DIỄN ĐÀN PHẬT PHÁP THỰC HÀNH - Powered by vBulletin




Cùng nhau tu học Phật pháp - Hành trình Chân lý !            Hướng chúng sinh đi, hướng chúng sinh đi, để làm Phật sự không đối đãi.


Tánh Chúng sinh cùng Phật Quốc chỉ một,
Tướng Bồ Đề hóa Liên hoa muôn vạn.

Trang 1/20 12311 ... CuốiCuối
Hiện kết quả từ 1 tới 10 của 191
  1. #1
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts

    SỰ TÍCH TÂY DU PHẬT QUỐC (Nhẫn Tế Thiền Sư)




    SỰ TÍCH TÂY DU PHẬT QUỐC





    (Tây Tạng Tự 2548 - 2004)

    __________ o o 0 o o __________


    LỜI GIỚI THIỆU




    Nhẫn Tế Thiền Sư tại xứ Tây Tạng


    Nhẫn Tế Thiền sư có thế danh là Nguyễn văn Tạo (Nguyễn Tấn Tạo) sinh năm Kỷ Sửu (1889) tại làng An Thạnh (tức Búng), Lái Thiêu, tỉnh Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương.) Nguyên là một viên chức trong ngành y tế, chán cảnh đua tranh danh lợi và nung nấu ý nguyện cầu Đạo giải thoát, ngài đã xin thôi việc và chú tâm vào việc tu hành. Ngài xuất gia với Hòa Thượng trụ trì chùa Sắc tứ Thiên Tôn tự tại Búng (Bình Dương), được đặt Pháp hiệu là Nhẫn Tế. Sau này ngài cầu Pháp với Hòa Thượng Thích Huệ Đăng ở núi Thiên Thai (Bà Rịa) và được nhận Pháp hiệu là Minh Tịnh. Sau đó tại Tây Tạng ngài được Đại Thượng Tọa Lama Nhiếp Chính ban Pháp danh là Thubten Osall Lama.

    Có thể nói Hòa Thượng Nhẫn Tế là người Việt Nam đầu tiên đi tới Tây Tạng trong bối cảnh đất nước này còn hạn chế sự hiện diện của những con người và văn minh ngoại quốc trên xứ sở của họ. Vào thời ấy, không ít những học giả Tây phương đã coi Tây Tạng là xứ sở huyền hoặc và đã gọi Phật Giáo Tây Tạng là Lạt Ma giáo, như một tôn giáo đặc biệt của Tây Tạng mang nhiều màu sắc huyền bí.

    Trên bước đường du hành, Hòa Thượng Nhẫn Tế đã ghi lại dưới hình thức nhật ký thật vắn tắt và khi trở về Việt Nam ngài đã biên soạn thành Hồi ký Sự tích Tây Du Phật Quốc. Với một bút pháp chân thật, điềm đạm, ngôn ngữ mang âm hưởng của thời đại lúc đó, Sự tích Tây du Phật Quốc vẽ ra cuộc hành trình của một thiền giả trên bước đường hành hương chiêm bái Phật tích và khẩn cầu Phật Đạo. Độc giả sẽ bị cuốn hút từ đầu tới cuối theo bước chân ngài từ quê nhà sang Ấn Độ, Nepal, Bhutan, tới Tây Tạng rồi trở về Tích Lan, Ấn Độ, Tích Lan và Việt Nam. Trong từng câu từng lời ghi chép với những nhận xét, suy tư và cảm xúc đầy đạo vị, đôi khi chỉ là những ghi chép ngắn gọn về những công việc thường nhật như tụng Kinh, điểm tâm, đi chợ… độc giả dễ dàng bắt gặp hình ảnh một vị ẩn tu trong manh áo mỏng manh không quản ngại bao nhiêu gian khổ để tìm cầu Thánh Pháp nơi Xứ Tuyết Tây Tạng, không khác gì hình ảnh Đường Huyền Trang cầu Pháp nơi Thiên Trúc ngày xưa. Hồi ký này cũng có thể được coi là một tác phẩm văn chương phong phú, một tài liệu lịch sử vô cùng quý báu cho những ai quan tâm tới phương diện văn học và lịch sử phát triển Phật Giáo tại Việt Nam.

    Qúy vị độc giả có thể tìm đọc Tiểu sử của Hòa Thượng Nhẫn Tế trong:
    http://www.thuvienhoasen.org/danhtang2-giaidoan3-17.htm
    và Bộ Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tông Thông do ngài dịch trong:
    http://www.phatphapthuchanh.com/show...4ng-Th%C3%B4ng


    Om Mani Padme Hum !

