏ vào trong một cây lớn ở rừng sâu. Sau gió mưa nổi lớn, cây trốc gốc, trôi nổi trong sông, trôi đến bến Luy lâu. Người ta lấy làm lạ, vớt lên bờ, sai thợ đẽo bốn pho tượng Phật, dựng chùa gọi là chùa Thiền định...tức nay chùa Diên ứng..., đặt bốn pho tượng Phật phụng thờ. Sau mỗi lần cầu mưa đều có linh ứng, người ta đặt tên Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Điện và Pháp Lôi. Thập Di ký của Lý Tế
    Xuyên nói người Cổ châu mỗi năm đến ngày mừng Phật đản thì hội họp tại chùa Thiền định. Trần Nghệ Tôn có ban mỹ hiệu. Sử nhà Lê chép: Năm Thái Hòa thứ 6 đời Nhân Tôn sai Lê thái úy đến Cổ châu rước Phật Pháp vân về đến chùa Báo thiên ở kinh thành để cầu mưa".
    Chùa Pháp vân ở Cổ châu, Long Biên tức chùa Diên ứng hay chùa Dâu tại xã Khương tự huyện Thuận thành tỉnh Bắc ninh ngày nay.

    (3)
    Tức Nam Ấn. Nhưng các tư liệu Trung Quốc, đã dẫn đều nói người bắc Thiên trúc, tức bắc Ấn.

    (4)
    Nguyên bản viết "Nhâm ngọ" là sai, Trần Đại Kiến thứ 6 năm Giáp ngọ.

    (5)
    Phật tổ lịch đại thông tải 10 tờ 557a: Năm Giáp ngọ, Chu Vũ Đế, niên hiệu Kiến Đức thứ 3 (574), tháng 5, ngày 17, xuống chiếu hủy Phật.

    (6)
    Tổ Tăng Xán, sau khi được truyền pháp, đến ẩn cư trong núi Hoàn công, Thư châu. Gặp lúc Chu Vũ Đế phá diệt Phật pháp, ngài lánh sang núi Tư không, huyện Thái hồ sống không nhất định một nơi nào, trải qua 10 năm...Đến Tùy Khai Hoàng 12 (592), truyền pháp cho Đạo Tín. Xem Truyền đăng lục 3.

    (7)
    Nghiệp báo sai biệt kinh, 1 quyển; gọi đủ là: Phật thuyết thủ trưởng giả nghiệp báo sai biệt kinh, đời Tùy, Cù Đàm Pháp Trí dịch (xem ĐTK.80) Ghi chú của Trường Phòng: "Khai Hoàng năm thứ 2, tháng 2, dịch..." Bản dịch của Tỳ Ni Đa Lưu Chi phải chăng đã mất và chắc chắn nội dung không phải thuộc loại kinh này. Bởi vì học lý của Tỳ Ni Đa Lưu Chi xuyên qua hai bản dịch trên, không thể nào để cho ông dịch một tác phẩm với một học lý, như nó thể hiện trong bản dịch Nghiệp báo sai biệt kinh ngày nay.

    (8)
    Tăng Xán, Tín tâm minh :

    Viên đồng thái hư
    Vô khuyết vô dư
    Lương do thủ xả
    Sở dĩ bất như.


    (9)

    Văn quân cửu tập thiền
    Ứng khai chư Phật tín
    Viễn hiệp nhất tâm nguyên
    Hạo hạo Lăng già nguyệt
    Phần phần bát nhã liên
    Hà thời tái đắc kiến
    Tương dự thoại trùng huyền.


    --------------------

    Chú thích của hungcom :

    (*)

    Diệt Hỉ :
    滅喜
    Y pháp bất y nhân, Y nghĩa bất y ngữ, Y Trí bất y Thức,
    Y liễu nghĩa Kinh, bất y vị liễu nghĩa Kinh.

  4. #104
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts


    Viên đồng thái hư



    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

  5. #105
    Avatar của hungcom
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    198
    Thanks
    136
    Thanked 208 Times in 79 Posts


    DÒNG PHÁP CỦA Tỳ Ni Ða Lưu Chi CHÙA PHÁP VÂN.

