Mười Thiện Xảo Trong Ðịnh An Chỉ

42. Tuy nhiên, nếu tu tập theo cách đó mà hành giả vẫn không đắc định thì cần phải nhờ đến 10 thiện xảo trong sự đắc định an chỉ như sau: 1. Làm sạch nội, ngoại xứ. 2. Duy trì quân bình giữa các căn. 3. Thiện xảo về tướng. 4. Nỗ lực tâm vào lúc đáng nỗ lực. 5. Chế ngự tâm lúc đáng chế ngự. 6. Khích lệ tâm lúc đáng khích lệ. 7. Nhìn tâm với thái độ xã khi cần nhìn với xã. 8. Tránh những người không định tĩnh. 9. Gần gũi những người định tĩnh. 10. Quyết tâm đối với định.

43. 1) Làm sạch nội, ngoại xứ: Khi tóc, móng tay, móng chân, lông trên thân mọc dài, hoạc thân thấm đầy mồ hôi, gọi là nội xứ không sach. áo dơ, hôi hám cũ kỹ, bở mục hoặc trú xứ dơ bẩn là ngoại xứ. Khi nội xứ, ngoại xứ đều bất tịnh thì tri kiến trong tâm và tâm sở cũng bất tịnh, như ánh sáng từ một cây đèn có bình dầu, tim (bấc) và dầu không sạch, các hành không hiện rõ cho một người cố hiểu chúng bằng tri kiến không sạch và khi người ấy chú tâm vào đề mục thiền, nó không đi đến tăng trưởng, lớn mạnh và viên mãn.

44. Nhưng khi nội và ngoại xứ đều sạch thì tri kiến trong tâm và tâm sở được trong sạch như ánh sáng của một cây đèn có bình dầu, bấc và dầu đều sạch; các hành trở nên rõ rệt cho người cố hiểu chúng với tri kiến trong sạch và khi vị ấy tu tập đề mục thiền, nó được tăng trưởng, lớn mạnh, viên mãn.

45. 2) Duy trì các căn: có nghĩa là làm quân bình 5 căn tín, tấn, niệm, định, tuệ. Vì nếu tín căn mạnh mà những căn khác yếu thì tấn căn không thể thi hành nhiệm vụ nó là nỗ lực, niệm căn nhiệm vụ an trú, định căn nhiệm vụ không tán loạn và tuệ căn với nhiệm vụ thấy rõ. Trong trường hợp ấy, tín căn cần được châm chước bằng cách xét lại bản chất của từng pháp liên hệ, nghĩa là những đối tượng chú ý hoặc bằng cách đừng để ý đến chúng, theo kiểu với tín căn quá mạnh. Có thể chứng minh điều này với câu chuyện về trưởng lão (S. iii, 119) Vakkali.

[Trưởng lão đau nặng gần chết, cứ ân hận và không được trông thấy đức Thế Tôn. Phật vì lòng từ mẫn, đến thăm trưởng lão và dạy không cần thấy xác thân hủ bại làm gì. Nhưng ai thấy Pháp là thấy Phật và thấy Phật có nghĩa là thấy pháp. Rồi ngài dạy trưởng lão quán sắc vô thường và cái gì vô thường là khổ, cái gì khổ là phi ngã. Như vậy, là dùng tuệ để làm quân bình tín quá mạnh nơi trưởng lão].