  2. #2
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts



    LỜI NÓI ĐẦU



    Sự tích Tây du Phật quốc, được Nhẫn Tế Thiền sư, Đức Sơ Tổ khai sơn Tây Tạng Tự, ghi chép lại nhân sự du lịch đất Phật, lễ bái Thế Tôn Thánh Địa, nơi Trung Thiên Trước Quốc.

    Nay với sự quan tâm của quý độc giả, và được sự chấp thuận của Thầy Bổn Sư, Hòa thượng Thượng Tịch Hạ Chiếu, Nhị Tổ Tây Tạng Tự. Chúng tôi biên tập và ấn tống để mọi người cùng đọc cùng tỏ rõ những điều chưa rõ.

    Do sơ suất và theo thời gian phần lớn hình ảnh đã bị hư hoại, chúng tôi cũng mong quý độc giả thông cảm.

    Nguyện đem công đức này, hướng về khắp tất cả, đệ tử và chúng sanh đồng tròn thành Phật Đạo.

    Chúng đệ tử đời thứ ba Tây Tạng Tự.





    (Bản Đồ Minh Hoạ Hành Trình)

    Om Mani Padme Hum !

  3. #3
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Phác họa tổng quát


    Phần 1

    Xin giấy xuất dương
    Xin giấy Thông hành
    Tại Lãnh-sự Ăng-lê
    Một đêm chót cùng huynh đệ
    Tạm biệt lên đường
    Tám ngày dưới tàu
    Bước đầu trên đất Tây-trúc
    Ba ngày nương tại thành Madras
    Viếng châu-thành
    Bốn đêm trên xe lửa
    Nhập thành Ba-la-nại (Bénarès)
    Hai tuần lễ tại chùa Ngoại-đạo
    Mười tháng tại làng Lộc-giả-viên (Sarnath)
    Hành hương Phật-đà-gia (Bodhi Gaya)
    Viếng động Dunghasiri
    Khởi hành đi Nepal (Niếp-ba-lê)
    Viếng Simbu-Nath (Sư-tử tháp)
    Viếng Radjagrir tự, chùa kinh-đô (Buddha-mơti),
    Cổ tháp, Bouddha-Nath
    Thỉnh Xá-lợi Phật-tổ
    Trở về Phật-đà-gia
    Xin phép Hội Đại-bồ-đề đi Tây-tạng.





    Nhẫn Tế Thiền Sư tại Phật Đà Gia ( Bodhi Gaya)

    Om Mani Padme Hum !

  4. #4
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts


    Phần 2


    Khởi hành đi Tây-tạng
    Đến Bhutan
    Đến thành Lhasa, Kinh-đô Tây-tạng
    Ra mắt quan Thừa-tướng
    Yết kiến Quốc Vương Tây-tạng
    Hành hương Quốc tự Potala
    Hành hương chùa Kinh đô – chùa chợ


    Phần 3

    Hành hương nhà Thiền Lađặt (Ladak) –
    chùa Dzêsbung (Drebung)
    Hành hương chùa Chôkhăng (Jokhang)
    Hành hương chùa Galden (Ganden)
    Đi nhiễu Thánh-địa cổ tích của
    Hậu tổ Sungapa (Tsongkhapa)


    Phần 4

    Yết lễ Lama Quốc Vương
    Thọ Pháp danh
    Từ giã Tây-tạng
    Về tới Bodhi Gaya
    Phú Pháp danh Pali : Manjusri
    Khởi hành đi Tích-lan (Ceylon)
    Từ giã Tích-lan
    Về Sarnath
    Từ giã Calcutta
    Đến Singapore
    Về Saigon





    Tại Phật Bửu Tự, Saigon 29-04-1951


    Ban biên tập Thư Viện Hoa Sen cảm ơn Đạo hữu Thanh Liên
    đã gửi tặng ấn bản giấy và phiên bản điện tử quyển sách này. (11-03-06)


    Om Mani Padme Hum !

  5. #5
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    SỰ TÍCH TÂY DU PHẬT QUỐC
    Phần 1

    __________________________________________________ _____________________________________


    Phần 1




    Ngày giờ thấm thoát, phút đã qua năm Ất Hợi (1935), tháng hai, ngày mười chín, dương lịch là 1er Avril 1935. Nghĩ rằng : tiền lo cũng đủ đủ, tham học cũng vừa thông thông. Nay cũng nên nhất định, bèn làm đơn trình quan Chủ-tỉnh, xin giấy xuất dương. Sự tích Tây du Phật quốc sơ dẫn vậy.