    THẾ HỆ THỨ NHẤT
    (MỘT NGƯỜI)

    41. Thiền sư PHÁP HIỀN (? – 626)

    Chùa Chúng thiện, núi Thiên phúc, Tiên du, người Châu diên, họ Ðỗ. Thân cao 7 thước 3 tấc. Ban đầu, Sư đến thọ giới cụ túc với Ðại sư Quán Duyên, chùa Pháp vân. Hàng ngày cùng với Tăng chúng nghe giảng về yếu chỉ của Thiền. Khi Tỳ Ni Ða Lưu Chi từ Quảng châu đến ở chùa đó, thấy Sư, nhìn kỹ vào mặt hỏi: "Ngươi họ gì?"

    Sư hỏi lại: "Hoà thượng họ gì?"

    Lưu Chi lại hỏi: Ngươi không có họ sao?"

    Sư đáp: "Họ thì không phải không có, nhưng làm sao Hoà thượng biết?"

    Tỳ Ni Ða Lưu Chi quát: "Biết để làm gì?" (1)

    Sư bỗng nhiên tự tỉnh, liền sụp lạy, bèn được Thiền chỉ. Khi Chi tịch rồi, Sư thẳng vào núi ấy, tu tập thiền định, hình như cây khô, vật & ngã đều quên, chim bay đến chầu, dã thú vây quanh. Người đương thời nghe tiếng đến học, không thể đếm xiết. Nhân đó, Sư lập chùa, dạy dỗ học trò, Tăng chúng đến ở thường hơn 300. Thiền học phương Nam nhờ thế mà thịnh.

    Thứ sử Lưu Phương nhà Tùy đem tâu vua Cao Tổ rằng:

    "Phương này bấy lâu sùng kính Phật giáo, mà lại trọng Sư đức độ tiếng tăm".

    Vua Tùy sai sứ ban cho 5 hòm xá lợi của Phật cùng điệp sắc, sai Sư dựng tháp cúng dường (2). Sư xây tháp tại chùa Pháp vân ở Luy lâu (3) và những chùa danh tiếng ở các châu Phong, Hoan, Trường, Ái.

    {Việc này nói rõ trong truyện của Thiền sư Thông Biện} Về sau, năm Bính tuất Ðường Vũ Ðức thứ 9 (626), Sư thị tịch.


    __________________

    Chú thích :

    (1)
    Tham chiếu Truyền đăng lục về cuộc đối thoại đầu tiên giữa Đạo TínHoằng Nhẫn: "Một hôm Tín đến huyện Hoàng mai, giữa đường gặp một đứa trẻ cốt tướng kỳ vĩ, khác với trẻ thường. Sư hỏi: "Con họ gì?" Trẻ đáp: "Là họ Phật." Sư hỏi: "Ngươi không có họ sao?" Trẻ đáp: "Tánh không vậy". Sư lặng biết nó là một bậc tài giỏi của đạo, liền sai người hầu đến nhà nó gặp cha mẹ, xin cho nó xuất gia. Cha mẹ cho là có duyên xưa, nên không có chút vẻ làm khó khăn, liền cho đi làm đệ tử, có tên gọi Hoằng Nhẫn". (*)

