DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 10/16 ĐầuĐầu ... 89101112 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 91 tới 100 của 160
  1. #1
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts


    Hà xứ bất vi gia !





    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

  2. #2
    Ban Điều Hành Avatar của hoatihon
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.150
    Thanks
    1.129
    Thanked 1.675 Times in 683 Posts


    Viên đồng thái hư



    Bọt vỡ tan rồi!, Mộng dở dang ...

  3. #3
    Avatar của hungcom
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    198
    Thanks
    136
    Thanked 208 Times in 79 Posts
    THẾ HỆ THỨ HAI (MỘT NGƯỜI)

    THẾ HỆ THỨ BA (MỘT NGƯỜI)

    THẾ HỆ THỨ TƯ (MỘT NGƯỜI)


    42. Thiền sư THANH BIỆN (? – 686)

    Chùa Kiến dương, làng Hoa lâm, phủ Thiên đức, người Cổ giao, họ Ðỗ. Năm 12 tuổi theo Pháp Ðăng chùa Phổ Quang tu học. Khi Ðăng sắp tịch, Sư hỏi:

    "Sau khi Hoà thượng đi, con sẽ nương tựa vào đâu?"

    Ðăng dạy: "Con chỉ Sùng nghiệp mà thôi".

    Sư hoang mang không hiểu. Pháp Ðăng tịch rồi, Sư chuyên trì kinh Kim cang làm sự nghiệp.

    Một hôm có Thiền khách đến viếng hỏi:

    "Kinh này là mẹ của ba đời các Ðức Phật. Vậy thì nghĩa của mẹ Phật là thế nào?"

    Sư đáp: "Lâu nay tôi trì tụng nhưng chưa hiểu được ý kinh".

    Thiền khách hỏi: "Thầy trì kinh đã bao lâu?"

    Sư đáp: "Ðã tám năm"

    Thiền khách hỏi: "Thầy trì kinh đã tám năm mà ý một cuốn kinh không hiểu, thì dầu trì mãi đến trăm năm nào có ích gì?"

    Sư bèn đảnh lễ, lại hỏi về chỗ tiến ích.

    Người khách bảo nên đến Huệ Nghiêm ở chùa Sùng nghiệp để được giải quyết. Sư sực tỉnh nói:

    "Ta nay mới biết lời nói của Pháp Ðăng, quả thật phù hợp". Bèn liền làm theo.

    Vừa đến chùa, Huệ Nghiêm hỏi: "Ngươi đến đây có việc gì?"

    Sư thưa: "Con trong tâm có chỗ chưa ổn".

    Nghiêm hỏi: "Ngươi chưa ổn cái gì?"

    Sư liền đem việc trước thuật lại. Nghiêm bèn than rằng:

    "Ngươi tự quên mất rồi. Không nhớ trong kinh nói: "Ba đời các Ðức Phật cùng giáo pháp A nậu đa la tam miệu tam bồ đề của các đức Phật, đều từ kinh ấy ra".(1) Há đó chẳng phải là ý nghĩa của mẹ Phật sao?"

    Sư thưa: "Phải, phải, đó là chỗ con đã mê muội vậy".

    Nghiêm lại hỏi: "Kinh đó là người nào nói?"

    Sư đáp: "Há không phải Như Lai nói sao?"

    Nghiêm hỏi: "Trong kinh nói: Nếu ai nói Như Lai có chỗ thuyết pháp tức là hủy báng Phật, người ấy không thể hiểu nghĩa ta nói. Ngươi nên khéo suy nghĩ, nếu bảo kinh này không phải là Phật nói tức là hủy báng Phật; nếu bảo nó do Phật nói tức là hủy báng kinh. Ngươi phải làm sao? Nói mau ! Nói mau !" (2)

    Sư sắp mở miệng, Nghiêm cầm cái phất trần đánh ngay vào miệng. Sư bỗng nhiên tỉnh ngộ, bèn sụp xuống lạy. Sau Sư đến chùa Kiến dương, dạy dỗ đồ chúng.

    Hoá duyên hoàn tất, Sư tịch vào năm Bính tuất, đời Ðường Thùy Củng thứ 2 (686).

    _______________

    Chú thích :

    (1)
    Dẫn kinh Kim cang: "Nhất thiết chư Phật cập chư Phật a nậu đa la tam miệu tam bồ đề pháp giai tùng thử Kinh xuất". (Tất cả các đức Phật và giáo pháp giác ngộ không gì hơn của các Đức Phật đó đều từ kinh đấy mà ra). (*)
    A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, Phạn: Anuttara-samyak-sambodhi, nghĩa là sự giác ngộ đúng đắn không gì hơn.

    (2)
    Đại Châu Huệ hỏi một vị tăng giảng kinh Kim cang: "Kinh đó là do ai nói?. Tăng lên tiếng nói: "Thiền sư sắp đùa rồi đấy. Há không biết là Phật nói sao?". Sư đáp: "Nếu bảo Như Lai có chỗ thuyết pháp là hủy báng Phật, người đó không hiểu ý nghĩa những điều do ta nói.(**) Nếu bảo Kinh đó không phải là do Phật nói tức là hủy báng Kinh. Xin Đại đức trả lời xem". Vị Tăng không trả lời được.

    -----------------

    Chú thích của hungcom :

    (*)

    一 切 諸 佛 及 諸 佛 阿 耨 多 羅 三 藐 三 菩 提 法 皆 從 此 經 出。

    Nhất thiết chư Phật cập chư Phật a nậu đa la Tam miệu Tam Bồ-Đề pháp giai tùng thử Kinh xuất 。

    Tất cả chư Phật cùng pháp Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác của chư Phật đều phát xuất từ Kinh này 。



    (**)

    若 人 言 如 來 有 所 說 法 即 為 謗 佛。 不 能 解 我 所 說 故。

    Nhược nhân ngôn Như Lai hữu sở thuyết pháp tức vi báng Phật, bất năng giải ngã sở thuyết cố.

    Nếu có người nói Như Lai có thuyết pháp tức là chê bai Phật, chẳng hiểu được lời của Ta.



    Y pháp bất y nhân, Y nghĩa bất y ngữ, Y Trí bất y Thức,
    Y liễu nghĩa Kinh, bất y vị liễu nghĩa Kinh.