    Xin giấy xuất dương

    Ngày 1er Avril 1935, tôi cầm đơn đến dinh quan Chủ-tỉnh, lại phòng việc trình đơn. Quan phủ cho thầy thông coi về vụ xuất dương ; thầy hỏi tên họ, nhựt ký vào sổ và biên số hiệu giấy căn-cước. Thầy làm giấy cho phép xuất dương, đem hầu ký tên và đóng dấu quan Chủ-tỉnh. Đoạn thầy trao cho tôi, bảo đem đến phòng việc sở Thông-hành (ở Saїgon, tại đường Catinat) mà trình và xin giấy Thông-hành. Cám ơn thầy, lấy giấy đi ra chợ, tìm tiệm chụp hình, chụp ba tấm hình nhỏ, y kiểu hình gắn vào giấy Căn-cước, đặng đem đến phòng việc thông hành, dán vào thông hành. Ba ngày mới rồi.

    Xin giấy Thông hành

    Ngày 3 Avril, tôi đem giấy cho phép xuất-dương và ba tấm hình, thẳng xuống Saigon, lại phòng Thông hành trình cho quan đầu-phòng. Ngài xem rồi, phủ cho thầy thông coi việc ấy. Thầy lấy giấy in kiểu (imprimé de déclaration) bảo tôi khai lý-lịch, y theo lời hỏi trong giấy, đoạn thầy hỏi giấy thuế-thân và căn-cước. Thầy bảo, thôi để giấy tờ ấy lại đây, ông về nghỉ và trước khi đi một tuần lễ, thì lại đây lấy giấy thông-hành. Tôi chào thầy, ra về, và đi và nghĩ : “Đó là kiểu của sở Thông-hành, trước khi cho người bổn-xứ xuất dương, thì cho lính mật-thám dọ xem tánh-tình, vân vân…”, đi luôn về thảo-thất.

    Đến bữa 8 Avril, tôi thẳng xuống tại Nhà-rồng, hãng tàu, lại tại phòng việc hay về sự tàu đi (bureau de départ), tàu về (arrivée), đặng hỏi thăm. Vào đó, có mấy thầy Annam và Ấn-độ làm việc. Tôi chào và hỏi thăm, chừng nào có tàu đi qua Madras ? Thì có thầy Ấn-độ, xem sổ và lấy giấy in, biên tên tàu và ngày giờ đi, rồi trao cho tôi và nói : “17 Avril có chuyến tàu đi về Tây, sẽ đi ngang Ấn-độ và đáp bến Madras ; thầy đem giấy nầy đến sở Thông-hành mà trình thì tiện việc.” Chào mấy thầy, đi qua sở Thông-hành, trao giấy cho thầy thông, thầy xem rồi bảo đóng 3.$00 tiền giấy thông-hành. Thầy thâu bạc rồi, bảo 15 Avril lại lấy đủ giấy tờ. Chào thầy, trở về nghỉ.

    Đúng 7 giờ rưỡi mơi ngày 15 Avril tôi có tại sở Thông-hành kỳ chót. Thầy thông thấy tôi, bèn lo làm giùm giấy thông-hành. Tôi thấy bữa nay thầy mới chịu làm thông-hành, thì biết rằng : “Không điều chướng ngại, vì sở mật-thám đã cho tin lành rồi. Ăn thua bữa nay, nếu có điều ma chướng thì không trông đi đặng.” Thầy bảo đưa 40.$00 đăng tiền thế-chưn quận về. Tôi trao rồi, thầy bèn làm giấy đăng kho, đem qua thượng-thơ ký tên và đi đăng kho giùm. 10 giờ, thầy về sở, trao giáp lai kho cho tôi và nói : “Số tiền nầy, lúc trở về sẽ lãnh lại, phải giữ giáp lai.” Buổi sớm mơi, hầu ký tên chưa đặng. Chiều 3 giờ trở lại sở, chờ tới 4 giờ, ký tên rồi, thầy giao giấy thuế-thân, căn-cước và thông-hành cho tôi. Cám ơn thầy và từ giã ra về, hai cẳng nhẹ nhàng, vì bữa nay mới chắc xong việc và phỉ-nguyện. Đêm nay mới hả hơi và ngủ êm-đềm.

    Om Mani Padme Hum !

  6. #6
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    SỰ TÍCH TÂY DU PHẬT QUỐC
    Phần 1

    __________________________________________________ _____________________________________



    Tại Lãnh-sự Ăng-lê

    Sớm mơi bữa 16 Avril, tìm đến phòng quan Lãnh-sự Ăng-lê, đặng hầu ghi trong Thông-hành. Trước phòng-việc Lãnh-sự có một thầy Ấn-độ để lo về vụ ấy. Lại bàn viết của thầy, trao thông-hành. Thầy bảo đóng 5.$00. Thầy thâu tiền rồi, gắn con niêm, nhựt ký, đoạn đem vào cho quan Lãnh-sự ký tên, đóng dấu rồi trao cho tôi. Cám ơn, chào thầy, ra đi thẳng nhà-rồng. Lại phòng bán giấy tàu, nhưng thầy bán giấy nói, mai mua đặng, trở về am nghỉ. Nghĩa là : giấy tàu hạng chót không cần mua sớm, trước hai giờ tàu chạy còn mua đặng.