    (2)
    Tục Cao tăng truyện 18 tờ 573b25-c14 trong truyện của Đàm Thiên ghi rõ là vua Tùy Cao Tổ ban xá lợi gồm cả thảy ba lần. Lần đầu cho 30 châu chỗ ở hơn ba mươi châu vào tháng 6, năm Nhân Thọ thứ nhất (601). Lần thứ hai cho 51 châu khác vào tháng giêng năm sau. Và lần thứ ba vào tháng giêng năm Nhân Thọ thứ 4 (604), ra lệnh các châu lớn xây thêm hơn một trăm bảo tháp, để nhận thêm xá lợi. Cứ Xá lợi cảm ứng ký trong Quảng hoằng minh tập 17 tờ 216b10 thì lần ban xá lợi thứ nhất, chùa Thiền chúng của Giao châu được chọn làm một trong 30 chỗ xây tháp của Cao Tổ. Nhưng năm đó, cứ Đại Việt sử ký ngoại kỷ toàn thư 4 tờ23a1-8 và Tùy thư 2 tờ 10a6-7, nước ta hiện đang là một nước độc lập dưới quyền lãnh đạo của Lý Phật Tử, thì làm sao Cao Tổ có thể ban xá lợi qua được. Hơn nữa, nếu việc dẫn Pháp sư Đàm Thiên truyện ở trên của Thông Biện có thể tin được, thì hai năm sau, tức 504, khi mà chính quyền dân tộc của Lý Phật Tử đã bị Lưu Phương đánh dẹp, và khi mà Cao Tổ có những báo cáo rõ ràng về tình hình Giao châu, Cao Tổ đang còn lo cho việc Giao châu được giáo hóa theo Phật giáo. Nếu vậy, Giao châu làm gì mà được chọn làm một chỗ thanh tịnh giữa 30 mươi chỗ khác của Trung Quốc? Cho nên, chắc phải sau năm 602 khi Lưu Phương đã dụ hàng thành công Lý Sư Lợi, người con nối nghiệp của Lý Phật Tử, thì mới có chuyện ban xá lợi cho Giao châu. Việc ban năm hòm xá lợi cùng một lần do thế là một có thể, và việc Pháp Hiền chọn chùa Pháp vân, chứ không phải chùa Thiền chúng của Xá lợi cảm ứng ký làm nơi xây bảo tháp là một sự thực.

    (3)
    Xá lợi cảm ứng ký của Quảng hoằng minh tập 17 tờ216b10 nói xây tháp tại chùa Thiền chúng để cúng dường xá lợi ở Giao châu. Nhưng đây nói là "xây ở chùa Pháp vân của Luy lâu", thì tỏ ra đúng sự thực hơn. Cứ Đại Việt sử lược 2 tờ6a5-7 thì vào năm 1034 "các nhà sư Pháp vân ở Cổ châu dâng thư nói rằng trong chùa phóng ánh sáng ra vài luồng, theo ánh sáng đó mà đào lên thì được hòm đá một hòm, trong hòm có hòm bạc, trong hòm bạc có hòm vàng, trong hòm vàng có bình lưu ly, trong bình có xá lợi". Cái hòm nói đến đến đây dĩ nhiên là cái hòm xá lợi mà Tùy Cao Tổ đã ban, bởi vì theo Xá lợi cảm ứng ký của Quảng Hoằng minh tập 17 tờ213a18-22 đã mô tả với một sai khác không quan trọng là, thay vì bình bạc, nó có bình đồng bên trong bình đá.

    -----------------

    Chú thích của hungcom :

    (*)
    "Tương truyền ngày kia Tổ Đạo Tín qua huyện Huỳnh Mai giữa đường gặp một đứa trẻ con cốt tướng kỳ tú, thần thái khác thường.

    Tổ hỏi: Danh tánh là chi?

    Đứa bé đáp: Có tánh, nhưng chẳng phải tánh thường.

    Tổ: Là tánh gì ?

    Đáp: Tánh Phật.

    Tổ: Con không có tánh sao ?

    Đáp: Nhưng tánh vốn là không.

    Tổ liền nhận biết đó là pháp khí.


    Đó là thuật chơi chữ, Tứ Tổ Đạo Tín hỏi là hỏi về danh tánh (tên họ là gì ?), còn cậu bé (Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn) đáp là đáp về tự tánh ; mượn chữ đồng âm, người trả lời đã khéo léo biến một Thế gian pháp thành Xuất thế gian pháp.
    Y pháp bất y nhân, Y nghĩa bất y ngữ, Y Trí bất y Thức,
    Y liễu nghĩa Kinh, bất y vị liễu nghĩa Kinh.

  6. #106
    Avatar của hungcom
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    198
    Thanks
    136
    Thanked 208 Times in 79 Posts
    THẾ HỆ THỨ HAI (MỘT NGƯỜI)

    THẾ HỆ THỨ BA (MỘT NGƯỜI)

    THẾ HỆ THỨ TƯ (MỘT NGƯỜI)


    42. Thiền sư THANH BIỆN (? – 686)

    Chùa Kiến dương, làng Hoa lâm, phủ Thiên đức, người Cổ giao, họ Ðỗ. Năm 12 tuổi theo Pháp Ðăng chùa Phổ Quang tu học. Khi Ðăng sắp tịch, Sư hỏi:

    "Sau khi Hoà thượng đi, con sẽ nương tựa vào đâu?"

