– Tu căn bản phải lấy pháp gì để tu?

– Chỉ tọa thiền, thiền định liền được. Kinh Thiền Môn nói: “Cầu trí Thánh của Phật, cốt phải thiền định. Nếu không thiền định, thì niệm tưởng xao động, phá hoại căn lành kia.”

– Thế nào là thiền? Sao là định?

– Vọng niệm chẳng sanh là thiền. Ngồi thấy Bản tánh là định. Bản tánh là tâm vô sanh của ông vậy. Định là đối cảnh tâm không sanh, tám gió thổi chẳng động. Tám gió là: lợi (tài lợi), suy (suy hao), hủy (hủy nhục), dự (đề cao), xưng (khen ngợi), cơ (chê bai), khổ (đau khổ), lạc (vui vẻ). Nếu người được định như thế, tuy là phàm phu mà liền vào vị Phật. Vì sao? Vì kinh Bồ-tát Giới nói: “Chúng sanh thọ Phật giới, liền vào ngôi vị chư Phật.” Người được như thế gọi là giải thoát, cũng gọi đến bờ kia, hơn lục độ, vượt khỏi tam giới, là Bồ-tát đại lực, là bậc Tôn vô lượng lực, là đại trượng phu. (*)

– Tâm trụ chỗ nào là trụ?

– Tâm trụ chỗ không trụ là trụ.

– Thế nào là chỗ không trụ?

– Chẳng trụ tất cả chỗ, ấy là trụ chỗ không trụ.

– Thế nào là chẳng trụ tất cả chỗ?

– Chẳng trụ tất cả chỗ là: chẳng trụ nơi lành dữ, có không, trong ngoài, chặng giữa, chẳng trụ không, cũng chẳng trụ chẳng không, chẳng trụ định, cũng chẳng trụ chẳng định, tức là chẳng trụ tất cả chỗ. Chỉ cái chẳng trụ tất cả chỗ, ấy là chỗ trụ. Người được như thế, gọi là tâm không trụ. Tâm không trụ là tâm Phật. (**)

– Tâm ấy giống vật gì?

– Tâm ấy chẳng phải xanh vàng đỏ trắng, chẳng phải dài ngắn tới lui, chẳng nhơ chẳng sạch, chẳng sanh chẳng diệt, yên tịnh thường lặng lẽ. Đó là hình tướng của Bản tâm, cũng là bản thân. Bản thân là thân Phật.