    Một đêm chót cùng huynh đệ

    Từ khi lấy đặng giấy thông-hành rồi, thì trong huynh-đệ và chư cô : xuất-gia, cư-sĩ đều có vẻ ưu-bi vì sẽ xa cách một người Thiện-tri-thức. Tôi thấy vậy thì an-ủi mà rằng : Sự du-lịch đất Phật đây chưa phải là một sự hằng-hữu. Nước nhà của mình, mới một mình bần tăng, là Thích-tử Việt-nam, ngày nay đi lễ-bái Thế-tôn thánh địa, nơi Trung-thiên-trước-quốc. Cổ-kim, mới một lần thứ nhứt có cái hạnh-phúc nầy, sao lại không vui, mà lại có sắc buồn-bã là cớ sao ?

    Sớm mơi mai, tôi muốn một mình tôi đi êm-ả, xin chư huynh, cô đừng mất công đi đưa làm gì. Tối lại tôi lo ngơi nghỉ, vì mấy ngày rày chạy sở, chạy tần mỏi mê thân-tâm. Tôi cũng có cái ý lánh sự bận bịu. Đến khuya, tôi thức giấc, nghe trống điểm canh ba. Lên chánh-điện, đèn nhang lễ Thánh-tượng và cầu xin để pháp-phục lại Đạo-tràng. Nguyện mặc một cái áo tràng vải dà, theo tục-lệ nước nhà mà đi. Qua đến Tây-thiên sẽ tùy cơ ứng-biến. Đó là đề phòng Ngoại-đạo, e biết pháp-phục mà sanh khó.

    Tạm biệt lên đường

    Sáu giờ rưỡi mơi, bữa 17 Avril, có xe hơi của cô Diệu-nhẫn ở Lái-thiêu (bà ba Thu) đem đến tiễn-hành. Mở cửa chánh-điện, lễ Thế-tôn thánh-tượng, đoạn ra xe hơi, chư huynh-cô đứng hai bên xe, mà làm lễ tiễn-hành. Tôi và huynh Chí-thông lên xe, có mượn một người Ấn-độ quen ở Lái-thiêu đi xuống Saїgon đổi bạc Ấn-độ giùm.

    Xe hơi đi tới đường Catinat là 8 giờ. Anh sáu chà đem vào nhà đổi bạc Ismaёl, đổi. Đoạn gặp một người Ấn-độ trạc lối hai mươi ngoài tuổi, mặc âu-phục, đi ngang qua đây, thấy bọn tôi ăn mặc đồ thầy-tu Ấn-độ, nên dừng chưn hỏi anh sáu chà.

    Hai đàng nói chuyện với nhau rồi, thì thầy Ấn-độ âu-phục nói với tôi rằng : Ông đi Madras, không có ai quen, để tôi đem ông lại một người anh em của tôi, đặng nói với y gởi gấm ông tốt hơn. Hạnh-phúc thay, cám ơn người có lòng tốt, đoạn theo chưn ông ta đi lại đường Ohier, ông ta đem tôi vào căn phố 27, thì thấy có một người Xả-tri ngồi nơi bàn-viết, xem người tuổi lối ba mươi. Hai đàng gặp nhau, chuyện vãn, rồi kêu tôi lại gần mà nói rằng : “Ông nầy là Mr. Ramassamy, là phó-hội-trưởng của hội Xả-tri Madras, ổng vui lòng mà gởi gấm ông, ông đừng lo sợ.” Nói rồi, ông ta nói : “Tôi mắc đi làm việc, ông ở đây nói chuyện, đoạn chào mà đi. Ông Ramassamy vui-vẻ mời ngồi, đoạn kêu một thầy Annam làm việc cho hội đến thông ngôn. Đoạn ông Phó-hội-trưởng viết hai cái thơ, viết rồi trao cho tôi và nói với thầy thông-ngôn một chập. Thầy thông nói : “Hai cái thơ một cái trao cho ông Chánh-hội-trưởng khi tàu tới Singapore, vì ổng cũng về Madras, mà ổng đi trước qua Xiêm vì có việc, rồi ổng xuống Singapore mà đáp chuyến tàu nầy mà về Madras. Còn một cái, thì khi ông đến tại thành Ba-la-nại (Bénarès city) tìm lại nhà hội cho vay Madras mà trao, thì ông sẽ đặng an-ổn.” Nói rồi thầy thông chào mà đi lo phận sự. Vì sao mà thầy Ấn-độ âu-phục khi nãy, sẵn lòng đem tôi đi gởi gấm ? Bởi khi nãy, thầy nghe nói ông chủ nhà đổi-bạc Ismaёl không chịu gởi-gấm giùm, vì tôi là thầy tu khác-đạo. Do đó thầy Ấn-độ âu-phục thương đến, nên đem đi gởi gấm. Ismaёl là đạo Hồi-hồi, đối với các chi đạo, thì đạo Hồi-hồi vẫn công kích hết, chẳng một mình đạo Phật mà thôi đâu.

