89. Ðồ ăn khất thực là đủ loại thức ăn, gọi là pindapàta (bỏ vào từng nắm) vì đồ ăn ấy được thả vào (patitattà) trong bình bát của tỳ kheo trong khi vị ấy đi xin ăn (pindolya). Hoặc, sự thả vào bát từng nắm (pinka), sự thu thập (sannipatà) các của bố thí (bhikkhà) chỗ này chỗ nọ. Không phải để vui đùa: không vì mục đích say mê, như các võ sĩ, say mên có sức mạnh, hùng tính v.v.. Không phải để trang sức, không với mục đích làm dáng, như thể nữ của vua, dâm nữ v.v.. muốn có chân tay tròn trịa. Không để tự làm đẹp, không vì mục đích trang điểm, như các đào kép, diễn viên vũ công v.v... Muốn có làn da sáng sủa.

90. Câu "không để vui đùa " được nói là để từ bỏ si tăng trưởng, "không để đam mê" là từ bỏ sân tăng trưởng, "không phải để trang sức và làm đẹp" là để từ bỏ tham tăng trưởng. Và, hai câu đầu là để ngăn ngừa trói buộc khởi lên cho chính bản thân, còn câu thứ ba là ngăn ngừa trói buộc khởi lên cho người khác.

91. Thân nầy, cái xác thân gồm bốn đại. Ðể được sống lâu, là để tiếp tục sống. Ðược bảo dưỡng là để khỏi gián đoạn mạng sống. Vị ấy sử dụng đồ ăn khất thực vì mục đích duy trì tiếp tục thân xác, như chủ nhân một ngôi nhà cũ sử dụng những cột chống đỡ mái nhà, như người đánh xe dùng dầu mỡ cho trục xe, không phải để vui đùa, trang sức, đam mê, làm bộ. Hơn nữa, "sống lâu" là chỉ mạng căn. Vậy, câu "để thân nầy được sống lâu, được bảo dưỡng" có nghĩa là, vì mục đích duy trì mạng căn trong thân xác này.

92. Ðể khỏi bị tổn hại: cơn đói được gọi là "tổn hại" vì nó làm sầu não. Vị ấy dùng đồ ăn khất thực vì mục đích chấm dứt cái hại ấy, như thoa dầu lên vết thương, lấy nóng chống lạnh v.v... Ðể hộ trì phạm hạnh: vì mục đích hỗ trợ cho sự sống trong sạch ở trong giáo lý và trong đạo lộ. Bởi vì, khi vị tỳ kheo dấn mình vào việc vượt qua sa mạc sinh tử bằng phương tiện Ba môn học, dựa trên sức khoẻ thân xác mà điều kiện cần thiết chính là thức ăn, thì việc xử dụng thức ăn cũng giống như người muốn qua sa mạc phải ăn thịt con mình, hoặc như người muốn qua sông dùng bè, vượt biển dùng tàu vậy.