Thiền sư Trung Hoa Tập 1T.s Hoàng Biện__________________________________________________ ______________________________________
40. THIỀN SƯ HOẰNG BIỆN
Vua Đường Tuyên Tông hỏi Sư:
- Thiền tông sao có tên Nam, Bắc?
Sư đáp:
- Thiền môn vốn không có Nam, Bắc. Xưa Như Lai đem chánh pháp nhãn trao cho Tổ Đại Ca-diếp, lần lượt truyền nhau đến đời thứ hai mươi tám là Tổ Bồ-đề-đạt-ma. Tổ Đạt-ma sang phương này (Trung Hoa) là Sơ Tổ, truyền đến vị Tổ thứ năm là Đại sư Hoằng Nhẫn. Tổ Hoằng Nhẫn mở bày chánh pháp ở Đông Sơn có hai đệ tử lỗi lạc là Huệ Năng và Thần Tú. Đại sư Huệ Năng được truyền y bát, về ở Lãnh Nam làm Tổ thứ sáu. Đại sư Thần Tú ở phương Bắc giáo hóa. Sau này, đệ tử Sư Thần Tú là Phổ Tịch lập thầy mình lên làm Tổ thứ sáu, rồi tự xưng là Tổ thứ bảy. Hai vị ấy được pháp là một, mà mở đạo khai ngộ có đốn tiệm khác nhau, cho nên gọi là Nam đốn, Bắc tiệm. Chẳng phải Thiền tông sẵn có tên Nam, Bắc vậy.
- Thế nào gọi là giới Sư?
- Ngừa lỗi dừng ác gọi là giới.
- Sao gọi là định?
- Sáu căn tiếp xúc với cảnh mà không chạy duyên theo là định.
- Sao là tuệ?
- Tâm cảnh đều không, chiếu soi chẳng lầm là tuệ.
- Sao là phương tiện?
- Phương tiện là ẩn che tướng thật, là cửa khéo léo tạm thời, để giáo hóa bậc trung, hạ căn chiều uốn dẫn dụ họ gọi là phương tiện. Dù là bậc thượng căn nói bỏ phương tiện chỉ nói đạo vô thượng, đây cũng là nói phương tiện. Cho đến Tổ sư dùng lời huyền diệu quên công bặt lời, cũng không vượt ngoài dấu vết phương tiện.
- Sao là Phật tâm?
- Phật là tiếng Ấn Độ, Trung Hoa gọi là Giác. Nghĩa là người có trí tuệ giác chiếu là Phật tâm. Tâm là tên riêng của Phật. Có trăm ngàn tên khác mà nghĩa là một, vốn không có hình trạng, chẳng phải tướng xanh, vàng, đỏ, trắng, nam nữ v.v... ở nơi trời mà chẳng phải trời, ở nơi người mà chẳng phải người, mà hay hiện trời người, hiện nam nữ chẳng trước, chẳng sau, không sanh không diệt, cho nên gọi là tánh linh giác. Như bệ hạ hằng ngày ứng dụng muôn việc tức là Phật tâm của bệ hạ. Giả sử được ngàn vị Phật đồng truyền, vẫn không nghĩ mình có sở đắc.