THANH TỊNH ĐẠO LUẬN
Chương 16
__________________________________________________ ______________________________________


B. Mô Tả Về Ðế

13. Kế tiếp căn là đế tức bốn thánh đế: thánh đế về Khổ, thánh đế về Tập khởi của khổ, thánh đế về Khổ diệt, và thánh đế về Ðạo diệt khổ

14. Sau đây sẽ trình bày theo thứ tự giáo lý: loại, từ nguyên, tính chất, ý nghĩa, nguồn gốc ý nghĩa, chỉ chừng ấy không hơn hay kém, thứ tự, giải thích, nhiệm vụ, nội dung, tỉ dụ, nhóm bốn, sự trống rỗng, đơn độc, dị đồng.

15. Trước hết về loại: ý nghĩa các chân lý về khổ tập diệt đạo được phân tích thành bốn trong mỗi trường hợp, những chân lý "thực, không hư ngụy, không thể khác" (S. v, 435), và cần được thâm nhập bởi những người thâm nhập khổ đế, vv. như Luận nói:" Khổ với nghĩa bức bách, hữu vi, bốc cháy, biến đổi, đó là bốn nghĩa của thánh đế về khổ, chân thật, không hư ngụy, không thể khác. Nguồn gốc hay tập khởi của khổ với ý nghĩa tích tập, căn nguyên, trói buộc, chướng ngại... Diệt với nghĩa thoát ly, tách rời, vô vi, bất tử... Ðạo với nghĩa lối ra, nguyên nhân, thấy, ưu thắng. Ðấy là những nghĩa của đạo trong thánh đế về đạo, chắc thật, không hư ngụy, không thể khác. (Ps. ii, 104). Cũng thế, ý nghĩa khổ kể như bức bách, hữu vi, đốt cháy, biến đổi, là ý nghĩa của nó về sự thâm nhập.

16. Về từ nguyên, và phân theo tính chất: Từ nguyên của Dukkha (Khổ): Du là xấu xa (kucchita), như người ta gọi đứa trẻ hư là Dupputta. Chữ Kham có nghĩa là trống rỗng (tuccha), khoảng trống gọi là Kham. Chân lý thứ nhất là "xấu" vì nó là nơi thường lai vãng của nhiều hiểm nguy và nó trống rỗng vì không trường cửu, không đẹp, không vui, không có tự ngã.

17. Tập (Samudaya): Sam là liên kết như trong các từ Samàgama (tập hợp) sameta (nhóm họp) vv. Chữ U chỉ sự dấy lên, khởi lên, như trong các từ ngữ Uppanna (sanhkhởi), Udita (đi lên) vv. Chữ Aya chỉ lý do (kàrana). Và chân lý thứ hai này là lý do cho sự khởi lên của khổ khi phối hợp với những duyên còn lại. Bởi thế nó được gọi là Dukkha - Samudaya (khổ tập, tập khởi của khổ hay nguồn gốc khổ), vì nó là lý do phối hợp (với những duyên khác) để làm phát sinh khổ.