    Ðăng dạy: "Con chỉ Sùng nghiệp mà thôi".

    Sư hoang mang không hiểu. Pháp Ðăng tịch rồi, Sư chuyên trì kinh Kim cang làm sự nghiệp.

    Một hôm có Thiền khách đến viếng hỏi:

    "Kinh này là mẹ của ba đời các Ðức Phật. Vậy thì nghĩa của mẹ Phật là thế nào?"

    Sư đáp: "Lâu nay tôi trì tụng nhưng chưa hiểu được ý kinh".

    Thiền khách hỏi: "Thầy trì kinh đã bao lâu?"

    Sư đáp: "Ðã tám năm"

    Thiền khách hỏi: "Thầy trì kinh đã tám năm mà ý một cuốn kinh không hiểu, thì dầu trì mãi đến trăm năm nào có ích gì?"

    Sư bèn đảnh lễ, lại hỏi về chỗ tiến ích.

    Người khách bảo nên đến Huệ Nghiêm ở chùa Sùng nghiệp để được giải quyết. Sư sực tỉnh nói:

    "Ta nay mới biết lời nói của Pháp Ðăng, quả thật phù hợp". Bèn liền làm theo.

    Vừa đến chùa, Huệ Nghiêm hỏi: "Ngươi đến đây có việc gì?"

    Sư thưa: "Con trong tâm có chỗ chưa ổn".

    Nghiêm hỏi: "Ngươi chưa ổn cái gì?"

    Sư liền đem việc trước thuật lại. Nghiêm bèn than rằng:

    "Ngươi tự quên mất rồi. Không nhớ trong kinh nói: "Ba đời các Ðức Phật cùng giáo pháp A nậu đa la tam miệu tam bồ đề của các đức Phật, đều từ kinh ấy ra".(1) Há đó chẳng phải là ý nghĩa của mẹ Phật sao?"

    Sư thưa: "Phải, phải, đó là chỗ con đã mê muội vậy".

    Nghiêm lại hỏi: "Kinh đó là người nào nói?"

    Sư đáp: "Há không phải Như Lai nói sao?"

    Nghiêm hỏi: "Trong kinh nói: Nếu ai nói Như Lai có chỗ thuyết pháp tức là hủy báng Phật, người ấy không thể hiểu nghĩa ta nói. Ngươi nên khéo suy nghĩ, nếu bảo kinh này không phải là Phật nói tức là hủy báng Phật; nếu bảo nó do Phật nói tức là hủy báng kinh. Ngươi phải làm sao? Nói mau ! Nói mau !" (2)

    Sư sắp mở miệng, Nghiêm cầm cái phất trần đánh ngay vào miệng. Sư bỗng nhiên tỉnh ngộ, bèn sụp xuống lạy. Sau Sư đến chùa Kiến dương, dạy dỗ đồ chúng.

    Hoá duyên hoàn tất, Sư tịch vào năm Bính tuất, đời Ðường Thùy Củng thứ 2 (686).

    _______________

    Chú thích :

    (1)
    Dẫn kinh Kim cang: "Nhất thiết chư Phật cập chư Phật a nậu đa la tam miệu tam bồ đề pháp giai tùng thử Kinh xuất". (Tất cả các đức Phật và giáo pháp giác ngộ không gì hơn của các Đức Phật đó đều từ kinh đấy mà ra). (*)
    A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, Phạn: Anuttara-samyak-sambodhi, nghĩa là sự giác ngộ đúng đắn không gì hơn.

    (2)
    Đại Châu Huệ hỏi một vị tăng giảng kinh Kim cang: "Kinh đó là do ai nói?. Tăng lên tiếng nói: "Thiền sư sắp đùa rồi đấy. Há không biết là Phật nói sao?". Sư đáp: "Nếu bảo Như Lai có chỗ thuyết pháp là hủy báng Phật, người đó không hiểu ý nghĩa những điều do ta nói.(**) Nếu bảo Kinh đó không phải là do Phật nói tức là hủy báng Kinh. Xin Đại đức trả lời xem". Vị Tăng không trả lời được.