    Nhắc lại, ông phó-hội-trưởng Ramassamy có lòng sốt sắng lo thơ từ gởi gấm giùm rồi, ông lại mời ở lại ăn-ngọ, vì ông cũng ăn chay. Căn phố của ông ở cũng gần bên. Ông dẫn lại nhà, thì thấy có bốn người chà ở trong, ông bèn chỉ mấy ảnh mà nói với tôi rằng : “Mấy người nầy cũng về Madras chuyến tàu nầy.” Đoạn cơm đổ vào lá chuối rồi ông mời ngồi lại ăn cơm. Cùng mấy anh chà ăn cơm rồi thì các ảnh lo kêu xe lại chở đồ đi xuống bến tàu.

    Chào ông Ramassamy và cảm ơn ông, đoạn ra xe đi với bốn anh chà, và đi và ngó thành phố Saїgon mà từ giã tạm biệt. Tới cầu tàu nhà rồng, bước xuống xe, thẳng lại mua giấy tàu. Thầy bán giấy, xem thông hành y theo luật-lệ, thầy mới dám bán giấy. Trả 70.$00 tiền tàu, lấy giấy quày ra cầu, thấy chư huynh-đệ đứng chực đưa. Tôi thẳng lại, chào nhau và nói : “Chư huynh-đệ không ở Đạo-tràng an-ổn, đi đưa làm chi cho mất thì giờ.”

    Đoạn tạm-biệt nhau, tôi lại thang cầu lên tàu, trình giấy cho người gác thang, đặng lên bông (boong) tàu.

    Om Mani Padme Hum !

  7. #7
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    SỰ TÍCH TÂY DU PHẬT QUỐC
    Phần 1

    __________________________________________________ _____________________________________



    Tám ngày dưới tàu

    Thẳng lên bông tàu, xuống một cái hầm, phòng hạng chót, đồ hành lý chỉ có hai túi-dết, một túi đựng kinh, một túi đựng y-phục. Choán một cái giường, để đồ hành-lý, đoạn thay pháp-phục, trao cho huynh Chí-thông đem về đạo-tràng. Huynh Chí-thông từ-giã lên bờ, tôi leo lên giường ngồi, quan-sát chung-quanh chỗ tạm. Thấy mấy anh chà quen, cũng choán giường gần bên mình. Trước tôi, lại có một người bồi Bắc-kỳ theo chủ về Tây, nằm cái giường đó. Còn bao nhiêu giường kia, đều là người Ấn-độ. Kế cái hầm-phòng nầy là cái căn lò-bếp, để nấu ăn cho hành-khách Ấn-độ. Anh bồi Bắc-kỳ, mỗi khi ăn cơm, lại đến ăn bên phòng bếp An-nam kế bên. Còn tôi, thì đang lúc phải tập ăn cơm theo Ấn-độ, nên tiện bề khỏi đi đâu, lại tiện bề học tiếng Chà và Ăng-lê.

    Năm giờ ngoài, tàu xúp-lê mở đỏi. Ai nấy đều lên bông mà chào cảnh-vật Saїgon, tỏ lòng tạm-biệt hay từ-giã. Còn tôi, nằm êm trên giường, nghe tiếng máy chạy ầm-ì và dòm ra lỗ-bô, thấy cảnh-vật thay-đổi như hình rọi trên vải hát-bóng. Khuất gian nhà nầy, tới dãy phố kia, hết tốp người nầy, tới đoàn người nọ. Lầu-đài, nhà-cửa, nhơn-vật, cầu-bến, sông-rạch, cây-cỏ, ruộng-vườn, đường-xá, nói tắt cảnh-vật đều đổi-thay trong nháy mắt. Toại chí, kệ rằng :

    Cửa sổ ngựa qua, đời mấy lát,
    Lỗ-bô tàu chạy, cảnh thay liền.
    Hỏi thăm giả thiệt, vùng hoàn-vũ,
    Giấc mộng trả lời, dứt đảo-điên.


