Kính thưa quý đạo hữu !
Chúng ta đã có khái quát về Nhân Thiên Thừa rồi, về Nhị Thừa rồi, chúng ta cũng đã biết về bước ngoặc quan trọng là Phát Bồ Đề Tâm.
Phát Bồ Đề Tâm rồi thì đương nhiên hành giả được gọi là Sơ Phát Tâm Bồ tát. Hình như Kinh Phật có ví dụ rằng "một con phụng hoàng mới sanh cũng to hơn con chim cút trưởng thành" hay nói là "con sư tử con cũng giá trị hơn con mèo già". Vị Sơ Phát Tâm Bồ tát được chư Phật xoa đầu ngợi khen, được chư Long Thần Hộ Pháp ủng hộ. Bắt đầu từ ngày ấy hành giả chính thức đi vào con đường Đại Thừa.
III PHƯƠNG ĐẲNG ĐẠI THỪA :
Phương Đẳng Đại Thừa thuộc về Thông Giáo. Con đường này là con đường TÍCH CỰC, nghĩa là nhập thế độ sinh, nhập thế độ sinh là mượn chúng sinh bên ngoài để độ chúng sinh tâm bên trong, cho nên làm đồng thời danh nghĩa là độ tha mà cũng là độ mình. Bởi thực chất "mình và chúng sinh nào phải là hai" mình là chúng sinh, chúng sinh là mình đó.
Nhiều người hiểu lầm rằng tu Phật là tìm nơi vắng vẻ ngồi Thiền, ngồi mãi thì sẽ thành đạo. Mặc dầu ngày xưa đức Phật và Chư Tổ cũng đã từng có một số vị thành đạo như vậy, nhưng đó chỉ là những trường hợp đặc biệt, bởi Phật hay chư Tổ là những vị đã tu chứng từ nhiều kiếp trước rồi, bây giờ đến thế gian với tư cách Hoá thân thì chỉ là nêu gương cho chúng sinh mà thôi, chứ tất cả tính Giác Ngộ, tính thông suốt, như mở cửa đập thì nước tuôn tràn vào mà thôi.
Còn chúng ta những kẻ tập khí sâu dày từ muôn kiếp xưa thì phải theo con đường Thông Giáo, tức là chăm chỉ tu hành Lục độ Vạn Hạnh (Lục độ là Bố Thí, Trì Giới, Tinh Tấn, Nhẫn Nhục, Thiền định Trí tuệ), phát Tứ Vô Lượng Tâm (Từ Bi Hỷ Xả), thuận theo Tứ Nhiếp Pháp (Bố Thí, Ái Ngữ, Đồng sự, Lợi Tha).
Con đường Đại Thừa thì không tiêu cực nữa, mà là tích cực "Hướng về chúng sinh để làm Phật sự".