    -----------------

    Chú thích của hungcom :

    (*)

    一 切 諸 佛 及 諸 佛 阿 耨 多 羅 三 藐 三 菩 提 法 皆 從 此 經 出。

    Nhất thiết chư Phật cập chư Phật a nậu đa la Tam miệu Tam Bồ-Đề pháp giai tùng thử Kinh xuất 。

    Tất cả chư Phật cùng pháp Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác của chư Phật đều phát xuất từ Kinh này 。



    (**)

    若 人 言 如 來 有 所 說 法 即 為 謗 佛。 不 能 解 我 所 說 故。

    Nhược nhân ngôn Như Lai hữu sở thuyết pháp tức vi báng Phật, bất năng giải ngã sở thuyết cố.

    Nếu có người nói Như Lai có thuyết pháp tức là chê bai Phật, chẳng hiểu được lời của Ta.



    Y pháp bất y nhân, Y nghĩa bất y ngữ, Y Trí bất y Thức,
    Y liễu nghĩa Kinh, bất y vị liễu nghĩa Kinh.

  7. #107
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts


    Kinh Kim Cang.




    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

  8. #108
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts

    Kinh Kim Cang.




    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

  9. #109
    Avatar của hungcom
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    198
    Thanks
    136
    Thanked 208 Times in 79 Posts

    THẾ HỆ THỨ NĂM (MỘT NGƯỜI KHUYẾT LỤC)

    THẾ HỆ THỨ SÁU (MỘT NGƯỜI KHUYẾT LỤC)

    THẾ HỆ THỨ BẢY (MỘT NGƯỜI KHUYẾT LỤC)

    THẾ HỆ THỨ TÁM (BA NGƯỜI, HAI NGƯỜI KHUYẾT LỤC)


    43.Thiền sư ÐỊNH KHÔNG (? – 808)

    Chùa Thiền chúng (1), làng Dịch bảng, phủ Thiên Ðức. Người Cổ pháp (2), họ Nguyễn, mấy đời là vọng tộc. Sư là người am hiểu thế số, hành động đúng pháp tắc, người trong làng tôn thờ, đều gọi là trưởng lão.

    Về già, Sư đến Pháp hội của Nam dương ở Long tuyền nghe giảng, hiểu được ý chỉ, do đó Sư phát tâm theo Phật.

    Trong khoảng Ðường Trinh Nguyên (785-804), Sư lập chùa Quỳnh lâm ở làng mình. Khi mới đào đất đắp nền, gặp một lư hương và 10 cái khánh. Sư sai người đem xuống sông rửa. Một cái lặn mất đi, đến đáy sông mới dừng. Sư giải thích rằng: Chữ thập, chữ khẩu hợp thành chữ cổ (*), chữ thủy, chữ khứ hợp thành chữ pháp (**), chữ thổ chỉ chỗ ta ở, chỉ đất đai làng này. Nhân đó, Sư đổi tên làng mình làm Cổ pháp {Tên cũ là Diên Uẩn}. Sư lại làm bài tụng rằng:

    "Ðất bày pháp khí

    Một món đồ ròng

    Ðể Phật pháp được hưng long

    Ðặt tên làng là Cổ pháp".
    (***)

    Sư lại nói:

    Hiện ra pháp khí

    Mười hai chuông đồng

    Họ Lý làm vua

    Ba phẩm thành công".
    (****)

    Sư lại nói:

    "Mười cái xuống nước đất

    Cổ pháp đấy tên làng

    Gà sau tháng chuột ở (3)

    Chính lúc Tam bảo hưng".
    (*****)

    Khi sắp tịch, Sư gọi đệ tử Thông Thiện dạy rằng:

    "Ta muốn mở rộng làng xóm, nhưng e nửa chừng gặp tai họa, chắc có kẻ lạ đến phá hoại đất nước ta.{Sau Cao Biền của nhà Ðường đến trấn yếm. Quả đúng} Sau khi ta mất, con khéo giữ pháp này, gặp người họ Ðinh thì truyền, nguyện ta mãn vậy".