    Kệ rồi, để mắt hai bên lỗ-bô, thấy cỏ xanh đồng, ruộng. Biết tàu đã xa phong cảnh Saїgon, bèn nói trong bụng rằng : “Từ đây, yên hà vân-thủy, phóng thang giang-hồ. Mặt nước, chơn-trời, ra rồi lồng, chậu.” Trong tàu, đèn khí nổi ngọn, ngoài trời trăng ló bóng. Nằm nghỉ, vì mỏi mê cả ngày, phút êm-đềm giấc-ngủ. Chừng giựt-mình thức dậy, thấy quanh giường bạn lữ khách ngáy pho-pho. Xuống giường êm-ái, lại máy nước rửa mặt, rồi lại thang lên bông-tàu. Vắng-hoe, người người đều an-giấc. Gẫm giờ nầy, không ai thức làm gì, ngoài ra người coi bánh lái và bọn chụm lửa và người coi máy, thì không còn ai thức nữa. Tôi đứng dựa song-ly bong-tàu, dòm mặt biển. Mùa nầy, gió lặng sóng êm, tàu không chao-lắc, hèn chi lời tục nói : “Tháng ba, bà già đi biển” phải lắm. Gặp lúc trăng rằm, tỏ-rạng, mặt nước không nhăn, bóng trăng soi tận đáy. Toại kệ rằng :

    Gió êm, biển lặng bóng trăng lồng,
    Đáy nước, bầu trời, một Hóa-công.
    Đuốc nguyệt, đèn sao trên dưới tỏ,
    Thiên, Long hội yến tiễn bần-tăng.


    Om Mani Padme Hum !

  8. #8
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    SỰ TÍCH TÂY DU PHẬT QUỐC
    Phần 1

    __________________________________________________ _____________________________________



    Kệ rồi, xây lưng, sắp xuống hầm, trực ngó một lớp lính "sơn-đá" (soldar), nằm ngủ trên bong và khách Ấn-độ, một đôi người sắp lớp, kẻ ngang, người dọc ngáy ro-ro. Tôi dừng bước, nhìn đó mà nghĩ rằng : “Kiếp con người đến bao nhiêu đó là cùng. Ngày thức, như kiếp sống, bôn ba tranh cạnh, bỉ-thử lấn-xô, hồ, cáo cấu xé, bất quá bảo tồn cái ngã và ngã-sở, nuôi sống xác-thân. Đêm ngủ, như giấc chết tạm, xả rồi mọi sự, ngã ấy bất quá bản-thân, cũng quên, cũng bỏ. Kẻ nghịch, đến giết cũng không hay không biết. Hà tất ngã-sở, vợ con, nhà cửa, của tiền, vân vân…

    Tuy thân còn tại thế, mà trong một giấc ngủ, đủ rồi buông bỏ ; sự mất còn, phú đó cho rủi-may. Huống chi là trong giấc ngàn thu của xác thịt… Một mình nghĩ đến đó, một mình thở ra, rồi thẳng xuống phòng ; thấy đồng hồ đã quá 3 giờ. Lên giường nằm nghỉ, chưa kịp nhắm mắt, nghe đằng chỗ nấu ăn, mấy người chà đầu bếp đã thức dậy, tôi cũng còn nằm nghỉ mệt.

    Sớm mơi, điểm tâm lúc 7 giờ, một ly café sữa với bánh mì. No-nê rồi lấy cuốn sách trợ khách (guide) chữ Tây và Ăng-lê, học ít câu để đi đường. Rồi cũng hỏi mấy anh chà tiếng Ấn-độ mà học. Họ nói đâu thì biên vào sổ tay tiếng nấy, vì tiếng Tamil khó nói và khó nhớ lắm.

    Trưa 11 giờ ăn cơm với cà-ri chay, chiều họ ăn, mình nghỉ. Ngày nào như ngày nấy. Ngày nào không có cà-ri chay thì tôi lại có cà-na muối, đậu phộng nấu mặn, sẵn dành trong túi-dết.

    Bảy giờ mơi ngày 20 Avril 1935, tàu đã tới Singa-pore. Tàu cập cầu rồi, thì khách trên bờ, khách dưới tàu, kẻ lên người xuống. Tàu đậu tới 1 giờ chiều, mặc-tình hành-khách đi xem thành-thị và mua vật-dụng.