  4. #4
    Avatar của hungcom
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    198
    Thanks
    136
    Thanked 208 Times in 79 Posts


    31. THIỀN SƯ Giác Hải


    Chùa Diên phúc, Hải thanh, người Hải thanh, họ Nguyễn, nhỏ thích đánh cá đi câu, thường dùng một chiếc thuyền con làm nhà, sống lênh đênh khắp sông biển. Năm 25 tuổi, Sư bỏ nghề, xuống tóc làm Tăng.
    Ban đầu, Sư và Không Lộ cùng thờ Hà Trạch. Sau Sư lại kế thừa dòng pháp của Không Lộ.
    Đời vua Lý Nhân Tông, Sư thường cùng Thông Huyền chân nhân, bị triệu vào nhà hóng mát Liên manh hầu hạ, bỗng có tiếng cắc kè kêu nhau chối tai, đáng ghét. Vua khiến Huyền làm cho nó đừng kêu. Huyền bèn lâm râm niệm chú, làm rơi trước một con. Huyền cười Sư, Sư bảo "Đang còn một con, để đó cho Sa Môn". Sư chú mục nhìn, trong giây lát, nó cũng rơi theo. Vua lấy làm lạ, làm một bài thơ khen:

    "Giác Hải tâm như hải
    Thông Huyền đạo lại huyền
    Thần thông cùng biến hóa
    Một Phật, một thần tiên"
    (1)

    Từ đó, tiếng tăm Sư vang khắp thiên hạ, Tăng tục ngưỡng chuộng. Vua thường đối đãi Sư như bậc thầy. Mỗi lần ra chơi hành cung Hải thanh, vua tất đến chùa Sư trước. Một hôm, vua hỏi Sư: "Phép ứng chân thần túc, có thể được nghe chăng? Sư bèn làm tám phép thần biến rồi vung thân lên hư không, cách đất vài trượng rồi lại hạ xuống. Vua và các quan đều vỗ tay khen ngợi. Do đó, vua ban cho Sư một kiệu vai, để ra vào cửa khuyết.
    Đến đời Thần Tôn, nhiều lần triệu vào, nhưng Sư từ chối, viện cớ già bệnh mà không tới.
    Có vị Tăng hỏi:
    "Phật và chúng sanh ai khách, ai chủ?".
    Sư dùng bài kệ đáp:

    "Gái tơ chỏm tóc bạc (2)
    Báo ngươi tác giả biết
    Nếu hỏi cảnh giới Phật
    Long môn gặp điểm trán".
    (3)(*)

    Lúc sắp tịch, Sư gọi chúng đến dạy kệ :

    "Xuân đến bướm hoa khéo biết thì,
    Cần nhau hoa bướm biết nhau khi
    Bướm hoa vốn thảy đều hư huyễn
    Chớ đem hoa bướm giữ lòng chi".
    (**)

    Đêm ấy có ngôi sao lớn rớt ngay góc Đông nam phương trượng của Sư. Nói xong, Sư ngồi ngay ngắn mà mất (4). Vua xuống chiếu cho thuế 30 hộ để cúng hương hỏa và cho hai người con của Sư làm quan để tỏ lòng khen thưởng (5)


    ________________

    Chú thích :

    (1)
    Nam ông mộng lục tờ 9 dưới mục " Tăng đạo thần thông" chép y chuyện này. Kiến văn tiểu lục 4 tờ 13a5-6 chép nguyên lại bài thơ.

    (2)
    A giác nữ đầu bạch người con gái còn để chỏm mà đầu đã bạc. Thiền sư Đầu Tứ Đại Đồng được hỏi:"Hoà thượng sống ở đây có cảnh giới gì?", Sư đáp: "A giác nữ bạch đầu ty" (Người con gái còn để hai chỏm tóc, nhưng đầu đã bạc như tơ).

    (3)
    Long môn tào điểm ngạch. Tháng 3 cá chép vượt cửa Rồng để thành rồng, nếu không vượt nổi thì bị chấm trên trán mà trở về. Linh Thứu Nhàn thiền sư, có Hoà thượng Minh Thủy hỏi: "Thế nào là mau được pháp thân?". Sư đáp:

    "Nhất thấu Long môn vân ngoại vọng
    Mạc tác Hoàng hà điểm ngạch ngư".


    (Một khi đã tới cửa rồng, ngó trời ngoài mây
    Thì chớ làm cá sông Hoàng hà bị chấm trên trán)


    Long môn là một tên đất tại tỉnh Tứ xuyên ở Trung quốc, ở đấy có cái vực rất to ăn thông với sông Dương tử. Tương truyền ở đó có cái ao tên Vũ môn. Tục truyền hễ đến tháng 7 nước to, cá chép các nơi kéo về đua nhau nhảy qua cửa đáy. Con nào nhảy qua thì hóa thành rồng. Con nào không thì bị một chấm trên trán, mà trở về. Ở nước ta, theo Kiến văn tiểu lục 6 tờ 13b4-7 thì Long môn ở tại đất những động Dĩ lý và Hào trang của Mộc châu, ở đấy "có một ngọn núi ở trung lưu sông Đà, đá lớn
    lộn xộn, mỗi năm đến ngày 8 tháng 4, các bầy cá bơi ngược dòng mà lên, nhưng chỉ cá chép một hai con thì có thể được. Giao châu ký nói: có Long môn, nước sâu trăm tầm, cá lớn lên đó thì hoá thành rồng".

    (4)
    An nam chí nguyên 3 tờ 211 viết: "Thiền sư Giác Hải là Sư huyện Giao thủy, thần thông rộng lớn, biến hóa như thần. Khi sắp thị tịch, có sao hỏa rơi vào Thái thất. Đến sáng, Sư mất". Xem thêm Đạo giáo nguyên lưu quyển thượng tờ 16b8.

    (5)
    Truyện Dương Không Lộ và Nguyễn Giác Hải trong Lĩnh nam trích quái truyện tờ 36 chép nguyên truyện Giác Hải ở đây với một vài sai lầm chính tả và thiếu sót do sao lục, nhưng không quan trọng. Từ Đạo Hạnh đại thánh sự tích thật lục do "Đạo nhân Quán tam thanh" thêm vào trong Việt điện u linh tập tờ48-51 chép chuyện Giác Hải ké với Từ Đạo Hạnh và Minh Không, song cũng không có gì đặc sắc đáng nói cả. Nó chỉ điển hình cho tình trạng thất truyền của cuộc đời Giác Hải mà thôi. Cái ghi chú của An nam chí lược 15 tờ 147 về"hai thầy Không Lộ và Giác Hải thường vào Đại quốc xin đồng về đúc chuông" hai cái để tại chùa núi Phổ lại, và việc "Giác Hải giỏi lặn dưới nước" cũng không thêm gì hơn là giúp ta xác định niên đại những truyền thuyết thần kỳ về những vị sư này.