    Nói xong, Sư cáo biệt mà tịch, thọ 79 tuổi. Lúc ấy là năm Mậu tý Ðường Nguyên Hòa thứ 3 (808) (4). Thông Thiện dựng tháp ở phía tây chùa Lục tổ (5) và ghi lời phú chúc của Sư mà chôn dấu đi.


    ______________

    Chú thích :

    (1)
    Cảm ứng xá lợi ký
    do Vương Thiệu viết vào cuối năm 601 dẫn trong Quảng hoằng minh tập 17 tờ 216b10 có ghi chùa Thiền chúng như là nơi dựng tháp rước xá lợi vào năm đó tại Giao châu. Thiền uyển tập anh nói dựng tháp nơi chùa Pháp vân, có lẽ hợp lý hơn. Làng Dịch bảng nay là làng Ðình bảng huyện Từ sơn, tỉnh Hà bắc. Ở làng này nay còn có chùa nào tên Thiền chúng hay không, chúng tôi hiện chưa biết.

    (2)
    Cương mục chính biên 2 tờ 6b3-6 nói: "Cổ pháp, tên châu, đời Ðinh về trước là châu Cổ lãm, đời Lê đổi Cổ pháp , đời Lý thăng làm phủ Thiên đức, đời Trần cải làm huyện Ðông ngạn. Ðời Hậu Lê nhân theo. Nay là huyện Ðông ngạn, tỉnh Bắc ninh". Nhưng truyện đây nói Ðịnh Không "đổi tên làng mình thành Cổ pháp rồi chua thêm "tên cũ là Diên uẩn". Như vậy, Cổ pháp nguyên là tên một làng từ thời Ðịnh Không, sau đó tới thời Lê mới trở thành tên châu. Thực tế, ta không hiểu tại sao nếu Không đã đổi Diên uẩn thành Cổ pháp thì tại sao cho đến thời Lý Công Uẩn vẫn còn có tên Diên Uẩn. Viết về việc sét đánh thành sấm báo hiệu sự lên ngôi của Uẩn, Toàn thư B1 tờ 31a7-8 nói: "Nguyên trước cây bông gạo làng Diên uẩn, Cổ pháp bị sét đánh", trong khi đó Ðại Việt sử lược 2 tờ 1a9 chép: "Trong làng vua ở có cây bông gạo bị sét đánh". Rõ ràng làng của Lý Công Uẩn ở có tên Diên uẩn, và đây là vào thời Lý. Thế sao, ở đấy truyện bảo Không đổi tên Diên uẩn, thành Cổ pháp?. Dầu sao đi nữa Diên Uẩn cũng là Cổ pháp, và Cổ pháp là làng Ðình bảng hay làng Dịch bảng sau này.

    Cương mục chính biên 2 tờ 7b2, nhân chú về chùa làng Cổ pháp, nói "chùa Cổ pháp (******) ở tại xã Ðình bảng, huyện Ðông ngạn, tỉnh Bắc ninh". Làng Cổ pháp của Ðịnh Không do đó là làng Ðình bảng, huyện Từ sơn hiện nay.

    Trong cả bản in đời Lê lẫn đời Nguyễn chỉ ghi "Ðịnh Không cổ nhân", nhưng chúng tôi ở đây đã thêm chữ pháp thành "người Cổ pháp", bởi vì truyện Ðịnh Không đây rõ ràng nói Không người Cổ pháp.

    (3)
    Nguyên văn: Kê cư loan nguyệt hậu. "Loan nguyệt" nghi là một viết sai của chữ thử nguyệt, mà sau này La Quý dùng trong một câu tương tự: "Thố kê thử nguyệt nội", để nói tới việc Lý Công Uẩn lên ngôi vào tháng 11, tức tháng con chuột, tức thử nguyệt của năm con gà, tức năm Kỷ dậu Cảnh Thụy thứ 2 (1009). Chúng tôi dựa vào cách hiểu đây và dịch là "tháng chuột". Chữ loan và chữ thử, tự dạng chúng khá giống nhau.