    Khi ấy, tôi thấy nhiều người Ấn-độ xuống tàu, hỏi thăm anh Bảy Venugopala, ông nào là Tào-kê([5] chủ hội Xả-tri ? Anh ta chỉ rồi, tôi đem thơ của ông Ramassamy đưa cho Tào-kê chủ. Ông ngó tôi một cách sửng-sốt, như kiếm trên gương mặt tôi coi có vẻ quen hay không. Anh Bảy Venugopala bèn trăm(6) lia với ông. Ông lấy thơ ra xem, rồi tươi cười và xá-xá tôi, đoạn nói : “Tốt quá, tới Madras có tôi không sao mà.” Ông xếp thơ bỏ vào túi rồi hỏi tôi : “Ông đi lên chợ chơi, coi chơi.” Tôi lắc đầu, nói không đi. Mấy ảnh kéo nhau đi, còn tôi thì lên mé bực thạch coi người mua bán. Đoạn thả theo đường lộ, một nẻo cho dễ nhớ, không dám quẹo qua đường khác, vì sợ lạc đường. Singapore thì vui rồi, phố xá, lầu-đài, dinh-thự, ngó xán-qua thì cũng biết đẹp xinh. Người Tàu ở đây đông đảo lắm. Ấy là một cái hải cảng to lớn. Trở lại cũng một con đường đó, xuống tàu, lên giường ngồi, sực nhớ cặp mắt sửng-sốt của anh Tào-kê xả-tri ngó mình khi nãy, và những mắt người gặp trên đường ngó mình, trong lúc dạo xem thành-thị. Bèn toại ý kệ rằng :

    Om Mani Padme Hum !

  9. #9
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    SỰ TÍCH TÂY DU PHẬT QUỐC
    Phần 1

    __________________________________________________ _____________________________________



    Không kim, không cổ, vẫn quen nhau,
    Cảnh huyễn mài bôi, ngũ thể màu,
    Mắt huệ toàn xem, nào có lạ,
    Nơi mô cũng gặp, ngảnh là sao ?

    Là sao bỉ-thử, buổi hôm nay ?
    Ngũ dục tranh mồi, quên lửng ai ;
    Nhượng hết cho đời, tay rũ sạch,
    Xin đừng chia rẽ, nói là hai.


    Một giờ ngoài, tàu xúp-lê mở đỏi. Hành-khách xuống tàu, trong tay ai nấy cũng có ôm xách, không nhiều thì ít, những vật mua trên thành phố Singapore. Vì ở đây đồ đạc rẻ lắm, ai cũng ham vật tốt mà giá rẻ. Đem xuống tàu, phô-trương trầm-trồ, so-sánh cùng nhau.

    Tôi lên bong, đứng ngắm cái cảnh hải-cảng Singa-pore. Vì một lần thứ nhứt mới thấy, chớ bấy lâu nay nghe tiếng vậy thôi. Đi một con đường không thấy hết, đứng cao xa thấy trọn mặt châu-thành, thiệt là :

    Lầu-các, phố-phường cao chất-ngất,
    Trên bờ, dưới nước chật tàu xe.
    Dân-cư đủ sắc, nhiều phe,
    Bán-buôn đủ vật, dưới ghe trên phường.
    Xắt-xẻ phân, nhiều đường lắm nẻo,
    Khách lại qua kéo tốp, kéo bầy.
    Trông xa đảnh núi đụng mây,
    Đỡ trời ngăn bể hộ bầy sanh-linh.
    Thủy-long choán thinh-thinh ba hướng.
    Ngăn cõi bờ chẳng nhượng con trời.
    Hằng ngày hầm-hét khắp nơi.
    Đùng đùng binh sóng ngoài khơi áp vào.
    Mặt thành rấp xôn xao muốn hãm.
    Quyết trả thù cho đám cá tôm.
    Con trời đoài buổi đoài hôm.
    Mưu câu kế lưới chẳng nhờm sát-sanh.
    Bao giờ sóng lặng người lành.
    Ta-bà vàng trải đã thành Lạc-bang.


    Ngẫm nghĩ rồi cảnh vật, tàu chạy đã xa, còn thấy mờ-mờ, dạng-dạng. Bèn quày quả xuống phòng, xem kinh đọc sách, học tiếng chà đủ mửng, tiêu khiển ngày giờ, chờ ngày đến Ấn-độ. Ngày ăn, đêm ngủ không bỏ đặng.

    Om Mani Padme Hum !

  10. #10
    Ban Điều Hành Avatar của hoangtri
    Tham gia ngày
    May 2015
    Bài gửi
    2.234
    Thanks
    740
    Thanked 630 Times in 296 Posts
    SỰ TÍCH TÂY DU PHẬT QUỐC
    Phần 1

    __________________________________________________ _____________________________________



    Bước đầu trên đất Tây-trúc
    Ba ngày nương tại thành Madras


    Bảy giờ sáng ngày 25 Avril, tàu đã tới hải-cảng Madras. Quảy gói lên bong, ngó lên thành-phố, có ý sốt-lòng và nghĩ thầm trong trí : “Ngờ đâu mà Thành-phố xứ Ấn-độ đặng lịch-lãm, đồ-sộ như thế.” Ngó dài theo bến bực thạch, cũng đủ ngưng tròng.

    Tàu cập cầu, anh Venugopala kêu tôi bảo sửa-soạn đặng trình thông hành rồi lên bờ. Lính xuống tàu, đứng tại cửa thang tàu đã thòng đụng mặt cầu. Ai lên tại đây đều lại trình giấy tờ mà lên. Tôi theo anh bảy lại trình thông hành rồi, bèn xuống thang, đứng nơi cầu đặng chờ mấy anh bảy. Họ còn đồ-đạc, rê ở xứ Annam, đem về Ấn-độ lung lắm. Cả năm mười rương. Nên tôi đứng đó coi chừng giùm và để mắt xem tốp người trên cầu. Ròng là người bổn-xứ, mà tôi nghĩ sao lạ quá, vì không thấy một người Hoa-kiều nào cả. Mấy ảnh đem đồ hành-lý lên đủ rồi, kêu xe chở lại sở Thương-chánh. Xét rồi, đóng thuế rồi, xe lần-lượt ra cửa sở. Đụng đường-lộ lớn, láng-bóng không một miếng rác. Càng đi vào thành-thị càng thấy nguy-nga, trẽ qua một con đường hẻm lớn, đi ngang qua một đống rác và tro. Tôi để ý khắp nơi, ấy là đầu-óc người lữ-khách. Đến xứ người, không một sự việc chi trong cảnh-vật, quanh mình, dầu lớn dầu nhỏ, cũng có thể dạy ta đặng những sự ta chưa từng thấy. Vì vậy nên mới thấy đặng một gã trai ốm yếu, đầu cổ chôm-bôm, trạc chừng hai mươi tuổi, nằm lăn nơi tro rác. Mình mẩy trần truồng, chỉ có một rẻo vải che chỗ kín. Lạ thay, không ai chiếu cố, để mắt chia giùm cảnh thảm ấy. Tôi bèn hỏi huynh Venugopala (anh bảy nầy biết nhiều tiếng Annam, nên hay lân-la với tôi, hơn hai chú nhỏ Tampi), nên mới rõ là một người tu-hành trong đạo Phá-kích (Fakir). Hành khổ hạnh, lấy tro ướp thân, trần truồng chịu mưa, nắng, tuyết, sương. Bấy lâu nay nghe trong kinh nói, chớ chưa từng thấy. Nay đặng tận mắt, thì phá tan đặng một màn tưởng-tượng. Xe quẹo qua một con đường không mấy rộng, ngừng trước một cái nhà hai từng, rộng lớn nền cao. Đây là nhà hội Xả-tri cho vay đó, tôi theo chưn ông Tào-kê bước vào. Thì cả thảy cặp mắt tròng trắng như bạc kia, đều nhắm qua hướng của tôi, cách sững-sờ tự-nhiên. Tào-kê biết, trăm lia, ai nấy gật đầu, tôi cũng chào họ. Chôi cha, dưới tàu học được ít tiếng chà miền-dưới, như con nít mới học nói. Phúc gặp đám mừng bạn đường xa mới về, nghe qua như vịt nghe sấm. Tôi đem thẳng cái gói hành-lý lại một cái góc-xó, cận tường mà rộng-rãi. Để đồ đó, ngồi đó mà nghỉ một cách không e-lệ. Vì đã quen mắt dưới tàu, vào ra cùng người da đen nầy. Ngồi nghĩ rằng : “Ta nay mới hạ sanh trên đất Ấn-độ, phải chịu câm, điếc một ít lâu, như con trẻ mới ra khỏi lòng mẹ. Có tai không biết nghe tiếng người là điếc, có miệng không nói đặng tiếng người là câm. Nhưng, ta khá hơn trẻ bé, vì biết ra dấu, đỡ lắm. Mở gói, lấy dết đựng trang phục, lấy cái chăn nhuộm già, có đem theo phòng lúc tắm rửa. Thay quần áo, vì tám ngày ở dưới tàu chịu lì. Đoạn trải cái mền ra, trên nền tráng xi-măng, nằm nghỉ như mấy ảnh, trên đệm trên chiếu đó. Chớ họ có bàn, ghế, ván, giường chi đâu. Mấy anh kia đem đồ vô rồi, họ cũng đi chào bạn cố hương của họ. Mười giờ rưỡi, mấy ảnh hô : “Côlick borème” tôi nghe biết họ đi tắm. Tên Tampi cháu Tào-kê, lại bảo tôi đi tắm. Tôi nói không tắm, thì y nói : “Không tắm ăn cơm không đặng mà.” Tôi hiểu đó là phong-tục của họ. Thôi thay chăn đi tắm, có hồ nước phía sau, lớn và đầy nước.

    Om Mani Padme Hum !

Thông tin chủ đề

Users Browsing this Thread

Hiện có 1 người đọc bài này. (0 thành viên và 1 khách)

Quyền viết bài

  • Bạn không thể gửi chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi trả lời
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết của mình
  •