    ---------------

    Chú thích của hungcom :

    (*)

    不覺女頭白,
    報你作者識。
    若問佛境界,
    龍門遭點額。


    Bất giác nữ đầu bạch,
    Báo nhĩ tác giả thức.
    Nhược vấn Phật cảnh giới,
    Long môn tạo điểm ngạch.



    (**)

    春來花蝶善知時,
    花蝶應須共應期。
    花蝶本來皆是幻,
    莫須花蝶向心持。


    Xuân lai hoa điệp thiện tri thì,
    Hoa điệp ưng tu cộng ứng kỳ.
    Hoa điệp bản lai giai thị huyễn,
    Mạc tu hoa điệp hướng tâm trì.


    Y pháp bất y nhân, Y nghĩa bất y ngữ, Y Trí bất y Thức,
    Y liễu nghĩa Kinh, bất y vị liễu nghĩa Kinh.

  5. #5
    Avatar của hungcom
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    198
    Thanks
    136
    Thanked 208 Times in 79 Posts


    32. THIỀN SƯ Nguyện Học (1)(?- 1181)


    Chùa Quảng báo, làng Chân hộ, Như nguyệt, người Phù cẩm, họ Nguyễn. Thuở nhỏ Sư thọ pháp với Viên Trí chùa Mật nghiêm. Khi được yếu chỉ, trước tiên Sư đến ẩn ở núi Vệ linh, chuyên tu phạm hạnh trải 12 năm. Mỗi khi nhập thiền quán đến 3 ngày mới dậy. Sư thường trì Hương hải đại bi đà la ni, nên việc cầu mưa, trị bệnh, không việc gì là không hiệu nghiệm tức khắc.
    Vua Lý Anh Tôn, thấy các điều thần hiệu của Sư, ban chiếu cho vào ra cung cấm, để dùng chú chữa bệnh.
    Sau Sư cáo lão về trụ trì chùa Quảng Báo. Môn đồ không dưới 100 người. Đến ngày 11 tháng 6 năm Thiên Cảm Chí Bảo thứ 2 (1175), lúc sắp thị tịch Sư gọi chúng đến dạy:

    Đạo không hình tượng
    Trước mắt chẳng xa,
    Xoay lại tìm kiếm,
    Chớ cầu người ta
    Dẫu cho cầu được
    (2)
    Được chẳng thật đâu,
    Ví có được thật
    Thật đó vật nào?
    Vì thế chư Phật ba đời
    Lịch đại sư tổ
    Ấn thọ tâm truyền
    Cũng nói thế cả.
    (*)

    Hãy nghe ta nói kệ:

    "Rõ hiểu thân, tâm mắt tuệ khơi
    Linh thông biến hoá, hiện thật tướng
    Ngồi, nằm, đi, đứng riêng siêu nhiên
    Ứng hiện hoá thân chẳng thể lượng.
    Hư không đầy dẫy tuy lấp khắp,
    Xem qua chẳng thấy như có bóng
    Thế gian không vật hay kịp sánh
    Mãi hiện ảnh thiêng sáng rạch ròi
    Thời thường dạy dỗ bất tư nghị
    Không được một câu đáng làm lời"
    (3)(**)

    Nói kệ xong, Sư ngồi kiết già mà mất.

    __________________

    Chú thích :

    (1)
    An nam chí nguyên 3 tờ 210 viết: "Thiền sư Nguyện Học là sư châu Vũ ninh. Trong lúc tập thiền định, thân như cây khô, vật và ta đều quên, cho nên chim bay đến châu, thú rừng lẩn quẩn, nhất loạt như vật nuôi trong nhà. Tùy Cao Tổ sai sứ xây tháp cúng dường". Nhưng rõ ràng đấy là văn cú lấy trong truyện Pháp Hiền. Đạo giáo nguyên lưu quyển thượng tờ16b1 cũng chép Pháp Hiền như thế. Nhưng trước Pháp Hiền nó ghi lại ở tờ 16a12 những mô tả về Nguyện Học và viết: "Thiền sư Nguyện Học là Sư
    châu Vũ ninh, siêng tu phạm hạnh, mỗi khi vào thiền quán, nhiều ngày mới đứng dậy, đến chết thì ngồi kiết già mà mất". Do thế, những gì viết về Nguyện Học của bản in An nam chí nguyên ngày nay là lấy từ Pháp Hiền, do việc chép nhảy hàng gây ra, bởi vì cả Học lẫn Hiền đều nói là "sư châu Vũ ninh", nên sau những chữ ấy, đúng ra người viết phải chép tiếp những mô tả về Học, nhưng đã nhảy hàng và chép thay vào, những mô tả về Pháp Hiền.

    (2)
    Ý lấy từ Bài kệ thị chúng của Huệ Tư :

    Đạo nguyên bất viễn
    Tánh hải phi diêu
    Đản hướng kỷ cầu
    Mạc tùng tha mích
    Mích tức bất đắc
    Đắc diệt phi chân.


    (Nguồn đạo không ngại
    Bể tính chẳng xa
    Chỉ nhắm mình tìm
    Chớ tìm ở người
    Tìm tức không được
    Được cũng chẳng chân)


    (3)
    Thiền sư Huệ Tư. Kệ viết:

    Đốn ngộ tâm nguyên khai bảo tạng
    Án hiện linh thông hiện chư tướng
    Độc hành độc toạ thường nguy nguy
    Bách ức hoá thân vô số lượng
    Tung hiệp bức tắc mãn hư không
    Khán thời bất biến vi trần tướng
    Khả tiêu vật hề vô tỷ huống
    Khấu thể minh châu quang hoảng hoảng
    Tầm thường kiến thuyết bất tư nghì
    Nhất ngữ tiêu danh ngôn hạ đáng.


    ------------------

    Chú thích của hungcom :

    (*)

    道無影像,
    觸目非遙。
    自反推求,
    莫求他得。
    縱饒求得,
    得即不真。
    設使得真,
    真是何物?


    Đạo vô ảnh tượng,
    Xúc mục phi dao.
    Tự phản suy cầu,
    Mạc cầu tha đắc.
    Túng nhiêu cầu đắc,
    Đắc tức bất chân.
    Thiết sử đắc chân,
    Chân thị hà vật ?



    (**)

    了悟身心開慧眼,
    變化靈通現實相。
    行住坐臥獨卓然,
    應現化身不可量。
    雖然充塞遍虛空,
    歡來不見如有相。
    世間無物可比況,
    長現靈光明朗朗。
    嘗時演說不思議,
    無得一言以為當。


    Liễu ngộ thân tâm khai tuệ nhãn,
    Biến hoá linh thông hiện thực tướng.
    Hành, trụ, toạ, ngoạ độc trác nhiên,
    Ứng hiện hoá thân bất khả lượng.
    Tuy nhiên sung tắc biến hư không,
    Hoan lai bất kiến như hữu tướng.
    Thế gian vô vật khả tỷ huống,
    Trường hiện linh quang minh lãng lãng.
    Thường thời diễn thuyết bất tư nghị,
    Vô đắc nhất ngôn dĩ vi đáng.


    Y pháp bất y nhân, Y nghĩa bất y ngữ, Y Trí bất y Thức,
    Y liễu nghĩa Kinh, bất y vị liễu nghĩa Kinh.

  6. #6
    Avatar của hungcom
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    198
    Thanks
    136
    Thanked 208 Times in 79 Posts


    Thế Hệ Thứ Mười Một (9 người, 8 người khuyết lục)

    33. THIỀN SƯ Quảng Nghiêm (1122 - 1190)

    Chùa Tịnh quả, Trung thụy, Trương canh, người Đan phụng, họ Nguyễn. Sớm mất cha mẹ, Sư theo người cậu là Bảo Nhạc thọ nghiệp, đấy là bước đầu phát tâm. Nghe Trí Thiền (1)giáo hóa ở chùa Phúc thánh tại Điển lãnh. Sư liền đến đó tham vấn. Một hôm, nghe Thiền giảng Tuyết đậu ngữ lục (2) đến chuyện hai vị tôn túc Đạo Ngô và Tiệm Nguyên, tới nhà người chết hỏi việc sống chết (3), Sư như có điều tỏ ngộ, liền hỏi: "Một câu thoại đầu ấy, cổ nhân nói, nhân trong sống chết còn có lý không?".
    Thiền đáp: "Người thể nhận được lý do đó chăng?"
    Sư thưa: "Thế nào là lý không sinh tử?"
    Thiền đáp: "Chỉ ở trong sinh tử, mới khéo hiểu được nó"
    Sư thưa: "Thế là đã vô sinh rồi"
    Thiền bảo: "Tức cũng tự mình hiểu lấy"
    Nghe xong, Sư hoàn toàn được giải đáp, bèn hỏi: "Làm cách nào để quyết chắc?"
    Thiền đáp: "Rõ rồi cũng giống như chưa rõ".
    Sư sụp lạy, Từ đấy, tiếng tăm Sư vang khắp Thiền lâm.
    Lúc đầu Sư đến chùa Khánh ân tại Siêu loại trác tích. Binh bộ Thượng thư Bằng Giáng Tường nghe danh kính mộ, thỉnh Sư về trụ trì chùa Tịnh quả. Sư nêu cao tôn chỉ, Thiền lữ đến học đều không đến suông.(4)
    Một hôm có đệ tử nhập thất là Thường Chiếu, nêu kinh Kim Cang ra hỏi:
    "Pháp mà Như Lai đạt được, pháp đó không thật, không hư vậy nó là pháp gì?" (5)
    Sư đáp : "Người đừng có chê khéo đức Như Lai"
    Chiếu đáp: "Hoà thượng đừng có chê khéo lời kinh".
    Sư hỏi: "Kinh đó do ai nói?"
    Chiếu đáp: "Hoà thượng đừng có đùa lâu với con, há chẳng phải Phật nói sao?"
    Sư đáp: "Nếu là Phật nói, tại sao trong kinh lại bảo: "Nếu nói Như Lai có chỗ thuyết pháp, tức là huỷ báng Như Lai" (6)
    Chiếu không nói được.
    Có vị Tăng đến hỏi: "Pháp thân là gì?"
    Sư đáp: "Pháp thân vốn không tướng".
    Lại hỏi: "Thế nào là Bát nhã?"
    Sư đáp: "Bát nhã không hình"
    Hỏi: "Thế nào là cảnh Tịnh quả?".
    Sư đáp: "Cây thông, cây thu bên bãi tha ma xưa".
    Hỏi: "Thế nào là người trong cảnh?"
    Đáp: "Một mình ngồi bít miệng bình".
    Lại thưa: "Chợt gặp tri âm, làm sao tiếp đây?"
    Sư đáp: "Tuỳ duyên nhướng đôi mày".
    Lại thưa: "Làm sao mới là con cháu Kiến sơ và dòng dõi Âu công?" (7)
    Sư đáp: "Người Ngu nước Sở".
    Vị Tăng không đáp được.

    Đến ngày rằm tháng 2 năm Canh Tuất Thiên Tư Gia Thụy thứ 5 (1190), lúc sắp tịch, Sư nói bài kệ sau:

    "Lìa tịch mới bàn câu tịch diệt
    Được vô sinh sau nói vô sinh
    Làm trai có chí xông trời ấy
    Chớ hướng Như Lai hành xứ hành"
    (8)(*)

    Nói kệ xong, Sư chấp tay ngay ngắn mà mất, thọ 69 tuổi. Bằng công làm lễ hỏa táng, dựng tháp thờ.


    ______________

    Chú thích :

    (1)
    Nguyên văn chép Trí Thiền. Nhưng truyện Minh Trí ở trên nói "tên trước của Trí là Thiền Trí". Vậy Trí Thiền chắc là một chép lộn của Thiền Trí hay ngược lại.

    (2)
    Tức Minh Giác Thiền sư ngữ lục, của Thiền sư Trùng Hiển (980-1052) núi Tuyết đậu ở Minh châu, sau khi mất, được vua Tống ban hiệu cho là Minh Giác.

    (3)
    Đạo Ngô và Tiệm Nguyên đi điếu tang. Nguyên vỗ quan tài nói: "Sống ư? Chết ư?". Ngô nói: "Sống, không nói. Chết không nói".
    Nguyên hỏi: "Vì sao không nói?". Nguyên đáp: "Không nói là không nói". Xem Bích nham lục 6

    (4)
    Nguyên văn: Hư vãng, Trang tử "Đức sung phù": "Lập bất giác, tọa bất nghị, hư nhi vãng, thật nhi quy".