    (4)
    Nguyên văn: Ðường Nguyên Hòa tam niên bính tý. Nhưng Ðường Nguyên Hoà năm thứ 3, cứ Cựu Ðường thư thì phải là năm Mậu tý, chứ không phải Bính tý. Chữ Bính chắc chắn là một viết lộn của chữ Mậu.

    (5)
    Chùa Lục tổ đây tức cũng ở làng Dịch bảng.

    ----------------

    Chú thích của hungcom :


    (*)
    Chữ thập, chữ khẩu hợp thành chữ cổ :


    (**)
    chữ thủy, chữ khứ hợp thành chữ pháp :


    (***)

    Điạ trình pháp khí
    Nhất phẩm tinh đồng
    Trí phật pháp chi hưng long
    Lập hương danh chi Cổ Pháp.


    (****)
    Pháp lại xuất hiện
    Thập khẩu đồng chung
    Lý thị hưng vương
    Tam phẩm thành công.


    (*****)

    Thập khẩu thủy thổ khứ
    Cổ Pháp danh hương hiệu
    Kê cư thử nguyệt hậu
    Chính thị hưng tam bảo.


    (******)


    Hình ảnh chùa Cổ Pháp :



    Chùa Cổ Pháp, còn gọi là chùa Dặn, nơi nhà sư Lý Khánh Văn nuôi dưỡng Lý Công Uẩn từ tuổi lên 3
    Y pháp bất y nhân, Y nghĩa bất y ngữ, Y Trí bất y Thức,
    Y liễu nghĩa Kinh, bất y vị liễu nghĩa Kinh.

  10. #110
    Avatar của hungcom
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    198
    Thanks
    136
    Thanked 208 Times in 79 Posts
    THẾ HỆ THỨ CHÍN (BA NGƯỜI, ÐỀU KHUYẾT LỤC)

    THẾ HỆ THỨ MƯỜI
    (BỐN NGƯỜI, MỘT NGƯỜI KHUYẾT LỤC)


    44. TRƯỞNG LÃO LA QUÝ

    Chùa Song lâm, làng Phù ninh, Phủ Thiên đức, người An chân, họ Ðinh. Thuở nhỏ vân du các phương, khắp hỏi các bậc thiền. Trải qua nhiều năm không gặp duyên đạo, bèn sắp thối chí. Sau tại pháp hội của Thông Thiện ở chùa Thiền chúng nghe nói một lời, lòng liền khai ngộ, bèn chịu phục thờ làm thầy.

    Khi Thiền sắp tịch, gọi Sư đến dạy: "Xưa thầy ta là Ðịnh Công, căn dặn ta rằng: con khéo giữ pháp của ta, gặp người họ Ðinh thì truyền. Con đúng là người đó. Ta nay đi vậy".

    Khi đã đắc pháp, Sư tùy phương diễn hóa, chọn đất dựng chùa. Mỗi khi nói ra lời nào tất là phù sấm. Sư có lần ở chùa Lục tổ, đúc tượng Lục tổ bằng vàng, sau sợ trộm cướp nên đem chôn ở cửa chùa và dặn: "Gặp vua sáng lấy ra, đụng chúa tối thì dấu".

    Khi sắp tịch, Sư dạy đệ tử là Thiền Ông rằng: "Xưa kia, Cao Biền (1) xây thành bên sông Tô lịch, biết đất Cổ pháp ta có khí tượng đế vương, nên đã đào đứt con sông Ðiềm(2) và những ao Phù chẩn(3) v.v…đến 19 chỗ để trấn yểm nó. Nay ta đã khuyên Khúc Lãm lấp lại như xưa. Lại nữa ở chùa Châu minh (4) ta có trồng một cây bông gạo để trấn chỗ dứt, biết đời sau ắt có kẻ hưng vương ra đời để phò dựng Chánh pháp của ta. Sau khi ta tịch, con khéo đắp một ngọn tháp bằng đất, dùng phép, yểm dấu trong đó, chớ cho người thấy".

    Nói xong Sư tịch, thọ 85 tuổi.

    Lại kể rằng, vào năm Bính thân đời Ðường Thanh Thái thứ 3 (936). Sư trồng cây bông gạo, thường có làm bài thơ kệ rằng:

    "Ðại sơn đầu rồng ngững

    Ðuôi cù ẩn Châu minh

    Thập bát tử định thành(*)

    Bông gạo hiện long hình

    Thỏ gà trong tháng chuột

    Nhất định thấy trời lên"
    . (5)

    ______________

    Chú thích :

    (1)
    Cao Biền (? – 887) bắt đầu xây thành khoảng vào tháng 11 năm Hàm Thông thứ 7 (866). Thành đây là thành Ðại la, nằm tại địa phận thủ đô Hà nội ngày nay. Xem Ðại Việt sử lược 1 tờ 12b2 và Toàn thư B5 tờ 14b-15a. Về sông Tô lịch, xem chú thích (9) truyện Ðạo Hạnh.

    (2)
    Sông Ðiềm hay là Ðiềm Giang, chúng tôi hiện chưa tìm thấy một tài liệu nào khác nói tới, nhưng nghi nó có thể chỉ sông Ðuống, tức sông Thiên đức cũ. Tuy nhiên, sông Thiên đức chưa từng có tên sông Ðiềm, như tài liệu hiện tại cho biết. Có thể sông Ðiềm là sông Thiên đức hay một nhánh nó chảy qua làng Vân điềm huyện Từ Sơn tỉnh Bắc ninh ngày nay. Ðại Việt lịch triều đăng khoa lục có ghi một số tiến sĩ xuất thân từ làng Vân điềm, hạt Ðông ngạn như Nguyễn Quán khoa 1595, Nguyễn Nghi khoa 1619…

    (3)
    Ao Phù chẩn chắc nằm tại làng Phù chẩn huyện Từ sơn, tỉnh Hà bắc ngày nay. Bởi vì Ðại Việt lịch triều đăng khoa lục 1 và 2 có ghi một số người đậu các khoa tiến sĩ đến từ làng Phù chẩn, huyện Ðông ngạn như Trần Cô trạng nguyên khoa 1266, Nguyễn Thì Phùng tiến sĩ khoa 1508, Nguyễn Niệm và Nguyễn Hiên khoa 1588, Nguyễn Xuân Chỉ khoa 1637, Nguyễn Ðình Bảng khoa 1670 v.v… Ðại nam nhất thống chí, tỉnh Bắc ninh, mục Từ miếu, có ghi miếu vua Lê Uy Mục ở xã Phù chẩn, huyện Ðông ngạn.

    Những ao khác đào tại vùng xung quanh Phù chẩn này, ngày nay ta không biết và chắc không bao giờ ta biết, vì truyện nói "La Quý khuyên Khúc Lãm lấp chúng lại như xưa".

    (4)
    Cây bông gạo chùa Châu minh này chắc là cây bông gạo làng Diên uẩn, nơi đã bị sét đánh thành bài sấm tuyên truyền cho sự lên ngôi của Lý Công Uẩn, mà Ðại Việt sử lược 2 tờ 1a-b và Toàn thư B1 tờ 31a-32 đã chép lại…Xem chú thích (8) truyện Vạn Hạnh.

    (5)
    Nguyên văn:

    "Ðại sơn long đầu khỉ

    Cù vĩ ẩn châu minh

    Thập bát tử định thiền

    Miên thọ hiện long hình

    Thổ kê thử nguyệt nội

    Ðịnh kiên nhật xuất thanh".


    Ðây là một bài thơ tuyên truyền cho sự ra đời của nhà Lý vào tháng 10 năm Dậu. Và nhà Lý quả ra đời vào tháng 10 năm Ðinh dậu Cảnh Thụy thứ hai (1009). Bài này do thế có thể sáng tác trước lúc Lý Công Uẩn lên ngôi không bao xa.

    ------------------

    Chú thích của hungcom :

    (*)
    Chữ THẬP , chữ BÁT , chữ TỬ ghép lại thành chữ LÝ (ám chỉ Lý Công Uẫn 李公蘊 )

    Đây là cách nói ẫn ngữ, dùng phép chiết tự chữ Hán.

    Y pháp bất y nhân, Y nghĩa bất y ngữ, Y Trí bất y Thức,
    Y liễu nghĩa Kinh, bất y vị liễu nghĩa Kinh.

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •