Thiền sư Trung Hoa (Tập 1)Thiền sư Huyền Giác__________________________________________________ ______________________________________
Đến nơi, Sư tay cầm tích trượng vai mang bình bát đi nhiễu Tổ ba vòng. Tổ hỏi:
- Phàm Sa-môn phải đủ ba ngàn oai nghi tám muôn tế hạnh, Đại đức là người phương nào đến, mà sanh đại ngã mạn như vậy?
Sư thưa:- Sanh tử là việc lớn, vô thường quá nhanh.
Tổ bảo:- Sao không ngay nơi đó thể nhận lấy vô sanh, liễu chẳng mau ư?
Sư thưa:- Thể tức vô sanh, liễu vốn không mau.
Tổ khen:- Đúng thế! đúng thế!
Lúc đó đại chúng nghe nói đều ngạc nhiên. Sư bèn đầy đủ oai nghi lễ tạ Tổ. Chốc lát sau Sư xin cáo từ.
Tổ bảo:- Trở về quá nhanh!
Sư thưa:- Vốn tự không động thì đâu có nhanh.
Tổ bảo:- Cái gì biết không động?
Sư thưa:- Ngài tự phân biệt.
Tổ bảo:- Ngươi được ý vô sanh rất sâu.
Sư thưa:- Vô sanh có ý sao?
Tổ bảo:- Không ý, cái gì biết phân biệt?
Sư thưa:- Phân biệt cũng không phải ý.
Tổ khen:- Lành thay! lành thay!
Sư ở lại đây một đêm để hỏi thêm đạo lý. Sáng hôm sau, Sư cùng Huyền Sách đồng xuống núi trở về Ôn Giang. Thời nhân gọi Sư là Nhất Túc Giác (một đêm giác ngộ).
Từ đây về sau, học chúng bốn phương tìm đến tham vấn Sư thật đông. Sư được tặng hiệu là Chơn Giác Đại sư.
Đời Đường niên hiệu Tiên Thiên thứ hai (713 T.L.) ngày mười bảy tháng mười, tại viện riêng ở chùa Hưng Long, Sư ngồi vui vẻ thị tịch, thọ bốn mươi chín tuổi. Vua sắc ban là Vô Tướng Đại sư, tháp hiệu Tịnh Quang.
Tập Chứng Đạo Ca và Thiền Tông Ngộ Tu Viên Chỉ do Sư trước tác, sau này môn đồ là Ngụy Tinh làm Thích sử Khánh Châu, góp lại làm thành mười thiên gọi là Vĩnh Gia Tập.