    (5)
    Kim cang kinh: "Như Lai sở đắc pháp, thử pháp vô thật vô hư"

    (6)
    Đại Châu Huệ Hải hỏi một giảng sư kinh Kim cang: "Kinh đó là ai nói?" Vị sư lên tiếng đáp: "Hoà thượng nói giỡn sao: Há không biết Phật nói sao?. Sư nói: "Nếu bảo Như Lai có chỗ thuyết pháp tức là hủy báng Phật, người đó không biết nghĩa ta nói ..."

    (7)
    Kiến Sơ chỉ cho Vô Ngôn Thông, thiền phái của Thông cũng gọi là phái Kiến Sơ. Âu công chỉ cho Đạo Huệ, Đạo Huệ họ Âu.

    (8)
    Thiền sư Đồng An Sát, Thập huyền đàm:

    "Trượng phu tự hữu xung thiên chí
    Mạc hướng Như Lai hành xứ hành".


    ------------------

    Chú thích của hungcom :

    (*)

    離寂方言寂滅去,
    生無生后說無生。
    男兒自有衝天志,
    休向如來行處行。


    Ly tịch phương ngôn tịch diệt khứ,
    Sinh vô sinh hậu thuyết vô sinh.
    Nam nhi tự hữu xung thiên chí,
    Hưu hướng Như Lai hành xứ hành.


    Y pháp bất y nhân, Y nghĩa bất y ngữ, Y Trí bất y Thức,
    Y liễu nghĩa Kinh, bất y vị liễu nghĩa Kinh.

  7. #7
    Avatar của hungcom
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    198
    Thanks
    136
    Thanked 208 Times in 79 Posts


    Thế Hệ Thứ Mười Hai(Có 7 người, 6 người khuyết lục)

    34. THIỀN SƯ Thường Chiếu (? - 1203)

    Chùa Lục tổ, làng Dịch bảng, phủ Thiên đức, người làng Phù ninh, họ Phạm. Triều Lý Cao Tôn, Sư làm quan Lệnh đô tào ở cung Quảng từ, Sau từ quan, đi học pháp xuất thế với Quảng Nghiêm chùa Tịnh quả, bèn chính thân được tâm ấn. Sư hầu thầy nhiều năm, rồi đến ở ngôi chùa xưa tại làng Ông mạc để giảng diễn giáo chỉ, sau đó dời sang chùa Lục tổ. Môn đồ Sư càng ngày càng đông. Có vị Tăng hỏi: "Khi vật và ta duyên nhau thì làm thế nào?" Sư đáp:

    "Ta vật đều quên,
    Tâm tính vô thường
    Dễ sinh dễ diệt
    Giây phút không ngừng,
    Ai kẻ vin bắt ?

    Sinh thì vật sinh
    Diệt thì vật diệt
    Pháp kia có được
    Thường không sinh diệt"


    Vị Tăng thưa: "Người học chưa hiểu, xin thầy dạy lại". Sư bảo: "Rõ tâm tình mà tu đạo, thì ít sức mà dễ thành; không rõ tâm mình mà tu đạo, thì chỉ phí công vô ích mà thôi".
    Lại hỏi: "Pháp thân biến khắp mọi nơi là thế nào?"
    Sư đáp: "Như một lỗ chân lông, biến khắp cả pháp giới, tất cả lỗ chân lông thảy đều như thế. Nên biết không có một chút nào mà không có thân Phật. Vì cớ sao? Vì pháp thân ứng hóa thành Đẳng chánh giác, không chỗ nào không đến. Phải biết như vầy: Đức Như Lai dùng sức tự tại của tâm, không khởi, không chuyển mà chuyển pháp luân, vì biết tất cả pháp thường không khởi. Dùng ba thứ pháp nói đoạn nên không đoạn, mà chuyển pháp luân, vì biết tất cả pháp đều lìa biên kiến. Lìa cõi Dục và cõi Phi Dục mà chuyển pháp luân, vì vào cõi hư không của tất cả các pháp. Không có ngôn thuyết mà chuyển pháp luân, vì biết tất cả các pháp đều không thể nói. Rốt ráo tịch diệt mà chuyển pháp luân, vì biết rõ tất cả các pháp là tính Niết bàn(1). Ấy gọi là không có tính tướng, không có tính tận, không có tính sinh, không có tính diệt, không có tính ngã, không có tính phi ngã, không có tính chúng sinh, không có tính phi chúng sinh, không có tính Bồ tát, không có tính pháp giới, không có tính hư không cũng không có tính thành Đẳng chánh giác(2)
    .
    Bèn nói tiếp bài kệ sau:

    "Tại thế làm thân người
    Tâm là tạng Như Lai
    Chiếu ngời khắp mọi cõi
    Vắng bóng lúc tìm tòi".
    (*)

    Đến ngày 24 tháng 9 năm Thiên Gia Bảo Hựu thứ2 (1203), Sư tỏ ra đau tim, nhóm chúng nói kệ rằng:

    " Đạo vốn không nhan sắc
    Ngày ngày mới mới khoe
    Ngoài đại thiên sa giới
    Nơi đâu chẳng phải nhà".
    (**)

    Nói kệ xong, Sư ngồi kiết già mà mất. Đệ tử Thần Nghi làm lễ trà tỳ, thu thập xá lợi, dựng tháp phụng thờ. Sư thường soạn Nam tôn tự pháp đồ 1 quyển(3) còn lưu hành ở đời.

    ____________

    Chú thích :

    (1)
    Câu nói này lược dẫn một đoạn trong phẩm Như Lai Xuất hiện của kinh Hoa Nghiêm do Thật Xoa Nan Đà dịch Đại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh, Như Lai xuất hiện phẩm 37: "Phật từ bồ tát ma ha tát ưng tri Như Lai thân nhất mao khổng trung, hữu nhất thiết chúng sanh số đẳng chư Phật thân, hà dĩ cố ? Như Lai thành chánh giác thân, cứu cánh vô sanh diệt cố. Như nhất mao khổng biến pháp giới, nhất thiết mao khổng, tất diệc như thị. Đương trí vô hữu thiểu xứ hứa, không vô Phật thân, Hà dĩ cố? Như Lai thành chánh giác, vô xứ bất chí cố. Tùy kỳ sở năng, tùy kỳ thế lực, ư đạo tràng bồ đề thọ hạ sư tử tòa thượng, dĩ chủng chủng thân, thành đẳng chánh giác...Phật tử bồ tát ma ha tát, ưng vân hà tri Như Lai ứng chánh đẳng giác chuyển pháp luân?
    Phật tử bồ tát ma ha tát, ưng như thị tri Như Lai dĩ tâm tự tại lực, vô khỉ vô chuyển, nhi chuyển pháp luân. Tri nhất thiết pháp, hằng vô khỉ cố, dĩ tam chủng chuyển, đoạn sở ưng đoạn, nhi chuyển pháp luân. Tri nhất thiết pháp, ly biên kiên cố, ly dục tế phi tế, nhi chuyển pháp luân. Nhập thất thiết pháp, hư không tế cố, vô hữu ngôn thuyết, nhi chuyển pháp luân. Tri nhất thiết pháp, bất khả thuyết cố, cứu cánh tịch diệt, nhi chuyển pháp luân. Tri nhất thiết pháp, Niết bàn tính cố, nhất thiết văn tự, nhất thiết ngôn ngữ, nhi chuyển pháp luân. Như Lai âm thanh, vô xứ bất chí cố, tri thanh như hưởng, nhi chuyển pháp luân..."


    Chúng tôi đã dựa vào xuất xứ này sửa sai một số văn cú của câu nói để dịch cho đúng đắn và dễ hiểu hơn. Chẳng hạn câu: "Đương tri vô hữu thiểu hứa xứ, không vô Phật thân" của kinh Hoa nghiêm, cả hai bản đời Lê và đời Nguyễn của Thiền uyển tập anh đều viết: "Đương tri vô hữu thiểu hứa tâm, không vô Phật thân". Chữ tâm của câu sau đương nhiên là một chép sai của chữ xứ câu trước, nhất là khi chữ xứ viết tắt thì tự dạng của nó rất gần với chữ tâm. Chúng tôi do thế đề ngh ịsửa chữ tâm thành chữ xứ.

    (2)
    Câu này cũng là lược dẫn một đoạn khác của phẩm Như Lai xuất hiện trong kinh Hoa nghiêm. Đại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh, Như Lai xuất hiện phẩm 37: "Phật tử, Như Lai thành Chánh giác thời, ư kỳ nhân trung, phổ kiến nhất thiết chúng sanh nhập Niết bàn, giai đồng nhất tánh, sở vị vô tánh. Vô hà đẳng tánh?. Sở vị vô tướng tánh, vô tận tánh, vô sanh tánh, vô diệt tánh, vô ngã tánh, vô phi ngã tánh, vô chúng sanh tánh, vô phi chúng sanh tánh, vô bồ đề tánh, vô pháp giới tánh, vô hư không tánh, diệc phục vô hữu thành chánh giác tánh. (tri nhất thiết pháp, giai vô tánh cố, đắc nhất thiết trí, đại bi, tương tục cứu độ chúng sanh....."

    (3)
    Nam tôn tự pháp đồ, Thiền uyển tập anh dẫn nó hai lần, một ở cuối bản tiểu sử của Ma Ha và gọi bằng tên tắt Nam tôn đồ, và một ở cuối bản tiểu sử của Định Huệ. Nghệ văn chí trong Đại Việt thông sử của Lê Quí Đôn ghi nó là do Thường Chiếu soạn. Văn tịch chí trong Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú chỉ ghi Nam tôn pháp đồ 1 quyển nhưng lại thêm một chi tiết khá lôi cuốn là nó có bài tựa của Trạng nguyên Lương Thế Vinh. Vinh đậu trạng nguyên năm 1463. Vậy cuốn Nam tôn tự pháp đồ do Vinh đề tựa chắc chắn là bản in do Vinh hay người thời Vinh đứng in. Thế thì, phải chăng nó đã lưu hành cho tới thời Phan Huy Chú ? Cứ vào một câu viết của Thiền uyển tập anh ở bản tiểu sử của Thần Nghi, theo đó "Chiếu...đem Chiếu đối bản của Thông Biện ra và ghi lại những điều về tôn phái, để làm đồ biểu phân tôn tự pháp" (Chiếu ...toại trừu xuất Thông Biện Đối chiếu bản cập ký kỳ tôn phái điều, vi phân tôn, tự pháp đồ...), thì nội dung của Nam tôn tự pháp đồ, mặc dầu văn bản nó ngày nay hiện vẫn thất lạc, có thể nó gồm hai phần. Phần thứ nhất là ghi những điều cần biết về các tôn phái thiền tại Việt nam như nguyên lai, thế thứ truyền thừa, và rất có thể niên đại cùng một số những chi tiết khác, cần thiết cho việc thiết lập những đồ biểu về các tôn phái đó. Còn phần sau là gồm những đồ biểu. Về số tôn phái, Thường Chiếu đã đi theo Thông Biện và chỉ thừa nhận có phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi và phái Vô Ngôn Thông, còn phái của Nguyễn Đại Điên cũng như của Nguyễn Bát Nhã cùng những chi phái khác, mà Thông Biện nói là "chia chẽ ra bao la không thể kể xiết", thì chắc chắn đã không được nói tới, như câu hỏi của Thần Nghi với Thường Chiếu đã xác nhận. Và cũng cứ vào câu trên thì cũng rõ ràng là, Nam tôn tự pháp đồ không phải đồng nhất hay hoàn toàn mô phỏng theo Chiếu đối lục.
    Ngoài ra, cũng cần thêm là, cả Văn nghệ chí của Lê Quý Đôn lẫn Kinh tịch chí của Phan Huy Chú đều liệt kê một tác phẩm khác nữa của Thường Chiếu nhan đề Thích đạo khoa giáo 1 quyển, mà Thiền uyển tập anh không biết tới. Phải chăng, Thích đạo khoa giáo vẫn còn lưu hành vào thời Lê Quý Đôn hay Phan Huy Chú? Và đây chắc hẳn là một cuốn sách dạy học trò đi thi về những khoa Phật giáo tổ chức dưới triều Lý và Trần.

    --------------------

    Chú thích của hungcom :

    (*)

    在世為人身,
    心為如來藏。
    照曜且無方,
    尋之更絕曠。


    Tại thế vi nhân thân,
    Tâm vi Như Lai tạng.
    Chiếu diệu thả vô phương,
    Tầm chi cánh tuyệt khoáng.



    (**)

    道本無顏色,
    新鮮日日誇。
    大千世界外,
    何處不為家。


    Đạo bản vô nhan sắc,
    Tân tiên nhật nhật khoa.
    Đại thiên thế giới ngoại,
    Hà xứ bất vi gia!
    Y pháp bất y nhân, Y nghĩa bất y ngữ, Y Trí bất y Thức,
    Y liễu nghĩa Kinh, bất y vị liễu nghĩa Kinh.

  8. #8
    Avatar của hungcom
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    198
    Thanks
    136
    Thanked 208 Times in 79 Posts


    Thế Hệ Thứ Mười Ba (Có 5 người, 3 người khuyết lục)

    35. CƯ SĨ Thông Sư (1)(? - 1228)


    Người Ốc hương, họ Đặng, ban đầu Sư cùng Quách Thần Nghi, chùa Thắng quang, thờ Thường Chiếu chùa Lục tổ làm thầy. Một hôm Sư vào thất, hỏi thỉnh ích (2)rằng: "Làm thế nào để hiểu rõ Phật pháp?"
    Thường Chiếu đáp: "Phật pháp không thể hiểu được. Rõ được điều đó thì cần gì hiểu Phật pháp. Chư Phật như vậy tu hành. tất cả các pháp vốn là bất khả đắc".
    Sư nhờ câu nói ấy mà lĩnh hội yếu chỉ.
    Sau đó Sư trở về làng mình giảng pháp. Học giả theo học rất đông. Phàm có ai hỏi, Sư đều lấy tâm ấn mà ấn truyền.
    Hoặc có kẻ hỏi: "Thế nào là người xuất thế?"
    Sư đáp: "Há không thấy người xưa nói: Chỉ xem ngũ uẩn đều không, tứ đại vô ngã, chân tâm không tướng, không đi không lại, khi sinh tánh không đến, khi chết tánh không đi, tròn đầy vắng lặng, tâm cảnh như một. Chỉ cần trực nhận tức khắc như thế thì không còn bị ba đời ràng buộc. Đó là bậc xuất thế, dứt khoát không được có chút gì nhắm tới nữa".
    Lại hỏi: "Nghĩa vô sinh là gì?"
    Sư đáp: "Phân biệt các uẩn đây
    Tính nó vốn vắng trơn
    Trống không, nên không diệt
    Đấy là nghĩa vô sinh".
    Lại hỏi: "Thế nào là lý vô sinh?"
    Sư đáp: "Điều phục được các uẩn
    Mới tỏ được tánh không
    Tánh không, không thể diệt
    Đấy là lẽ vô sinh"
    Tăng hỏi: "Phật là?"
    Sư đáp: "Bản tâm là Phật, cho nên Đường Tam Tạng Huyền Trang nói:
    "Chỉ rõ tâm địa
    Nên gọi Tổng trì
    Hiểu pháp vô sinh
    Tên gọi Diệu Giác".

    Sau đó, vào tháng 7 năm Mậu tý Kiến Trung thứ 4 (1228) của Hoàng triều, Sư viên tịch.


    ________________

    Chú thích :

    (1)
    Tức Cư sĩ Thông Thiền trong truyện của Tức Lự. Gọi Thông Sư có lẽ để tỏ lòng tôn kính với Thiền. Và Thông Thiền đây chắc không phải là Ngô Thông Thiền môn đồ của Viên Học, bởi vì không những Thông Thiền đây họ Đặng, và Thông Thiền kia họ Ngô, mà còn vì Đặng Thông Thiền chết năm 1228, trong khi Ngô Thông Thiền thì đã lớn khôn để đưa đám thầy mình vào năm 1136. Ngô Thông Thiền do thế khó mà sống được tới năm 1228.

    (2)
    Thỉnh ích, theo Phần Dương "thì thiền tôn có cả thảy 18 lối hỏi, mà Phần dương thập bát vấn kê ra như sau: Thỉnh ích, trình giải, sát biện, đầu cơ, thiên tị, tâm hành, thám bạt, bất hội, kinh đảm, trí, cố, tá, thật, giả, thẩm, trưng, minh và mặc. Trong số này trừ lối cuối cùng tức lối hỏi bằng im lặng, mà Dương cho là "khó xác định vì phải biết ý người đến hỏi", những lối còn lại thì tùy theo cơ hội, và Dương cho một số thí dụ về những lối hỏi này.

    Y pháp bất y nhân, Y nghĩa bất y ngữ, Y Trí bất y Thức,
    Y liễu nghĩa Kinh, bất y vị liễu nghĩa Kinh.

  9. #9
    Avatar của hungcom
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    198
    Thanks
    136
    Thanked 208 Times in 79 Posts


    36. THIỀN SƯ THẦN NGHI (? – 1216)


    Chùa Thắng quang, làng Thị trung, Kim bài, người Ngoại trại, họ Quách, con nhà đời đời phạm hạnh. Lúc mới xuống tóc, Sư thờ Thường Chiếu chùa Lục tổ làm thầy. Ðến khi Chiếu sắp tịch, Sư hỏi: "Người ta tới giờ phút đây, làm sao lại chết theo lối thế tục?".

    Chiếu đáp: "Ngươi nhớ được mấy người, mà không chết theo lối thế tục?".

    Sư thưa: "Chỉ có Ðạt Ma, một người."

    Chiếu hỏi: "Ngài có cái gì lạ lùng đâu?"

    Sư thưa: "Một mình thong dong về Tây".

    Chiếu hỏi: "Thế Hùng Nhĩ là cái gì?"

    Sư thưa: "Là chỗ chôn quan tài của chiếc giày".

    Chiếu nói: "Gạt kiếm lời là Thần Nghi"

    Sư thưa: "Chớ bảo Tống Vân truyền nhảm, đến khi Trang Ðế quật mồ thì sao?"(1).

    Chiếu quát lớn: "Ðó là chuyện chó sủa suông" (2)

    Sư thưa: "Hoà thượng cũng theo thế tục sao?"

    Chiếu nói: "Theo thế tục".

    Sư thưa: "Vì sao như thế?"

    Chiếu nói: "Ðể cho giống với mọi người".

    Sư hốt nhiên tỉnh ngộ, liền sụp lạy thưa: "Con đã hiểu lầm rồi".

    Chiếu liền hét.

    Sư lại thưa: "Con hầu Hoà thượng đã nhiều năm, mà không biết người truyền đạo này đầu tiên là ai, cúi xin chỉ dạy thứ lớp truyền pháp, khiến cho người học biết được nguồn gốc".

    Chiếu khen Sư có lòng tha thiết thành khẩn, bèn đem Chiếu đối bản (3) của Thông Biện ra và ghi lại những điều về tôn phái, để làm đồ biểu phân Tôn tự pháp, đưa cho Sư xem.

    Sư xem xong, liền hỏi: "Sao không thấy nói đến hai phái Nguyễn Ðại Ðiên(4) và Nguyễn Bát Nhã?"

    Chiếu nói: "Ắt Thông Biện có một ức ý nào đó".

    Ngày 18 tháng 2 năm Bính tý Kiến Gia thứ 6 (1216), Sư đem Nam tôn tự pháp đồChiếu đối bản do Thường Chiếu trao (5) mà dặn lại đệ tử là Ẩn Không rằng: "Ngày nay tuy loạn lạc, nhưng ngươi khéo giữ gìn chúng, cẩn thận chớ để cho binh hỏa thiêu hủy, thì Tổ phong ta mới không bị suy sụp vậy".

    Nói xong Sư vĩnh viễn ra đi. (Ẩn Không trước ở tại huyện Na ngạn (6) của Lạng châu, nên thời bấy giờ gọi là Na Ngạn Ðại sư).


    ________________

    Chú thích :

    (1)
    Nhà Bắc Ngụy, Hiếu Trang Đế, năm Vĩnh An thứ 3 (530), Tống Vân đi sứ Tây vực, gặp Đạt Ma tại Thông lĩnh. Trang Đế nghe sự lạ bèn quật mồ, chỉ thấy còn lưu lại một chiếc dép. Do đó có thiền thoại "chích lý Tây quy". Xem Truyền đăng lục 3 tờ220a-b.

    (2)
    Tục ngữ thường được dùng trong thiền: nhất khuyển phê hư hoặc cũng nói là nhất nhân tác hư vạn nhân truyền thật. Xem truyện Diên Chiểu trong Truyền đăng lục 13 tờ303a28-29, truyện Chân giác 18 tờ 82 352b2 và truyện Thủ Trừng quyển 20 tờ 368a21-23. Nguyên xuất xứ nó là trong Thiên Hiền nạn của Tiềm phu luận: "Nhất khuyết phệ hình, bách khuyến phệ thanh..."

    (3)
    Về Chiếu đối bản, xem chú thích (3) truyện Biện tài.

    (4)
    Nguyễn Đại Điên (? - 1110) chắc chắn là sư Đại Điên đánh chết cha của Đạo Hạnh, để rồi bị Hạnh đánh chết lại trong truyện Đạo Hạnh. Xem chú thích (8) truyện Đạo Hạnh.
    Còn Nguyễn Bát Nhã tức Thiền sư Bát Nhã chùa Từ quang phúc thánh ở làng Dịch vương, Trương Canh, tức huyện Hoài đức, tỉnh Hà tây ngày nay. Sư là đệ tửcủa Thảo Đường.

    (5)
    Nguyên văn: Sư dĩ chiếu sở thọ đồ bản. Hai chữ đồ bản trong đó, chúng tôi hiểu là Nam tôn tự pháp đồ Chiếu đối bản.

    (6)
    Tức huyện Lục ngạn, tỉnh Bắc giang ngày nay.

    Y pháp bất y nhân, Y nghĩa bất y ngữ, Y Trí bất y Thức,
    Y liễu nghĩa Kinh, bất y vị liễu nghĩa Kinh.

  10. #10
    Avatar của hungcom
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    198
    Thanks
    136
    Thanked 208 Times in 79 Posts


    THẾ HỆ THỨ MƯỜI BỐN
    (GỒM NĂM NGƯỜI, BA NGƯỜI KHUYẾT LỤC)


    37. THIỀN SƯ TỨC LỰ {Một tên là Tĩnh Lự}

    Chùa Thông thánh, làng Chu Minh (1), phủ Thiên đức, người làng Chu minh. Lúc nhỏ thông minh, đọc khắp sách đời. Một hôm Sư bỏ sở học của mình đến thờ cư sĩ Thông Thiền làm thầy, học hỏi chỗ huyền yếu. Thường vào ngày giải hạ, Sư đặt bẫy bắt được con chim Mãi quỷ (2) đem vào dâng thầy.

    Thiền kinh ngạc hỏi: "Ngươi đã làm thầy tu, sao lại phạm sát? Quả báo ngày sau thời sao?".

    Sư thưa: "Chính khi ấy con chẳng thấy có con vật đó, cũng chẳng thấy có thân con và cũng chẳng biết có quả báo sát sinh, cho nên mới làm như thế".

    Thiền biết Sư là pháp khí, bèn cho vào hàng nhập thất, mật truyền tâm ấn rằng: "Ông nếu dùng đến chỗ đất ấy, thì dù có tạo tội ngũ nghịch, thất già cũng được thành Phật"(3)

    Có vị Tăng bên cạnh trộm nghe lời này, bèn kêu to lên rằng: "Khổ thay ! Dẫu có việc như thế tôi cũng không thể tin được !".

    Thiền lên tiếng quát: "Ðồ giặc ! Ðồ giặc ! Ðâu để cho loài phi nhân (4) được sự tiện lợi của nó?"

    Sư nghe câu nói ấy liền giác ngộ. Sau Sư trở về chùa mình, nghiên giảng tôn chỉ Thiền để dạy học trò. Cư sĩ Ứng Thuận là kẻ kế thừa Sư vậy.


    ________________

    Chú thích :

    (1)
    Tức khoảng địa phận quanh làng Phù cầm, huyện Từ sơn, tỉnh Hà bắc hiện nay.

    (2)
    Mãi quỷ, một tên khác của chim Đỗ Quyên hay chim cuốc.

    (3)
    Tội ngũ nghịch tức năm tội trọng đấy là : giết cha, giết mẹ, giết A la hán, gây đỗ máu nơi thân Phật, phá hoại sự hòa hợp của chúng tăng.
    Tội thất già tức bảy trọng tội không cho phép của một người được thọ giới Bồ tát, đấy là: "Gây đổ máu nơi thân Phật, giết cha, giết mẹ, giết Hòa thượng, giết A xà lê, phá yết ma chuyển pháp luân, giết thánh nhân". Xem Phạm võng kinh quyển hạ.

    (4)
    Phi nhân: tức loài quỷ thần thông không phải là loài người.

    Y pháp bất y nhân, Y nghĩa bất y ngữ, Y Trí bất y Thức,
    Y liễu nghĩa Kinh, bất y vị liễu nghĩa Kinh.

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •