Muốn trắc nghiệm chỗ thấy biết của người, không gì hay hơn ở trong một trường hợp bất thần bắt buộc họ phải thố lộ ra lời nói, hoặc hành động. Thiền sư Nam Tuyền giơ dao sắp chặt con mèo một cách đột ngột giữa đại chúng, bắt buộc chúng phải đáp một câu cho hợp ý, Sư sẽ cứu con mèo. Rốt cuộc trong đại chúng không có người đáp được, buộc lòng Sư phải hạ dao. Hành động ấy không phải nhằm vào con mèo, mà nhằm thẳng đại chúng. Nhưng đại chúng đã bất lực, Sư bất đắc dĩ phải giết con mèo như lời đã nói. Khi Tùng Thẩm đi ngoài về, Sư cũng thuật lại lời ấy, Tùng Thẩm liền cổi giày đội trên đầu. Sư bảo: “ Giá khi nãy có ngươi thì đã cứu được con mèo.” Hành động bất thần của Sư chẳng khác nào cơn sét đánh, chỉ có Tùng Thẩm biết được ý Sư nên cổi giày đội trên đầu. Bởi vì chỗ tột quí của con người là đầu, cái ti tiện nhất là giầy. Tùng Thẩm cổi giày đội trên đầu là nói lên cái thấy của mình không có quí tiện, không còn phàm thánh, vượt ngoài vòng đối đãi. Đó là chỗ thầy trò thông hội nhau. Người thời nay thấy hành động giết con mèo của Sư, liền kết án Sư phạm tội sát sanh. Họ có biết đâu, Sư đã khéo mượn phương tiện để thấy cứu kính.

Chân tâm là chỗ bặt suy nghĩ, càng suy nghĩ càng xa. Thiền tông xưa nay truyền trao chỉ một chân tâm không gì khác. Người tu thiền vừa móng lòng tìm chân tâm thì không bao giờ thấy nó. Vì thế, Sư Lâm Tế Nghĩa Huyền vừa hỏi “thế nào là đại ý Phật pháp” liền bị Thiền sư Hoàng Bá đập cho một gậy, ba phen hỏi đều ăn ba gậy, mà không được một lời chỉ dạy. Thế mà, đi đến Thiền sư Đại Ngu, Lâm Tế thuật lại việc bị đánh, “mà không biết có lỗi gì”, Đại Ngu còn nói: “Hoàng Bá dạy ngươi rất thống thiết, chỉ tại ngươi còn tìm lỗi.” Ngay câu nói này, Lâm Tế tỉnh ngộ. Thế mới biết, cái đánh của Hoàng Bá thật thống thiết. Nhưng, nếu không có Thiền sư Đại Ngu thì cái đánh ấy trở thành vô nghĩa.

Chân tâm hằng lộ liễu trong mọi hành động của ta. Nếu ta trực nhận là thấy, bằng không trực nhận tìm hoài suốt kiếp cũng chẳng gặp. Người học đạo không chịu ngay nơi hành động trực nhận chân tâm, mãi cầu thiện tri thức chỉ dạy cho thể hội. Nhưng làm sao chỉ dạy được, vừa nói ra là đã sai rồi. Vì thế, Sư Sùng Tín theo hầu Thiền sư Đạo Ngộ mấy năm mà không nghe chỉ dạy. Nóng lòng, Sư hỏi: “Con theo hầu Thầy mấy năm mà chưa được Thầy chỉ dạy tâm yếu.” Đạo Ngộ bảo: “Ta đã từng chỉ dạy tâm yếu cho ngươi rồi.” - “Thầy dạy con lúc nào?” - “Khi ngươi bưng cơm lên thì ta nhận, ngươi dâng trà thì ta tiếp, ngươi xá lui ra thì ta gật đầu, đâu không dạy tâm yếu cho ngươi?” Nhân câu nói này, Sư Sùng Tín tỉnh ngộ. Thật, dạy mà không dạy, nói mà không nói. Đây là đại dụng của Thiền sư, những người học ngôn ngữ không sao hiểu thấu.